2. Lm Nguyễn Trung Tây: một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại

SHARE:

2. Lm Nguyễn Trung Tây: một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại

Nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn 
Lm Nguyễn Trung Tây: một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại 

Phần II:  Nhà Văn Của Những Vấn Đề Di Dân

Tường thuật của tác giả về cuộc đời mình trong các truyện ngắn (trích dẫn ở trên) đã khắc họa một nhân vật “di dân” tiêu biểu của lịch sử Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Tác giả trở thành nhân vật của chính mình, nhưng nhân vật lại mang những đặc điểm, phẩm chất con người của một thời, cả những điều bi đát và những thăng hoa thành đạt ở xứ người. Nhân vật “di dân” ấy cũng đau đáu những vấn đề tư tưởng, văn hóa và thân phận (xin đọc: Tôi hét lên, Dấu chấm hỏi, 911 và sự thật, Chuyện 40 năm: Hồn đi lạc, 30 tháng Tư chữ trầm chữ thăng, Tôi từ thiên đàng tới, Hành trình Văn Lang, Cơn mơ và giấc mộng…) 

Vì sao tác giả ra đi để nhiều lần chịu cảnh tù đày trong các trại giam và nhiều lần kề cận tử sinh khi lênh đênh trên biển. Ra đi, bỏ lại tổ quốc, bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, chấp nhận đánh đổi cả sinh mệnh với rủi ro, quyết định ấy thật không dễ dàng. Phải có một động lực ghê gớm thúc đẩy. Tác giả lý giải: "Ông Trời mà không mang mi đặt chân tới Mỹ, nặng lắm thì giờ này cũng đã nhảy lên bàn thờ ăn xôi nghe kèn, nhẹ lắm thì cũng trà đá mía ghim”(Truyện: Dấu chấm hỏi).

Người Việt bỏ nước ra đi cuối thế kỷ XX có nhiều đối tượng. Nhưng tựu trung, ra đi là để tìm một con đường sống mà ở trong nước họ không có lối thoát. Những năm sau 1975, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách “cải tạo Xã hội chủ nghĩa” đối với miền Nam. Trước hết là tập trung “đánh tư sản”, rồi đưa dân đi Kinh tế mới, đổi tiền. Chính sách cải tạo đối với những người lính Cộng hòa hoặc làm việc cho chính quyền Cộng Hòa. Con cái của hàng triệu gia đình ấy bị phân biệt đối xử…Thời gian ấy, tình hình chính trị có những biến động nghiêm trọng: chiến tranh biên giới 1979; Khối Đông âu và Liên xô sụp đổ đã đưa Việt Nam đến bờ vực khủng hoảng trầm trọng. Hậu quả của những chính sách “cải tạo” miền nam đã làm cho nền kinh tế Việt Nam suy sụp, đẩy hàng triệu người ra đi bằng những con thuyền nhỏ vượt biển. Hàng vạn người đã chết trên biển, cũng hàng vạn người bị hải tặc Thái Lan làm nhục và sát hại. Thảm cảnh “thuyền nhân Việt Nam” trở thành một vấn đề mà thế giới phải quan tâm. Sau đó mới có chương trình “ra đi trong trật tự”(ODP) tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. 

Khác với nhà văn thế tục, Nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây nhìn những dâu bể của cuộc sống dưới “lăng kính tôn giáo” (truyện 911và sự thật), nhìn bằng con mắt đức tin, không xuất phát từ thái độ chính trị của “bên thua cuộc”. 

Đây là cảnh “thuyền nhân” gặp nạn được kể lại trong truyện Đường tử tức: 
“…chuyến tàu hôm đó, con gái đụng hải tặc bị bắt hết, con trai bị chém bay đầu, chỉ còn sót lại những người già da mồi tóc bạc. Máy tàu bị gỡ, thuyền lênh đênh trên biển, không lương thực, không nước uống, người ta ăn thịt người tỉnh bơ như ăn sáng một ổ bánh mì kẹp chả lụa. Tôi nhớ bà cụ khoảng sáu mươi tuổi, đầu vấn khăn nhung gọn gàng, ngồi yên, đưa vào miệng miếng thịt nhai sần sật. Nhai hết miếng thịt, bà cụ cúi xuống, lấy gấu quần lau miệng như một thói quen thường lệ. Thấy tôi nằm mê mệt trên khoang thuyền, nhiều cặp mắt trầm tĩnh đợi chờ giây phút sẽ tới. Nhưng không, như một phép lạ, tôi đặt chân lên bờ biển Trengganu của Mã Lai với đôi mắt vàng sền sệt mầu nghệ, người ta nói bởi vì những miếng thịt người! Cao Ủy Tỵ Nạn đưa thẳng tôi vào phòng Cấp Cứu bệnh viện Sick Bay trên đảo Pulau Bidong…”. 

Và đây là thảm cảnh cá nhân: “trong khi hải tặc bò lổm ngổm như cua càng trên khoang thuyền, con gái bị bắt, từng người đang bị xô đẩy lôi kéo sang tàu Thái, con trai đã bị chém đứt cần cổ mấy tên rồi. Tới phiên tôi, tên hải tặc giơ cao mã tấu xuống, tôi nhìn lên bầu trời, chỉ kịp lẩm nhẩm mấy lời thật nhanh xin lỗi bố mẹ cho những lầm lỗi. Nhưng nàng đã nhào tới, cản ngang lại đường mã tấu. Lưng người tình trung học của tôi hứng trọn đường dao. Máu đỏ vọt ra có vòi từ bờ vai thanh xuân con gái mười chín. Người đẹp tranh vẽ nhìn tôi, nàng không nhăn một vết nhăn trên trán bởi đường chém, nhưng mỉm cười, mắt từ từ nhắm lại, thân hình đổ xuống che cản lại thân xác tôi. Tôi hét lên, ngã xuống, bất tỉnh!”. 

“Ngày này nối tiếp ngày kia, hết đêm dài lại tới đêm thâu, bao nhiêu con tàu quốc tế đi ngang qua nhắm mắt làm ngơ…”

Những hình ảnh thương tâm ấy sẽ làm cho trái tim “thuyền nhân” đau đớn suốt đời. Nhân vật Tôi nói với chị: 

“ - Chị ơi, vợ em hồi đó đã có thai, hai tháng rồi…Chị tôi ôm tôi vào lòng, hai chị em cùng khóc”. Nghĩa là cả vợ lẫn đứa con hai tháng tuổi của nhân vật tôi bị hải tặc Thái Lan giết dã man. 

Vấn đề tư tưởng thứ hai của người Việt tị nạn là thân phận của mình:

- “Ông bạn từ đâu tới vậy?”. 
Người việt di dân tự hỏi: Tôi là người Việt hay tôi là người Mỹ? 

- Không có câu trả lời rành mạch. Văn hóa Việt vẫn còn trong huyết quản, trong não trạng, trong hơi thở. Kỷ niệm với quê hương, với người thân vẫn sống động trong ký ức. Mồ mả cha ông, tổ tiên vẫn chôn vùi trên đất Việt. Nhưng nơi ấy giờ đã thành quá khứ. Trước mặt là nước Mỹ, xung quanh là lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ mà người Việt phải hội nhập. Đứng ở hai bờ văn hóa, những người Việt thế hệ 1 không sao tìm được sự an tâm. Họ chông chênh trong thân phận lưu vong, không có quê hương. 

Truyện “Tôi tới từ thiên đàng” là nỗi trăn trở khôn nguôi về quê hương, về ngôi nhà của mình. Không sao tìm được câu trả lời cho câu hỏi:

- “Ông bạn từ đâu tới vậy?”. 
Bế tắc trong đời thực, tác giả hướng lên trời tìm câu trả lời bằng con mắt đức tin. 

- “Ông bạn từ đâu tới vậy?”

Một câu hỏi đơn giản như thế thông thường được trả lời với một câu bắt đầu với chủ từ “Tôi”, theo sau là động từ “là” (trong trường hợp này động từ “là” nằm ở thì hiện tại, ngôi thứ nhất, số ít, đọc là “từ”), cuối câu là túc từ (tên của một quốc gia nào đó). Dựa vào những nét Đông phương trên khuôn mặt, thiên hạ thông thường vẫn chờ đợi tôi sẽ điền vào chỗ trống của túc từ với một danh từ, hoặc “Thái Lan” hoặc “Cambuchia” hoặc “Trung Hoa”. Nhưng nếu tôi thành thật và ngây thơ nói,

- “Hiệp Chủng Quốc…”, 
thiên hạ đã rất nhiều lần phản ứng ngay với giọng điệu mỉa mai, 

- “Ông thần? Ông đâu phải là Mỹ!...” 

“Câu chuyện “Bạn từ đâu tới?” không chấm dứt ở đây… Bởi đã có những lần quay về Việt Nam công tác, tôi đã từng được/bị (người Việt) nhìn hoặc đối xử hoặc coi như một người ngoại quốc ngay trên vùng đất chôn nhau cắt rốn…”

“…Vâng! 20 năm hít thở không khí Việt Nam! 2 năm làm người vô tổ quốc lang thang trại cấm Mã Lai và trại tỵ nạn Phi! 21 năm lang thang ở Mỹ! 10 năm làm việc tại Úc Châu! Và bây giờ bạn hỏi tôi, “Anh từ đâu tới?”. Và bạn chờ đợi một câu trả lời đơn giản. Nghiêm chỉnh đi ông bạn! Đừng nói chuyện bỡn!...” 

“Tôi chỉ ngón tay lên trời, bầu trời xanh xanh màu ngọc bích, khẳng đinh, “Tôi từ thiên đàng mà tới”. 

Nói vậy chỉ là một cách nói cho nhẹ lòng một chút. Bởi vì, người Việt là dân định cư định canh, không phải dân du mục, nên tình quê hương là một trong những giá trị thiêng liêng. Mảnh đất cha ông để lại là tài sản vô giá con cháu phải giữ gìn. Ngày tết, con cháu đi đâu xa mấy cũng phải về quê thắp nhang đón ông bà về cùng con cháu. Vì thế thân phận “lưu vong” là một thân phận bi đát. Nó trở thành một chủ đề lớn trong dòng văn học của người Việt ở hải ngoại. 

Ở Mỹ, nhà văn buộc phải thay đổi, phải thích ứng với văn hóa Mỹ. Nhưng chính sự thay đổi này lại nảy sinh nhiều bi kịch. 

“Từ những năm 1984 cho tới 2006 trước khi bỏ đi xa, nó liên tục hít thở và trưởng thành trong bầu không khí Mỹ. Nó học hỏi tư tưởng thực dụng của văn hóa Mỹ. Nó học hỏi lòng tự trọng, kính trọng chính mình và kính trọng người khác, dù có là khác mầu da và tôn giáo. Nó học được tinh thần tự tin, tin vào khả năng do Ông Trời ban cho chính mình. Nó chấp nhận có những điều không thay đổi được; riêng những điều được trao tặng, nó trân trọng giữ gìn. Nếu phải ngồi làm những bài tính cho công bằng, nó nhận thấy, bà mẹ Mỹ đã cho riêng nó nhiều điều, óc thực dụng, lòng tự trọng, tính tự tin, biết chấp nhận, và tâm tri ân” (Truyện: Dấu chấm hỏi). 

Và nhờ tinh thần nhập cuộc, người Việt tị nạn ở Mỹ đã thành công trong nhiều lĩnh vực: “Bởi quyết tâm và say mê xây dựng lại một đời sống mới tinh trên vùng đất mới, gia đình Việt Nam, cả bố cả mẹ lên đường nhập cuộc. Trời thu cũng như trời đông, bố mẹ tị nạn chở con tị nạn tới trường; khi con biến mất sau khung cửa, bố mẹ quay ra nhập vào dòng xe cộ ngược xuôi hướng thẳng tới công xưởng làm Technician, Assembler, bưng tô Phở, nửa đêm về sáng quét dọn quán rượu Mễ, và đủ các nghề để kiếm tiền nuôi con Việt. Ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật, bố mẹ chở con tới trường Việt Ngữ học tiếng Việt. Bởi quyết tâm và say mê xây dựng một tương lai vững chắc cho mình và cho con cái, bố mẹ Việt Nam hy sinh tất cả. Bởi thế, tị nạn Việt Nam thuở xưa biến hình. Hành trình Việt Nam hải ngoại, 40 năm viễn xứ, hành trình thành công…

Tác giả vẫn nhìn mọi việc dưới con mắt đức tin: 

“Những con thuyền tị nạn đã cương quyết lên đường mặc dù biết trước hành trình tị nạn nhiều nỗi gian nan, tù tội, sóng biển, ngư phủ Thái, và xua đuổi từ phía chính quyền của những nước lân bang. Mà thật sự là như vậy, nhiều con thuyền gỗ xuất phát từ cửa biển Việt Nam đã không bao giờ cặp bến. Biển xanh đã biến thành mộ phần cho nhiều mảng thuyền tị nạn và thân xác Việt Nam, những máu đỏ da vàng quyết tâm lên đường bởi mê say hít thở không khí tự do. Những con thuyền còn lại cặp bến (dù có là rách nát!) hoàn toàn nhờ vào Ơn Trời. Không có Ơn Trời, thuyền tỵ nạn và thuyền nhân sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân lên bờ, bước đi những bước chân tự do” (truyện: Duyên Trời). 

Tuy nhiên, người Việt sống tình nghĩa thủy chung. “Óc thực dụng” là điều trái với văn hóa và đạo đức Việt. Nhiều bi kịch xảy ra với người Việt tị nạn khi đối mặt với xã hội thực dụng Mỹ. 

Trong truyện Bố Việt Nam và những đức tình bố, tác giả trình bày thực trạng một gia đình Việt Nam. Trong gia đình ấy, bà vợ hai tay hai máy ở sòng bài. ”…bây giờ gặp bà vợ cầm guốc gỗ đập chan chát vào đầu ông chồng giữa nơi thanh thiên bạch nhật, thiên hạ vẫn thản nhiên tỉnh bơ bỏ đi một nước”. “thằng con hỗn như gấu mấy roi cũng phải cẩn thận, bởi coi chừng nó nhấc phôn gọi cảnh sát. Tù mọt gông! 

Rồi tác giả khuyên những ông bố: 

“Ngoài kiên nhẫn, tôi nghĩ bố Việt Nam ở hải ngoại cũng không nên bắt chước thói trăng hoa của ông cựu Tổng Thống Bill Clinton…Cho nên, bố Việt Nam, làm ơn, cũng nên cẩn thận. Về Việt Nam tìm cô Tấm, kiếm hoa thơm, ngoài bệnh Aids, Sida, mồng gà trái khế, cũng hãy coi chừng có ngày dẫm lên vết xe đổ của ông nhà giàu vô danh!” 

Tác giả còn khuyên những ông bố cần phải hiểu biết: 

“Ông thần nước mặn ơi! Bố Việt Nam ở hải ngoại ngoài kiên nhẫn và thủy chung là những đức tính cần phải có, ông ta cũng nên hiểu biết một chút. Bây giờ đang sống ở Mỹ, mà ông cứ nằm dài ở trong nhà, đi ra đi vào sai vợ sai con như sai người ở con sen của cái thời trước năm 75. Lời thật thì ưa mích lòng, nhưng nói thì vẫn phải nói…Ông thì khó tính như quỷ, mà con trai của ông nó chỉ mới trốn biệt ở trong phòng chát chát với bạn bè; còn con gái của ông thì nó chỉ mới son phấn sức nước hoa CK bỏ đi chơi với bạn bè của nó… quanh năm suốt tháng lúc nào cái mặt của ông cũng hầm hầm giống như thù cha chưa trả, như mắc bệnh táo bón kinh niên! Hèn chi con cái nó né gặp mặt ông tối đa. Chẳng trách chi, đi làm vừa mới về, vợ ông không bỏ đi tếch thẳng một nước tới sòng bài cũng uổng!”. 

Và đây là những bi kịch

Truyện Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh kể rằng, bà Tân qua Mỹ diện con lai. Bà ở với chồng và 5 đứa con. Bà nghiêm nhặt trong giáo dục con cái và siêng năng việc nhà thờ... Đùng một cái, chồng và thằng con lai chết cùng một lúc. Một người hàng xóm qua Mỹ sau bà, biết rõ bà là “me Mỹ”. Họ “tám” chuyện: Ông Tân là chồng thứ nhất. “Hai thằng Mỹ trước đâu có đám cưới đám hỏi gì mà chồng với vợ. Hồi đó con mụ đi làm sở Mỹ, rồi vác cái bụng bầu. Ông bố cấm cửa không cho quay về nhà. Sau khi sanh ra con Hương, con mẹ thuê nhà trên Sài Gòn, mướn người vú em trông con. Mấy năm sau, trước 75 mấy tháng, con mụ lại vác cái ba lô ngược. Lần này sinh ra thằng Dương. Con Hương với thằng Dương là hai chị em cùng mẹ khác cha. Ba đứa còn lại là con của ông Tân. -Bà Tân gặp ông Tân lúc nào vậy? - Hồi đó thằng cha đi bán xổ số, con mẹ bán cà-phê. Rổ rá cạp lại sinh ra ba đứa con. Rồi được đi Mỹ theo diện con lai.” Trước miệng đời ác độc, bà Tân chỉ im lặng và khóc. 

Trong truyện Xuân bất tái lai, bi kịch là của một người đàn ông bị vợ bỏ vì “tình dục đã hết”: 

“Ba mặt con, bon chen kèn cựa tới lui, Thái vẫn không vượt quá khỏi bàn giấy văn phòng. Quay đi quẩn lại cũng vẫn chỉ loay hoay với dân thất nghiệp, dân chửa hoang, dân tái định cư của Sở An Sinh Xã Hội. Tình yêu biến mất. Nàng bỏ đi không lời giã từ. Một năm sau, nàng ghé nhà nói hai đứa lên tòa ký giấy. Thái nói: Không! 

Tối hôm đó Thái trằn trọc trên giường. Hồi xưa cứ tưởng tình yêu bền vững đời đời…Lấy nhau, ở với nhau, biết tẩy nhau, bỏ nhau. Tình nghĩa vợ chồng nên giải thích theo một cách khác. Tình đây không phải tình yêu mà tình dục…Thái biết tình dục đã hết, tình nghĩa bốc hơi. Thì thôi! Giữ lại gót sen làm chi? Thái quyết định giữ ba đứa con…”, ”Gần năm năm trôi qua, vợ Thái đã lên xe hoa với người khác”. 

Đây là bi kịch của một người trẻ tuổi: Trong truyện Quán rượu nửa đêm, nhân vật Đình đã kể cho người Bartender nghe “câu chuyện của một người có bố có mẹ, nhưng trở thành mồ côi. Sau cùng nó gặp lại mẹ, nhưng vẫn cảm thấy lạc loài không có bố”. Đình hay tới quán uống rượu. Cậu ta đang học Cử nhân ngành tâm lý. Đình kể: 

“…Bố tôi vượt biển, bỏ lại mẹ tôi và tôi khi đó đang còn là một bào thai. Ông ta tới trại tỵ nạn, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Trong gần 10 trời ông không viết thư về cho gia đình ngoại trừ lá thư báo tin đã tới đảo Pulao Bidong. Sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi xoay sở làm đủ nghề. Nhưng bà ấy hiền quá, bị hết người này tới người kia gạt gẫm. Cuối cùng gia tài và sản nghiệp nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng mới cưới tan theo mây khói. Túng quẫn, mẹ tôi đi ở đợ, làm mướn, sau cùng bế tôi đi…đi…đi ăn xin. Một thời gian đủ dài tôi được nuôi sống bởi những hạt cơm bố thí của thiên hạ. Bà ngoại tôi, một góa phụ từ hồi còn trẻ, một tay nuôi hai cô con gái nên người, không đồng ý cho mẹ tôi lấy người đó. Nhưng mẹ tôi cãi lại lời bà ngoại. Ngày hai người làm đám cưới, bà ngoại nằm ở trong nhà, quyết định không nhận mặt con rể. Sau khi cưới, bố mẹ tôi dọn nhà lên thành phố. Nghe bà con lối xóm kể chuyện gặp con gái bế thằng cháu ngoại đi ăn xin, bà ngoại đón xe lên thành phố ngồi đợi ở chợ nơi mẹ tôi ngày ngày ngửa tay xin tiền của thiên hạ. Mẹ tôi không chịu về làng nhưng chấp nhận để bà ngoại mang thằng cháu đi. Theo lời Dì Hoa, em gái duy nhất của mẹ tôi kể lại, khi đó tôi được 2 tuổi, sài đụi, ghẻ lở, xanh lét như những lá trầu không bà tôi hằng ngày mang ra chợ bán. Bồng tôi về, bà ngoại nấu nước tắm với sả và phèn chua chữa bệnh ghẻ cho tôi. Bà nấu cháo pha đường, mua sữa hộp nuôi thằng cháu. Dì Hoa ngày ngày chạy qua cho tôi bú thép. Tôi lớn lên bên vườn trầu không xanh tươi sau nhà. Nhưng, hai năm sau khi tôi được 4 tuổi, bà ngoại qua đời. Dì Hoa mang tôi về nhà nuôi với ba đứa con. Ở với dì được khoảng 2 năm, cả nhà dì tôi được đi sang Mỹ theo diện H.O. của chú tôi, dượng Ba. Một người bạn thân của mẹ tôi, bà ta có hai người con đang ở ngoại quốc, mang tôi về nhà. Một năm sau, bà ta bay sang Pháp đoàn tụ với con gái của mình. Cuối cùng người ta bỏ tôi vào Viện Cô Nhi Tình Thương do mấy Sơ Áo Trắng Dòng Thánh Phaolô phụ trách. 

Ngày mẹ tôi nhận được giấy bảo lãnh, bà đến Viện Cô Nhi xin lại con mình. Khi đó tôi đã được 12 tuổi. Nhìn người đàn bà xa lạ, tôi không chịu đi theo…” 

Đình kể tiếp: Năm 13 tuổi, anh sang Mỹ. Nhưng mãi đến khi anh 17 tuổi anh mới nhận mẹ: “tôi giơ tay ra nắm bàn tay của người đàn bà đã sinh ra tôi, bế tôi đi ăn xin 2 năm trời, và tôi mở miệng gọi “Mẹ ơi” ”. 

Còn người bố, Đình kể tiếp: “Bố tôi? Người đã bỏ mẹ tôi và tôi gần 10 năm, không một lần liên lạc ngoại trừ lá thư khi mới tới đảo và giấy tờ bảo lãnh; hồi xưa, tôi tưởng bởi vì ông ta cực nhọc vất vả với đời sống mới. Về sau tôi mới biết có một thời ông ta ở với một người đàn bà, một người tình nhân cũ. Hai người chung vốn mở tiệm Phở. Tiệm ăn đông khách lắm. Nhưng cuối cùng người đàn bà gạt ông ta qua một bên, chiếm lấy tiệm Phở. Thế là ông ta trắng tay. Sau biến cố đó, ông làm giấy tờ bảo lãnh mẹ con tôi qua Mỹ”. 

Đình đã sống trong dằn vặt khôn nguôi của nỗi bất hạnh. Mãi đến năm thứ ba Đại học, khi học lớp Triết, Đình được Linh mục dạy triết tên là Tiến khai ngộ: “Nếu con nhắm mắt lại, đời con tràn đầy bóng tối, con hóa thành bóng tối, con là hiện thân của bóng tối. Nhưng nếu con mở mắt ra, đời con tràn đầy ánh sáng, con hóa thành ánh sáng, con là hiện thân của ánh sáng, con thành ánh sáng cho nhiều người”. 

Nhà văn Lm Nguyễn Trung Tây đã nhìn những số phận bất hạnh vì dâu bể dưới ánh sáng của Tin Mừng, nhờ đó những bi kịch mà ông kể lại đã mở ra về phía ánh sáng (chẳng hạn cuộc đời tiếp theo của Đình). 

Độc giả cũng nên dõi theo các nhân vật Linh mục trong truyện của Nguyễn Trung Tây để thấy vẻ đẹp của tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo thể hiện trong các nhân vật này. 

Đó là Lm Tiến, người dạy Triết cho Đình năm thứ ba Đại học, ngài đã khai mở bóng đêm bất hạnh để Đình nhìn về phia ánh sáng (truyện: Quán rượu nửa đêm), đó là Cha Quang nhà thờ Chula Vista một ngày 4 lần xúc tuyết, người đã làm cho “Tiếng chuông sinh nhật của hân hoan và mừng vui tiếp tục vang xa xé rách toang màn đêm của sầu tủi và nước mắt. (truyện: Thị trấn Chula Vista). Cố Hân với chuỗi Mân Công cùng giáo dân đọc Kinh Kính Mừng, dẹp yên bọn thủy quái (những thế lực bóng tối) hiển hiện trong cây Thuồng luồng và cây Con gái trên sông Cái (truyện: Giấy bạc con công). Cha “Tâm lác” cho sinh viên làm bài kiểm tra đột xuất, ngài nghĩ đến chữ ác. Vì thế khi một người sinh viên làm bài bị điểm thấp đến xin, cha cho về nhà học bài lại (truyện: Chữ Lác vần ác). Cha sở nhà thờ ABồ ở Alice Springs chịu hàm oan bao nhiêu năm. Ngài đã giải quyết được 2 việc quá khó là nạn cờ bạc và gái điếm, trong đó có cả giáo dân (truyện Phố ABồ). Ông “cố đạo Bắc Mỹ” và linh mục giáo sư lớp Triết đã gợi mở những suy tư về tính hợp nhất của dân tộc Việt: “…mọi người Việt Nam từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc và nhận ra chân lý, một sự thật đã từ lâu bị nhện thực dân, nhện đế quốc, và nhện chủ nghĩa cùng xúm lại giăng tơ, phủ mờ. Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình vẫn là con của Bố Lạc Long Quân; là anh chị em ruột thịt với tóc đen nhánh, mắt nâu đậm của Văn Lang, của chim Lạc Việt, và của Mười Tám Đời Vua Hùng Vương”(tạp ghi: Hành trình Văn Lang)… 

Qua các nhân vật Linh mục, tinh thần loan báo Tin Mừng trong văn chương Nguyễn Trung Tây thể hiện ở tư tưởng nhập thế, như chính Lm Nguyễn Trung Tây tỏ lộ: “Tôi giờ tu sĩ bình bát, lang thang đó đây sống giữa và sống với những đời sống bên lề xã hội.” (truyện Bố). 

(Còn tiếp)

Xin mời đọc Văn xuôi Công giáo đương đại theo đường link: https://buicongthuan.wordpress.com/

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1537,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,188,Cộng Đoàn,747,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,349,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1024,Hội Thánh,305,Kiến Thức,68,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1150,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,181,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4553,Suy niệm,1091,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,684,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,140,Tài liệu,516,Tập San Lên Đường,561,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,938,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1969,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1594,Video Nhạc - Phim,559,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: 2. Lm Nguyễn Trung Tây: một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại
2. Lm Nguyễn Trung Tây: một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại
2. Lm Nguyễn Trung Tây: một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg1NMWDk4cx657KSltJWVmYehCObCW-RROFEWMXKf5ktLaVUZoKHkYgUN6mW65m_axN8TPc-_T3Xa-jKN9PESPf4KgXNjjW_FhlV206L7gh7TfueJxqPj-f0uUz_HzPDiK5GXy955AE8VUQcos1dZVVfb1GorS5rwj8ETBdxFIfY4YL27R0keQqZuGm/w683-h817/243211602_1758664767652263_389073400227626982_n.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg1NMWDk4cx657KSltJWVmYehCObCW-RROFEWMXKf5ktLaVUZoKHkYgUN6mW65m_axN8TPc-_T3Xa-jKN9PESPf4KgXNjjW_FhlV206L7gh7TfueJxqPj-f0uUz_HzPDiK5GXy955AE8VUQcos1dZVVfb1GorS5rwj8ETBdxFIfY4YL27R0keQqZuGm/s72-w683-c-h817/243211602_1758664767652263_389073400227626982_n.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2022/05/lm-nguyen-trung-tay-mot-nha-van-cong_3.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2022/05/lm-nguyen-trung-tay-mot-nha-van-cong_3.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content