Góc Suy Gẫm - Mt 18,1-5; thứ Sáu, tuần XXVI Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 18,1-5; thứ Sáu, tuần XXVI Thường niên

Góc Suy Gẫm - Mt 18,1-5; thứ Sáu, tuần XXVI Thường niên
Kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, TSHT 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: PHẬN TRẺ MỒ CÔI

TTO - Dịch giã vẫn chưa qua đi, danh sách trẻ mồ côi vẫn còn dài thêm mỗi ngày. Mong lắm, khẩn cần lắm những chính sách đó, kế hoạch đó nhanh chóng được thực hiện, những vòng tay sớm chở che cho phận trẻ côi cút vì dịch bệnh. 

"Hôm tôi đưa hũ tro cốt ảnh về, con bé út 6 tuổi cứ hỏi ba đâu rồi má, sao không thấy ba đâu! Anh nó 13 tuổi, hiểu chuyện khóc trả lời em là ba nằm trong hũ đó rồi, không thấy ba được nữa đâu. Con bé không tin, cứ đòi mở hũ tro cốt cho nó xem làm sao ba chui vô đó được. Rồi hai anh em ôm nhau khóc nức nở bên hũ tro cốt ba" - đã gần hai tháng mất chồng vì dịch bệnh, chị Lê Thị Hồng Cúc vẫn nấc nghẹn khi nhắc chuyện con thơ phải sớm mồ côi cha. 

Chiều mưa tầm tã, tôi ghé hẻm nhỏ 575 tỉnh lộ 10 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM) cũng là lúc cậu bé mồ côi Trần Văn Phúc mới học online lớp 8 trên chiếc điện thoại kỷ vật của người cha qua đời khi vừa 34 tuổi. 

Chị Cúc chùng giọng kể thằng bé quý cái điện thoại này lắm, cứ ôm khư khư. Cả khi ngủ thằng bé cũng để điện thoại bên mình như hồi còn sống cha hay ngủ chung với cậu. Còn bé út Trần Như Tâm vừa vào lớp 1, mỗi ngày thấy mẹ cúng cơm cha đều bi bô hỏi: "Mẹ ơi, sao hổng thấy ba về ăn cơm với con?". Nhà hai bé quá nghèo, cha làm thợ nhang nuôi gia đình, mẹ nhận gia công găng tay ở nhà nhưng bữa có việc, bữa không mà ngày nào may mắn lắm cũng chỉ kiếm nổi 50.000 đồng.

Từ đầu dịch, vợ chồng đã thất nghiệp. Rồi người chồng ra đi, gánh nặng chỉ còn oằn trên vai người vợ gầy gò. Món nợ 10 triệu đồng để xoay xở mấy tháng qua của họ vẫn còn đó, chưa biết làm sao để trả. "Ảnh mất nhanh lắm, không kịp trăng trối tôi ở lại nuôi con thế nào. Ảnh vào bệnh viện có một ngày thì tôi nhận tin ảnh đi rồi" - chị Cúc nghèn nghẹn kể. 

Hai bé thơ này chỉ là một trong 23 gia cảnh mồ côi cha, mẹ vì COVID mà tôi cùng Hội phụ nữ phường Bình Trị Đông B đi trao quà. Những suất quà nhỏ bé, chỉ có 1,5 triệu đồng và một thùng sữa, mong góp chút phần xoa dịu nỗi đau thương. Hầu hết các bé mồ côi đều ở trọ sâu trong những con hẻm ngoằn ngoèo, nếu không có hội phụ nữ địa phương nhiệt tình dẫn đường thì chắc chúng tôi khó tìm được.

Có bé cha mẹ làm công nhân, có bé cha mẹ buôn bán lặt vặt, chạy xe ôm, bảo vệ khu phố, nhưng đều đang thất nghiệp, cuộc sống trông đợi tiền cứu trợ và những túi thực phẩm an sinh. Cảnh túng quẫn hiện rõ trong những phòng trọ chật hẹp và trên mặt người còn lại.

Anh Lê Văn Truyền - bảo vệ khu phố 13 ở phường này - nghẹn giọng kể vợ mình mất đi, để lại 3 đứa con trong phòng trọ lạnh lẽo. Anh cũng chưa biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao khi việc của mình chỉ có lương hơn 2 triệu đồng mà tiền nhà trọ và điện nước đã hết gần 2 triệu. Ở gần đó, người cha Ngô Tấn Việt cũng chưa thể tính nổi ngày mai khi vợ trẻ qua đời để lại cho chồng hai đứa con thơ, mà bé út mới 7 tuổi đêm đêm vẫn ôm chặt gối mẹ vì nhớ hơi! Ngày mai chưa biết sẽ ra sao! Lời tâm sự buốt lòng này tôi đã lặng nghe ở hết nhà này đến nhà khác. Nhưng đâu phải đến ngày mai, ngay hôm nay tôi đã thấy trĩu nặng nỗi lo rồi. 

Nhiều bé thơ mồ côi tôi gặp đang phải học online trên chính chiếc điện thoại mờ mịt của người cha, người mẹ qua đời để lại. Những ánh mắt trẻ thơ đỏ lừ vì khóc phận mồ côi và cả vì học trên chiếc điện thoại nhỏ xíu. Gần đây thật ấm lòng khi thấy chính quyền và nhiều nhà hảo tâm đã cố gắng hỗ trợ tài chính, đến tận nơi san sẻ, động viên các bé. Đã có chính sách, quy định bảo trợ, lo lắng cho các bé đến lúc trưởng thành. Nhiều nhà hảo tâm đã lên kế hoạch cưu mang các em, lo cho các em việc học. Dịch giã vẫn chưa qua đi, danh sách trẻ mồ côi vẫn còn dài thêm mỗi ngày. Mong lắm, khẩn cần lắm những chính sách đó, kế hoạch đó nhanh chóng được thực hiện, những vòng tay sớm chở che cho phận trẻ côi cút vì dịch bệnh. Trẻ đã phải chịu nỗi đau côi cút, dù thế nào cũng không được để trẻ phải chịu thêm nỗi khổ sở, thiệt thòi nào nữa. 

Quốc Việt 
(Nguồn: https://tuoitre.vn/phan-tre-mo-coi-20210925075752415.htm) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 18,1-5; thứ Sáu, tuần XXVI Thường niên- Kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, TSHT)

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, mở đầu bằng một câu hỏi do các môn đệ nêu lên vấn đề ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Lối trình bày của Mátthêu làm cho câu hỏi của các môn đệ nhẹ nhàng và phổ quát hơn so với việc thánh Máccô cho thấy các môn đệ tranh cãi nhau xem trong các ông ai lớn hơn cả. Thay vì trả lời trực tiếp cho câu hỏi của các môn đệ, Đức Giêsu dùng hình ảnh một em bé để dạy dỗ các các ông. ‘Nên giống con trẻ’ không phải vì chúng ngây thơ vô tội, hay một đức tính luân lý nào khác, nhưng ở chỗ chúng sống lệ thuộc vào người lớn. Trong Nước Trời, chính lòng tin làm cho người môn đệ gắn bó, lệ thuộc vào Đức Giêsu. Để được như vậy, cần phải hoán cải tức là từ bỏ bản thân để đi theo Đức Giêsu. Hơn nữa, phải “sinh lại” để trở nên trẻ nhỏ. Giá trị, sự cao trọng thật của người môn đệ là ở chỗ đó. Lý tưởng, luật sống căn bản trong cộng đoàn là nên nhỏ bé như thế.

Hôm nay, hòa cùng niềm vui của toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng kính Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Thánh nữ đã để lại cho chúng ta một con đường nên thánh đơn sơ đến độ bất cứ ai cũng có thể bắt chước được. Đó là nên thánh bằng con đường yêu mến, tin tưởng, phó thác và cậy trông vào một mình Thiên Chúa như trẻ thơ hoàn toàn yêu mến và tin tưởng nơi cha mẹ mình. Con đường đó còn được gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng.

Được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã vạch ra cho mình con đường nên thánh, đó là nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời và chúng ta vẫn quen gọi đó là con đường thơ ấu thiêng liêng. Vậy thế nào là nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời? 

Chắc chắn một điều, muốn được vào Nước Trời thì tất cả mọi người chúng ta đều phải có một tâm hồn đơn sơ trong trắng như trẻ thơ, biết hoàn toàn tin tưởng, phó thác và cậy trông vào một mình Thiên Chúa giống như con trẻ tin tưởng một cách tuyệt đối vào cha mẹ của mình. Nhìn vào gương của Thánh Têrêsa, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên như trẻ nhỏ, ngõ hầu được vào Nước Trời, bằng cách tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trong mọi hoàn cảnh, trong từng phút giây của cuộc sống. Đặc biệt, Ngài luôn nâng đỡ khi chúng ta gặp phải những đau khổ thử thách nặng nề, kể cả lúc chúng ta tưởng chừng như Thiên Chúa vắng mặt hay thậm chí như thể Ngài không còn yêu thương chúng ta nữa. 

Cuộc đời của thánh nữ thật âm thầm, đơn sơ trong nếp sống của đan viện. Thế nhưng, thánh nhân Têrêsa đã sống và đạt tới đỉnh cao của những giá trị cốt lõi của sự thánh thiện, đó là Yêu mến; bởi vì như trẻ thơ, thánh nữ đã hoàn toàn tin tưởng phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu thương. Ngài đã sống triệt để chọn lựa ấy, đến độ khao khát duy nhất của Ngài là: “Giữa lòng Hội thánh, tôi sẽ là tình yêu”.

Sở dĩ tình yêu được coi là yếu tố làm nên sự thánh thiện, vì đối với Thiên Chúa, Ngài muốn tình yêu chứ không cần lễ tế và vì chính tình yêu mới là động lực thúc đẩy con người vươn tới sự thánh thiện. Càng yêu mến, con người càng thánh thiện. Chính tình yêu là yếu tố làm nên sự thánh thiện. Thực ra, điều đó không có gì xa lạ, bởi vì chính Đức Giêsu đã gồm tóm toàn thể lề luật vào giới răn duy nhất là “Mến Chúa yêu người” hay nói như thánh Phaolô: “Yêu thương là chu toàn lề luật”. Có lạ chăng là người ta có dám đi trên con đường thánh thiện mà thánh nữ Têrêsa đã đi qua hay không, bởi vì con đường yêu thương cũng là con đường thập giá, con đường từ bỏ, con đường hy sinh, con đường đau khổ. 

Tuy nhiên, chúng ta đừng lầm tưởng rằng, cuộc đời thánh nhân chỉ có toàn màu hồng mà không vương mùi đau khổ. Thật sai lầm khi ai đó nghĩ như vậy. Chúng ta phải hiểu ngược lại mới đúng. Chỉ có điều, cho dù luôn phải đối diện với những đau khổ đến từ cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng thánh nhân đã không bao giờ nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Trái lại, trong sự hy sinh thầm lặng, ngài trao phó tất cả mọi điều bất ưng vào tay Thiên Chúa quan phòng. Chúng ta cũng vậy, trong cuộc đời theo Chúa, đặc biệt là trong những lúc đau khổ, chúng ta vẫn thường tự hỏi: “Liệu rằng, Chúa có còn thực sự yêu thương tôi không”. Không ai cấm chúng ta nghĩ như thế, nhưng điều quan trọng là chúng ta không được phép nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa; bởi lẽ theo Chúa, tin Chúa mà không tin rằng Ngài yêu thương mình, thì thật là đau khổ, thật bất hạnh. 

Mừng kính thánh nữ Têrêsa hôm nay, chúng ta được mời gọi đi lại con đường ngài đã đi, đó là con đường tin yêu và phó thác nơi một mình Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trong mọi hoàn cảnh và trong từng giây từng phút của cuộc đời, kể cả những lúc chúng ta tưởng chừng như Ngài bỏ rơi chúng ta, hay những khi tội lỗi chúng ta tràn ngập. Trong những con gian nan, rất có thể Chúa cũng bồng bế chúng ta tên cánh tay yêu thương của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra và tiếp tục tín thác vào Thiên Chúa là Cha của chúng ta hay không mà thôi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để biết mến yêu và phụng sự Chúa hết dạ hết lòng. Xin cho chúng con luôn biết đối đãi với tha nhân bằng sự chân thành và tình yêu mến. Xin đừng để chúng con vì so đo hơn thiệt mà đánh mất những cơ hội để có thể phục vụ Chúa cùng mọi người cách vui tươi và đượm tình bác ái. Xin cho chúng con luôn biết nhìn vào gương thánh nữ Têrêsa để lại mà noi gương bắt chước, ngõ hầu nhờ đó mà đời sống đức tin của chúng con mỗi ngày một thêm vững mạnh và tình liên đới chúng con dành cho nhau ngày một thắm thiết hơn.

4. Lời bàn

- Chương 18 trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu là phần quan trọng nhất nói về những nét chính yếu của một nền đạo đức Kitô giáo, nó để cập đến những đức tính, xác định những mối tương quan cá nhân của người Kitô hữu. Trước hết và trên hết là đức khiêm nhường. Chỉ có kẻ biết khiêm nhường như trẻ nhỏ mới là công dân nước Thiên Chúa. Mọi tham vọng cá nhân, thích thể hiện cá nhân chủ nghĩa hay lợi ích cá nhân đều không thể có chỗ trong đời sống của những kẻ tin theo Chúa. Kitô hữu là người phải quên mất bản ngã trong sự dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. 

- Trích đoạn hôm nay cho thấy, các môn đệ đã chủ động đến hỏi Đức Giêsu xem ai là người lớn hơn hết trong Nước Trời. Đức Giêsu đã cho gọi một em nhỏ đến, đặt giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Khi các môn đệ hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” thì điều đó cho thấy họ không biết gì về Nước Thiên Đàng. Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của các ông là người nào sẽ được coi là lớn nhất trong Nước của Ngài; nhưng thay vào đó, Ngài dường như muốn nói với họ, khoan hãy nghĩ tới chuyện tìm hiểu người nào là lớn nhất, mà hãy lo làm thế nào để được vào Nước Trời. Như vậy, Đức Giêsu đã dùng cách nói đó để nhắc cho các môn đệ biết rằng, họ đang sai lạc. Nếu không thay đổi hướng đi thì họ sẽ đi càng lúc càng xa, chứ không phải đang hướng về Nước Trời. Trong đời sống thường ngày, câu hỏi quan trọng hơn hết là người ấy đang hướng về đâu? Nếu một người luôn luôn hướng đến việc thực hiện những tham vọng cá nhân, mong chiếm hữu quyền hành, gìn giữ uy thế cá nhân, đề cao cái tôi của mình… thì người đó rõ ràng đang hướng đến những mục tiêu đối nghịch với Nước Trời. Bởi vì, làm công dân của Nước Trời có nghĩa là phải biết từ bỏ hoàn toàn bản ngã, hạ bệ cái tôi và sử dụng nó trong một đời sống hướng về phục vụ chứ không phải ham thích quyền hành hay chỉ ao ước được người khác phụ vụ mình. Bao lâu một người còn coi cái tôi của mình là quan trọng nhất trên đời, thì người đó vẫn còn quay lưng lại với Nước Thiên Chúa. Nếu ai đó muốn chiếm hữu được Nước Trời thì nhất thiết họ phải quay trở lại và duyệt xét cách nghiêm chỉnh các mục tiêu mà mình đang theo đuổi. Các nào đó, chúng ta chỉ có thể đạt đến các giá trị của đời sống mai hậu đòi hỏi khi mà chúng ta xác định đúng mục tiêu. Nếu không, tất cả mọi nỗ lực của chúng ta, cuối cùng cũng chỉ đưa đến thất vọng và đau khổ.

- Đức Giêsu gọi một em bé đến và theo truyền thuyết, đứa trẻ ấy là Ignatiô ở Antiôkia, sau này trở thành một vị giám mục nổi tiếng. Tương truyền rằng, Ignatiô cũng được mệnh danh là Theophoros, có nghĩa là người được Chúa ẵm bế, hay được Ngài mang vác trên vai. Sở dĩ người ta gọi như thế vì Đức Giêsu đặt cậu bé ngồi trên gối của Ngài. Thực ra, trước mặt Chúa, tất cả mọi người chúng ta đều được Ngài yêu thương, chăm sóc và giữ gìn. Ngài sẵn sàng đưa tay ra và kéo chúng ta đứng dậy sau mỗi lần chúng ta vấp ngã. Ngài sẵn sàng lắng nghe mỗi khi chúng ta muốn tìm đến để giãi bày. Ngài chẳng chút nề hà cõng chúng ta trên vai mỗi khi chúng ta mệt nhoài và kiệt sức sau những cú va đập từ cuộc sống, thậm ch1 là trong những mất mát đau thương. Điều quan trọng là chúng ta có đủ bình tâm để có thể nhận ra sự đồng hành của Chúa trong cuộc đời của mình hay không mà thôi. 

- Đức Giêsu cho chúng ta thấy, nơi đứa trẻ có những đức tính của một công dân Nước Trời. Có nhiều đức tính đáng yêu chỉ có ở nơi những đứa trẻ, như khả năng ngạc nhiên trước cảnh tượng lạ lùng thế giới. Chúng có thể dễ dàng tha thứ, mau bỏ qua những lỗi lầm của người khác, cho dù những người khác đối xử với chúng một cách bất công. Không thể phủ nhận những đặc tính tốt lành mà những đứa trẻ thường có. Sự khiêm nhường của trẻ thơ là khuôn mẫu cho thái độ đối xử của chúng ta đối với nhau. Sự lệ thuộc và tin cậy của trẻ thơ trở thành mẫu mực cho niềm tín thác của chúng ta đặt ở nơi Thiên Chúa. Sự mau quên lỗi lầm của người khác nơi trẻ thơ, trở thành kiểu mẫu để chúng ta học được bài học về sự bao dung trong cách cư xử với anh chị em của mình. 

- “Dịch giã vẫn chưa qua đi, danh sách trẻ mồ côi vẫn còn dài thêm mỗi ngày. Mong lắm, khẩn cần lắm những chính sách đó, kế hoạch đó nhanh chóng được thực hiện, những vòng tay sớm chở che cho phận trẻ côi cút vì dịch bệnh. Trẻ đã phải chịu nỗi đau côi cút, dù thế nào cũng không được để trẻ phải chịu thêm nỗi khổ sở, thiệt thòi nào nữa”. Có lẽ đây cũng chính là nỗi lòng của rất nhiều người trong chúng ta. Trẻ em vẫn luôn được xem là hy vọng, là tương lai và là lời hứa hẹn của cả nhân loại; thế nhưng trong bối cảnh hiện tại, niềm “hy vọng” ấy đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Đại dịch càn quét rất nhiều gia đình và đây đó vang lên tiếng khóc than của những em thơ; bởi vì chỉ trong chốc lát, rất có thể chúng mất đi cả cha lẫn mẹ, tức là mất đi những chỗ dựa quan trọng nhất đời mình. 

- Ai trong chúng ta cũng mong cho trẻ em luôn được sống và giáo dục trong những môi trường thuận lợi nhất, tốt đẹp nhất. Được như thế, chúng sẽ có cơ may tiếp cận được với kho tàng tri thức của nhân loại một cách quân bình. Sai lầm của chúng ta là luôn mong muốn con cái mình học càng nhiều càng tốt, tinh thông càng nhiều lãnh vực càng hay. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tước đoạt mất tuổi thơ của con cháu mình. Trẻ em phải gồng mình gánh vác ước mơ của cha mẹ, thậm chí là nỗ lực bù đắp thói sĩ diện hão của các đấng sinh thành, đến độ chúng chẳng còn chút gì đó hồn nhiên trong sáng và đánh mất luôn ký ức tuổi thơ. Những điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong mùa đại dịch Covid. “Phận trẻ mồ côi” sẽ là những điệp từ tiếp tục vang lên trong những ngày tháng sắp tới. Nó có thể trở thành một thông điệp để truyền tải và động chạm tới lòng trắc ẩn của những sẵn có từ tâm; nhưng ở chiều ngược lại, rất có thể nó sẽ giống như những nhát dao, cứa thêm vào lòng những đứa trẻ chẳng may mất đi cha mẹ trong cơn đại dịch này. 

- Thánh Têrêsa để lại cho chúng ta một phương thế để nên thánh, ngang qua con đường thơ ấu thiêng liêng. Đó có thể coi là một con đường hẹp, nhưng là con đường dành toàn tâm toàn ý cho Chúa, là hoàn toàn phó thác cho Ngài. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho các môn đệ biết rằng, kẻ lớn nhất trong Nước Trời chính là người biết mặc lấy tinh thần khiêm hạ của trẻ thơ. Có thể nói được rằng, thánh Têrêsa đã thực thi những lời giáo huấn của Chúa một cách chỉn chu đến khó ngờ. Không để lại cho Giáo Hội những công trình nghiên cứu đồ sộ như bao vị tiến sĩ Hội Thánh khác, nhưng thứ linh đạo mà thánh Têrêsa đã chuyển trao thực sự thu hút được rất nhiều sự mộ mến. Thật vậy, nơi đan viện của Dòng Cát Minh ở Lisieux không có những việc phi thường, không có những việc lớn lao, và cũng chẳng có những công việc đòi hỏi người ta phải vận dụng đến nhiều khả năng của khối óc mới làm nổi. Thế nhưng, cho dù mọi thứ chỉ diễn ra trong cái khung cảnh trầm lặng và tầm thường ấy, thánh nữ Têrêsa đã biết mở rộng lòng mình ra tới vô biên, tới vĩnh cửu nhờ vào những khát khao dâng tặng chính con người của mình cho tình yêu duy nhất nơi Thiên Chúa. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt và trở nên một con đường mà Giáo Hội cũng luôn mời gọi hết thảy chúng ta bước theo: “Các tín hữu thuộc mọi dân tộc, bất kể tuổi tác, bất kể phái tính, dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều được tha thiết mời gọi bước vào Con đường nhỏ. Chính con đường này đã đưa chị Têrêsa Hài đồng Giêsu tới đỉnh trọn lành của các nhân đức” (ĐGH Bênêđictô XV). Chúng ta cũng mong mình được hòa vào dòng chảy ấy của Giáo Hội, nhờ đó mà tâm hồn mỗi người ngày càng trở nên tươi vui hơn và thánh thiện hơn. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1196,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4605,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 18,1-5; thứ Sáu, tuần XXVI Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 18,1-5; thứ Sáu, tuần XXVI Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 18,1-5; thứ Sáu, tuần XXVI Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhGDWegQGA0cPpxikHu5OSVp71NnpqMb-15Deq5-kZElTX3onkeTXTWYLGFnZyifSPxrhyphenhyphenbuT-eevN2ZUdQbfegeDY1aKmKhBuFxPJ6_qpkfltx38KJ3FP7UpCq7Nv-fsypU7VaZynjZhU/w731-h418/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhGDWegQGA0cPpxikHu5OSVp71NnpqMb-15Deq5-kZElTX3onkeTXTWYLGFnZyifSPxrhyphenhyphenbuT-eevN2ZUdQbfegeDY1aKmKhBuFxPJ6_qpkfltx38KJ3FP7UpCq7Nv-fsypU7VaZynjZhU/s72-w731-c-h418/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/10/goc-suy-gam-mt-181-5-thu-sau-tuan-xxvi.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/10/goc-suy-gam-mt-181-5-thu-sau-tuan-xxvi.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content