Góc Suy Gẫm - Lc 9,43b-45, thứ Bảy, tuần XXV Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Lc 9,43b-45, thứ Bảy, tuần XXV Thường niên

Góc Suy Gẫm - Lc 9,43b-45, thứ Bảy, tuần XXV Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
 HAI NGƯỜI PHỤ NỮ LÀM THAY ĐỔI CỤC DIỆN ĐẠI DỊCH COVID-19 

KATALIN KARIKO 

Sinh trưởng tại Kisujszallas - một thành phố nhỏ có khoảng 15,000 dân ở Hungary- Katalin Kariko là con của một người chủ cửa hàng bán thịt nhưng mong ước trở thành một nhà khoa học, tuy chưa bao giờ gặp mặt một ai trong số họ. Cô lấy bằng tiến sĩ ở Đại Học Szeged - trường đại học tốt nhất Hungary, và làm việc như một nghiên cứu viên “sau-tiến sĩ” (post-doctoral) ở Trung Tâm Nghiên Cứu Sinh Học của trường này. Năm 1985, khi ngân sách nghiên cứu của đại học thiếu thốn, Kariko đi cùng chồng và đứa con 2 tuổi đến Mỹ chỉ với 900 USD dấu trong tã lót của đứa con gái, sau khi được nhận công việc nghiên cứu ở Đại Học Temple Philadelphia. 

Cuộc đời nghiên cứu của Kariko gắn liền với mRNA, từ khi mới bắt đầu cũng là lúc mRNA được chú ý. Hai câu hỏi luôn ám ảnh trong đầu là “làm sao tạo được phân tử mRNA trong phòng thí nghiệm” và làm sao “đưa mRNA ấy vào trong tế bào”. Nhưng ý tưởng này xa lạ với giới hàn lâm ở đây, được cho là “kỳ dị”, và tất nhiên là không đề án nghiên cứu nào của bà được chấp nhận. Kết cục là không có việc làm! 

Năm 1989, Kariko tìm được chân phụ tá cho BS Elliot Barnathan, một BS Tim mạch ở Đại Học Pennsylvania. Họ tìm cách tạo ra protein từ mRNA và đã thành công tạo một protein mà tế bào thực nghiệm không thể tổng hợp tự nhiên được, bằng cách đưa mRNA vào. Hai người đã chứng minh rằng có thể “sai khiến” tế bào tổng hợp một protein bằng cách gởi mRNA mang mã hoá của protein đó vào. Nhưng cả hai lại bị mất việc vì ý tưởng này! Barnathan đi ra làm cho một công ty sinh học còn Kariko đành đi “lang thang”. 

Sau đó Kariko kiếm được chân phụ tá cho BS Langer, một BS Ngoại thần kinh, đang muốn tế bào tạo ra chất nitric oxide dãn mạch, có thời gian bán huỷ rất nhanh, chỉ vài phần ngàn giây, trong phẫu thuật sọ não để tránh tai biến cục máu đông trong não. Họ thử nghiệm trên các mạch máu và thỏ, lại thất bại và cả 2... mất việc! 

Lần thứ ba, Kariko gặp GS. Drew Weissman, của nhóm sinh học phân tử đại học Pensylvania. Ông muốn làm vaccine HIV. Bà rất can đảm nhận làm, nhưng rồi bà chỉ có thể tạo ra protein trong hộp petri và thất bại khi đưa mRNA vào cơ thể chuột thí nghiệm. Chẳng ai biết vì sao! Nhưng rồi so sánh với nhóm chứng dùng tRNA (tranfer RNA) họ đã biết nguyên nhân. Cơ thể đã phản ứng với mRNA được đưa vào như một chất lạ (kháng nguyên)! So sánh mRNA của Kariko tạo ra và tRNA làm chứng, nhóm nghiên cứu phát hiện sự hiện diện của phân tử PSEUDOOURIDINE. Có thể nói việc thêm phân tử pseudoouridine vào mRNA để tránh phản ứng miễn dịch là một phát hiện về khoa học cơ bản đưa đến nhiều áp dụng hấp dẫn. Từ đây có thể sử dụng mRNA để biến đổi chức năng của tế bào mà không gây phản ứng miễn dịch cơ thể! 

Họ bắt đầu viết đề án gởi xin kinh phí nhưng ít ai quan tâm vì không cho là một điều trị tiềm năng! GS. Weissman nói “chúng tôi kêu gào nhưng không ai quan tâm...” Đại Dịch Covid-19 ập tới và Công ty Moderna và Pfizer đồng ý tài trợ để làm vaccine chống Covid-19. Những gì sau đó như chúng ta đã thấy 

NITA PATEL 

Nita Patel là giám đốc chương trình phát triển vaccine của Novavax – một công ty nhỏ trong số nhiều “đại gia” dược phẩm đang tham gia cuộc đua chế tạo sản xuất vaccine covid-19. 

Patel đến Mỹ từ Sojitra - một làng làm nông ở bang Gujarat Ấn Độ. Lúc được 4 tuổi cha của bà suýt chết vì bệnh lao, không thể tiếp tục làm việc và nói với Patel con phải trở thành bác sĩ để chữa dứt bệnh cho cha. Nung nấu bởi ý muốn của cha, Patel cố gắng học hành, dù phải đi đến trường mà không có giày mang, áo quần cũ nát, và phải xin đi nhờ xe... Nhưng học rất giỏi và đã được học bổng của chính phủ Ấn Độ và Mỹ với hai bằng Thạc Sĩ về Sinh Học và Vi Sinh áp dụng. Sau khi kết hôn với một nhà sinh học Mỹ, Patel đã tìm được công việc ở một công ty nhỏ MedImmune nghiên cứu về bệnh Lao. Tuy nhiên, sau khi hai sản phẩm của MedImmune là vaccine chống bệnh Lyme thất bại ở phase I và vaccine cộng hợp bào (respiratory syncytial virus RSV), bị FDA từ chối cấp phép, Patel chuyển qua công ty Novavax. 

Sau khi nhận được giải trình tự của SARS-CoV-2 nhóm của Patel đã nghiên cứu hơn 20 biến thể của protein gai để tìm protein nào sinh miễn dịch cao nhất, xác định chính xác vị trí nơi kháng thể trung hoà kết hợp vững chắc nhất và kiểm tra sự ổn định của protein gai từ nhà máy này sang nhà máy khác... Mọi người thán phục sức làm việc của bà, sự kiên trì và tính minh bạch trong công việc. Patel nói “không có việc gì là không thể” 

Novavax CEO Stanley Erck ca ngợi sự cố gắng của mọi người trong công ty khi Thống Đốc tiểu bang Maryland đến thăm; nhưng ông ta chỉ nhắc đến tên 1 người đó là Nita Patel, người phụ nữ 56 tuổi mặc quần jean xanh và mang khẩu trang đen, đang đứng cạnh. Ông nói đây là người đã làm tất cả mọi chuyện mà chúng ta thấy hôm nay... 

Hai phụ nữ từ những vùng đất xa xôi đã đến Hoa Kỳ và đang làm thay đổi cục diện cuộc chiến đấu chống Covid-19 với vaccine mRNA (Moderna và Pfizer) cùng với loại sử dụng protein tái tổ hợp (Novavax) 
Lòng đam mê khoa học, sự sáng tạo, kiên nhẫn, nghiêm túc trong công việc đã giúp họ thành công. 

Tran Tinh Hien 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 9,43b-45, thứ Bảy, tuần XXV Thường niên) 

Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay cho biết rằng, đây là lần thứ hai Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn của Ngài. Ngài nói: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Mặc dù, đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu nói đến điều đó; thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu được ý nghĩa của những lời loan báo ấy. Cuộc đời của mỗi người cũng vậy, vẫn còn đó bao điều huyền nhiệm mà chúng ta không thể lý giải. Nhưng cho dù không hiểu hết được mọi nhẽ cao siêu, chúng ta cũng hãy tin vào Chúa và trao vào tay Ngài vận mạng của chính mỗi người. 

Quả thật, làm sao các tông đồ có thể hiểu được Đấng Cứu Thế mà muôn dân hằng mong đợi, lại có thể kết thúc sứ mạng cứu chuộc bằng cái chết nhục nhã trên thập giá được. Làm sao các ông có thể hiểu được Đấng đã từng dùng quyền năng của mình để chữa lành các bệnh tật, xua trừ ma qủy và nhất là phục sinh kẻ chết, lại có thể chịu bó tay trước những thế lực xấu xa của thế gian. Và làm sao các ông có thể hiểu được thập giá rồi đây Thầy của mình sẽ mang vác lại trở thành dấu chỉ của tình yêu, là con đường dẫn đến sự sống và tỏ lộ lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa được. 

Cũng như các tông đồ xưa, ngày hôm nay, khi đứng trước những đau khổ, thử thách, những bế tắc của cuộc sống, chúng ta cũng dễ dàng thắc mắc, nếu không muốn nói là trách Chúa: “Tại sao Chúa lại đối xử bất công với con như vậy? Tại sao con làm ơn lại bị mắc oán, con hy sinh mà chỉ nhận được những đau khổ chồng chất? Tại sao con theo Chúa mà Chúa cứ gởi đến những thập giá nhiều khi vượt quá sức chịu đựng của con? Tại sao con cứ gặp thất bại hết lần này đến lần khác, trong khi kẻ thù của con lại liên tiếp gặt hái những thành công? 

Quả thật, nếu không có sự Phục sinh của Đức Giêsu, thì đau khổ và cái chết của Đức Giêsu sẽ là một thất bại và là một sự điên dại. Khi đó, nó còn kéo theo một hệ lụy khác đó là, nếu không có sự sống mới ở bên kia cái chết, thì những hy sinh, đau khổ của chúng ta cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Thế nhưng, nếu Phục sinh và sự sống mới là đích điểm của con đường khổ giá, của con đường hy sinh đau khổ, thì việc chúng ta được mời gọi “Hãy từ bỏ chính mình, vác Thập giá hằng ngày mà theo Chúa” sẽ luôn khơi dậy niềm hy vọng, đồng thời không ngừng thúc đẩy chúng ta bước theo Chúa mỗi ngày mà lòng chẳng chút lắng lo hay ngờ vực. 

Đời sống đức tin nhiều khi cũng đặt chúng ta vào tình cảnh giống như các tông đồ năm xưa, tức là chúng ta cũng không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của mình. Một khi đã không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa. Những lúc như thế, chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng chạy đến với Chúa và xin Ngài mặc khải để chúng ta được hiểu thêm về mầu nhiệm khổ nạn mỗi ngày một sâu rộng hơn. Chớ gì lòng tin và lòng mến mà chúng ta dành cho Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta dấn bước theo Ngài tới cùng. 

Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con một quả tim mới, biết khám phá và tận hưởng những điều tốt đẹp Chúa ban, cho dù cuộc sống chung quanh còn nhiều khổ ải. Xin khai mở tâm trí để chúng con biết đón nhận những hy sinh gian khổ trong đời như là thứ giúp thanh luyện, nhờ đó mà đức tin thêm kiên vững và hiểu sâu hơn về mầu nhiệm khổ nạn mà Chúa đã chịu vì yêu thương chúng con. Xin cho trái tim của chúng con cũng biết hòa chung nhịp đập với phận người dương thế, để nhờ đó mà có thể góp tiếng vui ca cùng những người đang hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng biết quặn đau với những người sầu khổ quanh mình. 

4. Lời bàn 

- Với trích đoạn này thì dường như việc Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa ở Galilê đã chấm dứt. Phần cuối của chương sách này, ghi nhận những gì còn lại trước khi bắt đầu một cuộc hành trình lên Giêrusalem của thầy trò Đức Giêsu. Giáo huấn của Đức Giêsu lúc này đặc biệt nhắm vào việc huấn luyện các môn đệ. Điều đó càng cần thiết hơn nữa, nhất là khi họ tỏ ra không hiểu gì về cuộc khổ nạn đang chờ đợi Thầy của mình ở phía trước, cũng như về đời sống mà chính họ sắp phải đối diện. 

- Chúng ta có thể hình dung ra cảnh các môn đệ của Đức Giêsu cảm thấy bối rối thế nào khi đối diện với lời loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai này. Thật vậy, cũng trong chương 9, họ đã lần lượt được chứng kiến những việc kỳ diệu mà Đức Giêsu đã thực hiện. Ngoài phép lạ cả thể là hóa bánh ra nhiều, các ông còn cảm thấy được thơm lây khi Thầy của mình bảy tỏ quyền năng để chữa lành bệnh tật. Đặc biệt, các môn đệ thân tín nhất còn được cho hưởng nếm cảm giác ngất ngây trong sự kiện biến hình trên núi. Như thế, dường như tâm trí của họ còn chưa thoát được cái bóng của những điều vừa được nhắc tới; nên khi nghe thầy mình nói về một viễn cảnh đầy cay đắng và thất bại, hẳn là họ khó lòng mà hiểu ngay được. 

- Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai cho các môn đệ, mặc dù các ngài vừa phải tiếp đón những người đến với mình để được chữa lành. Lời tiên báo này vang lên một cách mới mẻ và dai dẳng, nó như một tiếng dội lại cách bi thảm từ lời than trách trước đó của Đức Giêsu: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi phải ở cùng các người và chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” Và gián tiếp nhấn mạnh tính cách hời hợt trong sự ngạc nhiên và thán phục của tất cả mọi người (c. 43a). Ở đây, không giống với các tác giả Nhất lãm khác, thánh Luca chỉ nói đến việc Con Người bị trao nộp; trong khi đó không nói rõ Ngài sẽ phải chết cách nào và cũng chẳng đả động gì tới việc Phục sinh của Đức Giêsu. Như thế, thứ cần thiết là hiểu được ý nghĩa của cuộc khổ nạn thì các môn đệ còn chưa hiểu được, chứ nói gì đến chuyện họ hiểu được sự kiện Phục sinh. 

- Ý nghĩa của một lời loan báo như thế còn bị che khuất nên các ông không nhận ra được. Thực ra, việc các môn đệ không hiểu được ý nghĩa của cuộc khổ nạn thì cũng chẳng có gì lạ; bởi vì điều đó đã vượt ra ngoài tầm hiểu biết của họ. Tuy nhiên, chính nó lại không hề nằm ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Việc không hiểu biết có tính cách Kitô học này được tiếp tục kéo dài sang cuộc tranh luận xem ai là người lớn nhất ở trong những câu tiếp theo. Có lẽ việc tranh chấp này, dưới cái nhìn của thánh Luca, bắt nguồn từ việc Đức Giêsu thường chọn riêng những người môn đệ thân tín nhất để cho họ có cơ hội hiện diện trong các sự kiện quan trọng. 

- “Lòng đam mê khoa học, sự sáng tạo, kiên nhẫn, nghiêm túc trong công việc đã giúp họ thành công”. Đó là những lời nhận xét ngắn gọn và đáng trân trọn dành cho hai người phụ nữ đã góp phần đem lại những thành tựu lớn lao, giúp nhân loại có thêm nhiều cơ hội để đẩy lui đại dịch Covid. Nhân ngày Dược sĩ thế giới 25.9, tôi mượn câu chuyện này để bày tỏ lòng biết ơn đối với những con người đã miệt mài cống hiến tâm huyết của mình vì sức khỏe cộng đồng. Khi nói về hai người phụ nữ này, tôi cho rằng, họ chính là những nạn nhân của khoa học. Trước hết, họ cùng là công dân của các nước không thuộc vào hàng “Tư bản giãy chết”. Gia đình họ không bám trụ nổi ở quê nhà và tìm cách thoát ly. 

- Họ cần mẫn làm việc và say mê với khoa học nhưng lại bị chính những người làm khoa học ruồng rẫy hết lần này đến lần khác. Những nghiên cứu của họ từng bị coi là lập di, là nực cười; thế nhưng, với thái độ làm việc nghiêm túc và hết lòng vì đam mê nên họ đã thành công. Công nghệ vaccine mRNA cùng với việc sử dụng protein tái tổ hợp đã tạo nên một bước đột phá mới trong việc ngăn chặn và từng bước đẩy lùi Corona virus. Chắc chắn một điều, để có thể thành công trong việc kiểm soát được dịch bệnh hiện nay thì hẳn là còn cần đến sự cộng tác của rất nhiều khoa học gia khác. Những ứng dụng của công nghệ vi sinh sẽ góp phần tạo ra các giải pháp tối ưu trong việc điều trị, không chỉ trong mùa đại dịch này mà còn hữu dụng trong việc ngăn ngừa các căn bệnh khác nữa. 

- Người đời vẫn thường quan niệm “họa trung hữu phúc”, tức là trong cái rủi có cái may. Chắc hẳn không phải lúc nào người ta cũng hiểu đúng ý nghĩa của câu thành ngữ này. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, thì nó lại trở thành niềm an ủi cho những ai đang gặp cảnh khốn cùng. Điều quan trọng là người ta có đủ bình tâm và kiên nhẫn cho tới khi đón nhận được sự phúc lành hay không. Xét về mặt bản văn, thì trích đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ bày ra trước mắt các môn đệ toàn mối họa. Mặc dù Đức Giêsu căn dặn họ phải lắng nghe cho kỹ, nhưng bất chấp việc các ông nghe cẩn thận đến đâu, thậm chí là thuộc nằm lòng đi chăng nữa, thì dường như tất cả những thứ đó không sinh ích gì cho họ, bởi vì họ hoàn toàn không hiểu điều Thầy đang nói. 

- Cách nay ít lâu, hoàn cảnh của bà Katalin Kariko cũng phần nào giống như Đức Giêsu ngày trước. Những ý tưởng quá mới lạ đã khiến cho nhiều người thuộc giới hàn lâm coi đó là “kỳ dị”, kết quả là không một đề án nào được xúc tiến dựa trên các ý tưởng khác người đó. Tuy nhiên, cũng giống như các môn đệ năm xưa, họ khởi đi từ sự vô minh để rồi được khai sáng nhờ sự kiện Phục sinh; thì ở đây cũng vậy, đại dịch bùng phát chính là cơ hội để cho những ý tưởng lạ đời của bà Kariko trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết. Điều này đã giúp đánh tan những nghi ngại, thậm chí là những chế diễu của các đồng nghiệp. Nếu Đức Giêsu đã thành công với đề án Nước Trời, khởi đi từ việc lựa chọn cũng như huấn luyện các môn đệ chẳng giống ai; thì những người phụ nữ được nhắc đến ở đây chắc hẳn cũng sẽ được vinh danh với giải thưởng “thành tựu trọn đời” nhờ vào những phát kiến dị thường. Chúng ta luôn mong cho ngày càng có nhiều những công trình nghiên cứu khoa học thực sự mang lại thiện ích cho nhân loại; nhưng đồng thời cũng đòi hỏi mỗi người trong chúng ta luôn phải biết trân trọng những thành quả có được từ công khó của bao người khác. Nhờ đó, tất cả chúng ta sẽ được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp nhất từ các nghiên cứu khoa học, nhất là trong mùa đại dịch này. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1541,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,758,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,353,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1036,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1210,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4619,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,565,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,950,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1986,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Lc 9,43b-45, thứ Bảy, tuần XXV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 9,43b-45, thứ Bảy, tuần XXV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 9,43b-45, thứ Bảy, tuần XXV Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhbJUlXZjZ0W25xQnDah1hIiojMxpoI1Xf4mSm6WLqA06tiFSosnUT5-bN6nAWlmIhbCS7MXgsg6x3ggQghTE4k_Dtp40GonAhVFQ2D3CfN_73RAUr8jR4YX-Big_BHs4X_pcTLsOOfodY/w719-h411/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhbJUlXZjZ0W25xQnDah1hIiojMxpoI1Xf4mSm6WLqA06tiFSosnUT5-bN6nAWlmIhbCS7MXgsg6x3ggQghTE4k_Dtp40GonAhVFQ2D3CfN_73RAUr8jR4YX-Big_BHs4X_pcTLsOOfodY/s72-w719-c-h411/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-943b-45-thu-bay-tuan-xxv.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-943b-45-thu-bay-tuan-xxv.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content