Góc Suy Gẫm - Lc 9,18-22, thứ Sáu, tuần XXV Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Lc 9,18-22, thứ Sáu, tuần XXV Thường niên

Góc Suy Gẫm - Lc 9,18-22, thứ Sáu, tuần XXV Thường niên 
 Mùa dịch Covid-19 

 1. Chuyện chúng mình: 
MỘT CHÚT TÂM TƯ CỦA Y BÁC SĨ CÔNG 

TGPSG -- "Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ..." 

Bao tháng ngày qua, dịch bệnh hoành hành kéo dài không dứt, với con số người nhiễm bệnh vẫn cứ tăng cao. Trong bao tháng ngày của đại dịch đó, các y bác sĩ phải ngày đêm gồng mình đi phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, tạm xa gia đình người thân, gác lại những dự tính của cá nhân, quên mình vì người khác... Các vị đã hi sinh âm thầm lặng lẽ, chỉ mong sao cứu sống các bệnh nhân mà mình đang chăm sóc. 

Khi làm thiện nguyện viên, tôi có làm việc chung với nhiều y bác sĩ là người Công giáo tại bệnh viện Hồi Sức Cấp Cứu. Tôi thấy họ vất vả làm việc, không than vãn, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch, âm thầm cầu nguyện cho các bệnh nhân sắp ngưng thở... Tôi hỏi về tâm tư của các anh chị thì có một nữ bác sĩ trẻ chia sẻ chút tâm tư: “Hôm nay nhận được tin nhắn từ một thầy đã từng tham gia thiện nguyện trong mùa Covid, được hỏi về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, về tâm tư khi đi chống dịch, bất chợt trong lòng tôi có một chút bâng khuâng. Mỗi người, một nỗi niềm riêng; để trong lòng hay nói ra thì đó cũng là chuyện riêng tư… 

Với tôi, ở nơi xa ấy có người cha già đau yếu, ngày ngày chống chọi với căn bệnh mãn tính. Anh chị tôi làm công nhân cũng vật lộn với cái khó chung của xã hội. Dù ít nói chuyện, ít gặp gỡ, nhưng có một mối dây vô hình là tình thương bao bọc lẫn nhau.

Còn với tính cách của tôi, tôi vẫn lặng lẽ dõi theo, âm thầm quan tâm đến người thân, vì với gia đình, tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ như bên ngoài mà mọi người vẫn thấy. Thậm chí có lúc tôi còn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi vẫn mong rằng mọi người sẽ vì thế mà bớt quan tâm tới tôi. Tôi đã nợ họ quá nhiều, nhiều hơn rất nhiều so với những điều tôi làm được cho họ.

Dần dần tôi nhận ra, thời gian sẽ qua đi, nên tôi muốn cho tình yêu được thể hiện nhiều hơn theo đúng nghĩa của nó. Vì thế, tôi đã khác, tôi đã cho người thân trong gia đình thấy tôi cười nhiều hơn. Chỉ vậy thôi nhé, tôi xin phép không nhắc đến những mất mát, những thương tích của những người thân yêu ấy. 

Lần này tôi đi theo tiếng gọi của đất nước, cũng là đi theo tiếng lòng muốn dấn thân của tôi. Tôi đã nguyện dâng và phó thác mọi sự cho Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ của đời tôi. Gia đình thân yêu của tôi, chắc chắn Mẹ Maria đã thay tôi chăm sóc và Mẹ còn ban ơn cho gia đình tôi nhiều hơn những gì tôi có thể nghĩ ra được.

Tôi cũng không nhớ nhà, chỉ có chạnh lòng mỗi lúc nghe tin cha tôi trở bệnh. Nhưng tôi vẫn tin có Mẹ Maria lo cho cha tôi. Tôi đã nói dối gia đình rằng: tôi không tiếp xúc với bệnh nhân Covid vì sợ mọi người lo lắng. Đó là tôi sợ thôi, chứ biết đâu họ lại rất mong tôi làm việc có ích như thế thì sao nhỉ? Nhưng dù sao, tôi vẫn cứ sợ họ lo lắng…Nhưng vào đây rồi, đã qua một khoảng thời gian không ngắn không dài, tôi xác tín: Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ. Có nỗi đau nào như nỗi đau chia ly: lúc yếu đuối nhất, chính là giờ phút cuối đời, cũng không gặp được người mình thương. Những bệnh nhân covid đã trải qua những nỗi đau thật đau ấy. Vậy nỗi đau, nỗi sợ riêng tư của tôi đâu có là gì. Không là gì cả! 

Tôi lại nhận ra rằng: Tình yêu thương sẽ là liều thuốc tốt, cùng với các trị liệu khác, sẽ cho bệnh nhân thêm chút an lòng. Tình yêu sẽ lớn hơn mọi nỗi sợ hãi và đớn đau. Tôi cũng học được điều đó nơi những đồng nghiệp, những tình nguyện viên đang trao gửi yêu thương ở đây. Đó là một chút tâm tư cá nhân. Tôi chia sẻ một chút thôi, không đại diện cho tổ chức, không đại diện cho một ai khác, mà chỉ là tâm tư của cá nhân tôi. 

Hy vọng bầu trời xanh mãi xanh, tình yêu mãi là tình yêu chân thành. Trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, dù có ra sao, hãy tin rằng một vầng sáng tươi đẹp vẫn ở đâu đó. Nếu bạn thực sự muốn tìm, bạn sẽ thấy. Nguyện chúc bình an của Đức Kitô đến cho tất cả mọi người.” Trong nơi bệnh viện này, các y bác sĩ không phân biệt bệnh nhân là ai, từ đâu đến, họ luôn chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Một chị điều dưỡng chia sẻ: "Con đang trực đêm tại bệnh viện, có một bác 65 tuổi mới vô, đang ngủ và được theo dõi sát, mà bác đó không ăn cơm, còn mặc đồ lịch sự thắt dây nịt. Tự nhiên con nhớ đến ba con. Xong rớt nước mắt, mong ba mẹ luôn bình an trong sự quan phòng của Chúa. Chỉ cần nhìn thấy các bác lớn tuổi, mà một thân một mình vô bệnh viện vì Covid là lòng con lại nghĩ đến ba mẹ ở nhà. Trong đại dịch này, con cảm nhận được Chúa muốn dùng con làm việc của Chúa, dù con yếu đuối... nên Chúa ơi, Chúa cùng con làm việc của Chúa. Vậy xin Chúa gìn giữ những người con thương yêu, Chúa nhé!” Xin cám ơn tấm lòng, trái tim của các y bác sĩ - đã dành cho bệnh nhân là chính anh em của mình như Chúa đã dạy “hãy yêu thương nhau”. Xin Chúa luôn đồng hành cùng các anh chị trên con đường phục vụ này. Xin Chúa ra tay ngăn chặn cơn dịch bệnh để các anh chị trở về với gia đình, trở lại cuộc sống bình thường. Cái ‘bình thường cũ’ đã qua đi rồi, chúng ta cùng sống trong cái ‘bình thường mới’... Antôn Chung Chí Tâm, LaSan (TGPSG) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 9,18-22, thứ Sáu, tuần XXV Thường niên) 

Khi còn lại một mình với các môn đệ, Đức Giêsu đặt một câu hỏi buộc các ông phải chọn lựa dứt khoát. Lời tuyên xưng của ông Phêrô thay mặt anh em mà nói lên với Thầy đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp trần thế của Đức Giêsu. Trong khi đám đông dân chúng cứ tiếp tục quan niệm sai lầm về sứ mạng của Đức Giêsu và do đó xa Ngài dần, thì các môn đệ, lần đầu tiên, nhìn nhận một cách minh nhiên Ngài là Đấng Mêsia. Kể từ đây, Đức Giêsu sẽ đặc biệt rèn luyện nhóm nhỏ này và tinh luyện lòng tin của họ. Luca đặt lời tiên báo về cuộc Thương Khó ngay liền sau lời tuyên xưng của ông Phêrô. Thánh Luca cho biết, ông đã từng cho thấy Đức Giêsu được nhìn nhận như thế bởi các sứ thần của Thiên Chúa (2,11) và đồng hóa Ngài chính là Con Thiên Chúa (4,41); thế nhưng, Phêrô mới chính là người môn đệ đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu với tước hiệu này. 

Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay đã cho thấy, trong khi có rất nhiều nhận định chẳng những khác nhau mà còn sai lầm về Đức Giêsu, thì Ngài đã muốn các môn đệ phải công khai nói lên nhận định của các ông về mình. Đức Giêsu hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô đã đại diện cho các môn đệ, trả lời rất đúng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. 

Hôm nay đây, nếu Đức Giêsu hỏi từng người trong chúng ta một câu hỏi tương tự, chắc chắn chúng ta cũng sẽ trả lời cách mau lẹ không kém thánh Phêrô ngày trước: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, rất có thể đó mới chỉ là câu trả lời mang tính lý thuyết chứ chưa chắc đã là một xác tín; bởi lẽ, câu trả lời của chúng ta chỉ được coi là một xác tín khi chúng ta dám sống và dám chết cho lời tuyên xưng đức tin như vậy. 

Đức Giêsu phải chịu nhiều đau khổ, bị các Kỳ mục, Thượng tế cùng Kinh sư loại bỏ, bị giết chết; thế nhưng, điều đó không có nghĩa là Đức Giêsu đầu hàng hay chịu khuất phục trước những sự dữ của thế gian, nhưng là nhờ đó mà khai mở cho nhân loại con đường dẫn đến sự sống, tức là dẫn đưa tới nguồn ơn cứu độ. Vì thế, mỗi khi loan báo về cuộc khổ nạn, Đức Giêsu không quên thêm một chi tiết rất quan trọng, đó là: “Ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Các môn đệ dường như quên mất điều này. Các ông tối tăm mặt mày khi nghe nói Thầy mình sẽ đón lấy cái chết, đến nỗi không còn nghe được sự vinh thắng sẽ đến sau những đau khổ phải chịu. 

Như vậy, nếu chúng ta chấp nhận bước theo Đức Giêsu trên con đường hẹp, con đường của từ bỏ, hy sinh và đau khổ, thì không có nghĩa là chúng ta đang bị vong thân mà là đang đi trên con đường cứu độ, con đường giải thoát đích thực. Tuy nhiên, đằng sau sự mặc khải về bản thân và về cái chết của Ngài, Đức Giêsu hẳn còn muốn mời gọi các môn đệ chấp nhận mọi hệ luỵ của những sự thật ấy. Điều đó cũng có nghĩa là, một khi đã tin vào Đức Giêsu thì người môn đệ cũng phải chấp nhận chia sẻ số phận đau thương như chính Ngài đã có lần mời gọi hai thánh Gioan và Giacôbê: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. 

Do đó, người môn đệ không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu trên môi miệng mà thiết yếu còn phải tuyên xưng bằng chính cuộc sống của họ. Tuyên xưng niềm tin nơi môi miệng có lẽ thật dễ dàng và ai cũng có thể làm được, nhưng tuyên xưng niềm tin trong đời thường thật chẳng dễ dàng chút nào; bởi vì, nó đòi hỏi chúng ta phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi bằng cả mạng sống của mình nữa. 

Một khi đã chấp nhận tin vào Đức Giêsu, chúng ta không bao giờ được phép ngạc nhiên về những đau khổ trong cuộc sống và càng không bao giờ được phép tránh né hy sinh để đùn đẩy cho người khác. Chúng ta hãy đón nhận tất cả như là cơ hội để được chia sẻ sự chết và phục sinh với Ngài. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu. 

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong đức tin can trường và trong tình yêu mến nồng nàn dành cho Chúa, để chúng con cũng biết can đảm thưa lời tuyên xưng như vị Tông đồ trưởng năm xưa: “Thầy Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Xin gia tăng sức mạnh tinh thần để chúng con biết hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Xin đừng để chúng con chỉ biết tuyên xưng Danh Chúa nơi môi miệng, còn lòng trí thì luôn tìm cách tránh né hoặc dè chừng mỗi khi Lời Ngài đòi buộc mỗi người phải từ bỏ và hy sinh. 

4. Lời bàn 

- Đây là một trong những giờ phút hệ trọng nhất trong cuộc đời Đức Giêsu. Ngài đặt câu hỏi cho các môn đệ khi chuẩn bị quyết định lên Giêrusalem. Ngài biết rõ những gì đang chờ đợi mình ở đó. Do vậy, câu trả lời mà Ngài muốn nghe từ chính các môn đệ là rất quan trọng. Điều Ngài biết rõ là mình sắp sửa tiến về Giêrusalem để đón nhận cái chết. Tuy nhiên ở đây, điều Ngài muốn biết là trước khi ra đi, có ai thực sự khám phá ra sứ mạng của mình hay không. Câu trả lời đúng sẽ thay đổi tất cả; bằng ngược lại, đó chỉ là sự hiểu lầm, và như vậy, bao nỗ lực của Ngài sẽ trở lên uổng công vô ích. Nếu có một nhận thức đúng, dù rất sơ sài, thì điều đó cũng có nghĩa là Ngài đã thắp lên một ngọn đuốc trong tâm hồn con cái loài người mà thời gian sẽ không bao giờ dập tắt được. Chắc hẳn Đức Giêsu đã rất vui khi thấy lòng trí của Phêrô được tràn ra nơi môi miệng một lời tuyên xưng đúng với ý của mình: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Khi nghe được điều đó, Đức Giêsu biết mình đã không thất bại. 

- Tuy nhiên, các môn đệ không được dừng lại ở việc biết đến khái niệm đó, mà họ còn cần phải khám phá ra ý nghĩa ẩn đằng sau tước hiệu đó nữa. Họ đã lớn lên trong một nền tư tưởng dạy rằng, phải trông đợi từ Đức Chúa một vua chiến thắng, có khả năng đưa xứ sở của họ đến địa vị bá chủ thế giới. Cặp mắt của Phêrô hẳn đã sáng lên một niềm xúc động khi ông thốt lên lời tuyên xưng đó. Tuy nhiên, Đức Giêsu cần phải dạy cho họ biết rằng, Ngài đến để chấp nhận cái chết trên thập giá chứ không phải đem đến sự vinh thắng theo kiểu thế gian. Ngài sẽ làm đảo lộn tư tưởng của họ về Thiên Chúa và về chính sứ mạng của Ngài. Họ đã khám phá ra Ngài là ai, nhưng bây giờ họ còn cần phải khám phá thêm ý nghĩa của tước hiệu “Đấng Kitô của Thiên Chúa” là gì nữa. 

- Có hai chân lý rất lớn trong đoạn Kinh Thánh này: 
   + Trước hết, Đức Giêsu bắt đầu bằng cách hỏi các môn đệ xem, thiên hạ đang nói gì về Ngài; rồi đột nhiên Ngài hướng câu hỏi thẳng vào các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Như vậy, không bao giờ được cho là đủ nếu chỉ nghe biết những điều người ta nói về Đức Giêsu. Một người có thể trúng tuyển các kỳ thi khi tìm hiểu về Đức Giêsu, hoặc người ấy cũng có thể đọc hết các sách của Kitô giáo được viết bằng mọi thứ tiếng trên thế giới, nhưng người ấy vẫn chưa phải là một Kitô hữu nếu họ không thực sự tin vào Ngài. Đức Giêsu phải là một khám phá riêng của cá nhân mỗi người chúng ta. Kitô giáo không phải là một câu chuyện chỉ để lưu truyền từ đời này sang đời khác, mà nó là một dòng chảy của lịch sử, được tiếp nối bởi những con người đã tin và đã thực hành những lời chỉ dạy của Tin Mừng. Đối Với mỗi người, chúng ta đối diện và trả lời cho câu hỏi: “Phần ngươi, ngươi nói Con Người là ai?” Thánh Phaolô đã từng xác tín cho câu trả lời của mình khi ngài nói: “Tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Ngài có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó” (2Tm 1:2). Kitô giáo không có nghĩa là đọc một bài tín điều nhưng là học để cho biết Đấng mà chúng ta tin nhận là Đấng nào. 
   + Thứ hai, cũng trong đoạn Kinh Thánh này, chúng ta được nghe tiếng “Phải” từ miệng Đức Giêsu. Ngài phán: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Thật ý nghĩa khi chúng ta để ý đến những tiếng “Phải” mà Ngài đã nói trong Tin Mừng của thánh Luca. Đức Giêsu đã từng nói trong chương 2 câu 49: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Trong chương 4 câu 43, thánh Luca chép rằng: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Còn trong chương 13 câu 33 thì ngài lại nói đến: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được”. Trong những lần tiên báo về cuộc khổ nạn, Đức Giêsu luôn nói đi nói lại với các môn đệ rằng, Ngài phải đón nhận lấy thập giá của mình, cùng chịu nhiều đau khổ; nhưng sẽ trỗi dậy (9:22; 17:25; 24:7). Điều đó cho thấy rằng, Đức Giêsu biết rõ là mình có một sứ mạng phải hoàn thành. Ý muốn của Chúa Cha cũng chính là ý muốn của Ngài. Ngài không có mục đích nào khác ở trần gian này ngoài việc làm trọn điều mà Thiên Chúa Cha đã sai phái. Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi bắt chước giống như Thầy Giêsu của mình, tức là luôn biết vâng lời Ngài dạy và phải thực thi những lời ấy ngang qua đời sống thường ngày. 

- “Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ. Có nỗi đau nào như nỗi đau chia ly: lúc yếu đuối nhất, chính là giờ phút cuối đời, cũng không gặp được người mình thương. Những bệnh nhân Covid đã trải qua những nỗi đau thật đau ấy. Vậy nỗi đau, nỗi sợ riêng tư của tôi đâu có là gì. Không là gì cả!” Chúng ta chẳng thể nào mường tượng được hết những bi thương mà các bác sĩ hằng ngày phải đối diện. Với họ, việc chứng kiến các cơn đau đớn, vạ vật và cả sự ra đi của các bệnh nhân là chuyện hết sức bình thường, đến nỗi chẳng có chi sợ hãi khi đối diện với sự chết chóc. Trước đây, những trăn trở của họ chính là cảm thấy mình bất lực vì không thể giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Còn trong mùa đại dịch này, những nỗi trăn trở của họ còn nặng nề hơn gấp nhiều lần. Họ không chỉ cảm thấy bất lực trong việc cứu sống các bệnh nhân mà ngay cả các mối tương quan rất đời, rất người của bản thân cũng khiến cho họ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Thật vậy, bản thân họ thì đi biền biệt, không có cơ hội để đoàn viên bên gia đình; còn các bệnh nhân, dẫu có ra đi thì cũng chẳng một người thân nào ở bên cạnh vào những giây phút cuối cùng. May mắn thay, từ giữa chốn ngặt nghèo ấy, vẫn còn đó một nữ bác sĩ đã tìm thấy cho mình một lối mở đầy tính hiện sinh và chan chứa tình người, bởi vì cô đã nghĩ: “Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ”. Thấu hiểu như thế, chắc hẳn sẽ giúp cho cả bác sĩ lẫn các bệnh nhân đều nhận được sự động viên cần thiết, đồng thời tựa nương nhau mà vượt qua những nỗi cô đơn cùng cực nhất.

- Chắc rằng, không một vị sư phụ nào trên trần gian này lại có đường hướng hoạt động và cách thức làm việc giống như Đức Giêsu. Thật vậy, Ngài mời gọi các đồ đệ từ bỏ gia đình cùng mọi của cải thế gian để đi theo mình. Thế nhưng, thay vì hứa hẹn một tương lai tốt đẹp, Đức Giêsu lại giới thiệu cho các môn sinh một viễn cảnh đầy bấp bênh, thù nghịch và ghen ghét. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã “minh oan” cho Đức Giêsu bằng cách cho Ngài sống lại vào ngày thứ ba. Điều đó đưa đến một mặc khải quan trọng mà sau này các môn đệ mới hiểu hết được đó là, Thầy của họ đã đảm nhận công trình cứu độ của Thiên Chúa một cách trọn vẹn, bao gồm cả sự ngược đãi và oán ghét của thế gian. Trong trích đoạn hôm nay, có một điều khác biệt mà chúng ta cũng cần lưu ý đó là, thánh Luca không hề nhắc đến việc Phêrô đứng ra can ngăn Đức Giêsu sau khi biểu lộ lời tuyên xưng “thần thánh”. Nếu như trong Tin Mừng theo thánh Máccô, việc khuyên can đã khiến cho Phêrô một phen bẽ mặt. Lý do vì sao đưa đến hành động đó của ông thì chúng ta đã nói đến rồi. Nếu vậy thì sự khác biệt giữa hai vị thánh sử nói lên điều gì? Có lẽ việc lược bỏ này phù hợp với tính cách của thánh Luca; bởi vì, ngài không muốn nêu lên những yếu đuối của các môn đệ. Điều đó cũng cho phép chúng ta rút ra một bài học dành cho những ai thực sự muốn trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Quả vậy, người môn đệ đích thực chấp nhận theo Chúa với một niềm xác tín sâu xa cùng một lòng tin tưởng vào kế hoạch Ngài đã định sẵn cho mỗi người. Như thế, gian nan khốn khó là điều không tránh được, nhưng Đức Chúa sẽ minh oan cho hết thảy những ai một dạ trung thành. 

- Nếu như các môn đệ của Đức Giêsu năm xưa, dẫu biết cuộc hành trình của đời mình luôn đối mặt với những gian lao thử thách, nhưng rồi họ vẫn cam kết dấn thân đến cùng; thì hình ảnh về một nữ bác sĩ được nhắc đến trong câu chuyện này cũng cho thấy một niềm tín thác mạnh mẽ không hề thua kém: “Lần này tôi đi theo tiếng gọi của đất nước, cũng là đi theo tiếng lòng muốn dấn thân của tôi. Tôi đã nguyện dâng và phó thác mọi sự cho Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ của đời tôi. Gia đình thân yêu của tôi, chắc chắn Mẹ Maria đã thay tôi chăm sóc và Mẹ còn ban ơn cho gia đình tôi nhiều hơn những gì tôi có thể nghĩ ra được”. Điều này đã trở thành một chỗ dựa tinh thần để cô tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Có thể cô là người không đủ mạnh mẽ như những gì tỏ lộ ra bên ngoài; mặc dù vậy, chính bản thân cô đã ngộ ra một điều đáng quý: “Tôi muốn cho tình yêu được thể hiện nhiều hơn theo đúng nghĩa của nó”. Là một người con, cô đã những giây phút chạnh lòng khi hay tin người cha ở nhà trở bệnh. Thế nhưng, chính đức tin mới càng khiến chúng ta thêm phần yêu quý, khi cô nói: “Tôi tin có Mẹ Maria lo cho cha tôi”. Bản thân tôi luôn tin rằng, ngay giữa cơn đại dịch này, không ai có thể phủ nhận những đóng góp quý báu của đội ngũ các y bác sĩ. Thế nhưng, còn có một điều càng khiến tôi xác tín hơn đó là, sự hiện diện của các y bác sĩ Công giáo chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt. Ngoài ra, chính sự khác biệt này sẽ trở thành một lời chứng sống động nếu như có ai đó muốn hỏi họ: “Đức Giêsu mà bạn đang tin theo là ai?” Chúng ta hãy cùng nguyện cầu để cho họ luôn giữ vững đức tin và sẵn lòng phục vụ các bệnh nhân như là phục vụ Chúa hay như đang phục vụ những người thân yêu của mình. Thay vào đó, chẳng lẽ Chúa lại để con cái của Ngài phải chịu thiệt thòi sao? 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1541,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,353,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1202,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4611,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Lc 9,18-22, thứ Sáu, tuần XXV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 9,18-22, thứ Sáu, tuần XXV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 9,18-22, thứ Sáu, tuần XXV Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj37H5ZSVYZydd2dbFpyWg8j6PZKpkX8t-M8ztNez_Gu0L6x7YYc7ta0MGk3Y8kVruwA_1Y6vtkgtWur-Z7XapHGUiHJMsbxgTIht-bebn7368r1cQhaI_EZL4C2u4XbDAMXy3-LwL8JPg/w738-h422/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj37H5ZSVYZydd2dbFpyWg8j6PZKpkX8t-M8ztNez_Gu0L6x7YYc7ta0MGk3Y8kVruwA_1Y6vtkgtWur-Z7XapHGUiHJMsbxgTIht-bebn7368r1cQhaI_EZL4C2u4XbDAMXy3-LwL8JPg/s72-w738-c-h422/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-918-22-thu-sau-tuan-xxv.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-918-22-thu-sau-tuan-xxv.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content