Góc Suy Gẫm - Lc 6,43-49; thứ Bảy, tuần XXIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 6,43-49; thứ Bảy, tuần XXIII Thường niên
Mùa dịch Covid-19
1. Chuyện chúng mình:
VỊ BÁC SĨ ANH HÙNG ĐÃ GIÚP ĐỠ CÁC NỮ TU BỊ TẤN CÔNG TÌNH DỤC VÀO CUỐI THẾ CHIẾN THỨ HAI
[Cảnh báo: Đây là một câu chuyện về cưỡng hiếp và giết người trong thời gian chiến tranh. Độc giả nên cân nhắc trước khi đọc.]
Nữ bác sĩ trẻ tuổi đã giúp đỡ và an ủi các sơ trong tu viện khi họ chịu đựng hậu quả tàn bạo của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chiến tranh là hố đen của đau đớn, làm lộ ra những bản năng tồi tệ nhất của nhân tính, nhưng cũng làm sáng lên những tâm hồn can đảm và cao thượng. Đây là một câu chuyện bi đát kể về hành trình chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn, đồng thời tôn vinh sự vĩ đại và tinh thần liên đới của nữ giới. Phụ nữ luôn là nạn nhân chính của các cuộc xung đột quân sự, trong đó tấn công tình dục là điều tồi tệ nhất mà họ phải trải qua. Dường như các binh sĩ có khả năng thực hiện hành vi tàn bạo như thế trên những người vô tội mà chẳng cần quan tâm những phụ nữ này là ai, người đã có chồng, sinh viên trẻ hay thậm chí là nữ tu.
Vào mùa xuân năm 1945, khi Thế Chiến thứ hai đi đến hồi kết, thì những người lính Nga rút từ Berlin về lại quê hương của họ. Trên đường về, khi đi ngang qua Ba Lan, thay vì họ mang lại hòa bình mà người dân nơi đây hằng khao khát, họ lại gieo xuống kinh hoàng, trong đó có cả các nữ tu.
**Cưỡng hiếp và giết người
QMột nhóm lính Xô Viết đã tấn công tu viện tại đó và thay phiên nhau hãm hiếp các nữ tu trong nhiều ngày. Một vài nữ tu thậm chí bị giết sau khi chịu vô vàn sỉ nhục. Còn một số trong những người sống sót thì mang thai. Tất cả phải in hằn nỗi đau đớn, kinh hoàng và nhục nhã.
Trong khoảng thời gian tồi tệ đó, một nữ bác sĩ trẻ người Pháp tên là Madeleine Pauliac đã đến Ba Lan. Cô sinh ngày 16 tháng 9 năm 1912 tại Villeneuve-sur-Lot và đã tham gia nhiều hoạt động chữa lành hậu quả chiến tranh.
Pauliac vừa làm việc không ngừng tại một bệnh viện ở Paris và vừa tham gia vào nhiều tổ chức kháng chiến. Cô giúp những lính dù của Đồng Minh, cho người Do Thái ẩn nấu trong nhà mình, và thậm chí tham gia vào hàng trăm nhiệm vụ của Lữ Đoàn Xanh của Chữ Thập Đỏ. Vào đầu năm 1945, cô là một trong những bác sĩ nổi tiếng của quân đội Pháp, được đích thân tướng Charles de Gaule thăng chức trung úy.
Pauliac được gởi tới Moscow với nhiệm vụ đưa tù binh chiến tranh Pháp hồi hương. Cũng vào tháng Năm năm đó, cô được chuyển đến một bệnh viên của hội Chữ Thập Đỏ Pháp ở Warsaw.
Trong khi điều trị không ngừng nghỉ cho quân lính và chuẩn bị trở về Pháp, cô chứng kiến cảnh tàn phá hỗn loạn ở thủ đô Ba Lan. Những người lính thuộc quân đội Nga dường như phát điên và gây nên mọi thứ tội ác.
Đối diện với thống khổ kinh hoàng
Cô không thể tưởng tượng nổi chuyện những người lính này đã làm với các nữ tu dòng Biển Đức. Các sơ đã đến cầu cứu cô vì cô là một trong rất ít các nữ bác sĩ mà họ có thể nghĩ tới. Pauliac viết trong nhật kí những từ ngữ ngắn gọn mà cay đắng này sau khi cô đến thăm tu viện: Có tổng cộng 25 nữ tu tại đó, 15 chị đã chết sau khi bị hãm hiếp và bị giết bởi lính Nga. 10 người còn sống đều bị hãm hiếp, người 42 lần, người 35 hay 50 lần... và 5 chị đã mang thai.
Các sơ bị dày vò bởi nỗi đau quá lớn về thể xác lẫn tinh thần. Một số chị cảm thấy đang ở tận cùng tuyệt vọng. Những chị mang thai phải vác một thánh giá quá khủng khiếp. Vì quá sợ hãi và tuyệt vọng, họ thậm chí nghĩ đến chuyện phá thai. Pauliac đến với họ không chỉ với tư cách của một bác sĩ. Cô lắng nghe, an ủi và bằng mọi cách san sẻ nỗi thống khổ của họ bằng một tấm lòng rộng mở. Cô không đánh giá họ; cô chỉ lặng lẽ ở bên cạnh và cho họ một tia sáng le lói trong bóng tối khủng khiếp đang nhấn chìm ngôi nhà của họ. Cô cũng giúp sinh cho một số chị.
Qua đời khi còn trẻ
Để ở cạnh các sơ bất cứ khi nào họ cần, Pauliac tiếp tục làm việc tại bệnh viện tại Warsaw và tìm kiếm các thương binh trên đất Ba Lan.
Hoạt động của cô kết thúc đột ngột vào ngày 13 tháng 9 năm 1946 trong một tai nạn giao thông. Năm đó cô chỉ mới vừa tròn 34 tuổi. Người ta đưa cô về an nghỉ tại quê nhà. Pauliac được trao tặng hai huân chương cao quý nhất của nước Pháp là Croix de Guerre (Giải thưởng quân sự của Pháp) và Legion of Honor (Bắc Đẩu Bội Tinh).
Năm 2016, đạo diễn Anne Fontaine đã đưa câu chuyện của bác sĩ Madeleine Pauliac và các sơ tại Ba Lan lên màn ảnh rộng trong bộ phim The Innocents. (Aleteia 27/8/2021)
Hà Mi - CTV Vatican News
(Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2021-09/vi-bac-si-anh-hung-da-giup-do-cac-nu-tu-bi-tan-cong-tinh-duc.html)
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 6,43-49; thứ Bảy, tuần XXIII Thường niên)
Trích đoạn hôm nay là những câu cuối cùng trong chương 6 của Tin Mừng theo thánh Luca. Tác giả Sách Thánh cho chúng ta biết thêm rằng, Đức Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách đối nhân xử thế, với ba lời dạy.
+ Trước hết, Đức Giêsu kể dụ ngôn cây và trái để dạy các môn đệ cũng như cho hết thảy chúng ta rằng, chỉ có thể tránh nguy hiểm giả hình nếu như hành động tốt ở bên ngoài của chúng ta hợp với suy nghĩ bên trong. Đối với các Kinh sư và người Pharisêu, một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với Luật. Còn ở đây, Đức Giêsu sâu sắc hơn và đi xa hơn khi Ngài dạy rằng, một hành động tốt phải phù hợp với một tâm hồn tốt; bởi vì, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt. Ngược lại, người ta thật khó tìm được điều tốt đẹp nơi người chất chứa trong lòng đầy những thù hận, chán ghét và bất bao dung.
+ Thứ hai, Đức Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói và việc làm tốt. Bởi thế, người môn đệ cần phải lấp đầy kho tàng của lòng mình bởi những điều tốt đẹp. Như thế cũng có nghĩa là, người môn đệ của Chúa không thể lấy ra từ cõi lòng mình những điều lành thánh nếu ở nơi đó chỉ toàn là những ý nghĩ xấu xa, những mưu mô hiểm độc và cả những ước muốn bất chính.
+ Và cuối cùng, tất cả những lời Đức Giêsu dạy đều rất tốt đẹp. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng ích lợi gì, và người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ Ngài. Chỉ những ai biết nghe và thi hành Lời Chúa dạy thì mới xứng đáng là môn đệ Ngài; họ ví được người khôn xây nhà trên nền đá vững chắc.
Ngày nay, người ta thường phân biệt giữ đạo với sống đạo. Giữ đạo là tuân giữ những quy định bên ngoài của đạo như đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, tham gia các sinh hoạt của giáo xứ. Còn sống đạo là thực hành những đòi hỏi của Tin Mừng, những giáo huấn của Giáo Hội. Nói cách khác, sống đạo là thực hiện ý Chúa trong đời sống cụ thể của chúng ta. Thật ra, không phải giáo huấn nào của Chúa dạy cũng dễ dàng đem ra thực hành trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, nếu các Kitô hữu không biết biến những điều mình nghe được thành hành động thì đời sống đức tin mãi mãi cũng chỉ dừng lại ở việc giữ đạo, chứ chẳng thể đi vào chiều sâu nội tâm con người được.
Người ta không thể giữ đạo mà không sống đạo, vì như thế sẽ rơi vào lối sống đạo đức giả hình của những người Biệt phái năm xưa. Bởi đó, Đức Giêsu đã ví người vừa giữ đạo vừa sống đạo giống như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá vững chắc đến độ cho dù nước sông có ùa vào hay sóng to gió lớn có ập tới, nhà đó vẫn không bị lay chuyển. Trái lại, người giữ đạo mà không sống đạo bị Đức Giêsu ví như người khờ dại xây nhà trên cát, khi mưa sa, nước lũ ùa vào, nhà đó sẽ sụp đổ ngay và trở thành một đống hoang tàn.
Thế nhưng, đâu là dấu hiệu cho biết một người được coi là khôn ngoan, tức là người vừa giữ đạo vừa sống đạo? Xin thưa, dấu hiệu cho biết người nào đó không chỉ giữ đạo mà còn sống đạo đó là, họ dám thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động bác ái yêu thương cụ thể, bởi vì cây tốt thì sẽ sinh trái tốt. Người lương thiện thì sẽ làm điều thiện một cách thực tâm, bởi vì lòng họ chứa đầy sự tốt lành. Bằng ngược lại, bất cứ ai chỉ thích tô vẽ và đánh bóng tên tuổi của mình ngang qua những việc bề ngoài, còn tâm hồn thì nguội lạnh và chất chứa những mưu thâm chước độc, ham mê danh-lợi-thú… sẽ chỉ là những người được coi là “khôn ngoan” trước mặt thế gian mà thôi.
Ngoài ra, Đức Giêsu còn dạy chúng ta: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Như vậy, ơn cứu độ cho dù được Thiên Chúa thương ban cho hết thảy mọi người, nhưng chắc chắn một điều, không phải ai cũng xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp mà Thiên Chúa đã hứa ban. Vì lẽ đó, sứ điệp Lời Chúa của ngày hôm nay thực sự trở thành lời nhắc nhở cần thiết cho mỗi người chúng ta. Thật vậy, đời sống đức tin cần phải đặt nền tảng dựa trên những xác tín được biện minh qua hành động chứ không đơn thuần là những lời giáo huấn mang nặng tính giáo điều. Chớ gì việc thực thì Lời Chúa mang lại cho chúng ta ơn cứu độ đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban.
Lạy Chúa, lời Ngài là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Xin cho cuộc đời của chúng con luôn bước đi dưới ánh sáng của ngày cứu độ. Ước gì tất cả chúng con đều là những người khôn ngoan vì biết lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống cụ thể hằng ngày một cách kiên trung và son sắt. Xin cho chúng con luôn biết vui tươi trong đời phục vụ bằng cách lấy ra từ lòng mình những điều tốt đẹp và chân thật. Xin quét sạch khỏi tâm trí chúng con những thứ giả hình và đừng để chúng con thực thi những điều làm ô nhơ Danh Chúa.
4. Lời bàn
- Các câu 43 đến 44 nhắc nhở chúng ta chỉ có thể nhận xét người khác qua việc làm của họ. Có người nói với một giáo sư: “Tôi không thể nghe lời ông nói vì đã thấy con người của ông rồi”. Cả hai điều giảng và dạy đều là sự thật qua nhân cách. Lời hay không bao giờ thay thế được cho việc tốt. Điều đó rất thích hợp cho ngày nay. Chúng ta sợ hãi tiếng đe dọa của các phong trào thế tục. Chúng ta không bao giờ đánh bại được các phong trào đó bằng cách viết nhiều sách báo và tổ chức nhiều cuộc giảng thuyết. Con đường duy nhất để chứng tỏ tính siêu việt của Kitô giáo là chúng ta phải sống thế nào cho mọi người thấy Kitô giáo giúp tạo ra những người tốt thật sự.
- Trong câu 45, Đức Giêsu nhắc chúng ta cần lưu tâm hơn đến lời mình nói. Bởi vì, lời nói ở môi miệng chúng ta chỉ là sản phẩm của lòng chúng ta mà thôi. Không ai có thể mở miệng nói về Chúa nếu Chúa Thánh Thần không ở trong lòng người ấy. Không có điều gì bộc lộ rõ tâm trạng của một người cho bằng chính lời nói của họ, khi họ không ý tứ lúc nói năng, khi họ tự do phát ngôn, nghĩ sao nói vậy. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy câu trả lời của một ai đó trước một câu hỏi bất ngờ, có thể cho thấy tư tưởng của người ấy thường tập chú vào đâu và những sở nguyện của họ là gì. Lời nói của chúng ta phản ánh tâm tư tình cảm của chúng ta giống y như thế.
- Để hiểu được nội dung của dụ ngôn về những người xây cất nhà cửa, chúng ta hãy tham khảo thêm bản văn đối chiếu trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 27,24-27). Thánh Luca áp dụng bức tranh của thánh Mátthêu vào bối cảnh Hy Lạp. Bên Hy Lạp, muốn làm nhà thì phải đào móng sâu, vì các con sông thường gây nguy hiểm trong mùa mưa bão, nhất là ở khu vực hai bên bờ sông. Còn thánh Mátthêu thì nghĩ tới một con sông nhất thời, tức là nước chỉ ập vào nhà khi trời có mưa giông. Ở Palestine vào mùa hạ, nhiều con sông khô cạn, để lộ cả đáy sông với đầy cát sỏi và không một chút nước. Nhưng qua mùa đông, sau những trận mưa liên tiếp đổ xuống, lòng sông cạn lại trở thành dòng nước chảy cuồn cuộn. Vì vậy, có nhiều người khi tìm nơi cất nhà nhằm vào mùa hạ, đã gặp phải một dải cát đẹp mắt và liền xây nhà trên đó. Nhưng khi mùa đông tới, họ mới nhận ra mình đã cất nhà giữa một dòng nước lũ và nó cuốn trôi căn nhà đi mất. Những người khôn ngoan thì thận trọng tìm những nền đất chắc chắn, xây nhà trên đó; tuy khó nhọc, tốn nhiều công sức đục đá, đắp nền. Nhưng khi mùa mưa gió đến, công lao khổ nhọc của người ấy được đáp đền, vì tòa nhà của họ đứng vững, mạnh mẽ và chắc chắn. Trong cả hai phương diện, dụ ngôn này dạy chúng ta tính cách quan trọng khi đặt nền móng cho cuộc đời, phải biết tính toán làm sao cho thật vững bền. Đối với các Kitô hữu, việc xây nền móng thật duy nhất cho cả cuộc đời đó là biết vâng giữ lời dạy của Đức Giêsu.
- Điều gì đã khiến kẻ xây nhà ngu dại chọn lựa một cách kém khôn ngoan như vậy? Có hai lý do sau đây.
+ Kẻ dại, tức là người thích tìm nhẹ và lánh nặng, hay nói khác đi là ngại phải chịu sự gian khổ. Người đó tránh lao nhọc vì phải đục sâu vào đá khi đặt móng cho ngôi nhà. Dựng nhà trên cát thì dễ hơn, thích thú hơn và đỡ cực nhọc hơn. Trong đời sống đức tin cũng thế, nhiều người chạy theo chủ nghĩa cá nhân vì cảm thấy như vậy sẽ dễ chịu hơn việc ép mình vào khuôn khổ những lời giáo huấn của Đức Giêsu. Nói khác đi, họ ưa chạy theo con đường riêng của họ và tránh né con đường của Đức Giêsu, vì đường của Ngài đầy khó nhọc, chật hẹp và thưa thớt bóng người. Thế nhưng họ đã nhầm, chính con đường đầy lao nhọc ấy mới đưa tới bình an và hạnh phúc thật.
+ Kẻ dại là người có cái nhìn thiển cận. Anh ta không bao giờ chịu để tâm suy nghĩ xem vài tháng sau khi mùa mưa bão đến, nơi mình đã chọn sẽ ra thế nào. Trong mọi quyết định của cuộc đời, chúng ta cần có những cái nhìn xa và có cả những cái nhìn gần. Phúc cho ai không bao giờ đánh đổi tương lai tốt đẹp để lấy thú vui trước mắt. Phúc cho ai biết nhìn mọi sự trong ánh sáng của cõi đời đời hơn là trong khoảnh khắc hiện tại. Khi nào chúng ta biết được con đường khó khăn, chật hẹp là con đường tốt nhất và biết nhìn xa trông rộng bao giờ cũng là cái nhìn đúng, thì bấy giờ chúng ta sẽ xây dựng cuộc đời mình trên lời Đức Giêsu và khi đó, không bão tố nào có thể làm lung lay rung chuyển được.
- “Chiến tranh là hố đen của đau đớn, làm lộ ra những bản năng tồi tệ nhất của nhân tính, nhưng cũng làm sáng lên những tâm hồn can đảm và cao thượng”. Các cuộc chiến tranh bao đời nay vẫn thế, nó luôn đem đến những sự mất mát, chia lìa và vô vàn khổ đau cho cả người thắng lẫn người thua cuộc. Câu chuyện trên đây một lần nữa cho thấy sự bi thương cùng cực mà chiến tranh để lại. Tuy nhiên, ngay giữa những gì là hèn hạ và tệ hại nhất, chúng ta vẫn kịp nhận ra chân dung của một nữ bác sĩ còn rất trẻ nhưng thật sự anh hùng, cô Madeleine Pauliac. Chắc rằng chúng ta sẽ không thể hình dung hết được những cảnh tượng hãi hùng đã đập vào mắt người phụ nữ này khi cô nhận được lời đề nghị và đến giúp đỡ các nữ tu ngày đó. Thế nhưng, điều chúng ta dám chắc khi nói về vị bác sĩ này đó là cô có một tấm lòng cao thượng và một trái tim quả cảm.
- Triết gia Pascal từng nói: “Trong tâm hồn cao thượng tất cả đều cao thượng”. Sự nhiệt thành và hết lòng tương trợ các nữ tu đang gặp cảnh khốn khổ hẳn đã cho thấy điều mà triết gia người Pháp nhận định là hoàn toàn đúng với con người và nhân cách của nữ bác sĩ Madeleine Pauliac. Ngôn ngữ Kinh Thánh khi nói về khôn và dại, đã dùng chung một chữ cho hai ngữ cảnh khác nhau đó là trường hợp các cô trinh nữ sửa soạn đi đón chàng rể và dụ ngôn nói về những người xây nhà trên nền đá hoặc trên nền cát. Hẳn chúng ta còn nhớ, người Do Thái quan niệm về người khôn chính là người có trái tim và được đặt đúng chỗ của nó, tức là người biết tính toán, lo liệu xa gần. Còn ngược lại, người dại chính là người tuy có trái tim, nhưng tiếc rằng nó bị đặt sai chỗ. Còn trong câu chuyện này, nếu như Bertha Von Suttner từng cho rằng: “Đứng sau động từ ‘yêu thương’ thì ‘giúp đỡ’ là động từ đẹp nhất trên thế giới”, thì những nghĩa cử cao đẹp mà nữ bác sĩ Madeleine Pauliac để lại cho đời, chẳng phải cũng đủ minh chứng để nói về một người có trái tim được đặt đúng chỗ của nó sao? Và câu chuyện về cô chẳng phải là đang nói về một người biết rút ra cái tốt từ trong kho tàng tốt của lòng mình để rồi dâng tặng cho cuộc đời này sao?
- Câu chuyện về nữ bác sĩ được nhắc tới trên đây, một lần nữa đưa chúng ta nhìn vào thực tại, nơi mà hằng ngày, rất nhiều nam nữ tu sĩ đang xả thân phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu để hỗ trợ cho việc phòng chống đại dịch Covid. Một cách nào đó, công tác của các tình nguyện viên này cũng có thể sánh ví với việc xây dựng căn nhà đức tin của chính bản thân họ. Sự hiện diện của họ tiếp thêm sức sống, đồng thời đem lại một làn gió mới cho những nơi mà đâu đâu người ta cũng có thể ngửi được mùi tử khí. Họ chính là những chứng nhân đức tin cho lòng quảng đại và lan tỏa sự hiện diện của Giáo Hội vào những nơi bi thương, cùng cực nhất. Chúng ta mong họ sẽ là những “Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân” (Benjamin Spock). Điều đó cũng cho thấy rằng, những đóng góp của họ luôn là vì thiện ích chung của cả nhân loại này. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, sự cống hiến của họ sẽ mang lại thành công. Bởi vì, nói như John C. Maxwell: “Thành công là biết được mục đích của cuộc đời, phát triển để vươn tới tiềm năng cực hạn của bản thân và gieo những hạt giống mang lại lợi ích cho người khác”. Như thế, chẳng có gì ngăn trở trong việc chúng ta trông chờ những hoa trái tốt đẹp, được nảy sinh từ những hạt mầm mà họ đã gieo nhằm mưu cầu ích lợi cho tha nhân.
Viết Cường, O.P.
COMMENTS