Góc Suy Gẫm - Lc 6,12-19; thứ Ba, tuần XXIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 6,12-19; thứ Ba, tuần XXIII Thường niên
Mùa dịch Covid-19
1. Chuyện chúng mình:
KỈ LUẬT, THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ
Ngày 4/9/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 7330/BYT-KCB, chấn chỉnh công tác nhân sự, yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhân viên y tế nào bỏ việc hoặc vi phạm các qui định về đạo đức nghề nghiệp. Đây là một công văn rất đau xót, phản ánh thực trạng cách đối xử với nhân viên y tế trong phòng chống dịch. Có lẽ tình hình nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc nhiều lắm, nên Bộ Y tế mới phải làm một cái công văn như thế này, vào đúng lúc dịch đang căng thẳng, và rất nhiều nhân viên y tế đang căng mình ra giữa vòng vây của dịch bệnh.
Tôi nhớ có xem một cái clip, cách đây vài tuần. Người quay clip nói bác sĩ trốn hết rồi, người chết không được đưa đi, người bệnh không được chăm sóc. Cũng có thể điều đó là thật. Ngay cả chỗ chúng tôi, nghỉ dài ngày quá nhân viên cũng rơi rụng dần, mặc dù chúng tôi cố gắng trả một ít phụ cấp.
Tất nhiên, công văn nói trên không nói những trường hợp nghỉ việc như ở chỗ chúng tôi. Họ nhắm đến những người được phân công làm công tác chống dịch ở tuyến đầu. Tôi không trực tiếp làm việc trong các bệnh viện dã chiến, hay các bệnh viện chuyên điều trị người nhiễm virus Vũ Hán. Nhưng qua những bài viết, các hoạt động thiện nguyện xoay quanh các khu vực đó, và từ một vài người bạn đang làm việc tại những nơi đó, tôi thấy, có nhiều điều cần xem lại, đừng để giữa lúc này lại mất thêm nhiều nhân viên y tế.
Đầu tiên nhất, hệ thống y tế đã không được bảo vệ trong cơn bùng phát dịch vừa qua. Hàng loạt bệnh viện bị phong tỏa. Thậm chí, chỉ cần 1 bệnh nhân đến khám, và sau đó phát hiện nhiễm, là phong tỏa luôn cả bệnh viện. Ngoại trừ những cái tên lớn, còn lại, cách hành xử của cơ quan quản lí cứ như họ là tội phạm. Cách hành xử như vậy làm cho nhân viên y tế không thể còn nhiệt huyết để làm việc nữa.
Việc phân biệt đối xử giữa y tế công và y tế tư, giữa bệnh viện và phòng khám đa khoa, đặc biệt là đối với các phòng khám tư nhân của một số Sở Y tế, điển hình là Sở Y tế TPHCM, không chỉ gây bất bình cho nhiều nhân viên y tế tư nhân, mà còn cho rất nhiều nhân viên y tế công.
Trong khi đó thì khi nhân viên y tế được đưa ra tuyến đầu, chính quyền đã quan tâm đến họ đúng mức chưa?
Tôi hết sức ngạc nhiên khi một số bếp ăn từ thiện nói với tôi, hoặc đăng công khai trên facebook, rằng họ nấu ăn cho nhân viên y tế và bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến. Tôi cũng đã nhận được xác nhận việc này ở một vài nhân viên công tác xã hội của một số bệnh viện. Vậy ra nhà nước không lo cho họ, hoặc lo như thế nào, mà để các tổ chức từ thiện phải đứng ra lo bữa ăn cho họ. Chính quyền đã biến nhân viên y tế tuyến đầu thành người phải đi nhận bữa ăn từ thiện, no đói nhờ vào lòng tử tế của người khác.
Phong trào tặng các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị người nhiễm virus Vũ Hán, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế để chăm sóc người bệnh nhiễm virus Vũ Hán rất rầm rộ. Điều này chứng tỏ, các bệnh viện thiếu thốn những thứ bảo đảm sự an toàn cho nhân viên y tế. Tại sao nhà nước không lo những thứ này cho nhân viên y tế, mà phải để sự an nguy của họ phụ thuộc vào lòng từ tâm của bá tánh?
Phong trào quyên góp những thiết bị y tế rẻ tiền, như thiết bị đo SpO2, hoặc đắt tiền hơn như máy thở không xâm nhập… cũng rất rầm rộ. Tôi còn phát hiện, các bệnh viện dã chiến còn thiếu cả bình oxy, mask thở, cũng lại phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhóm từ thiện. Những trang thiết bị phục vụ làm việc rất tối thiểu mà cũng không có, phải nhờ từ thiện giúp đỡ, thì có thể làm việc được hay không?
Nhiều bác sĩ tham gia chống dịch và điều trị bệnh nặng không phải chuyên ngành hồi sức hay nhiễm. Để có thể làm việc độc lập, ít nhất họ cũng phải có khoảng 6, 7 năm trong chuyên ngành. Bây giờ, các bác sĩ không thuộc chuyên ngành đó phải độc lập xử lí những ca rất khó, ngay cả đối với những bác sĩ đầu ngành hồi sức cấp cứu. Các vị có hiểu một người bác sĩ sẽ phản ứng như thế nào khi thấy mình bất lực chưa?
…
Võ Xuân Sơn
(Nguồn: https://www.facebook.com/xuanson.vo.5)
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 6,12-19; thứ Ba, tuần XXIII Thường niên)
Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Đức Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có không ít người ngưỡng mộ, nhưng cũng chẳng thiếu những kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ. Bây giờ, đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nòng cốt để họ lãnh trách nhiệm phổ biến Lời Ngài. Thánh Luca ghi rõ là có mười hai ông được tuyển chọn trong số các môn đệ và được gọi là Tông Đồ. Danh hiệu Tông Đồ dành riêng cho những người được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài. Tác giả Luca dùng chữ này sáu lần trong Tin Mừng của mình; trong khi đó, thánh Mátthêu và Gioan một lần; còn thánh Máccô nhắc đến hai lần.
Khi ghi nhận việc Đức Giêsu tuyển chọn Nhóm mười hai, tách biệt khỏi hàng ngũ các môn đệ, thánh Luca đã tỏ ra quan tâm tới các tác vụ trong Giáo Hội. Sự quan tâm này sẽ được khai triển nhiều hơn nữa trong sách Công vụ tông đồ. Tông đồ là những môn đệ được tuyển chọn dựa trên các điều kiện đó là: Tiên vàn, họ phải là những người đã từng sống với Đức Giêsu cũng như chứng kiến việc Ngài chết và sống lại. Thứ đến, họ là những người được "sai đi" (Apostolos) để loan báo Tin Mừng Chúa Phục sinh.
Khi suy nghĩ về ơn gọi của mình, linh mục nhạc sĩ Kim Long đã sáng tác một bài hát mà trong đó, người ta nghe thấy những lời sau đây: “Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con…; Chúa không lầm khi Ngài gọi tên con…; Chúa không lầm khi Ngài dìu con lên”. Quả thật, Chúa không lầm khi dựng nên và chọn gọi mỗi người chúng ta theo cách thế mà Ngài dự liệu. Và một cách đặc biệt, Đức Giêsu đã không lầm khi Ngài gọi và chọn 12 Tông đồ, là những người sẽ tiếp nối công trình cứu độ của Ngài. Chúng ta có thể quả quyết được như thế, bởi vì bài Tin Mừng chúng ta được nghe hôm nay đã ghi lại một chi tiết rất quan trọng cho thấy Đức Giêsu không hề lầm lẫn khi gọi các Tông đồ. Đó là: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy 12 ông và gọi là Tông đồ”.
Đức Giêsu không lầm, đó là khẳng định của niềm tin dựa trên mặc khải. Thế nhưng, tại sao những con người được Đức Giêsu chọn lựa lại đầy những bất toàn, yếu đuối, thậm chí là những con người hèn nhát và phản bội: một Giuđa đã đang tâm bán đứng Thầy với giá của một tên nô lệ; một Phêrô đã chối Thầy, không phải một lần mà là ba lần; còn lại có thể nói, toàn là những con người đầy tham vọng và hèn nhát, bởi vì tất cả họ đã bỏ chạy khi Thầy gặp thử thách gian nan. Đây là một mầu nhiệm hoàn toàn vượt quá trí hiểu của chúng ta. Chúng ta chỉ biết chắc một điều là, Thiên Chúa gọi và chọn ai là vì Ngài yêu thương cũng như tín nhiệm người đó; đồng thời Ngài cũng nhận thấy nơi họ khả năng đáp lại lời mời gọi yêu thương ấy. Thiên Chúa không bao giờ giới hạn tự do mà Ngài đã ban cho con người, cho dù con người đã sử dụng tự do ấy để chống lại Ngài.
Thiên Chúa không lầm khi chọn gọi những con người bất toàn, yếu đuối. Nhưng xem ra, Thiên Chúa thích chọn họ cũng giống như Ngài vẫn thích chọn “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27). Điều đó hẳn phải làm cho những người môn đệ cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt và sống ơn gọi là gì nếu không phải là dâng hiến tất cả cho Đấng đã yêu thương tín nhiệm gọi chúng ta, mặc dù chúng ta bất xứng. Vì thế, mỗi người chúng ta dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân thì cũng đều được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi để chia sẻ chức vị làm con cùng với Đức Giêsu, Con của Ngài.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã chọn các môn đệ thân tín làm Tông đồ và sai các ngài đi rao truyền Tin Mừng cứu độ; nay xin Ngài cũng hãy dùng chúng con như những khí cụ để giới thiệu Lời hằng sống cho các anh chị em của mình. Xin cho chúng con luôn biết hăng say loan báo Tin Mừng và không ngừng hoán cải để biến đời sống thường ngày nên chứng tá sống động cho lời chúng con rao giảng. Xin đừng để những khó khăn gian khổ làm nhụt chí và vơi đi nhiệt tâm tông đồ nơi mỗi chúng con.
4. Lời bàn
- Trong Tin Mừng theo thánh Máccô chương 3 câu 14 nói rằng, Đức Giêsu đã chọn các môn đệ để họ được ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng. Điều này có hai nghĩa. Trước hết, Đức Giêsu đã chọn họ để làm bạn hữu của mình. Thật lạ lùng, Ngài cũng cần đến tình bạn với loài người. Chính bản chất đích thực của Kitô giáo cho phép loài người chúng ta nói nói cách cung kính khiêm nhường rằng, Thiên Chúa sẽ thêm hạnh phúc khi có chúng ta. Vì Chúa là Cha, cho nên chúng ta vẫn có một chỗ trong trái tim của Ngài, mãi đến khi nào người con cuối cùng trở về nhà Cha của mình. Thứ hai, Đức Giêsu đã biết cuộc đời của Ngài ở trên gian sắp đi vào một khúc quanh quan trọng trước khi kết thúc. Và giả sử như Ngài sống ở một thời đại gần với chúng ta ngày nay, thì chắc hẳn Ngài có thể truyền bá giáo lý của mình cho nhân loại theo một cách thức khác. Nhưng vào thời đó, Ngài phải chọn những người này để họ loan truyền sứ điệp của mình. Họ phải là những quyển sách sống của Thầy mình. Họ phải sống bên cạnh Ngài để một ngày kia họ có thể rao giảng sứ điệp của Thầy cho mọi người một cách trung thực và sống động nhất.
- Đức Giêsu đã lựa chọn Nhóm mười hai trong số các môn đệ của Ngài. Danh từ môn đệ cũng có nghĩa là môn sinh, là người đi theo đằng sau. Họ phải luôn luôn học biết thêm về Ngài, mỗi ngày một nhiều hơn. Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi học hỏi không ngừng về Chúa, là Đấng mà một ngày kia mình sẽ gặp, diện đối diện. Đức Giêsu đã chọn một nhóm giữa các môn đệ làm Tông đồ của Ngài. Từ Hy Lạp Apostolos có nghĩa là kẻ được sai đi. Chữ này cũng có thể được dùng để chỉ về một sứ giả hay một vị đại sứ. Như vậy, họ phải là những đại sứ của Đức Giêsu đối với nhân loại. Kitô hữu chúng ta cũng được sai đi làm sứ giả cho Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng chính đời sống và việc làm của mình.
- Cũng cần phải nói ngay rằng, các môn đệ cũng chỉ là những con người hết sức bình thường. Họ không giàu sang, còn danh tiếng cũng chẳng có gì le lói và kể như cũng chẳng có thế lực gì giữa cộng đồng xã hội. Họ không phải là những học giả, mà chỉ là những người bình dân. Chắc hẳn rằng, khi chọn các môn đệ làm tông đồ, Đức Giêsu đã kỳ vọng 12 con người bình thường này sẽ làm thay đổi thế giới. Công việc của Đức Giêsu không đặt trong tay những người mà thế giới coi là vĩ nhân, nhưng ở trong tay những kẻ đơn sơ và rất đỗi bình thường.
- Giữa những người được chọn, có một sự pha trộn lạ kỳ. Chỉ riêng hai người trong số họ là Mátthêu và Simon Nhiệt thành cũng đã cho thấy, họ khó lòng sống chung với nhau chứ đừng nói gì đến chuyện thi hành sứ vụ cùng nhau. Nếu Mátthêu là một người thu thuế và ông bị xem là một tên phản quốc, hại dân; thì Simon Nhiệt thành lại là một người ái quốc quá khích và sẵn lòng ra tay sát hại những người bị coi là bội nghĩa vong ân với dân tộc. Khi người ta thực sự là Kitô hữu thì dù có khác biệt hay trái ngược đến đâu đi nữa cũng vẫn có thể sống hòa thuận với nhau. Chỉ trong Đức Giêsu, chúng ta mới có thể giải quyết những vấn đề xung đột, bởi vì những kẻ đố kỵ nhau nhất cũng hòa hợp được vì tất cả họ cùng yêu mến một mình Đức Giêsu. Như vậy, nếu chúng ta thực tâm yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẽ yêu thương nhau.
- Có một điều rất ý nghĩa là Kitô giáo bắt đầu với một tập thể. Niềm tin là một điều gì đó mà ngay từ đầu phải được khám phá và sinh hoạt dựa trên sự thông hiệp. Người Pharisêu đã tách riêng ra khỏi đồng bào của mình. Ngay chính tên gọi Pharisêu đã nói lên điều đó. Còn Kitô giáo lại buộc chặt con người ta lại với nhau, đồng thời giới thiệu cho họ một nhiệm vụ là sống với nhau, cho nhau và vì nhau. Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đến ở với Ngài và bắt đầu một sự thông hiệp mới mẻ. Ngài mời gọi họ để trở thành những người bạn đồng hành kiên gan và trung tín. Nhiều người có thể đến rồi đi, đám đông có mặt hôm nay nhưng ngày mai quay lưng và bỏ đi mất; còn với Nhóm mười hai, họ luôn ở bên cạnh Đức Giêsu. Nói một cách khác, Đức Giêsu đã chinh phục họ, và rồi đến lượt mình, họ cũng được Thầy Giêsu sai đi chinh phục thêm nhiều người khác nữa. Đức Giêsu ban tặng những sứ điệp, nhiệm vụ của các môn đệ là đi thông truyền các sứ điệp ấy. Đức Giêsu ban cho các ông năng quyền, các ông không được giữ cho riêng mình để khoe khoang hay tự đắc, nhưng là dùng chúng để xoa dịu nỗi đau của con người, đồng thời cho thấy quyền năng của Thiên Chúa đã hiển lộ nơi những người hèn kém như các ông. Là Kitô hữu, nếu chúng ta muốn học cho biết thế nào là một môn đệ của Đức Giêsu, thiết nghĩ chúng ta nên suy nghĩ thêm về ơn gọi cũng như sứ vụ của những người Tông đồ đầu tiên này.
- “Phong trào tặng các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị người nhiễm virus Vũ Hán, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế để chăm sóc người bệnh nhiễm virus Vũ Hán rất rầm rộ. Điều này chứng tỏ, các bệnh viện thiếu thốn những thứ bảo đảm sự an toàn cho nhân viên y tế”. Đây có lẽ là một thực trạng đáng buồn mà các nhân viên y tế đang phải gánh chịu. Chúng ta không thể liệt kê hết những cống hiến tuyệt vời của họ; càng chẳng thể nào trả hết cho họ món nợ này. Thật vậy, “Mọi người trả tiền cho ‘công sức’ của bác sĩ, còn sự tử tế của bác sĩ thì vẫn sẽ mãi là món nợ ân tình” (Seneca the Younger). Thánh sử Luca trong Tin Mừng hôm nay cũng phác họa cho chúng ta về chân dung của một vị “thần y” có khả năng chữa bá bệnh cho dân chúng. Có lẽ với nhiều người thời đó, Đức Giêsu giống như một người hùng thực sự, cho dù Ngài không khoác lên mình một chiếc áo choàng trắng. Còn với chúng ta hôm nay, dẫu cho không phải tất cả các anh hùng đều mặc áo choàng trắng, nhưng giữa cơn đại dịch Covid này thì những anh hùng thực sự chính là những người đang khoác trên mình chiếc áo blouse, biểu tượng cho sự thanh khiết, cao cả và trong sáng như tấm lòng của người thầy thuốc, người bác sĩ dành cho những bệnh nhân của mình.
- Marcus Tulius Cicero từng nói: “Không có gì khiến con người tiến gần đến thần thánh hơn việc trao sức khỏe cho con người”. Thế nhưng vào lúc này, những người đúng ra phải căng mình để cứu giúp bệnh nhân thì ngược lại, chính họ đang phải gồng mình trước những áp lực đến từ nhiều phía. Các nhân viên y tế làm việc hết công suất và dường như quên cả thời gian. Nhiều người chấp nhận sống xa nhà nhằm bảo đảm an toàn cho những người thân trong gia đình. Họ chứng kiến sự đau đớn của các bệnh nhân cũng như nhìn các ca tử vong mỗi ngày. Điều đó khiến họ thêm phần hoang mang, bởi biết đâu một ngày nào đó mình cũng thành bệnh nhân giống họ. Thiếu các trang thiết bị cần thiết để bảo vệ nhân viên y tế càng khiến cho nỗi lo lắng của họ thêm có cơ sở.
- Thực tế chỉ ra rằng, hiện tại đã có hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm bệnh, thậm chí là có những người đã không còn giữ được mạng sống của mình, càng khiến cho nhận định trên đây của bác sĩ Võ Xuân Sơn thêm phần thuyết phục. “Thuốc có thể chữa được các bệnh tật nhưng chỉ có những bác sĩ mới cứu được các bệnh nhân” (Carl Jung). Một viễn cảnh bi quan vẽ ra trước mắt chúng ta đó là, trong khi các ca nhiễm ngày một tăng cao thì ngược lại, con số các nhân viên y tế giảm sút từng ngày. Nhiều người sẽ lao vào hù dọa, chỉ trích hoặc đùn đẩy trách nhiệm khi không thể đưa ra những giải pháp khả dĩ để bảo vệ những người đang ở tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng nên nhớ rằng: “Hào quang của y học là nó luôn tiến về phía trước, và luôn luôn có thêm nhiều điều để học. Những bệnh tật của ngày hôm nay không che phủ chân trời của ngày mai, mà thúc đẩy nỗ lực lớn hơn nữa” (William J. Mayo). Nếu mục đích của y khoa là giúp kéo dài sự sống nhờ vào việc đẩy lui bệnh tật và một nền y học lý tưởng nhất chính là xóa bỏ hoàn toàn nhu cầu cần đến bác sĩ. Thế nhưng ngay thời điểm hiện tại, hầu hết chúng ta đều đang mắc nợ các nhân viên y tế; không đơn giản chỉ là những món nợ ân tình mà sâu xa hơn, chúng ta mắc nợ họ trong từng nhịp thở, sự dấn thân và cả mạng sống của chính họ nữa. Chúng ta hãy hiệp thông trong lời cầu nguyện và luôn tín thác vào nơi Thiên Chúa. Chúng ta cầu mong cho nhân loại được cứu thoát khỏi dịch bệnh, nhưng cũng đừng quên nguyện cầu cho những người đang căng mình giành giật lại sự sống cho các bệnh nhân.
Viết Cường, O.P.
COMMENTS