Góc Suy Gẫm - Lc 5,1-11; thứ Năm, tuần XXII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 5,1-11; thứ Năm, tuần XXII Thường niên
Mùa dịch Covid-19
1. Chuyện chúng mình:
VỊ LINH MỤC DẤN THÂN CHO NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở SAO PAULO QUA ĐỜI VÌ COVID-19
WHĐ (29.8.2021) - Người dân Brazil bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Cha Gilson Frank dos Reis, người đã cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những người nghiện ma túy và những người vô gia cư ở Sao Paulo. Ngài qua đời vào ngày 21 tháng 8 vì bị nhiễm COVID-19 khi thi hành sứ vụ trên đường phố khoảng một tháng trước.
Cha Dos Reis là một trong những thành viên đầu tiên của Mission Bethlehem, một cộng đoàn tu trì được thành lập tại Sao Paulo bởi Cha Gianpietro Carraro, người Ý vào năm 2005 với mục tiêu đưa những người nghiện ma túy ra khỏi đường phố thông qua việc loan báo Tin mừng. Cha Carraro kể rằng: một tháng trước, cha dos Reis đã đến thăm những người vô gia cư ở khu vực trung tâm của thành phố, nơi tập trung đông người nghiện ma túy. Phương pháp loan báo Tin mừng của Mission Bethlehem bao gồm các chuyến thăm như vậy, đôi khi có thể kéo dài đến vài ngày.
Trong các chuyến viếng thăm, các linh mục và các thừa sai ngủ trên đường phố, trò chuyện với hàng chục người vô gia cư, cầu nguyện với họ và cử hành thánh lễ. Họ cũng cố gắng thuyết phục những người nghiện ma túy từ bỏ đường phố và sống tại nhà của Mission Bethlehem. Cha Carrano chia sẻ: “Cha Don Reis nói với tôi rằng trong một thánh lễ, có một người vô gia cư đã ôm lấy ngài. Người đó trông rất ốm yếu. Cha Don Reis nói với tôi: “Cha ơi, con biết nguyên nhân vì sao con mắc phải căn bệnh Covid đó”.
Theo nhà thừa sai Michael Ortiz Danuello, cha dos Reis không bao giờ tỏ ra buồn bực khi biết mình bị lây nhiễm Covid. “Cha chỉ than thở rằng cha không thể đưa người vô gia cư đó ra khỏi đường phố.” Cha Dos Reis được biết đến với tính cách lôi cuốn và khả năng thiết lập mối tương quan với những người vô gia cư. Một bài báo viết về sự ra đi của ngài được đăng bởi tờ báo của Tổng giáo phận Sao Paulo đã nhận được hàng chục bình luận từ những người nghiện ngập trước đây được ngài giúp đỡ.
“Khi cha đến Crackland [một khu vực có hàng trăm người nghiện hút thuốc cả ngày lẫn đêm ở Sao Paulo], mọi người sẽ ngừng sử dụng ma túy một thời gian và đến nói chuyện với ngài. Mọi người đều rất vui khi ngài ở đó,” Danuello nói. Bản thân Cha Dos Reis trước đây cũng là một người sử dụng ma túy. 11 tuổi, Dos Reis bắt đầu hút thuốc lá. Ngài đã dành cả tuổi thanh xuân và tuổi trẻ của mình để hút thuốc và thậm chí đã từng sống ở Crackland một thời gian. “Một ngày nọ, sau khi dành cả đêm để hút thuốc, một người phụ nữ nhìn thẳng vào mắt ngài và nói rằng Chúa Giê-su yêu bạn. Ngài bất ngờ xúc động trước sứ điệp đó và quyết định gọi điện cho mẹ mình để nhờ giúp đỡ. Sau chín tháng ở trung tâm phục hồi chức năng, Dos Reis đã tỉnh táo trở lại,” Carraro giải thích.
Danuello, một người nghiện đã hồi phục, cho biết cha Dos Reis luôn chia sẻ câu chuyện của mình với những người trên đường phố. “Cha rất giống chúng tôi. Ngài đến từ cùng một địa ngục nơi chúng tôi sống. Và ngài đã trở thành một linh mục. Vì vậy, tại sao chúng tôi không thể làm như vậy?"
Sau khi hồi phục, cha Dos Reis bắt đầu làm việc và có người yêu. Anh cũng thành lập một cộng đồng nhỏ để chào đón và truyền giáo cho những người nghiện ngập. Năm 2005, ngài gặp cha Carraro, người đã thành lập Mission Bethlehem chỉ vài tháng trước đó. Cha Dos Reis quyết định bỏ lại mọi sự và gia nhập với cộng đoàn Carraro, sớm trở thành một trong những nhà truyền giáo tích cực nhất của cộng đoàn mới. Năm 2016, ngài được thụ phong linh mục.
“Khi đó chúng tôi là một nhóm nhỏ chỉ có năm người. Giờ đây, chúng tôi có 2.200 giường để chào đón những người vô gia cư và 240 thừa sai,” cha Carraro nói. Cha Dos Reis là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho nhiều người sống trên đường phố.
“Tôi mới đến Dòng sau nhiều năm nghiện ngập. Tôi thấy cha ấy hạnh phúc biết bao khi vừa loan báo tin mừng cho mọi người vừa chơi đàn ghita, và tôi rất ngưỡng mộ cha”, José Antônio Cardoso, 38 tuổi, một người từng nghiện ma túy hiện đang phụ trách một trong những ngôi nhà của Mission Bethlehem cho biết.
Jose Antonio mô tả cách tiếp cận của Dos Reis đối với người vô gia cư như một "cuộc nói chuyện giữa những người bình đẳng với nhau". “Nhiều lần, các nhà thừa sai và các linh mục nói chuyện với những người vô gia cư với một khoảng cách nhất định. Họ sợ bị bẩn quần áo. Cha Dos Reis không như vậy. Ngài sẽ tiếp cận bất cứ ai, bất kể tình trạng của họ,” Jose nói với phóng viên của Crux.
Cardoso mong muốn được làm việc như cha Dos Reis và quyết định tham gia Mission Bethlehem vì điều tốt đẹp hơn. “Tôi đã gia nhập cộng đoàn được 15 năm. Cha Dos Reis là linh hướng của tôi và đồng hành với tôi kể từ đó. Ngài thậm chí còn tổ chức hôn lễ cho tôi”, anh nói. Danuello nhấn mạnh niềm tin và niềm tin mạnh mẽ của Cha Dos Reis là một trong những đặc tính quan trọng nhất của cha: “Khi tôi gặp cha vào năm 2012, tôi mới tỉnh táo được 30 ngày. Vào thời điểm đó, tôi đã thử cai nghiện 62 lần. Khi tôi cảm thấy yếu đuối và nghĩ đến việc rời khỏi cộng đoàn, tôi sẽ thấy niềm tin bất khả chiến bại của cha và cảm thấy được truyền cảm hứng từ ngài,” Danuello nhớ lại.
Trong các chuyến sứ vụ ở Crackland với cha Dos Reis, anh ấy đã thấy cách vị linh mục sẽ đưa áo khoác của chính mình cho ai đó đang cảm thấy lạnh và đôi giày của ngài cho người cần. Danuello nói: “Ngài luôn trở lại cộng đoàn bằng chân trần”.
Mission Bethlehem đã phải tăng cường các hoạt động của mình sau khi đại dịch bắt đầu, vì cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến nhiều người sống trên đường phố hơn. Các biện pháp đặc biệt đã được tuân thủ để bảo vệ bệnh nhân và người già cả. “May mắn thay, đến thời điểm này, chỉ có 3 người trong số 700 người có tình trạng sức khỏe yếu đã qua đời. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã dự báo rằng chúng tôi có thể mất tới 140 người”, cha Carraro nói. Ngài nói rằng cha Dos Reis bị cao huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác. “Sự hoán cải tâm linh xảy ra, nhưng qui luật tự nhiên là không thể tránh khỏi. Ngài đã sử dụng ma túy trong nhiều năm trước khi đi tu và cơ thể ngài chắc chắn phải gánh chịu hậu quả”, cha Carraro nói. Danuello cho biết tấm gương của cha Dos Reis sẽ không bao giờ bị lãng quên trong Mission Bethlehem. “Ngài đã dạy chúng tôi rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng và chúng ta đừng bao giờ quên điều đó khi nhìn thấy ai đó trên phố. Tôi đã mất một người bạn thân yêu, nhưng tôi đã có được một người cầu thay trên Thiên đàng,” anh nói.
Duc Trung VU, CSsR, Theo The Crux (27.8.2021)
(Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/vi-linh-muc-dan-than-cho-nguoi-vo-gia-cu-o-sao-paulo-qua-doi-vi-covid-19-42576)
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 5,1-11; thứ Năm, tuần XXII Thường niên)
Thánh Luca xếp câu chuyện Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên diễn ra sau các phép lạ ở Caphácnaum, khác với các tác giả còn lại trong Tin Mừng Nhất lãm. Có lẽ tác giả đã thay đổi vị trí để cho thấy rõ hơn động cơ thúc đẩy các môn đệ đáp lại lời kêu gọi. Tác giả cũng là người duy nhất thêm giai thoại mẻ cá lạ lùng ở đây, trong khi đó, thánh Gioan lại ghi nhận nó sau khi Chúa Phục Sinh.
“Thu phục”, nói theo tinh thần Á Đông là “bắt sống”, theo nghĩa bắt cá còn sống, trong lưới hay đã mắc câu. Ở đây, thánh Luca dùng kiểu nói nghĩa “bắt về và để cho sống” chứ không tru diệt như các chiến lợi phẩm khác. Hơn nữa, ông Simôn sẽ “bắt” người ta để họ thuộc về Thiên Chúa với tư cách là những người được sống chính đời sống của Thiên Chúa, hay nói khác đi là “sống cho Thiên Chúa”. Ngoài ra, khi các môn đệ nghe và bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu, thì “theo” ở đây thường có nghĩa là kính trọng, vâng lời và phục vụ. Trong Tin Mừng, từ này cho thấy, không phải môn đệ chọn Thầy, mà là Thầy kêu gọi môn đệ, và môn đệ thường đáp lại lời Thầy tức khắc bằng thái độ tuân phục. Hơn thế nữa, môn đệ theo Thầy không phải như thính giả mà như cộng tác viên, như chứng nhân Nước Thiên Chúa. Tin Mừng còn nói dân chúng theo Đức Giêsu, điều ấy có nghĩa là họ mong tìm được nơi Ngài một bậc thầy mà họ không tìm thấy ở đâu khác. Từ từ, Đức Giêsu sẽ cho họ biết theo Ngài còn là vác th `ập giá mình, tức là từ bỏ mình mà theo Ngài nữa.
“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Đó là lời “Xin vâng” thật khiêm tốn của tông đồ Phêrô trước đề nghị chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới của Đức Giêsu, mặc dù hành động như thế có thể ngược lại với một người hành nghề ngư phủ lâu năm như ông. Thật thế, Phêrô cũng như một số bạn đồng nghiệp, với kinh nghiệm cha truyền con nối, biết rõ thả lưới bắt cá lúc này sẽ hoàn toàn vô ích bởi vì đã: “Suốt đêm vất vả, nhưng không bắt được gì cả”. Vậy mà giờ đây, Phêrô không hề do dự hoặc nghi ngờ trước lời đề nghị thả lưới của Đức Giêsu, một người dường như chẳng hề có chút kinh nghiệm chài lưới. Phêrô đã không hành động theo lý trí hay phán đoán tự nhiên, nhưng theo Đức tin hướng dẫn. Nhờ đó mà ông được tận mắt chứng kiến một mẻ cá lạ lùng.
Rõ ràng vâng theo ý Chúa như thế không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi con người phải từ bỏ xác tín cá nhân với tất cả sự khiêm tốn để theo ý Chúa. Thế nhưng, chính khi con người hành động theo Thánh ý của Thiên Chúa, thì kết quả xảy ra thật bất ngờ, vượt quá sức tưởng tượng của họ. Kết quả ấy chắc chắn không do khả năng của con người, nhưng là do quyền năng của Thiên Chúa tặng ban. Như vậy, tin và khiêm tốn vâng theo ý Chúa có nghĩa là chấp nhận để cho Thiên Chúa tự do hoạt động nơi chúng ta và qua chúng ta. Ngay lúc này, Thiên Chúa vẫn muốn thực hiện những mẻ cá lạ lùng trong cuộc đời của mỗi người, nếu chúng ta biết sẵn sàng đón nhận và thi hành Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Thế nhưng, chúng ta sẽ tự hỏi, ý Chúa được thể hiện ở đâu và làm thế nào để chúng ta nhận biết ý của Ngài? Trước hết, phải trả lời ngay rằng, ý Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh và Ngài vẫn nói khi chúng ta đọc và suy niệm Lời của Ngài. Ý Chúa cũng được thể hiện qua ý muốn của Giáo Hội, qua những lề luật phù hợp với giáo huấn của Thiên Chúa, qua ý muốn của những người có trách nhiệm hợp pháp và qua những biến cố lớn nhỏ đang xảy đến trong cuộc đời của chúng ta. Đó là những địa chỉ mà chúng ta có thể bắt gặp được ý Chúa nếu chúng ta biết nhìn với con mắt Đức tin.
Mặt khác, nhận ra ý Chúa trong cuộc đời đã là khó, nhưng càng khó hơn bởi vì ý Chúa thường gắn liền với Thập giá, hy sinh và đau khổ. Thánh ý của Thiên Chúa luôn đòi chúng ta phải biết từ bỏ ý riêng nơi bản thân để vâng theo và thi hành lệnh truyền của Ngài. Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng bao giờ theo sự khôn ngoan của con người và càng không bao giờ hành động với sự khôn ngoan theo kiểu của thế gian, nhưng hãy hành động theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, cho dù sự khôn ngoan ấy có thể là sự điên dại dưới cái nhìn của thế gian. Vì lẽ đó, chúng ta luôn được mời gọi để xác tín như thánh Phaolô đã dạy: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).
Lạy Chúa, xin ban cho mỗi người chúng con có được một tâm hồn khiêm tốn và quảng đại, biết để cho Thánh ý của Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết tin vào quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài, để chúng ta biết can đảm đối diện với những đau khổ, những thử thách, những bế tắc và cả những vấp ngã trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết dùng chính đời sống và gương sáng của mình mà thu phục thêm nhiều người về với Chúa. Và, xin cho chúng con biết hiến dâng chính mạng sống của mình để thi hành phận vụ Chúa trao ban.
4. Lời bàn
- Trích đoạn Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đối diện một khúc quanh trong sứ vụ của Đức Giêsu. Ở chương trước trước, Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường, còn bây giờ Ngài lại ở nơi bờ hồ. Ngài sẽ còn trở lại hội đường, nhưng sẽ đến lúc, cửa hội đường đóng lại trước mặt thì Ngài sẽ chọn những nơi khác là bờ hồ, nơi đường phố và tòa giảng của Ngài sẽ là chiếc thuyền tròng trành trên mặt nước. Ngài sẽ đi tới bất cứ nơi nào người ta muốn nghe Ngài giảng.
- Trong câu chuyện này, chúng ta có thể liệt kê một số điều kiện để có thể hiểu được phép lạ đã diễn ra. Trước hết, chúng ta phải có cặp mắt biết nhìn, biết quan sát. Chúng ta không cần suy nghĩ rằng, Đức Giêsu đã tạo nên hay đã gom lại một bầy cá lớn ở trong trường hợp này. Biển hồ Galilê có nhiều cá là điều ai cũng biết. Có lẽ con mắt tinh tường của Đức Giêsu đã nhìn thấy bầy cá lớn đó; còn các ngư phủ thì lại không nhìn thấy. Chúng ta cần một cặp mắt biết quan sát. Nhiều người đã thấy nước sôi làm bật cái vung nhưng chỉ một mình James Watt mới nhìn và sáng chế ra máy hơi nước. Nhiều người đã nhìn thấy trái táo rơi, nhưng chỉ một mình Isaac Newton đã trông thấy và tìm ra được định luật Vạn vật hấp dẫn của trái đất. Thế giới đầy dẫy những phép lạ nhưng chỉ dành cho những cặp mắt biết quan sát và thấu hiểu chúng.
- Chúng ta cần phải có một tinh thần luôn biết cố gắng. Khi Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá thì dù rất mệt nhọc, Phêrô cũng sẵn lòng thả lưới thêm một lần nữa. Nhiều người đành chịu thảm bại trong cuộc đời vì đã ngã lòng hoặc buông xuôi quá sớm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có một tinh thần dám cố gắng trong trường hợp hầu như tuyệt vọng. Đêm đã qua rồi, ban đêm mới là thời gian thuận tiện cho việc đánh bắt. Còn lúc này, tất cả hoàn cảnh đều không thuận lợi, nhưng Phêrô vẫn thuận theo ý của Đức Giêsu mà không hề thắc mắc hay dè bỉu ý kiến của một người chắc rằng không phải là một ngư phủ chuyên nghiệp. Chúng ta thường chờ đợi vì thời cơ chưa thuận lợi. Vậy nếu cứ đợi chờ cho tới lúc mọi sự thuận lợi thì chắc sẽ không bao giờ chúng ta bắt đầu được. Nếu chúng ta theo đúng như lời Đức Giêsu truyền dạy, tức là tin cách tuyệt đối vào Ngài, thì cho dù đó là những việc tưởng chừng vượt ngoài khả năng con người thì phép lạ vẫn có thể sẽ xảy ra.
- Khi nhìn vào ơn gọi của các môn đệ đầu tiên, hẳn chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều thú vị. Chúng ta thử chú ý xem họ là những người nào. Họ chỉ là những người bình thường, họ không xuất thân từ một trường lớp khoa bảng, cũng chẳng được chọn từ hàng ngũ tư tế hay quý tộc; họ chẳng có học thức cao và dĩ nhiên không hề giàu có. Họ chỉ là người dân, nghĩa là những con người bình tầm thường và bình dị. Chẳng mấy ai tin tưởng và chọn gọi những con người tầm thường như thế làm môn đệ giống như Đức Giêsu.
- Chúng ta chú ý xem, lúc Đức Giêsu gọi thì họ đang làm gì? Họ đang làm việc hằng ngày của mình, họ đang đánh cá và vá lưới. Tiếng gọi của Chúa đối với một người không phải chỉ xảy ra nơi linh thiêng, cũng không diễn ở nơi bí mật, nhưng còn ở ngay giữa lúc người ấy đang thi hành phận vụ thường ngày; hay nói đúng hơn là có thể xảy ra ở những nơi rất đỗi bình thường nhưng cũng đầy bất ngờ.
- Chúng ta thử chú ý đến điều Đức Giêsu đã ban cho họ. Ngài giao cho họ một nhiệm vụ đó là, hãy đi thu phục người ta. Đức Giêsu đã không gọi các môn đệ đi theo Ngài để cho họ có được mọi sự dễ dàng thoải mái, không phải để họ được sống một cách thụ động hay hưởng thụ. Ngài gọi họ để đảm đương một nhiệm vụ mà buộc lòng họ phải dành cả đời để thi hành; và quan trọng hơn là dám chấp nhận chết cho Ngài cũng như cho đồng loại. Ngài mời gọi họ đảm nhận một nhiệm vụ mà chẳng những họ không được gì cho riêng mình, nhưng còn phải hiến dâng tất cả cho Ngài và cho tha nhân nữa.
- “Ngài đã dạy chúng tôi rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng và chúng ta đừng bao giờ quên điều đó khi nhìn thấy ai đó trên phố. Tôi đã mất một người bạn thân yêu, nhưng tôi đã có được một người cầu thay trên Thiên đàng”. Đó là cảm nhận của một người từng chung chia với cha Gilson Frank dos Reis một quãng thời gian trước khi ngài qua đời vì nhiễm Covid. Hình ảnh về vị linh mục dos Reis lang thang trên đường phố và giúp đỡ những người vô gia cư khiến chúng ta nhớ về việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhiều môn đệ chắc hẳn sẽ cảm thấy bất ngờ về ơn gọi của mình; bởi lẽ, họ chẳng có gì nổi nang, cũng không có chút gì danh giá. Ơn gọi của cha dos Reis có lẽ cũng khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ như vậy. Thế nhưng, cho dù họ là ai, xuất thân thế nào, tất cả đều không quan trọng cho bằng việc họ được trở nên người môn đệ của Đức Giêsu. Quả thật, khi đã là môn đệ của Thầy Giêsu thì bằng cấp, giàu sang, địa vị hay chức quyền đều phải nhường chỗ cho những thứ đáng giá hơn nhiều, đó là đức bác ái và sự hy sinh. Biết yêu thương thì người ta mới muốn làm vì người khác. Biết yêu thương thì người ta mới không quản ngại hy sinh. Biết yêu thương thì người ta mới hết lòng phục vụ đến quên mình. Nhà văn Ernest Hemingway từng nói: “Những người tốt nhất có cảm xúc trước cái đẹp, lòng can đảm để mạo hiểm, kỷ luật để nói sự thật, khả năng để hy sinh. Trớ trêu thay, những đức hạnh của họ khiến họ mong manh; họ thường bị tổn thương, đôi lúc bị hủy diệt”. Chúng ta thực sự thấu hiểu điều này khi nhìn vào tấm gương phục vụ của cha dos Reis giữa cơn đại dịch. Ai đó vì thương cha mà trách móc Chúa, vì sao Ngài nỡ cất đi một con người nhiệt tâm cho sứ vụ tông đồ như vậy! Đừng quá lo lắng; bởi vì, vẫn còn đó những người môn đệ của Chúa, họ không e ngại bị tổn thương, không lo sợ bị hủy diệt để rồi tiếp tục dấn thân vì Chúa và vì tha nhân. Họ làm tất cả những điều đó không phải vì dám coi nhẹ mạng sống của mình; nhưng hơn ai hết, họ thừa hiểu giá trị của việc chết đi để chiếm lấy sự sống bất diệt từ nơi Thiên Chúa.
- Steve Jobs từng phát biểu rằng: “Chúng ta không có cơ hội làm quá nhiều điều, và mỗi thứ chúng ta làm đều phải thật sự tuyệt vời. Bởi vì đây là cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, và rồi bạn chết, bạn biết chứ? Và chúng ta đều được lựa chọn để làm điều này với cuộc đời mình. Vì vậy điều ta làm nên thật tốt. Nên đáng giá”. Đúng là cuộc đời của chúng ta ngắn ngủi thật, nhất là khi nhân loại này đang quằn quại giữa cơn đại dịch. Rõ ràng, cơn đại dịch này giống như một cuộc thanh lọc đối với xã hội loài người. Giả như một ngày nào đó dịch bệnh qua đi thì chắc hẳn rằng, những di chứng còn sót lại của nó sẽ tác động tiêu cực lên đời sống của chúng ta hàng chục năm, thậm chí là cả trăm năm sau. Trong cơn nguy khó, người ta tìm mọi cách tương trợ nhau hết sức có thể, đó là tình liên đới đại đồng. Nhưng nếu như dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì e là nó sẽ biến thành cơ hội để cho chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Người ta sẽ thu mình lại, trong cả nếp nghĩ lẫn việc làm. Điều đó sẽ đi ngược lại tinh thần của người môn đệ Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu quy tụ các môn đệ lại để rồi sai các ông đi làm việc cho Chúa, tức là dấn thân vì tha nhân. Còn khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, nó sẽ khép dần lại khả năng yêu thương cũng như bóp nghẹt ước muốn dâng tặng vì người khác. Điều đó cũng có nghĩa là, mỗi người sẽ mất đi cơ hội để thưởng nếm những điều tuyệt diệu; bởi vì, chả lẽ lúc nào người ta cũng chỉ vui thú với thế giới riêng của mình hay sao?
Viết Cường, O.P.
COMMENTS