Góc Suy Gẫm - Lc 4,38-44; thứ Tư, tuần XXII Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Lc 4,38-44; thứ Tư, tuần XXII Thường niên

Góc Suy Gẫm - Lc 4,38-44; thứ Tư, tuần XXII Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
MAHIRA BERGALLO BRZEZICKI - VẬN ĐỘNG VIÊN BẠI NÃO BẨM SINH - VƯỢT THẮNG NGHỊCH CẢNH NHỜ ĐỨC TIN 

Trong số hàng trăm vận động viên khuyết tật về thể chất hoặc trí tuệ tham dự Thế vân hội dành cho người khuyết tật diễn ra tại Tokyo từ ngày 24/8 đến 5/9 năm nay có vận động viên trẻ Mahira Bergallo Brzezicki, 19 tuổi, người Argentina, bị bại não bẩm sinh. Cô tự hào vì đã vượt qua nghịch cảnh và chắc chắn rằng việc cô được chọn thi đấu là một câu trả lời của Chúa. 

Từ Oberá, Argentina, Bergallo đến Nhật Bản để tranh tài trong môn bắn súng. Cô tham dự sự kiện với tinh thần phó thác chính bản thân cho Chúa và đeo một chiếc vòng đeo tay có Thánh giá. 

Từ bại não bẩm sinh đến trở thành vận động viên 

Bergallo không tưởng tượng được mình sẽ chọn thi đấu cho Argentina, bởi vì cô luôn chỉ đặt những “mục tiêu nho nhỏ” phù hợp với tình trạng thể chất của mình. Cô rất ngạc nhiên khi được chọn tham gia Paralympics ở Tokyo và cô chỉ được biết vào cuối tuần cuối tháng 6. Kể từ đó, cô đã đan xen những ngày của mình giữa việc học đại học về truyền thông với một lịch trình luyện tập căng thẳng và nhóm canh tân trong Thánh Linh mà cô là thành viên. 

Bergallo sinh ngày 22/8/2001, khi thai được sáu tháng. Ca sinh nở rất phức tạp. Bergallo chào đời sau chị gái song sinh và do thiếu oxy nên cô bị bại não. Điều này ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, nhưng không ảnh hưởng đến trí tuệ của cô. Không có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán tình trạng thể chất của cô, lên 4 tuổi cô mới bắt đầu biết đi. Thậm chí, gia đình còn cho rằng cô bị khuyết tật nhẹ là do di truyền. Trong khi Bergallo đang cố gắng vượt thắng nạn bắt nạt ở trường, cô bắt đầu chơi thể thao một cách khó khăn. Chỉ đến năm cô 14 tuổi, các chuyên gia mới chẩn đoán được vấn đề của cô. Kể từ đó, các chuyên gia đã hướng sự nhiệt tình và cống hiến của cô gái trẻ này cho các môn thể thao thích hợp. Thật không dễ dàng để Bergallo chấp nhận điều đó, nhưng qua nhiều năm, lắng nghe câu chuyện của các bạn học khác của mình, cô đã hiểu ra rằng mọi thứ là như vậy và cô tự hào về mình. 

Bergallo rất gần gũi với gia đình, bao gồm cha mẹ, chị gái sinh đôi, em trai và bà, những người “không bao giờ đối xử khác biệt với cô”. Cô biết ơn đội điền kinh, huấn luyện viên, người giống như một người cha và người đã giúp cô vượt qua nhiều điều, những người bạn và những người mà cô đã gặp trong cuộc đời. Họ đã giúp cô hiểu rằng đó là con người cô đã từng là và cô đã khám phá ra một Mahira Bergallo khác mà cô không hề biết. 

Bám vào đức tin 

Nhưng trên hết, Bergallo chia sẻ, “Tôi bám vào đức tin rất nhiều. Thiên Chúa chiếm một vị trí rất lớn trong cuộc đời tôi. Chúa đã hướng dẫn tôi và Người đã hướng dẫn tôi đến vị trí của ngày hôm nay”. “Tôi luôn xin với Chúa cho tôi thấy tôi là ai. Khi còn nhỏ, tôi đã tự hỏi mình ‘tôi là ai’, ‘tôi ở trên thế giới này để làm gì’ và Người đã chỉ cho tôi những điều mà chỉ có thể đến từ Người”. “Hôm nay tôi biết con đường của mình là gì và tôi phải đi theo con đường nào và tôi rất vui khi xác nhận điều đó. Tôi nghĩ đây là và đã là điều tôi đã hy vọng, và nó thậm chí còn tốt hơn”. 

Kinh nghiệm sống này là điều mà Mahira Bergallo cố gắng chia sẻ với những người trẻ cùng cô tham gia trong nhóm cầu nguyện dành cho giới trẻ tại nhà nguyện Đức Mẹ Fatima. Cùng với chị gái song sinh của mình, cả hai đều hướng dẫn và đồng hành với nhóm, nơi cô thích cầu nguyện, ca ngợi, rao giảng và chia sẻ với những người bạn cùng lứa, những người cũng đang tìm kiếm câu trả lời từ Chúa và những người ủng hộ cô. Cô chia sẻ: “Họ giống như anh chị em của tôi, họ quan tâm đến sức khỏe của tôi, về lịch trình của tôi, thậm chí họ sẽ giúp tôi mọi thứ cho chuyến đi”. 

Thể thao đã thay đổi cuộc sống của Bergallo: “Nó ở trong cuộc sống hàng ngày của tôi, mọi thứ đều liên quan đến nó, nó hoạt động trong mọi việc và tôi không thể ngừng tập luyện nữa. Và nếu không còn thi đấu được nữa, tôi nghĩ mình sẽ cống hiến cho nghề báo, chuyên về thể thao”. 

Hồng Thủy - Vatican News 
(Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-08/mahira-bergallo-brzezicki-van-dong-vien-bai-nao-bam-sinh.html) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 4,38-44; thứ Tư, tuần XXII Thường niên) 

Trích đoạn Sách Thánh hôm nay ghi lại một ngày làm việc của Đức Giêsu. Trong đó, chúng ta dễ dàng nhận ra một sự hài hòa giữa làm việc và cầu nguyện nơi cuộc đời của Đức Giêsu. Đến cuối đoạn trích, chúng ta sẽ được nghe nói tới một trong các sứ vụ của Đức Giêsu khi đến trần gian này, đó là loan báo triều đại Nước Thiên Chúa. Kiểu nói này được Đức Giêsu thường dùng, và trong Luca, nó xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Trong tư tưởng Do Thái giáo, kiểu nói này chỉ vương quyền thường tồn của Thiên Chúa trên thế giới và tiên báo cuộc chiến thắng của Ngài vào thời cứu độ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu thường dùng kiểu này theo nghĩa thứ hai. Chữ Hy Lạp basileia phải dịch là Nước và hiểu theo nghĩa bóng đó là: ơn cứu độ được coi như một nơi người ta sẽ đi vào, nơi người ta ở, nơi người ta ngồi dự tiệc. Còn nếu dịch là Triều Đại thì hợp hơn trong những đoạn ít biểu tượng, để nói về chủ quyền của Thiên Chúa được biểu lộ và nhìn nhận vào thời cứu độ. Trong Tin Mừng Luca, Nước hay Triều Đại Thiên Chúa thường là đề tài rao giảng của Đức Giêsu cũng như của các môn đệ Ngài. 

Kinh nghiệm cho thấy, nhiều lúc ốm đau bệnh tật hay gặp khó khăn thử thách, chúng ta cầu xin mà xem ra lời cầu xin ấy không được Thiên Chúa đáp lời. Những lúc như thế, rất có thể chúng ta nghĩ rằng hoặc là Thiên Chúa bất lực trước đau khổ chúng ta đang chịu hoặc Thiên Chúa không còn yêu thương chúng ta, đến độ Ngài lạnh lùng xa lạ với những thánh giá cuộc đời mà chúng ta đang gánh chịu. Tuy nhiên, có phải Thiên Chúa sự thực muốn như thế cho con cái của mình không? 

Bài Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho chúng ta biết, Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là một Thiên Chúa dửng dưng hay bất lực trước đau khổ của nhân loại, nhưng là một Đấng đầy tình yêu thương và quyền năng. Là Thiên Chúa yêu thương, Ngài không thể làm ngơ trước những nỗi đau thể xác cũng như tâm hồn của con người. Là Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể cứu chữa con người một cách dễ dàng. Tin Mừng đã ghi nhận: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ”. 

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho chúng ta qua trung gian là những con người có khả năng chuyên môn cùng với việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vượt bậc. Thiên Chúa không trực tiếp hay chữa bệnh thay con người, nhưng đòi con người phải không ngừng khám phá, học hỏi và cộng tác. Chính vì thế mà chúng ta cũng có trách nhiệm ngăn chặn những nguy cơ làm cho bệnh tật lây lan và phát triển. 

Tuy nhiên, điều Đức Giêsu muốn không phải chỉ chữa lành căn bệnh thể xác mà là căn bệnh tinh thần, tức là ơn cứu độ cho con người. Những phép lạ chữa lành các bệnh nhân cũng đã là dấu chỉ cho thấy Đấng Cứu Thế đã đến và mời gọi con người tin vào Ngài để được cứu độ. Khoẻ mạnh thể xác mà suy nhược tâm linh mới là điều đáng sợ, nếu không muốn nói đó là một thảm hoạ cho bất cứ ai. Trái lại, cho dù thân xác đau ốm, tàn tạ, nhưng tâm hồn tràn ngập ơn thánh, thì đó lại là một diễm phúc, bởi vì Đức Giêsu đã quả quyết với chúng ta: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất sự sống, thì nào có ích gì?”. 

Cuối cùng, bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã cho thấy, giữa những công việc chồng chất, Đức Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện. Tin Mừng ghi lại: “Sáng ngày, Ngài đi đến một nơi hoang vắng”. Như vậy, Đức Giêsu còn muốn cho thấy, việc cầu nguyện phải luôn đi trước mọi hoạt động như là động lực cần thiết cho việc phục vụ của chúng ta. Mức độ yêu thương và phục vụ của chúng ta tuỳ thuộc vào cường độ cầu nguyện của mỗi người.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn vững tin vào tình thương và quyền năng cứu độ của Ngài, để cho dù sống trong đau khổ của bệnh tật hay khi gặp phải những thử thách nơi tâm hồn, chúng con vẫn luôn có được sự bình an, vì có Chúa là có tất cả. Xin cho chúng con đừng vì quá ham mê với những phận vụ trần thế mà quên đi việc kết thân với Chúa trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Xin soi sáng để chúng con luôn biết rằng, mỗi người đều phải có trách nhiệm trong việc loan báo triều đại của Thiên Chúa cho anh chị em mình; nhờ đó mà ngày càng có nhiều người biết và yêu mến Chúa hơn. 

4. Lời bàn 

- Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu bao giờ cũng sẵn sàng phục vụ, ngay cả khi Ngài vừa bước ra khỏi hội đường. Quả thế, ngay khi vừa bước chân vào nhà Phêrô thì nhu cầu của con người lại dồn dập đến với Ngài. Ngài không hề phân trần về mệt nhọc hay cần được nghỉ ngơi. Ngài đã đáp ứng mà không một chút phàn nàn. Đức Giêsu không đòi hỏi phải có đông người mới làm phép lạ để nhờ đó mà được tuyên dương, ca ngợi. Chúng ta thì không như thế, nhiều người chỉ hăng hái làm việc trong đám đông, còn chỗ ít người thì họ thiếu nhiệt thành. Nhiều người tận tâm, tận lực trong xã hội, nhưng lại rất biếng nhác công việc trong gia đình. Thường thì chúng ta tỏ ra hiền từ, lễ độ, rộng rãi với người xa lạ; nhưng lại không quan tâm đến những người thân thuộc của mình. Còn Đức Giêsu, Ngài vẫn sẵn sàng bày tỏ quyền năng của mình trong một căn nhà nhỏ bé tại Caphácnaum, khi dân chúng đã ra về. 

- Ở Palestine, người ta thường ghi nhận có ba loại sốt. Loại thứ nhất gọi là Malta, đặc điểm của nó là khiến cơ thể suy nhược, mất máu, kéo dài trong nhiều tháng và cuối cùng là tình trạng kiệt sức khiến bệnh nhân tử vong. Loại thứ hai là sốt cách nhật hay định kỳ. Loại nguy hiểm nhất là sốt rét vàng da. Người ta phỏng đoán rằng, bà nhạc mẫu của Phêrô mắc phải loại bệnh này nên khiến bà nằm liệt. Thế nhưng, điều chúng ta quan tâm ở đây chính là quyền năng của Đức Giêsu chứ không phải tình trạng của bệnh tật; bởi dù sao, chỉ cần Ngài chạm tới là bệnh tình bị đẩy lui ngay. 

- Ngay khi được chữa lành, mẹ vợ ông Phêrô liền bắt đầu việc phục vụ của mình. Bà hiểu rằng, mình được trả lại sức khỏe lại để dùng nó mà phục vụ người khác. Bà không muốn được nâng niu chiều chuộng, bà muốn tiếp tục làm công việc của một người nội trợ. Các bà mẹ bao giờ cũng thế. Nên nhớ rằng, nếu Chúa ban cho chúng ta sức khỏe, thì ắt hẳn Ngài cũng muốn chúng ta dùng nó để lo liệu, quan tâm và phục vụ cho mọi người.

- Đức Giêsu tìm nơi vắng vẻ để ở một mình. Để có thể giúp đỡ những người thiếu thốn, trước hết Ngài phải gặp gỡ thân tình với Chúa Cha. Ngài đã không một lời than phiền hay bực tức khi dân chúng kéo đến phá rối giờ phút tĩnh lặng riêng tư của mình. Cầu nguyện là công việc lớn lao, nhưng xét cho cùng thì nhu cầu nhân loại đang cần còn lớn hơn nhiều. Chúng ta không nên dùng cầu nguyện để trốn tránh các công việc của thực tại, nhất là đừng để việc cầu nguyện níu giữ chúng ta lại trước tiếng van nài không ngớt của những người khổ đau. Cầu nguyện là bước chuẩn bị cần thiết trước khi chúng ta thực thi các phận vụ của mình. Nói khác đi, chúng ta cần Thiên Chúa trợ giúp để chúng ta đủ nhiệt tâm mà phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, ở chiều kích ngược lại, chúng ta cũng đừng quá hăng say những công việc bên ngoài mà quên đi những phút giây lắng lòng bên Chúa. Đó là một nhịp sống vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta kín múc được thêm nguồn sức mạnh để có thể làm việc cho Chúa cách hăng say hơn và bền bỉ hơn. 

- Sau cùng, chúng ta thấy Đức Giêsu không cho phép quỷ nói. Nhiều lần chúng ta thấy Ngài truyền cho chúng phải im lặng. Tại sao vậy? Vì dân Do Thái quan niệm sai lầm về Đấng Mêsia. Đối với họ, Đấng Mêsia phải là một vị vua chiến thắng, đạp chân lên cổ chim Phụng hoàng và quét sạch các đạo quân Rôma ra khỏi xứ Palestine. Nổi loạn vốn tiềm tàng và luôn có nguy cơ bột phát, chính vì vậy Đức Giêsu biết rằng, nếu có tin đồn Ngài là Đấng Mêsia thì những người chung quanh có thể sẽ sẵn sàng hô hào để kích động một cuộc quy tụ và tôn Ngài làm vua. Như vậy, trước khi người ta có thể gọi Ngài là Đấng Mêsia, Ngài phải dạy cho họ hiểu rõ về Đấng Mêsia Thiên Sai là như thế nào. Đó không phải là một vị vua chiến thắng, nhưng là một đầy tớ chịu thương chịu khó và hạ mình xuống thật thấp để phục vụ con người. Đức Giêsu truyền cho ma quỷ im lặng, vì dân chúng chưa hiểu biết đúng nghĩa về Mêsia theo nghĩa Thiên Sai; và nếu họ khởi đầu với những tư tưởng sai lầm thì chắc chắn sẽ đưa đến chết chóc và tàn phá. 

- “Tôi bám vào đức tin rất nhiều. Thiên Chúa chiếm một vị trí rất lớn trong cuộc đời tôi. Chúa đã hướng dẫn tôi và Người đã hướng dẫn tôi đến vị trí của ngày hôm nay. Tôi luôn xin với Chúa cho tôi thấy tôi là ai. Khi còn nhỏ, tôi đã tự hỏi mình ‘tôi là ai’, ‘tôi ở trên thế giới này để làm gì’ và Người đã chỉ cho tôi những điều mà chỉ có thể đến từ Người”. Những chia sẻ đức tin trên đây của một nữ vận động viên khuyết tật giúp chúng ta suy nghĩ lại chính bản thân mình, nhất là trong mùa đại dịch này. Không còn nghi ngờ gì nữa, cơn bão Covid hiện nay đã bào mòn sức chịu đựng của bao người. Cả đời sống đức tin cũng chịu chung số phận. Đâu đâu người ta cũng nghe thấy tiếng van nài ai oán bởi chứng kiến người thân của mình vạ vật trong đau đớn và rồi từ giã cõi đời trong tuyệt vọng, cô đơn. Đáp lại lời mời gọi nguyện cầu cho muôn dân được thái bình an lạc, đây đó vang lên những lời cầu kinh nguyện ngắm và hằng tỉ thông điệp gửi đến cho nhau, chất chứa bao yêu thương. Thế nhưng, cuộc chiến chống lại dịch bệnh mỗi lúc dường như khiến cho nhân loại này thêm phần hoang mang, lo sợ. Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu đã chắc chắn mang lại niềm vui ngập tràn cho những con người khốn khổ vì bệnh tật. Họ cũng từng hụt hơi trong những nỗ lực tìm thầy chạy chữa trước khi gặp được Đức Giêsu. Tuy nhiên, chẳng thầy thuốc nào có thể khiến họ thỏa mãn, ngoại trừ vị Danh y người làng Nazareth. Nhân loại hôm nay cũng đang tha thiết nài xin để vị Danh y ấy tiếp tục rủ thương mà cứu giúp hết thảy mọi người. 

- Có lẽ với nhiều người, đức tin giờ đây giống như chiếc phao cứu sinh cuối cùng để họ bám vào, khi mà thân xác thì rã rời và sức lực chẳng đủ để có thể làm bất cứ công việc gì nữa. Virus Corona tuy nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa nơi mình một sức mạnh khủng khiếp. Nó có khả năng xuyên phá những thành trì kiên cố nhất của y khoa, quật ngã những con người khỏe nhất hành tinh trong chớp mắt và biến những người tráng kiện nhất thành thây ma chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh. Biết bao người vẫn loay hoay tìm lời giải đáp cho những câu hỏi về nó: Virus đến từ đâu? Nhờ đâu mà nó có thể biến chủng nhanh đến như vậy? Nó có mặt trên thế giới để làm gì?... Thế nhưng, vẫn còn đó những con người cậy dựa vào đức tin mà vượt lên số phận của đời mình và lướt thắng bệnh tật. Cô bé Bergallo là một người như thế. Nhờ tin mà cô bé đã khám phá ra ý nghĩa cuộc đời của mình, để rồi từ đó phấn đấu vươn lên. Chúng ta cùng cầu chúc cho cô bé giàu nghị lực này được hồn an xác mạnh để thi đấu thành công trong các cuộc tranh tài đang diễn ra tại Olympic Tokyo dành cho người khuyết tật. Nếu giành được huy chương, điều đó sẽ đem đến cho cô bé niềm hạnh phúc cá nhân; đồng thời cũng mang lại vinh quang cho tổ quốc. Với tôi, cho dù cô bé ấy không giành được vinh dự nào, thì sự góp mặt Bergallo trong đội tuyển quốc gia cũng đã là một tấm huy chương danh giá dành cho người biết cậy nhờ đức tin mà thăng tiến bản thân. Điều đó chẳng đủ để chúng ta nể phục sao? 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1537,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,188,Cộng Đoàn,747,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,349,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1024,Hội Thánh,305,Kiến Thức,68,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1150,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,181,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4553,Suy niệm,1091,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,684,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,140,Tài liệu,516,Tập San Lên Đường,561,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,938,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1969,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1594,Video Nhạc - Phim,559,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Lc 4,38-44; thứ Tư, tuần XXII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 4,38-44; thứ Tư, tuần XXII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 4,38-44; thứ Tư, tuần XXII Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiaqp29lP6TfymHjy0pL9UsoDpWw9QF568o7_HyZfMOUe9i5lua5xCYcpDQX-fygCOHrH7h6jAjj4TFVg6GjjLiPzssfsa2tZdqJ5KBH_kyzf7njRtxK0xntvqnVgmBN-bXv1m7HOI2PeI/w781-h448/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiaqp29lP6TfymHjy0pL9UsoDpWw9QF568o7_HyZfMOUe9i5lua5xCYcpDQX-fygCOHrH7h6jAjj4TFVg6GjjLiPzssfsa2tZdqJ5KBH_kyzf7njRtxK0xntvqnVgmBN-bXv1m7HOI2PeI/s72-w781-c-h448/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-438-44-thu-tu-tuan-xxii.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-438-44-thu-tu-tuan-xxii.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content