Đạo diễn phim Ranh giới Tạ Quỳnh Tư: ‘Thực tế còn khốc liệt hơn phim’
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - ẢNH NVCC |
Đạo diễn phim Ranh giới Tạ Quỳnh Tư: ‘Thực tế còn khốc liệt hơn phim’
Đằng sau những thước phim đầy ám ảnh của Ranh giới là những câu chuyện mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã lên đường tác nghiệp với tâm trạng: “Không lo nhiễm bệnh, chỉ lo không hoàn thành phim.”
Đội ngũ y tế giành giật sự sống của thai phụ F0 tại bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM -Ảnh ĐPCC |
Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam), người là đạo diễn đồng thời là tác giả kịch bản của bộ phim tài liệu Ranh giới (phát sóng trong khung giờ VTV đặc biệt vào tối qua 8.9) đang tạo nên sự chú ý cùng sự xúc động lớn trong công chúng.
Với những thứ có thể gây sốc quá phải cân nhắc
Những hình ảnh của bộ phim đang được lan tỏa mạnh mẽ. Cảm xúc của anh như thế nào?
- Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi có 2 mục đích chính khi làm bộ phim này.
+ Thứ nhất, bộ phim phải có sức mạnh tuyên truyền, cho thấy sự khốc liệt kinh khủng của dịch Covid-19, để người xem tự ý thức việc bảo vệ bản thân, gia đình, và cả cho cộng đồng, xã hội.
+ Thứ hai, bộ phim mang đến cho mọi người thấy được cái nhìn toàn cảnh. Đó là những hình ảnh ở Bệnh viện Hùng Vương, nhưng cũng là những hình ảnh chung của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế của cả nước đang căng mình chống dịch. Tôi mong những người dân khi xem phim hãy tránh những gì có thể tránh, để làm sao hạn chế được số ca mắc bệnh, giảm tải được gánh nặng cho ngành y tế.
Tôi không làm phim để mong mình được nổi tiếng, tôi xác định nhiệm vụ và trọng trách của mình là cần phải đóng góp trong vai trò tuyên truyền ở góc độ nào đấy với một sự kiện lịch sử của nhân loại, nói về sự tàn phá ghê gớm của đại dịch Covid-19 này. Còn khi bộ phim có hiệu ứng thì tôi thấy mình vì việc tuyên truyền của mình đã đến với người dân.
Từ hôm qua đến nay, tôi có nhận được một số ý kiến trái chiều thắc mắc tại sao tôi không che mặt nhân vật, việc đó có thể ảnh hưởng đến nhân quyền. Thực ra, với những nhân vật mắc bệnh nặng, nằm không biết gì hầu như không quay rõ mặt, nếu có thì chỉ thấy một phần rất nhỏ gương mặt họ. Với những nhân vật vẫn có đủ ý thức nói chuyện với y bác sĩ, nhân viên y tế, tôi đều trò chuyện và nhận được sự đồng ý, cho phép của họ thì mới quay.
Những bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại K1, bệnh viện Hùng Vương là những sản phụ - ẢNH ĐPCC |
Tôi từng phải bỏ những buổi quay, hoặc bỏ không quay nữa khi nhân vật thấy ngại. Khi họ nói vậy, tôi dừng quay ngay và không thuyết phục thêm. Ở bộ phim thứ 2 Ngày con chào đời, mọi người sẽ thấy rõ hơn sự cho phép, đồng ý của những bà mẹ để chúng tôi thực hiện bộ phim, bởi họ sẽ lên hình và chia sẻ câu chuyện của mình. Đến giờ chúng tôi vẫn giữ liên lạc bởi tôi muốn biết họ đã được đoàn tụ với con mình chưa sau thời gian cách ly, điều trị.
Những hình ảnh trên phim khốc liệt như vậy, còn so với những gì anh tận mắt chúng kiến thì sao?
Thực tế còn khốc liệt hơn phim nhiều. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi được chứng kiến những câu chuyện còn đau lòng hơn, khủng khiếp hơn, nhưng cần phải cân đối, đưa vào sao cho hợp lý.
Mình cũng làm phim ở góc độ tuyên truyền nên làm sao vừa đáp ứng về mặt tuyên truyền, nhưng cũng phải ở mặt gọi là hiệuu ứng chấp nhận được. Với những thứ có thể gây sốc quá, cần cân nhắc về việc nên hay không nên.
Bộ phim Ranh giới không có bất kỳ lời bình nào nhưng vẫn chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem bởi những hình ảnh chân thực - ẢNH ĐPPC |
Trong tâm dịch khốc liệt vẫn có sự sống
Bộ phim Hai đứa trẻ của anh cũng từng lấy không ít nước mắt của khán giả. Có vẻ như đề tài về trẻ em, mẹ con, tình mẫu tử luôn tạo cho anh nhiều cảm xúc để thực hiện?
Đúng, đó là những nhân vật mà tôi quan tâm và yêu quý. Nhưng còn việc lựa chọn cho đề tài lần này là ở Bệnh viện Hùng Vương và thai phụ F0 thì tôi có 2 lý do.
Thứ nhất, sự tàn khốc của dịch bệnh này lan đến khắp nơi trên thế giới, Việt Nam mình cũng không tránh khỏi vùng xoáy ấy. Tôi quan điểm, bên cạnh những cái cây chết đi, sẽ có những mầm xanh mọc lên. Con người cũng như thế. Tôi muốn nói trong tâm dịch khốc liệt ấy vẫn có sự sống. Bởi vậy, tôi nghĩ đến những thai phụ F0.
Và khi nghĩ đến họ rồi thì tôi phải đi tìm hiểu và biết được rằng, người bình thường nhiễm Covid-19 phải thở 100% thì với thai phụ phải thở 200% vì họ phải thở cho con mình nữa. Chính bởi vậy, cuộc chiến của họ khắc nghiệt hơn nhiều người bình thường
Chỉ có một mình anh và một cộng sự quay phim tác nghiệp tại khu K1, Bệnh viện Hùng Vương. Các anh đã phải xoay sở thế nào để có thể ghi lại những câu chuyện cùng những khoảnh khắc đắt giá như vậy?
Nếu mình đến và chỉ nhìn những gì thoáng qua trước mắt, hay ghi lại những gì diễn ra ngay tại thời điểm đấy thì không thể có những thước phim như vậy. Mình phải đến để cảm nhận được, đồng cảm với những gì đang diễn ra ở đó, mà như thế thời gian ở bệnh viện cùng với những y bác sĩ phải rất nhiều. Việc ở trong bệnh viện 7 - 8 tiếng/ngày là bình thường. Và khi đến đó mình không thể ngồi một chỗ mà phải di chuyển liên tục cùng những y bác sĩ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tính toán đặt máy quay ở những vị trí khác nhau.
Đội ngũ y tế tranh thủ ngủ bất cứ khi nào có thể. Hình ảnh trong phim Ranh giới- Ảnh chụp màn hình |
Đến giờ nghĩ lại, điều gì ám ảnh anh nhất lúc đó?
Có quá nhiều điều ám ảnh. Có những nhân vật mình vừa động viên họ xong, nhưng chỉ vài tích tắc sau họ đã phải đưa đi cấp cứu, rơi vào tình trạng hôn mê. Hay những cuộc điện thoại gấp gáp được các bác sĩ nối cho bệnh nhân và người thân trước khi bệnh nhân được đặt nội khí quản. Sau cuộc gọi đó, không biết có còn cuộc gọi thứ 2 nữa không. Những người nhiễm bệnh mất đi mà không có người thân bên cạnh. Người thân của họ cũng không được nhìn mặt họ lần cuối nữa…
Và một điều ám ảnh khác khác với tôi chính là hơi thở. Trước đây, tôi không tưởng tượng ra được hết. Nhưng khi thấy những thai phụ thèm hơi thở, và khi có những ổng thở oxy rồi, giai đoạn tiếp nhận ống thở đó với họ cũng rất khó khăn. Việc bệnh nhân thèm thở đã ám ảnh tôi rất nhiều.
Sau khi chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh như thế, anh cảm thấy thế nào khi trở về nhà?
Sau chuyến đi, điều mà tôi nhận được là việc thấu hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Những gì mình đang có là quá lớn và mình cần phải biết trân trọng. Có những lúc cuộc sống bận rộn, mình cáu gắt, mình không nghĩ được nhiều thì giờ là lúc để mình chậm lại, để mình nhìn lại. Và hơi thở của mình quý giá nhường nào!
Tách bạch giữa cảm xúc và lý trí, nhưng không thể lúc nào cũng theo lý trí
Trước khi lên đường vào TP.HCM, anh không lo nhiễm bệnh mà chỉ lo không hoàn thành được phim?
Ngay từ lúc đi tôi đã xác định việc có thể bị nhiễm là không tránh khỏi. Chính vì tư tưởng như vậy nên mình thấy rất thoải mái. Hơn nữa, khi mình tác nghiệp, việc nhìn thấy những y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế làm việc, cứu bệnh nhân cho mình động lực khó tả lắm, mình bị cuốn theo mọi người.
Giữa dịch bệnh khốc liệt là sự sống - Ảnh chụp màn hình |
Tôi đã tiêm vắc xin, nên tự “yên tâm” với mình là nếu có nhiễm bệnh thì khả năng bị nặng cũng ít hơn. Bởi vậy. nếu trường hợp xấu xảy ra, thì mình vào khu cách ly cần phải có đủ nguồn dữ liệu để làm phim. Chính vì thế ngay từ lúc đầu vào, chúng tôi đã xác định làm việc với cường độ rất cao.
Anh quan niệm thế nào về công việc làm phim tài liệu?
Quan niệm và cũng là cách tôi theo đuổi việc làm phim từ trước đến nay là phim tài liệu chính là hơi thở cuộc sống. Chính bởi vậy, từ trước đến nay, tôi đeo đuổi đề tài hiện thực, về những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống này.
Với bộ phim về dịch Covid-19, tôi muốn đặt mình vào vị trí quan sát ở trung tâm của dịch bệnh, mà muốn như thế là mình phải dấn thân. Nhưng đã ở trong đó rồi vẫn chưa đủ, mình cần có cả sự đồng cảm, thử đặt mình nếu mình đang ở vị trí người bệnh, đang nằm trên giường bệnh thế kia sẽ thế nào.
Nhưng cũng vì thế mà nhiều lúc tôi phải tách bạch cảm xúc và lý trí. Lý trí là đôi mắt của mình là một phóng viên quan sát, chắt lọc, ghi lại hình ảnh để làm phim. Còn nếu thả mình theo cảm xúc thì mình sẽ khóc. Ngay cả khi làm hậu kỳ phim cũng thế, chỉ cần thả mình một chút theo lời nói của nhân vật, tôi cũng sẽ khóc. Nhiều lần như vậy nên tôi hiểu mình cần phải tách bạch hai thứ đó.
Nhưng không phải lúc nào mình cũng làm việc theo lý trí. Khi thấy thai phụ đau đớn lúc đau đẻ, cầm máy quay để quay, mà tôi không bấm máy nổi, tôi phải chạy ngay đi để gọi điều dưỡng. Hay khi bệnh nhân hết ô xy, mình phải buông máy quay ngay để gọi trợ giúp.
Vậy còn sự chấp nhận hy sinh?
Việc hy sinh là không tránh khỏi. Thực ra, tôi muốn làm bộ phim này kỹ hơn, sâu hơn, để truyền tải nhiều câu chuyện rõ ràng hơn. Nhưng đội ngũ y tế khuyên tôi đã vào bệnh viện 15 - 16 ngày rồi, rất dễ bị lây nhiễm, nên dừng lại.
Còn bản thân tôi khi theo nghề này, tôi đã xác định là đã dấn thân thì phải dấn tới cùng. Cái nghiệp của mình theo thì mình cũng xác định cần mang trọng trách, sứ mệnh như chiến sĩ trên chiến trường thôi!
An An
Nguồn: thanhnien.vn
COMMENTS