Những dấu ấn Yêu Thương! (Học viện Têrêsa Avila)
Những dấu ấn Yêu Thương!
Mới ngày nào tình nguyện đi ra “chiến trường” chống dịch, kiểu như khó khăn không ngăn được bước chân người chiến sĩ, vậy mà bây giờ đã đến địa điểm cách ly để chuẩn bị về nhà. Thời gian trôi qua thật nhanh!
*Còn nhớ ngày đầu mơ màng giữa tiếng gọi. Chẳng nhớ tôi đã lấy can đảm từ đâu để quyết định lên đường như vậy. Cứ nghĩ nơi chống dịch là chiến trường, có thể một đi không trở lại, tôi đã dọn dẹp và thu xếp tất cả đồ đạc, còn dặn dò các chị đủ điều, để lỡ có mệnh hệ gì thì mọi sự đã được sắp xếp rồi.
Trước ngày đi, các chị còn đùa: “Có khi nào người đi không bị nhiễm, còn người ở nhà lại bị nhiễm không?” Câu nói bông đùa rồi cũng hóa thành sự thật. Học viện chỉ còn 12 chị khỏe mạnh đủ để gánh vác, đảm đương các công tác của nhà Học viện, cộng với việc chăm sóc hậu cần cùng với các em Thỉnh sinh và các Dì khấn. Nghĩ đến mà thương các chị em tôi. “Cố lên các chị nhé! Chúng em sắp về rồi!”
Phục vụ tại bệnh viện, tôi chứng kiến bao mảnh đời quá thương tâm! Bệnh nhân đau đớn, buồn chán, cũng có người thất vọng! Họ nằm bất động trên gường bệnh với ống thở và dây điện chằng chịt quanh người, ngày cũng như đêm vì điện lúc nào cũng sáng, và chỉ có tiếng tít tít nghe đến lạnh người! Thật vướng víu và khó thở khi phải đeo khẩu trang suốt ngày, tôi càng thấy lá phổi con người và lá phổi thiên nhiên mà Thiên Chúa đã ban tặng thật quý giá biết bao!
Để chiến đấu với covid, người bệnh cần có một nghị lực và ý chí thật kiên cường. Dù không muốn ăn, hay cho dù không thể ăn, bệnh nhân vẫn phải cố gắng ăn bằng nhiều cách, để lấy sức chống lại covid. Phải xác tín rằng, mình đang chiến đấu và sẽ chiến thắng.
Chúa nhật, ngày 15/8/2021 là ngày tôi chứng kiến ca tử vong đầu tiên tại khoa 7B - Bệnh viện Ung Bướu cơ sở II. Cũng như mọi ngày, tôi đến bệnh viện, mặc đồ bảo hộ và vào khu nhiễm. Sau khi đọc kinh Kính Mừng cùng một chị thiện nguyện và một Sơ bệnh nhân, dọc theo hành lang đi về khu hành chánh, có một chú gọi xin nước tại phòng 703. Vừa bước vào phòng, tôi hốt hoảng khi nhìn thấy chú nằm giường đầu tiên, thân mình bất động và sắc mặt trắng bệch như không còn hột máu nào! Tôi vội vàng chạy ra khu hành chánh gọi bác sĩ và điều dưỡng. Họ nhanh chân bước vào phòng bệnh, cố gắng hết sức và dùng đủ mọi phương cách cứu lấy mạng sống của bệnh nhân. Việc tôi có thể làm được lúc này là vừa cầu nguyện vừa bẻ thuốc cho các chị điều dưỡng bơm vào ống để tiêm cho bệnh nhân. Chị Minh thay một chị điều dưỡng bóp bóng trợ thở cho chú. Trước mắt, tôi chỉ hy vọng là chú có thể tự thở được qua bàn tay đầy yêu thương và sự cố gắng của mọi người. Nhưng rồi mọi cố gắng nỗ lực, mọi máy móc và thuốc thang cũng đều trở nên vô hiệu. Chú đã ra đi... Hôm nay lễ kính Mẹ lên Trời, phải chăng Mẹ dẫn chú lên Trời theo Mẹ?
Phận người mỏng manh là thế! Nhưng dù sao cũng vẫn còn biết bao bệnh nhân mang trong mình một nghị lực phi thường. Họ cố gắng giành lấy sự sống từ những con virus vô hình. Dù mất vị giác, họ vẫn cố gắng ăn, ăn để có sức chiến đấu. Dù mệt mỏi và rất khó thở, họ vẫn cố gắng chịu đựng và quyết tâm vượt qua. Những cố gắng của họ không hề đổ sông đổ biển, mà đáp lại sự cố gắng tích cực ấy, là sức khỏe của họ dần bình phục, họ được chuyển lên khoa trên, hay được trở về nhà. Họ thực sự là những chiến binh đầy quả cảm.
Mỗi lần bước ra khỏi khuôn viên bệnh viện, lên xe trở về Nhà Thiếu Nhi Quận 9 sau ca làm việc của mình, tôi có cảm giác như mình đã đánh bại được hàng ngàn con virus. Phố xá những ngày này vắng tanh. Trên đường chỉ còn vài chú Công an đứng ở chốt kiểm dịch, chỉ có vài chiếc xe tải dọc đường xa lộ, hàng quán lặng im với biển báo không chữ: “Đóng cửa”... Tôi tự hỏi, bao giờ Sài Gòn mới nhộn nhịp như xưa, rồi bỏ ngỏ vì không dám nghĩ tiếp..... Tất cả đều được thời gian ghi nhớ!
Đại dịch “sẽ qua thôi, nhưng dấu ấn yêu thương và mối dây liên kết người với người mở rộng, sẽ thấy cuộc đời ý nghĩa hơn nhiều!” Vâng, đúng như lời dì Giám đốc Thỉnh viện nhắn tin khích lệ chúng tôi!
Cuộc đời ý nghĩa hơn nhiều với những dấu ấn Yêu Thương!
Lạy Chúa!
Giữa dòng bão tố của đại dịch, xin cho chúng con bình tâm để lắng nghe tiếng Chúa, bình tâm để nhìn lại chính mình, nhìn lại con người và nhìn lại cuộc đời. Không phải nhìn lại rồi để đó, cũng không phải nhìn lại chỉ để hoán cải, hầu mong cho đại dịch kết thúc rồi thôi đâu. Nhưng là tận sâu trong cõi lòng, chúng con nhận ra đâu là thánh ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì hoàn hảo, cái gì là đẹp lòng Chúa, để rồi biết quyết định sống như thế nào cho một tương lai mới.
Thu Trang
Học viện Têrêsa Avila
COMMENTS