Góc Suy Gẫm - Mt 18,15-20; thứ Tư, tuần XIX Thường niên – nhớ thánh Clara, trinh nữ

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 18,15-20; thứ Tư, tuần XIX Thường niên – nhớ thánh Clara, trinh nữ

Góc Suy Gẫm - Mt 18,15-20; thứ Tư, tuần XIX Thường niên
 nhớ thánh Clara, trinh nữ Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
CẦU NGUYỆN LÀ SỨC MẠNH

TGPSG -- “Hãy cho tôi một người biết cầu nguyện, tôi nói người đó sẽ làm được tất cả.” Đó chính là câu nói mà Thánh Vinhsơn đã nhắc nhở con cái của mình. Thực vậy, CẦU NGUYỆN chính là sức mạnh giúp chúng tôi sống và phục vụ tốt trong môi trường hiện tại. 

Đúng một tuần đã trôi qua kể từ khi chúng tôi lên đường tham gia "chống dịch". Đây là khoảng thời gian không ngắn và cũng không dài nhưng cũng đủ để chúng tôi nhận ra Chúa đang hiện diện, đang đồng hành cùng chúng tôi trên bước đường phục vụ

Tuy ở đây, chúng tôi không có thời giờ để ngồi tham dự Thánh lễ và các giờ kinh như ở nhà dòng nhưng không vì vậy mà chúng tôi bỏ qua. Chúng tôi vẫn tận dụng những khoảng thời gian còn lại trong ngày ngoài ca trực, để cầu nguyện và tham dự Thánh lễ có khi được trực tuyến nhưng cũng có khi chỉ là Thánh lễ xem lại. Và dù không được rước Chúa cách trực tiếp nhưng hằng ngày chúng tôi vẫn cảm nhận mình đã được chạm vào Chúa nơi chính các bệnh nhân. 

Sống trong môi trường hiện tại, tôi càng thấm thía hơn lời dạy của Cha Thánh Vinhsơn “Chiêm niệm trong hoạt động”. Chúng tôi đã nhận ra Chúa nơi các bệnh nhân khi chúng tôi được phục vụ họ. Họ chính là những chi thể của Chúa. Sự thực, Chúa không ở đâu xa, Ngài đang ở ngay bên chúng tôi qua những thân thể đang oằn mình vì đau đớn. Ngài hiện thân trong nét mặt mệt mỏi của bệnh nhân. Ngài đang mấp máy đôi môi thốt lên câu: Ta khát!... Hằng ngày ở nơi này, chúng tôi như đã được chạm tới Chúa bằng xương, bằng thịt, được lau rửa những vết thương cho Chúa, được đút từng thìa nước, thìa cháo cho Chúa… Phục vụ chính là niềm hạnh phúc của người tu sĩ chúng tôi. 

Trong suốt thời gian mặc bộ đồ bảo hộ, đôi tay chúng tôi không ngừng phục vụ bệnh nhân và lòng luôn thầm thĩ những câu kinh quen thuộc: Kính mừng Maria… Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa… Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ… Sau ca trực, mặc dù đã thấm mệt nhưng chúng tôi cũng dành ít phút để cầu nguyện với Chúa, để lần chuỗi, đôi khi vì mệt quá mà tràng chuỗi trên tay rớt lúc nào không hay. 

Cảm ơn Chúa đã cho chúng con có cơ hội phục vụ Chúa nơi những chi thể đau khổ của Chúa, cảm ơn Chúa đã cho chúng con sức mạnh của Ngài để dám RA ĐI - ĐẾN VÀ GẶP GỠ các bệnh nhân, đem tình thương và lòng nhân ái xoa dịu nỗi đau, giúp họ hồi sinh…. 

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương họ dù khuôn mặt con đã nhễ nhại mồ hôi. Xin cho chúng con một đôi tay rắn chắc, một trái tim quả cảm đầy nghị lực, cùng tấm lòng khiêm nhường, đơn sơ và bác ái để chúng con sẵn sàng phục vụ những bệnh nhân Covid ở bất cứ nơi nào chúng con được sai đến: trong bệnh viện, nơi gom rác, các khoa cấp cứu nặng… Và hơn hết xin cho chúng con luôn kín múc SỨC MẠNH từ CHÚA qua CẦU NGUYỆN. 

Nữ tu Maria Thu Nguyệt - NTBA 
(Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/cau-nguyen-la-suc-manh-63983) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 18,15-20; thứ Tư, tuần XIX Thường niên – nhớ thánh Clara, trinh nữ) 

Sứ điệp Tin Mừng của ngày hôm nay cho ta thấy, việc sửa lỗi này đặt nền trên đức ái, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Vì thế, Chúa muốn mọi phương thức phải được sử dụng để đưa người lầm lạc trở về, trước khi đưa vấn đề ra cộng đoàn. Ngay cả khi phải dùng tới nhân chứng thì cũng không phải để tố cáo theo pháp lý, nhưng để những người này góp phần khuyên nhủ theo tình huynh đệ, hầu giúp người mắc tội được cảm thông và can đảm trở về. Cuối cùng, khi phải đưa sự việc ra trước Hội Thánh (cộng đoàn), thì phải hiểu là trước những người có trách nhiệm chính thức. Lẽ dĩ nhiên các vị này cũng phải dùng mọi biện pháp theo tiêu chuẩn đức ái để chinh phục đương sự. Nếu phải dùng quyền để loại trừ một phần tử bất khẳng, thì điều này cũng chỉ vì bác ái mà thôi, bác ái đối với đương sự trước tiên, để đương sự biết hồi tâm hối cải, sau đó bác ái đối với các phần tử khác trong cộng đoàn, kẻo có ai theo gương xấu mà phạm tội. 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về việc sửa lỗi cho nhau trong đời sống cộng đoàn cũng như trong đời sống gia đình. Thật vậy, sở dĩ có việc sửa lỗi cho nhau bởi vì hầu hết mọi người trong chúng ta, ai cũng thuộc về một cộng đoàn hay một gia đình mà ở những nơi ấy luôn bao gồm những con người bất toàn. Bởi đó, không thể tránh khỏi những khuyết điểm, lỗi lầm; không thiếu những hơn thua, trách móc; và dĩ nhiên, không bao giờ thiếu những bợn nhơ của kiếp nhân sinh. Điều căn bản là chúng ta có đủ khiêm tốn đón nhận khi được ai đó sửa dạy; đủ chân thành trong những lời khuyên lơn kẻ khác và có đủ kiên trì trong việc trong việc sửa lỗi cho tha nhân không. Như vậy, việc sửa dạy không chỉ là một đòi hỏi thuộc về đức ái mà hơn thế nữa, nó còn là một lệnh truyền như chúng ta có thể đọc thấy trong sách ngôn sứ Êdêkien: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình”” (Ed 33,8-9). 

Tuy nhiên, góp ý sửa lỗi cho nhau lại không phải là việc dễ dàng thực hiện; bởi đó, Đức Giêsu đã có những chỉ dẫn rất cụ thể, từng bước một và hết sức kín đáo, tế nhị. Từ chỗ riêng tư chỉ có hai người, tới chỗ cần thêm một nhân chứng và cuối cùng phải nhờ đến cộng đoàn. Tất cả chỉ nhằm để cho sự việc được nhận định một cách khách quan và để giúp cho người có lỗi nhận ra sai lầm của mình, ngõ hầu biết đàng mà sửa đổi.

Tuy nhiên, để việc góp ý xây dựng, sửa lỗi cho nhau thực sự có hiệu quả, thì gia đình cũng như cộng đoàn của chúng ta phải là cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, một cộng đoàn có Chúa hiện diện như lời hứa của Đức Giêsu: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 19,19-20). Bởi đó, cả hai phía: người góp ý sửa lỗi và người được sửa lỗi, cần phải thực hiện vì động lực yêu thương chứ không phải vì tư thù, thích dạy đời người khác hoặc ngoan cố trong lỗi phạm. Chỉ có những góp ý vì tình thương mới dễ dàng được lắng nghe, chấp nhận; và chỉ vì tình thương, thì những góp ý sửa lỗi mới là sửa lỗi góp ý huynh đệ, nghĩa là muốn cho người anh chị em của mình ngày một hoàn thiện hơn. Ở chiều kích ngược lại, người lỗi phạm cũng phải biết khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của mình, đừng vì cái tôi cao ngạo mà chây lì trong tội; cũng đừng vì thói tự phụ mà làm ngơ trước thành ý của người anh em. Tốt hơn hết, hãy cảm ơn vì tấm chân tình của những người đang mong cho mình bỏ lối quanh co mà trở về nẻo chính đường ngay. 

Trong đời sống hằng ngày, việc sửa sai cho nhau phải thực sự được coi là một việc giúp đỡ, chứ không phải là cuộc xét xử hay chỉ trích lên án nhau. Để được như thế, mỗi người chúng ta phải hiểu rằng, con người được Chúa dựng nên không phải để xét xử, chỉ trích hay kết án nhau nhưng là để được chung chia phúc phần làm con Thiên Chúa; đồng thời giúp đỡ những người chưa tin nhận Chúa được hợp đoàn với những người tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của mình. Đó chính là đức bác ái của Kitô giáo mà Đức Giêsu đã dạy trong Tin Mừng hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong lời cầu nguyện và tương trợ nhau trong cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết chân thành khi sửa lỗi cho nhau; biết khiêm tốn để nhìn nhận những khuyết điểm của mình, ngõ hầu nhờ đó mà cộng đoàn cũng như gia đình chúng con ngày càng trở nên hiệp nhất và yêu thương nhau hơn. 

4. Lời bàn 

- Tin Mừng theo thánh Mátthêu chương 18 là một chương quan trọng nhất về đạo đức Kitô giáo, vì nó đề cập đến những đức tính, xác định những tương quan cá nhân của Kitô hữu. Nếu chậm rãi xem xét từng chi tiết trong những tương quan cá nhân thì hẳn rằng chúng ta sẽ rút ra được cho mình nhiều điều bổ ích. Trích đoạn từ câu 15 đến 20 nói cho chúng ta những điều liên quan đến kỷ luật trong cộng đoàn. Sự nhân từ và tha thứ của Kitô hữu không có nghĩa là người lầm lỗi được phép làm theo điều yêu thích của mình, nhưng người đó phải được hướng dẫn và sửa sai; nếu cần phải có biện pháp kỷ luật để đưa họ về đường ngay nẻo chính. Tuy nhiên kỷ luật đó luôn luôn đi kèm với yêu thương, khiêm nhường chứ không phải lên án người ta vì tự cho mình là người công chính. Kỷ luật đó luôn luôn áp dụng với ước muốn hoà giải chứ không phải với ước muốn trả thù. Như vậy, việc sửa dạy là nhằm lôi kéo người anh chị em của chúng ta vào lại cộng đoàn chứ không phải là loại trừ họ. Tiếc rằng, rất nhiều khi trong thực tiễn, chúng ta lại muốn đẩy những người trót phạm lỗi lầm đi càng xa cộng đoàn của mình càng tốt. Làm như thế chẳng phải là bất nhẫn khi soi vào những chỉ dạy của Đức Giêsu mà chúng ta nghe hôm nay sao? 

- Điều mà Đức Giêsu muốn nói với chúng ta trong trích đoạn này đó là: Đừng bao giờ để cho mối giao hảo giữa chúng ta với những người khác trong cộng đoàn bị sứt mẻ. Tuy nhiên, nếu giả sử có điều gì đó sai trái thì ta phải làm gì để sửa sai, để điều chỉnh? Những câu Kinh Thánh này nêu lên cho chúng ta cả một kế hoạch hành động nhằm hàn gắn sự đổ vỡ trong tương quan với những người chung quanh. 
  + Trước hết, nếu chúng ta cảm thấy người nào đó làm phiền lòng mình, chúng ta phải nói ra ngay. Thái độ tệ hại nhất đối với điều sai quấy của người khác là cứ ấp ủ nó trong lòng, đó là điều nguy hiểm. Nó đầu độc cả tâm trí và đời sống cho đến khi ta không thể nghĩ được điều gì khác ngoài cảm giác mình bị tổn thương. Bất cứ cảm giác nào như vậy thì cần phải được nói ra và đối diện với nó một cách công khai. Sự thẳng thắn đó sẽ cho thấy vấn đề không có gì quan trọng và gay go như chúng ta vẫn nghĩ. Các nhà tâm lý cảnh báo rằng, sức chịu đựng của con người có hạn; chính vì vậy, nếu chúng ta cứ nuôi dưỡng sự khó chịu hay sự thù hận trong lòng thì đến một lúc nào đó, nó sẽ bột phát và khiến chúng ta mất kiểm soát bản thân. 
  + Nếu cuộc gặp gỡ cá nhân không đạt được mục đích thì chúng ta phải mời một vài người khôn ngoan đi với chúng ta. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mời những người chứng kiến đến không phải để họ làm chứng rằng người kia là phạm tội mà là để giúp đỡ hòa giải. Cũng có thể chúng ta mới chính là người gây ra lầm lỗi mà bản thân không nhận biết thì sao. Người ta thường ghét những kẻ đã làm tổn thương mình, nên theo lẽ tự nhiên, chúng ta khó lòng chủ động lấn trước về phía họ. Nhưng khi đem vấn đề ra trước sự hiện diện của một số người khôn ngoan, có hiểu biết và tử tế thì chúng ta sẽ tạo ra một bầu khí mới, ít ra nơi đó cũng cho cơ hội để chúng ta nhìn lại chính mình. 
   + Nếu cách đó thất bại thì chúng ta phải mang vấn đề rắc rối riêng của chúng ta đến với cộng đoàn. Bởi vì đừng bao giờ giải quyết những rắc rối bằng luật lệ của xã hội, hay lý lẽ ở ngoài những giới răn của Chúa. Chủ nghĩa duy vật không dàn xếp được gì, nó chỉ gây thêm khó khăn và rắc rối. Chỉ nhờ cầu nguyện, yêu thương trong Chúa, mối quan hệ cá nhân mới có thể hàn gắn lại. Có thể nói rằng, Hội Thánh xét xử mọi sự không căn cứ trên sách vở, thủ tục, hay luật lệ cứng nhắc mà là dưới ánh sáng của bác ái yêu thương. Chính vì vậy, chúng ta đừng dựa vào sự khôn ngoan theo kiểu thế gian mà áp đặt, cũng đừng cậy dựa vào quyền thế mà thúc ép người khác trong việc sửa lỗi huynh đệ. 
  + Tuy nhiên, có một vấn đề khá khó hiểu trong đoạn này khi Mátthêu nói rằng, nếu đã làm hết cách mà cũng không giải quyết được thì hãy coi người phạm tội nghịch cùng chúng ta như người ngoại hay như một kẻ thu thuế. Cảm tưởng đầu tiên của chúng ta khi đọc câu này là phải bỏ rơi người đó vì không còn cách gì hóa giải được họ. Đức Giêsu có lẽ không nói và cũng không có ý như vậy. Ngài không hề đặt giới hạn cho sự tha thứ. Như vậy thực sự ở đây Ngài muốn nói gì? Chúng ta đã thấy rằng, khi Ngài nói đến những người thu thuế và tội nhân, thì luôn nói với lòng yêu thương, hiền hòa và hiểu biết đối với những phẩm chất tốt đẹp vốn dĩ tồn tại nơi họ. Quả vậy, những điều được nhắc tới ở đây không phải là mệnh lệnh bỏ rơi một người nào đó cho bằng là phải tìm mọi cách để thu phục người khác bằng tình yêu, dù đó là tâm hồn cứng cỏi nhất. Như thế, đây không phải là một câu nhằm nói đến sự tuyệt vọng hay hết thuốc chữa; bởi vì, Đức Giêsu không thấy bất kỳ ai là kẻ bất trị, cũng như chúng ta chẳng nhìn thấy tội nhân nào mà Ngài không rủ lòng thương. Vì lẽ đó, chẳng phải là chúng ta cũng được mời gọi bắt chước Đức Giêsu để hành xử một cách đầy tình lân ái như vậy sao? 

- Khi đề cập đến việc cầu nguyện, chúng ta cần phải nắm vững ý nghĩa của nó nếu như không muốn gặp phải những thứ phiền não và thất vọng. Đức Giêsu nói: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Nếu chúng ta hiểu câu này theo nghĩa đen mà không có điều kiện nào khác nữa thì e là nó không đúng. Bởi vì, biết bao lần con cái Chúa đã hiệp lòng cầu nguyện cho xứ sở dân tộc, cho những nhu cầu của cộng đoàn hay cá nhân nhưng vẫn không được Chúa nhận lời. Tuy nhiên, một khi tìm hiểu câu nói của Đức Giêsu liên quan đến cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy có nhiều ý nghĩa sâu nhiệm ở trong đó. Có lẽ chúng ta nên hiểu thế này:
  + Trước nhất và trên hết, lời cầu nguyện không bao giờ mang tính cách vị kỷ; bởi vì, Chúa không muốn chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho những nhu cầu riêng của mình, nhưng là còn phải biết lưu tâm đến nhu cầu của tha nhân nữa. Hãy nhớ rằng đời sống của chúng ta là sống cùng và sống với người khác. Thông thường, những lời cầu xin của chúng ta được nhậm lời thì việc cầu xin của một số người khác sẽ gây thất vọng. Việc cầu xin cho sự thành công của chúng ta cũng bao hàm sự thất bại của vài người khác. Lời cầu xin có hiệu quả phải là lời cầu xin của sự đồng lòng hiệp ý và hết thảy những yếu tố vị kỉ chỉ tập trung vào những nhu cầu cũng như ước muốn riêng của cá nhân cần phải được xóa bỏ hoàn toàn. 
  + Thứ đến, lời cầu nguyện vị tha sẽ luôn luôn được Chúa nhậm lời. Tuy nhiên chúng ta phải nhớ luật căn bản của cầu nguyện là khi cầu xin, được nhậm lời không có nghĩa là ta sẽ được điều mình ước muốn, nhưng Chúa sẽ ban cho chúng ta điều tốt nhất mà Ngài biết theo sự khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Vì là phàm nhân, với nỗi sợ hãi, hy vọng và ước muốn của con người nên hầu hết những lời nguyện cầu của chúng ta thường là những lời cầu xin có tính cách trốn tránh hoặc mong được sự an ổn. Chúng ta cầu nguyện để được thoát khỏi thử thách, thất vọng, đau đớn; khỏi những hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, có lẽ điều Chúa muốn không phải là giúp chúng ta trốn tránh nhưng là giúp chúng ta chiến thắng. Chúa không giúp chúng ta trốn tránh khỏi tình trạng của kiếp người, nhưng Ngài nâng đỡ để chúng ta biết chấp nhận những điều mà chúng ta không thể hiểu được. Ngài ban cho chúng ta khả năng chịu đựng những điều mà nếu không có Ngài thì chúng ta không chịu đựng được. Ngài khiến chúng ta có thể đương đầu với những điều mà nếu không có Ngài, chúng ta không thể đón nhận được. Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với những vấn đề mà nếu không có Ngài, chúng ta không thể giải quyết nổi. Gương sáng này chúng ta có thể nhìn thấy nơi Đức Giêsu ở trong vườn Ghếtsêmani. Đức Giêsu cầu nguyện để được thoát khỏi cơn khủng hoảng mà Ngài đang đối diện, nhưng lại không được thoát khỏi hoàn cảnh đó. Ngài nhận được sức mạnh từ Chúa Cha để đương đầu, để chịu đựng và để chiến thắng nghịch cảnh khi ấy. Đó chẳng phải là hình mẫu để chúng ta bắt chước mỗi khi gặp thử thách gian nan sao? 

- “CẦU NGUYỆN chính là sức mạnh giúp chúng tôi sống và phục vụ tốt trong môi trường hiện tại”. Những bước chân lặng thầm của các chiến sĩ tình nguyện một lần nữa nhắc nhở để tôi nhận ra rằng, đời sống tâm linh của mình với Chúa tệ thật. Họ như những người đang xông pha giữa sa trường đầy bão giông và gió bụi nhưng lại luôn biết neo chặt đời mình ở nơi Chúa. Họ nguyện cầu như thể chưa bao giờ thành tâm đến thế. Họ gặp được Chúa nơi những người mà họ đang phục vụ, một cách đầy xác tín: “Ngài đang ở ngay bên chúng tôi qua những thân thể đang oằn mình vì đau đớn. Ngài hiện thân trong nét mặt mệt mỏi của bệnh nhân. Ngài đang mấp máy đôi môi thốt lên câu: Ta khát!... Hằng ngày ở nơi này, chúng tôi như đã được chạm tới Chúa bằng xương, bằng thịt, được lau rửa những vết thương cho Chúa, được đút từng thìa nước, thìa cháo cho Chúa…”. Có lẽ không nhiều người trong chúng ta có được những cảm nghiệm chân thật và sống động như vậy. Khát khao dâng tặng chính sự sống của mình để phục vụ các bệnh nhân là điều vô giá; thế nhưng, điều mà chúng ta cần nhận biết ở đây đó là, chính đời sống cầu nguyện đã biến đổi tâm hồn cũng như nghị lực nơi những tu sĩ thiện nguyện này. Cũng nên nhắc lại lời triết gia Soren Kierkegaard từng nói: “Tác dụng của lời cầu nguyện không phải để tác động tới Chúa, mà là để thay đổi bản tính của người cầu nguyện”. Nếu lời cầu nguyện đáng được Chúa đoái nghe và chúc phúc chính là lời nguyện cầu dành cho tha nhân thì chúng ta, những kẻ đang ở “hậu phương”, hãy hiệp lòng hiệp ý để những lời cầu nguyện thật đẹp của những người đang ngoài “tiền tuyến” sớm thành hiện thực: “Xin dạy chúng con biết yêu thương họ dù khuôn mặt con đã nhễ nhại mồ hôi. Xin cho chúng con một đôi tay rắn chắc, một trái tim quả cảm đầy nghị lực, cùng tấm lòng khiêm nhường, đơn sơ và bác ái để chúng con sẵn sàng phục vụ những bệnh nhân Covid ở bất cứ nơi nào chúng con được sai đến”. Nguyện xin Chúa gìn giữ, chúc lành cùng ban cho các anh chị em này những gì mà Ngài thấy là tốt đẹp và lành thánh nhất. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1537,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,188,Cộng Đoàn,747,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,349,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1024,Hội Thánh,305,Kiến Thức,68,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1148,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,181,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4550,Suy niệm,1091,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,684,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,140,Tài liệu,516,Tập San Lên Đường,561,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,938,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1969,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1593,Video Nhạc - Phim,559,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 18,15-20; thứ Tư, tuần XIX Thường niên – nhớ thánh Clara, trinh nữ
Góc Suy Gẫm - Mt 18,15-20; thứ Tư, tuần XIX Thường niên – nhớ thánh Clara, trinh nữ
Góc Suy Gẫm - Mt 18,15-20; thứ Tư, tuần XIX Thường niên – nhớ thánh Clara, trinh nữ
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi5tg7k5G4FfSlTMG4pVIee8knwaZG4EgA6hkuS0_99VULT4ZCFFbqm8rvJGDkJTOLR6388G4LAO08zZKWta1dDPnJHaESCakr2KQPtYng1ZQSMXpi1crfij3S5XCH_LfzdaAYfXyKlOF0/w730-h418/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi5tg7k5G4FfSlTMG4pVIee8knwaZG4EgA6hkuS0_99VULT4ZCFFbqm8rvJGDkJTOLR6388G4LAO08zZKWta1dDPnJHaESCakr2KQPtYng1ZQSMXpi1crfij3S5XCH_LfzdaAYfXyKlOF0/s72-w730-c-h418/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/08/goc-suy-gam-mt-1815-20-thu-tu-tuan-xix.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/08/goc-suy-gam-mt-1815-20-thu-tu-tuan-xix.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content