Góc Suy Gẫm - Mt 16,13-23; thứ Năm, tuần XVIII Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 16,13-23; thứ Năm, tuần XVIII Thường niên

Góc Suy Gẫm - Mt 16,13-23; thứ Năm, tuần XVIII Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
VỊ BÁC SĨ VỚI CHUỖI MÂN CÔI TRÊN TAY CẦU NGUYỆN CHO CÁC BỆNH NHÂN 

Như thói quen trong những ngày làm việc của mình, bác sĩ gây mê Néstor Ramírez Arrieta ở Colombia tận dụng mọi cơ hội để đọc Kinh Mân Côi. Hình ảnh bác sĩ Ramírez đang cầu nguyện với chuỗi Mân Côi trong tay trong những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi là biểu tượng sống động của đức tin giữa thời khắc khó khăn. 

Những ngày vừa qua, bức ảnh một bác sĩ với bộ đồ bảo hộ y tế đang cầu nguyện với chuỗi Mân Côi trong tay đã được chia sẻ rất nhiều và thu hút hàng ngàn lời bình luận trên các mạng xã hội. Đó là hình ảnh bác sĩ gây mê Néstor Ramírez Arrieta ở Colombia, được mục sư Luis Alberto Gallego chia sẻ. 

Mục sư Gallego viết: “Giống như nhiều bác sĩ, ông ấy tham gia những ca trực kéo dài vô tận và chịu một áp lực cảm xúc mạnh mẽ mà nhiều người không thể chịu đựng được. Trong những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, ông lấy ra chuỗi Mân côi của mình và cầu nguyện. Ngay cả khi chúng ta khác nhau trong cách thờ phượng và cầu nguyện, có ai có thể nghi ngờ Chúa không nghe lời cầu nguyện này?" 

Chúa hành động qua tay tôi 

Như thói quen trong những ngày làm việc của mình, bác sĩ gây mê Néstor Ramírez Arrieta tận dụng mọi cơ hội để đọc Kinh Mân Côi. Ông là một trong nhiều chuyên gia chiến đấu để cứu các sự sống ở một đất nước mà khủng hoảng của hệ thống y tế đã làm cho đại dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn. Ông chia sẻ cách xác tín: “Tôi không nghi ngờ về việc Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Điều Chúa muốn nhất là chữa lành các bệnh nhân, và tôi là nhân chứng hàng ngày về sự hiện diện của Người. Chúa hành động qua tay tôi. Tôi yêu cầu Chúa sử dụng sứ vụ chữa bệnh của tôi, đặc biệt là bây giờ chúng ta đang sống trong tình huống khó khăn như vậy." 

Tình hình khó khăn tại Colombia 

Cho đến ngày 02/07 (2020), tại Colombia có 3.641 người đã chết vì coronavirus và hơn 106.000 người bị nhiễm bệnh. Tình hình không dễ dàng, vì nguồn lực của bệnh viện không đủ, nghèo đói buộc nhiều người dân phải ra ngoài kiếm sống và những người khác không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Cartagena là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi virus: khoảng 8.600 người bị nhiễm và 344 nạn nhân qua đời. 

Trong bối cảnh khó khăn này, các bác sĩ, y tá và tất cả các chuyên gia y tế là nhóm người rất dễ bị tổn thương, không chỉ vì rủi ro lây nhiễm, mà còn vì những thiếu sót trong công việc và hoạt động của hệ thống y tế Colombia và sự thiếu cảm thông của người dân; họ bêu xấu các nhân viên y tế, thậm chí đe dọa giết và tấn công họ. 

Được bảo vệ bởi những vũ khí tốt nhất: cầu nguyện, Thánh lễ, kinh Mân côi, Mình Máu Chúa Kitô và các bí tích 

Nhận thức được tình huống này, bác sĩ Ramírez đi làm hàng ngày tại bệnh viện Madre Bernarda – của dòng các nữ tu Phan Sinh - với sự an tâm khi được bảo vệ bởi những vũ khí tốt nhất: cầu nguyện, Thánh lễ, kinh Mân côi, Mình Máu Chúa Kitô và các bí tích. Những ngày của ông trôi qua giữa những căng thẳng, đấu tranh để cứu sống con người, phòng ngừa, các bệnh nhân được bình phục, phép lạ của cuộc sống và cầu nguyện liên lỉ. 

Bác sĩ Ramirez chia sẻ: “Vài ngày trước tôi phải tiến hành phẫu thuật mở khí quản trong phòng Covid. Đó là lần thứ hai tôi cảm thấy rất sợ hãi trong đại dịch, nhưng cũng là một niềm hy vọng lớn. Sau khi vào một “mê cung”, được hai người mặc quần áo, với hai bộ áo liền quần, khẩu trang, găng tay và khăn che miệng, chúng tôi đã tiến hành thủ tục, một trong những nguyên nhân gây ra nhiều sự lây nhiễm trong đội ngũ y tế. Nếu mọi người có cơ hội nhìn thấy những điều này, họ sẽ không đi ra ngoài, không vội vàng mở lại các ngành kinh tế và họ sẽ chú ý cẩn thận hơn.” Khi ra khỏi phòng mổ, bác sĩ Ramirez đã lợi dụng lúc phòng chờ trống vắng, không có người, lấy ra một trong những bài đọc Kinh thánh có sẵn, và thông điệp của Chúa rất rõ ràng: "Đừng sợ, Ta ở bên con" - đủ để củng cố ông và giúp ông yên tâm tiếp tục hành động. 

Mỗi ca làm việc 24 giờ và mỗi ca phẫu thuật là cơ hội cầu nguyện 

Đối với bác sĩ Ramírez, mỗi ca làm việc 24 giờ và mỗi ca phẫu thuật là cơ hội cầu nguyện: "Nhiều bệnh nhân, mặc dù gây mê toàn thân, nói với tôi rằng họ đã cảm thấy một điều gì đó linh thiêng, một cảm giác khó tả. Khi tôi thấy họ dễ bị tổn thương, tôi cầu nguyện cho họ và họ cảm thấy điều đó. Chính Chúa là người hành động qua tay tôi." 

Nhân chứng của các phép lạ trong phòng phẫu thuật 

Bác sĩ Ramirez cũng là chứng nhân của những phép lạ trong phòng phẫu thuật, chẳng hạn như trường hợp bé trai 4 tháng tuổi bị dị tật hộp sọ bẩm sinh, phải phẫu thuật vào một buổi sáng mà không có thời gian chuẩn bị. Ông chia sẻ: “Đây là ca mổ không thường gặp, trong đó các chuyên gia mở hộp sọ và bệnh nhân mất rất nhiều máu. Điều duy nhất tôi có thể làm được nửa giờ trước đó là xem lại một bài báo và đi đến Nhà Tạm Thánh Thể để xin Chúa kiểm soát tình huống đó. Cậu bé không chảy máu, cháu tỉnh lại và nở một nụ cười thiên thần với tôi, và rồi tôi lại biết rằng Chúa đã đi qua đó." 

Hành trình tâm linh của bác sĩ Ramírez 

Cuộc đời của bác sĩ Ramírez được chia thành hai giai đoạn: trước và sau khi biết Chúa Kitô. Hành trình thiêng liêng kéo dài 18 năm cho phép ông rao giảng Tin Mừng trong khi áp dụng khoa học. Điều đó không dễ dàng, và lúc đầu, một số người đã chế nhạo ông và xin ông chúc lành, nhưng dần dần, các đồng nghiệp của ông nhận ra rằng ông là một người có đức tin. ABác sĩ Ramirez chia sẻ: “Sau một cuộc khủng hoảng gia đình và cuộc sống xã hội, tôi đã có cơ hội cảm thấy Chúa diện đối diện vào một ngày cô đơn. Tôi bắt đầu tham dự các nhóm cầu nguyện, tôi để mình được hướng dẫn bởi các hướng dẫn tâm linh, tôi tham dự Thánh lễ lại, tôi bắt đầu học hỏi về cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria và gắn bó với Kinh Mân côi, người bạn đồng hành trung thành trong đời sống nghề nghiệp của tôi, đến mức tôi đọc kinh từ 5 đến 10 lần một ngày. Những lời cầu nguyện của vợ ông, bà María Bernarda López, đã giúp ông hoán cải, và hôm nay, sau 36 năm kết hôn, họ bước đi tay trong tay với Chúa, Đấng trợ giúp gia đình họ, gồm ba đứa con và một đứa cháu. 

Bác sĩ Ramirez chưa nghĩ đến việc rời xa phòng phẫu thuật: “Mặc dù gặp khó khăn trong việc thực hành nghề nghiệp của mình, tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ nhiều người bệnh tật cầu xin lòng thương xót, vì tôi làm việc cho Chúa chứ không phải cho con người. Tôi sẽ tiếp tục bao lâu Chúa còn ban cho tôi sức khỏe. " (Aleteia 06/07/2020) 

Hồng Thủy - Vatican News 

(Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-07/nestor-ramirez-arrieta-bac-si-voi-chuoi-man-coi-tren-tay.html) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 16,13-23; thứ Năm, tuần XVIII Thường niên)

Đáp lại câu hỏi của Đức Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai”? Ông Phêrô thay mặt mọi người tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Trong ý nghĩ ông Phêrô, tước hiệu này không rõ ràng lắm. Có lẽ đấy chỉ là một cách giải thích tước hiệu Kitô theo nghĩa của lời ngôn sứ Nathan trong 2 Sm 7,14. Lẽ tất nhiên đối với Mátthêu khi viết lại chuyện này, cũng như với Giáo Hội sơ khai, thành ngữ Con Thiên Chúa còn đưa về tình phụ tử thật giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa nữa. Mặc dầu ông Phêrô chưa hiểu hết ý của lời mình nói, nhưng đây vẫn là một mặc khải của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu gọi là Cha của mình. Sau khi được Đức Giêsu đặt cho tên mới, Phêrô từ nay về sau trở thành đặc danh của vị Tông đồ trưởng, để tượng trưng cho vai trò riêng của ngài trong việc thiết lập Giáo Hội của Đức Giêsu.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ba mức độ hiểu biết về Đức Giêsu: Trước hết, ở mức độ của dân chúng, nếu chỉ thấy những việc Đức Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài như là một ngôn sứ của thời xa xưa. Thứ đến, theo mức độ của Phêrô: Vì nhận được ơn Chúa soi sáng, nên Phêrô hiểu Đức Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu có ơn soi sáng của Thiên Chúa mà không biết hợp tác và "đi theo sau" thì dù có hiểu biết Đức Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa. Và cuối cùng, ở trong mức độ mà Đức Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: Hiểu biết Đức Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác Thập giá mà đi theo Ngài. 

Chúng ta có cảm giác là khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai”?, chỉ như là một bước thăm dò chính các ông. Thật vậy, ngay sau khi nghe các môn đệ trình bày một vài dư luận khác nhau về bản thân Ngài, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi trực tiếp với các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Câu hỏi này nêu ra một cách bất ngờ nên có lẽ đã khiến nhiều môn đệ cảm thấy bối rối. May thay, Phêrô đã trả lời cách mau lẹ, như thể cứu cho các vị khác một bàn thua trông thấy: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chính nhờ lời tuyên xưng này mà Đức Giêsu đã đặt Phêrô lên một địa vị quan trọng: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. 

Sự rắn chắc và vững vàng của đá tảng đã được Đức Giêsu dùng để ám chỉ Phêrô, từ nay con sẽ là nền tảng vững chắc để xây nên một Giáo Hội muôn đời tồn tại. Giáo Hội nhờ đó cũng trở thành một tảng đá kiên cố để không ngừng ban phát ơn thánh của Chúa cho loài người, chẳng khác gì tảng đá trong sa mạc đã được Môsê dùng gậy đập vào, làm vọt ra dòng nước để nuôi sống toàn dân và súc vật. 

Từ nay, Simon được gọi bằng một tên mới: Phêrô, tức viên đá tảng hay nền móng của Giáo Hội. Tuy nhiên ngay sau đó, Phêrô cho dù đã khẳng khái tuyên bố sẵn sàng chết cho Thầy mình, nhưng lại bị Đức Giêsu nặng lời quở trách, vì ông đã lên tiếng can ngăn không chịu chấp nhận để Thầy mình lên Giêrusalem chịu khổ nạn: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Lời quở trách này của Đức Giêsu có khác nào một cái vả vào mặt Phêrô. Có lẽ trong cuộc sống, nhiều người chúng ta cũng đã từng nhận lấy những “cái tát” như thế từ Thiên Chúa; bởi vì, rất nhiều khi chúng ta muốn “thế thiên hành đạo”, muốn thay quyền Chúa để xét đoán, cười nhạo những người đạo hạnh hơn mình, còn bản thân thì buông xuôi theo dục vọng, cứ chấp nhận sống trong sự trì trệ hoặc xuống dốc không phanh.

Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Đức Giêsu trao cho Phêrô Chìa khóa Nước trời, tức là trao cho ông quyền tháo cởi và cầm buộc. Người Do Thái khi nói tới chìa khóa thì luôn bao hàm một ý nghĩa đặc biệt. Ngôn ngữ Thánh Kinh Tân Ước thường nói về Đức Giêsu chính là chìa khóa có thể mở được mọi thứ, kể cả sự chết lẫn “âm tào địa phủ”. Tuy nhiên giờ đây, Ngài giao lại cho Phêrô và cũng là giao lại quyền tài phán ấy cho Hội Thánh. Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng, cầm chìa khóa Nước trời, không có nghĩa là Hội Thánh muốn làm gì thì làm, muốn cho ai điều gì thì cho, muốn cầm buộc ai theo “ý riêng” mình thì cầm buộc. Đó là chìa khóa của yêu thương, của tôn trọng và đồng phận với con người cho đến nỗi dám hiến mạng sống mình cho tha nhân. Noi gương Đức Giêsu, Giáo hội phải biết giữ “chìa khóa Nước Trời” bằng cách đặt vào trong Trái tim của Chúa tất cả những đau thương, những buồn khổ, tội lỗi, nỗi cô đơn, sự chia phôi, và cả sự sinh ly tử biệt của kiếp người. Có như thế, Giáo Hội mới biết cách sử dụng chìa khóa Chúa trao cách xứng hợp.

Lạy Chúa, chúa đã mặc khải để thánh Phêrô nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, xin cho mỗi người chúng con cũng biết tuyên xưng như thế trong đời sống hằng ngày. Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng con, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại càng giúp chúng con thêm kiên vững và an vui. Xin cho mỗi người chúng con biết cố gắng sống thánh thiện nơi chính bản thân mình và cũng biết đón nhận những bất toàn, yếu đuối cùng lầm lỗi của anh chị em. Xin Chúa gìn giữ chúng con luôn trung tín trong đức tin đã lãnh nhận và hân hoan bước đi ngay giữa lòng dân thánh. 

4. Lời bàn 

- Mặc dù các môn đệ đã hiểu được Đức Giêsu là Đấng Mêsia của Thiên Chúa, nhưng kì thực họ vẫn chưa rõ việc ấy có nghĩa là gì. Đối với họ thì Mêsia vẫn hoàn toàn mang ý nghĩa khác hẳn với sứ mạng của Đức Giêsu. Họ vẫn suy nghĩ theo chiều hướng của một Đấng Mêsia trần thế, một vị vua chinh phạt, sẽ quét sạch quân Rôma khỏi bờ cõi Palestine và dẫn dân tộc Israel đến chỗ hùng cường. Chính vì vậy, Đức Giêsu mới bảo họ phải yên lặng. Nếu họ đi ra với dân chúng và loan báo ý nghĩ của họ, thì cùng lắm họ chỉ gây được một cuộc cách mạng bạo động, họ chỉ có thể khiến cho bạo lực bột phát, để rồi bị dập tắt. Còn ở đây, trước khi họ rao giảng về Đức Giêsu là Đấng Mêsia, họ phải học biết điều đó có nghĩa là gì. Trên thực tế, phản ứng của Phêrô chứng tỏ các môn đệ chẳng hiểu ý nghĩa lời Đức Giêsu khi Ngài xưng mình là Mêsia, Con Thiên Chúa. 

- Bởi vậy, Ngài bắt đầu tìm cách mở mắt cho họ thấy rằng Ngài chẳng có con đường nào khác ngoài con đường thập giá. Ngài nói rằng, phải đi đến Giêrusalem, chịu khổ hình dưới tay các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư. Ba nhóm người này là thành phần cốt cán của Tòa công luận. Nói như thế có nghĩa là Đức Giêsu sẽ chịu đau khổ trong tay các lãnh tụ tôn giáo chính thống, vốn dĩ là những người đồng chủng và cùng là con cháu của Ápraham. 

- Đức Giêsu vừa nói xong thì Phêrô liền phản ứng thật mạnh bạo. Ông được lớn lên và được dưỡng dục với niềm hy vọng rằng Đấng Mêsia sẽ cầm quyền trong vinh quang và chiến thắng. Đối với ông, ý tưởng về một Đấng Mêsia chịu đau khổ, một Đấng Mêsia phải đi tới thập giá là điều không thể tin được. Ông muốn “cầm giữ” Đức Giêsu lại. Ta có thể tưởng tượng Phêrô đưa tay ra và nắm chặt tay Đức Giêsu để giữ Ngài khỏi phải lao vào một của khổ nạn. Phêrô nói: “Việc đó không thể xảy ra cho Thầy được” và thế là tiếp theo đó, một lời quở trách thật nặng nề khiến chúng ta có thể nín thở khi nghe đến: “Xatan, hãy lui lại đằng sau Thầy”. Muốn hiểu khung cảnh sôi động này, thiết nghĩ chúng ta cần phải để ý một vài điều sau đây: 

+ Chúng ta thử hình dung ra cung giọng của Đức Giêsu khi nói điều đó. Chắc chắn Ngài không nói với tiếng la hét thịnh nộ cùng một cái nhìn hằn học tức tối. Nhưng, Ngài nói điều đó như một người bị đâm thấu tim, với nỗi buồn thấm thía, và một sự kinh hoàng ghê rợn. Tại sao Đức Giêsu lại phản ứng như vậy? Đó là vì ngay lúc ấy, cơn cám dỗ bởi sức mạnh ghê sợ Ngài đã đối diện trong hoang địa lúc khởi đầu sứ vụ lại ập đến với Ngài. Trước kia, Ngài đã bị cám dỗ để chọn con đường quyền lực, cơn đói khát và bả vinh hoa thế gian. Còn giờ đây, cơn cám dỗ lại do chính Phêrô đem đến cho Ngài. Cơn cám dỗ xưa đến khi Ngài cảm thấy đói sau bốn mươi ngày chay tịnh; còn cơn cám dỗ này đến sau sự kiện Đức Giêsu khỏa lấp cơn đói cho cả một đám đông kéo đến với Ngài. 
+ Cám dỗ xưa kia đã không biến mất khỏi tâm trí Đức Giêsu. Luca dường như đã nhìn thấy trong tâm khảm Đức Giêsu điều đó, nên ở cuối câu chuyện cám dỗ, ông viết: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Đứa cám dỗ thỉnh thoảng vẫn tái diễn cuộc tấn công đó. Chẳng ai muốn thập giá, chẳng ai muốn chết đau đớn. Tại vườn Ghêtssêmani, kẻ cám giỗ lại đến nhưng bằng một hình thức khác. Còn ở đây, chính Phêrô đưa đến cho Ngài thứ cám dỗ vẫn luôn luôn thì thầm bên tai Ngài, chính điều mà Ngài phải cật lực chiến đấu. Phêrô đã gợi cho Thầy lối thoát khỏi thập giá, khỏi các kết cuộc đang vẫy gọi Ngài trước mặt; nhưng đó lại không phải là điều mà Đức Giêsu chờ đợi. 
+ Nếu Xatan là tên cám dỗ, với nghĩa là tên ngáng đường hay kẻ ưa chỉ trích, thì ở đây cám dỗ lại càng nghiêm trọng hơn vì nó phát xuất từ một người đầy lòng yêu mến Chúa. Lời Phêrô nói là lời của người mến yêu Đức Giêsu đến độ không thể nào chịu nổi hình ảnh Thầy của mình phải lê bước trên lối đi ghê rợn và phải chịu chết nhục nhã trong đau đớn. Cám dỗ khó chống chọi nhất là cám dỗ đến từ những người yêu thương chúng ta. Có những lúc người thân tìm cách đem chúng ta khỏi lối đi gian nan của Chúa mời gọi. Có thể thấy, tình yêu chân chính không phải là thứ tình yêu giữ người hiệp sĩ ở nhà, mà là tình yêu đưa chàng đi theo mệnh lệnh của đoàn kỵ binh ra sa trường chinh chiến; những mệnh lệnh không làm cho cuộc sống dễ dàng hơn nhưng làm cho nó cao đẹp hơn. Có lắm lúc tình yêu quá quan tâm bảo bọc người mình yêu đến độ ngăn cản họ xông pha vào chiến trường của người lính, ngăn cản họ bước vào đường lối của Thiên Chúa đã dự liệu. Điều làm cho Đức Giêsu khổ tâm, khiến Ngài phải quở trách nặng lời như vậy là vì lúc ấy, kẻ cám dỗ đã nói với Ngài bằng tình yêu thiết tha, nhưng sai lầm ở chỗ là nó lại khởi đi từ trái tim nóng bỏng đầy tính phàm trần của Phêrô. 

- Lời Đức Giêsu truyền cho Xatan là: “Hãy xéo đi”, còn lời Ngài nói với Phêrô chỉ là. “Hãy lui ra đằng sau Thầy”, nghĩa là hãy trở lại làm môn đệ của Thầy. Xatan bị đuổi đi khuất mắt Chúa, còn Phêrô được gọi trở lại làm môn đệ. Xatan không bao giờ có thể trở thành môn đệ của Chúa, bởi vì tính kiêu căng đã khiến nó không thể hạ mình để làm điều đó; vì thế, nó mãi mãi cũng chỉ là Xatan, đúng với bản chất không thể đổi thay được. Mặt khác, Phêrô có thể lầm lẫn, sa ngã, phạm tội, nhưng luôn luôn có tiếng gọi và được trao cơ hội để ông trở lại làm môn đệ của Đức Giêsu. Điểm khác biệt căn bản giữa Phêrô và Xatan chính là Xatan không bao giờ chịu lui ra đằng sau Đức Giêsu. Như vậy, nếu chúng ta còn quyết tâm, còn sẵn sàng đi theo Chúa, thì dù bị sa ngã, cũng vẫn còn đầy hy vọng cho đời này và cả đời sau nữa nếu như chúng ta biết lắng nghe và chấp nhận đi theo sau Đức Giêsu. 

-“Hình ảnh bác sĩ Ramírez đang cầu nguyện với chuỗi Mân Côi trong tay trong những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi là biểu tượng sống động của đức tin giữa thời khắc khó khăn”. Đây thực sự là một hình ảnh rất đẹp. Nó đẹp không phải vì hành động của vị bác sĩ này giống như đang tìm kiếm những chiếc phao cứu sinh, sau đó ném về phía các bệnh nhân của mình; nhưng nó đẹp vì đã trở thành dấu chỉ của một đời sống đức tin thật sinh động và đáng trân quý. Một thói quen tốt lành cùng với một niềm sốt mến thẳm sâu chắc chắn đã giúp ích rất nhiều cho vị bác sĩ này. Với ơn Chúa, người đàn ông này chắc hẳn sẽ tận tâm hơn trong việc phục vụ và người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các bệnh nhân của ông ấy. Tìm thấy được ý nghĩa đích thực và niềm vui từ công việc của mình đang đảm nhận chính là niềm mơ ước của hết thảy mọi người. Thế nhưng, để đạt được điều đó thì chẳng hề dễ dàng chút nào; nó đòi buộc người ta phải có đam mê và còn phải biết hăng say làm việc. Có lẽ bác sĩ Ramírez là người hiểu rất rõ điều này; bởi vì, không chỉ có tận tâm với công việc, ông còn nhận được một nguồn trợ lực khác từ chính Chúa ngang qua việc cầu nguyện. 

- Thiết nghĩ, cuộc đời của vị bác sĩ Ramírez cũng giống với những gì mà Benjamin Franklin từng đúc kết: “Hãy lao động như thể mình sẽ sống cả trăm năm. Hãy cầu nguyện như thể ngày mai mình sẽ chết”. Xưa kia Đức Giêsu từng muốn các môn đệ trả lời: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”; thì có lẽ hôm nay, Ngài cũng đang chờ mỗi người chúng ta trả lời cho cùng một thắc mắc như vậy. Mỗi người trong chúng ta có thể sẽ “xoay xở” để tìm câu trả lời cho riêng mình; nhưng với vị bác sĩ được nhắc tới ở đây, chắc hẳn Chúa đã có được câu trả lời ưng ý. Bao lâu chưa được thấm nhuần và xác tín trong đời sống đức tin, thì bấy lâu câu trả lời của chúng ta cũng giống như trò chơi ghép các con chữ, vô hồn và sáo rỗng. Thật vậy, lòng kính tin và sùng mộ phải được diễn tả ra bên ngoài như là dấu chứng của một tâm hồn biết thiết tha phụng sự Thiên Chúa và chân thành phục vụ tha nhân.

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1541,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,191,Cộng Đoàn,759,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,353,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1037,Hội Thánh,307,Kiến Thức,71,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1212,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4621,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,521,Tập San Lên Đường,565,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,951,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1986,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 16,13-23; thứ Năm, tuần XVIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 16,13-23; thứ Năm, tuần XVIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 16,13-23; thứ Năm, tuần XVIII Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEidtYaDT2WXvq1WSzNd_RurCnQHCeJ7mEVmvV1H9q7lyy9yl74_CvHwy9OrqyedOQ7B3xjCx4byy1O18lBWrPe2p15Lt7A72W-bgvZZXC0uS8kgEBR8tCy7lh6JSdOfpYQ85Zr66t92u2g/w792-h453/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEidtYaDT2WXvq1WSzNd_RurCnQHCeJ7mEVmvV1H9q7lyy9yl74_CvHwy9OrqyedOQ7B3xjCx4byy1O18lBWrPe2p15Lt7A72W-bgvZZXC0uS8kgEBR8tCy7lh6JSdOfpYQ85Zr66t92u2g/s72-w792-c-h453/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/08/goc-suy-gam-mt-1613-23-thu-nam-tuan.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/08/goc-suy-gam-mt-1613-23-thu-nam-tuan.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content