Góc Suy Gẫm - Mc 9,2-10; thứ Sáu, tuần XVIII Thường niên- Kính Chúa Hiển Dung

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mc 9,2-10; thứ Sáu, tuần XVIII Thường niên- Kính Chúa Hiển Dung

Góc Suy Gẫm - Mc 9,2-10; thứ Sáu, tuần XVIII Thường niên- Kính Chúa Hiển Dung 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: BÌNH ĐỊNH GIÃN CÁCH XÃ HỘI, GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH VẪN ĐI ĐÁNH GOLF 

Tiếp xúc với nhân viên sân golf nhiễm nCoV nên Giám đốc Sở Du lịch và Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định phải đi cách ly tập trung. 

Trao đổi với Zing chiều 4/8, ông Nguyễn Phương Nam, Phó chủ tịch UBND Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, xác nhận trong thời gian toàn tỉnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 2 cán bộ địa phương và 2 người thuộc các doanh nghiệp tư nhân vẫn đi đánh golf. 

Bốn người này gồm: Ông Nguyễn Văn Dũng (Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định), ông Nguyễn Công Thành (Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định), ông Lê Văn Thảo (Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài) và ông Nguyễn Hữu Lộc (doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản titan). 

"Rõ ràng 4 người này đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội là vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19. Họ đã tiếp xúc với ca F0 là nhân viên của sân golf FLC Quy Nhơn nên buộc phải đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp này", ông Nam nói. 

Theo Trung tâm Y tế Tp. Quy Nhơn, ngày 3/8, địa phương ghi nhận chị T.T.Q., nhân viên của sân golf FLC Quy Nhơn, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Từ ngày 31/7 đến 1/8, 4 người có tên trên chơi golf ở FLC Quy Nhơn và tiếp xúc trực tiếp với chị Q. nên trở thành F1. Ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã giao Sở Y tế xử lý vụ việc. 

"Cả hệ thống chính trị gồng mình chống dịch như chống giặc nhưng những cán bộ, doanh nghiệp vẫn đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội là sai trái, cần xử lý nghiêm minh để răn đe", ông Giang nói thêm. 

Bình Định áp dụng giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 15 từ ngày 1/8. Đến ngày 4/8, Bình Định ghi nhận 259 ca mắc Covid-19, trong đó có hàng chục trường hợp về từ Tp. HCM và các tỉnh phía nam. Minh Hoàng 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mc 9,2-10; thứ Sáu, tuần XVIII Thường niên- Kính Chúa Hiển Dung) 

Hiển Dung là biến cố mà qua đó, Đức Giêsu tạm thời từ bỏ hình dạng bình thường của con người để mặc lấy một hình dạng khác. Hình dạng mới này diễn tả cách cụ thể một bản tính vô hình. Chỉ có Mátthêu và Luca nói đến dung nhan Đức Giêsu cũng được biến đổi; tuy nhiên, cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều đề cập đến y phục của Ngài: y phục sáng chói chiếu toả vinh quang của thiên giới. Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Máccô cho thấy: Đức Giêsu được sánh ví như một Đấng Mêsia ẩn mình hay như Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa nhưng lại tỏ bày ra trước kỳ hạn vinh quang phục sinh của Người. Lễ Chúa Biến Hình nhắc chúng ta nhớ rằng, vinh quang trên núi Tabor chỉ có được sau chặng đường thập giá. Nói cách khác, muốn đạt tới vinh quang phục sinh, thì trước hết cần phải bước qua đau khổ và thập giá. Xin cho chúng ta đừng bao giờ chỉ muốn đón nhận vinh quang mà chối bỏ thập giá trong cuộc đời. 

Sự kiện Biến Hình mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay, vẫn được coi là biến cố Đức Giêsu tỏ vinh quang hằng có của Ngài cho các môn đệ. Thế nhưng, có lẽ đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng mà Đức Giêsu nhắm tới khi biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ thân tín.Thật thế, nếu việc biến hình của Đức Giêsu chỉ nhằm để bày tỏ vinh quang hằng có của Ngài, có lẽ không cần thiết. Chúng ta có thể nói được như thế, bởi vì tất cả các phép lạ Đức Giêsu thực hiện, đặc biệt là những phép lạ trừ quỷ và phục sinh kẻ chết, cũng đã quá đủ để bày tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài, đủ để cho họ nhận ra Ngài là Đấng cứu độ và hơn nữa, là chính Thiên Chúa. 

Như vậy, qua biến cố này, Đức Giêsu còn muốn mặc khải cho các môn đệ điều gì? Xin thưa, Đức Giêsu chắc hẳn còn muốn mặc khải cho các ông thấy, Ngài chính là Đấng cứu độ của nhân loại. Thế nhưng, Đấng Cứu Thế ấy chỉ có thể hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa, hay nói một cách khác, chỉ có thể bước vào vinh quang phục sinh bằng con đường đau khổ và thập giá. Chính vì thế, khi Đức Giêsu biến hình, Môsê và Êlia là những nhân vật đại diện cho Lề luật và Ngôn sứ đã xuất hiện để đàm đạo với Đức Giêsu về cuộc xuất hành Ngài sắp thực hiện tại Giêrusalem. Như vậy, qua Môsê và Êlia, Cựu ước đã xuất hiện để làm chứng Đức Giêsu là Đấng cứu độ và Đấng ấy sẽ phải đau khổ cùng bị giết chết; bởi vì, đối với người Do Thái, Lề luật và các ngôn sứ được coi là toàn bộ Kinh Thánh. 

Đó mới là điều Đức Giêsu nhắm tới khi biến hình trước mặt các môn đệ. Nhưng, đó cũng là điều mà con người, kể cả các môn đệ, không dễ dàng chấp nhận. Bởi lẽ, các ông vẫn tiếp tục hỏi nhau xem “Từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. Chính vì không dễ dàng chấp nhận, nên sau đó Đức Giêsu đã nghiêm cấm các ông không được nói cho ai biết, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Ngoài ra, qua bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa cũng muốn truyền cho chúng ta là hãy vâng nghe lời Đức Giêsu. Thế nhưng, vâng nghe lời Đức Giêsu cũng có nghĩa là phải đi lại con đường mà Ngài đã đi. Chúng ta đừng như Phêrô khi xưa, theo Chúa nhưng lại không muốn bước đi trên con đường của Thầy đã đi trước; hơn nữa, ông còn can ngăn Đức Giêsu bước vào con đường khổ nạn. Nói cách khác, Phêrô chỉ muốn vinh quang trên núi thánh nhưng lại không muốn đi con đường thập giá của Đức Giêsu, cho dù đó là con đường dẫn đến vinh quang phục sinh. 

Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta muốn được phục sinh vinh quang với Đức Giêsu mà không chấp nhận bước đi trên con đường thập giá của Ngài, chúng ta sẽ bỏ cuộc giữa chừng nếu không muốn nói là chúng ta cũng sẽ chối Chúa. Biết bao người chỉ vì muốn vinh quang mà không chấp nhận thập giá, nên đã có một lối sống ích kỷ, thấp hèn: chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn hy sinh, chỉ muốn đón nhận mà không muốn trao ban, chỉ muốn thống trị mà không muốn phục vụ và đó chẳng phải là nguyên nhân đưa đến những bất công và tội ác trong xã hội sao? Tắt một lời, đối với Đức Giêsu, vinh quang trên núi Tabor chỉ có được sau cái chết nhục nhã nơi Đồi sọ, sự sống chỉ phát sinh từ sự chết, và hạnh phúc thật chỉ là kết quả của những hy sinh vất vả từng ngày, hạt lúa mì chỉ trổ sinh hoa trái sau khi đã thối đi, đã chết đi. 

Lạy Chúa, xưa kia trên núi Tabor, Chúa đã tỏ lộ vinh quang cho ba môn đệ thân tín; ngày hôm nay, xin cho chúng con cũng biết chiêm ngắm vẻ huy hoàng rực rỡ của quyền năng Chúa qua những thực tại ở trần gian này. Xin cho ánh vinh quang của Chúa rợp bóng trên cuộc đời chúng con và nhờ đó mà chúng con hân hoan tiến bước trong hành trình loan báo Tin Mừng. Xin đừng để chúng con chỉ biết vui thỏa với giây phút choáng ngợp trên núi thánh, mà lại chùn chân khi nghĩ về hành trình tiến lên đỉnh đồi Canvê. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết hăm hở vác thánh của mình mỗi ngày để theo Chúa, ngõ hầu nhờ đó mà cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh với Người. 

4. Lời bàn 

- Ở đây chúng ta đang đối diện với một biến cố quan trọng trong đời sống của Đức Giêsu vốn được phủ bằng một tấm màn bí mật. Chúng ta chỉ cố tìm hiểu xem đã có chuyện gì xảy ra. Máccô bảo rằng việc này xảy ra sáu ngày sau sự kiện Phêrô tuyên tín ở vùng Xêdarê Philipphê; còn Luca thì nói tám ngày sau. Tuy nhiên ở đây không hề có sự bất nhất; bởi dù sao đi nữa nó cũng chỉ hơn kém một tuần lễ. Cả hai Giáo Hội Đông lẫn Tây Phương đều kỷ niệm ngày Đức Giêsu biến hình vào ngày 6 tháng 8 dương lịch, tức là bốn mươi ngày trước lễ Suy tôn Thánh giá. Vấn đề quan trọng không phải là ngày đó đúng hay không, nhưng đó là thời điểm mà chúng ta nên tìm cách ghi nhớ. Truyền khẩu nói sự biến hình xảy ra trên đỉnh núi Tabor. Giáo Hội Đông Phương gọi lễ Chúa Biến Hình là Taborion. Có lẽ núi Tabor được chọn là nơi biến hình vì căn cứ vào lời đã nhắc tới nó trong Thánh vịnh 89 câu 13; thế nhưng đó lại là một lựa chọn có vẻ không thỏa đáng. Bởi vì, núi Tabor nằm về phía Nam Galilê, còn Xêdarê Philipphê thì ở tận phía Bắc. Núi Tabor cao không hơn 300m và vào thời Đức Giêsu, có một đồn lính gác ở trên đó. Điều có lý hơn là sự việc đã xảy ra trên sườn núi Khecmôn, một ngọn núi phủ tuyết quanh năm, cao gần 3000m, gần Xêdarê Philipphê hơn và khung cảnh cũng yên tĩnh hơn nhiều. - Chúng ta không thể xác quyết đã có chuyện gì xảy ra. Chúng ta chỉ biết cúi đầu cung kính khi cố gắng tìm hiểu sự kiện này. Máccô nói rằng, y phục của Đức Giêsu trở nên rực rỡ, trắng tinh. Từ ông sử dụng ở đây là Stibein, được dùng để chỉ sự sáng chói của đồng, của vàng được nung chảy, hoặc của thép được đánh bóng hay ánh sáng chói chang vàng rực của mặt trời. Mặc dù tác giả Máccô không đề cập tới sự biến đổi dung mạo của Đức Giêsu, nhưng chắc chắn những gì diễn ra trước mắt sẽ khiến cho các môn đệ không thể không ngỡ ngàng. Lúc biến cố ấy kết thúc, còn có một áng mây che phủ họ. Trong tư tưởng của người Do Thái, sự hiện diện của Thiên Chúa luôn được kết hợp với những đám mây. Trong ngày khánh thành Đền thờ sau khi được Salômôn xây cất, một đám mây đã bao trùm Đền thờ. Dân Do Thái mơ ước khi Đấng Mêsia đến, đám mây biểu trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa cũng sẽ trở lại với Đền thờ. Việc đám mây kéo xuống là một dấu chỉ nói lên rằng, Đấng Mêsia đã đến, và bất kỳ người Do Thái nào cũng hiểu như vậy. 

- Sự kiện Biến Hình nói lên hai ý nghĩa:

1. Đó là một điều thật quan trọng đối với Đức Giêsu. Đức Giêsu cần quyết định một số sự việc, Ngài đã quyết định lên Giêrusalem và quyết định ấy có nghĩa là đối diện và chấp nhận thập giá. Và, trên đỉnh núi, Ngài đã nhận được sự ưng thuận của Chúa Cha, trước mặt hai nhân chứng của Cựu Ước. 
+ Êlia và Môsê đã đến gặp Ngài. Môsê là nhân vật tối cao đã ban bố luật cho dân Israel. Cả dân tộc đã chịu ơn ông về luật của Chúa được trao lại qua tay ông. Êlia là vị ngôn sứ đầu tiên và vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Mọi người luôn luôn nhìn ông như một ngôn sứ mang chính lời của Chúa đến cho con người. Khi hai nhân vật lỗi lạc nhất đó hội kiến với Đức Giêsu, tức là nhà ban bố luật vĩ đại nhất và vị ngôn sứ lỗi lạc nhất, thì nó cũng có nghĩa là hai vị đã thấy nơi Đức Giêsu chính là Đấng sẽ hoàn thành tất cả những gì họ từng mơ ước trong quá khứ. Như thế cũng có nghĩa là họ thấy nơi Ngài tất cả những gì mà lịch sử vẫn trông chờ từ lâu và đã hướng về nó với hy vọng tràn đầy. Dường như chính lúc đó, Đức Giêsu được bảo đảm rằng, Ngài đang đi đúng đường và mọi thứ muốn được thành tựu thì đều phải dẫn đến thập giá. 
+ Lời mà Thiên Chúa Cha phán với Đức Giêsu cho thấy rằng, Đức Giêsu đã không bao giờ hành động theo ý riêng của mình. Trên núi Biến Hình, Đức Giêsu được bảo đảm rằng Ngài đã không lầm đường. Ngài đã thấy thập giá không những là việc không tránh được mà còn là điều vô cùng chính đáng và cần phải thực thi để làm hiển vinh Danh Chúa Cha. 

2. Ngoài ra, Biến Hình cũng còn là điều quý giá vô cùng đối với các môn đệ của Chúa. 
+ Họ đã bị tan nát cõi lòng khi nghe Đức Giêsu khẳng định rằng Ngài sắp lên Giêrusalem để chịu chết. Điều này dường như tiêu hủy, phủ nhận tất cả những gì họ đã tưởng nghĩ về Thầy của mình. Họ đang bối rối, ngẩn ngơ, kinh ngạc, chẳng hiểu sự việc thế nào. Những sự việc xảy ra chẳng những khiến họ rối trí mà còn khiến họ đau lòng. Tuy nhiên, những gì đã tận mắt chứng kiến ở trên núi lại cho họ một cơ hội để bám chặt lấy Đức Giêsu, ngay cả khi họ chẳng hiểu gì cả. Thật vậy, sự ngất ngây trước cảnh tượng ngoạn mục được biểu lộ nơi Phêrô đã nói lên điều đó. Cho dù biến cố tử nạn có đến hay không, nhưng ngay lúc này, họ đã được nghe chính tiếng nói của Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu là Con của Người. 
+ Điều đó cũng khiến họ trở thành các chứng nhân cho sự vinh hiển của Đức Giêsu theo một ý nghĩa đặc biệt. Nếu định nghĩa chứng nhân là người tận mắt nhìn thấy, sau đó lại tỏ bày ra cho người khác, thì lời chứng của ba môn đệ thân tín chắc chắn là đáng tin. Lần ấy, trên núi, họ đã được cho thấy vinh hiển của Đức Giêsu; do vậy, khi thời cơ đến, họ đã có sẵn câu chuyện đang giấu kín trong lòng và rồi kể lại cho mọi người cùng nghe. Như thế, có gì là khuất tất và bất minh đâu nhỉ? 

- Tất nhiên ba môn đệ của Đức Giêsu đã suy nghĩ rất nhiều điều sau khi từ trên núi xuống. Thật vậy, Đức Giêsu bắt đầu bằng một mệnh lệnh, Ngài cấm họ không được nói lại với bất cứ ai điều họ đã trông thấy. Đức Giêsu biết rõ tâm trí cuả họ vẫn còn bị ám ảnh bởi ý niệm về một Đấng Mêsia đầy sức mạnh, đầy quyền năng. Nếu họ kể lại những gì đã xảy ra trên núi, việc họ đã thấy vinh quang của Chúa, cả Môsê lẫn Êlia cũng có mặt, điều đó sẽ không phù hợp với những điều mà mọi người đang trông đợi. Vì vậy, các môn đệ còn cần phải học hỏi thêm về sứ vụ của Đấng Mêsia. Chỉ khi nào họ dám đối diện với thập giá và tin vào Đức Giêsu Phục sinh là Đấng Mêsia thì lúc đó và chỉ khi đó, họ mới có thể kể lại vinh quang trên núi cách sống động và chân thật nhất. 

- “Cả hệ thống chính trị gồng mình chống dịch như chống giặc nhưng những cán bộ, doanh nghiệp vẫn đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội là sai trái, cần xử lý nghiêm minh để răn đe”. Ở đây chúng ta nhận thấy một điểm tương đồng khá thú vị với những lời nhận xét của Jim Rohn, một nhà diễn thuyết lừng danh người Mỹ. Ông ta nói thế này: “Tôi thấy kỳ lạ rằng hầu hết mọi người lên kế hoạch cho chuyến đi nghỉ của mình tốt hơn lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Có lẽ đó là bởi trốn tránh thì dễ dàng hơn thay đổi”. Rất có thể vì cả nể hoặc cũng có thể đấy là một thú vui của những người có được thứ đặc quyền đặc lợi nào đó. Ai cũng biết, Golf là môn thể thao thuộc hàng “quý tộc”, chính vì vậy những người lao động phổ thông chẳng ai muốn bỏ ra một số tiền lớn chỉ để sắm lấy cây gậy đánh golf giật le với bạn bè. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những người này không tiếp xúc với một nhân viên bị nhiễm Covid. Khi biết tin này, chắc hẳn họ sẽ cảm thấy bàng hoàng như vừa bị sét đánh ngang tai. Dư luận xã hội sẽ tiếp tục công kích và phê phán những trường hợp tương tự; bởi vì dù thế nào đi chăng nữa, những người có trách nhiệm luôn phải là người biết nêu gương sáng cho người khác. Họ vui thú với những trò tiêu khiển cá nhân, trong khi những người khác đang hoang mang tột độ vì dịch bệnh; điều đó hẳn là không đẹp xíu nào. 

- Câu chuyện trên đây chắc hẳn cũng phải là bài học cho tất cả chúng ta, nhất là các Kitô hữu. Chúng ta cần biết tôn trọng luật pháp và biết chung tay với mọi người giữa cơn khủng hoàng này. Chúng ta cần nhớ rằng: “Người tốt không cần luật pháp để nói cho họ biết phải hành động có trách nhiệm, còn người xấu tìm đường lách luật” (Plato). Biến Hình là một sự kiện mà qua đó, Đức Giêsu tiếp thêm lửa để các môn đệ thêm tin tưởng và hăng say hơn. Các môn đệ thân tín được kéo riêng ra và có được diễm phúc chiêm ngưỡng điều chưa nghe nói bao giờ. Các ông cùng leo núi với Chúa nhưng không phải vì các ông coi đó là thú vui cho bằng, đây là cơ hội để Đức Giêsu truyền thêm cảm hứng cho họ. Như vậy, những phút giây ngây ngất trên núi cao không phải là đặc quyền hay đặc lợi nhưng chính là trách nhiệm mà các môn đệ phải gánh vác mai này. Còn các vị cán bộ đã vi phạm kỉ luật được nhắc tới trong câu chuyện trên, hẳn là rồi đây sẽ đối diện với những hình phạt thích đáng, thậm chí là có khi không còn giữ được chiếc ghế của mình. Tuy nhiên, dẫu những hình phạt dành cho họ là gì đi chăng nữa, thì bản chất của vấn đề còn nằm ở một khía cạnh khác, đó là niềm tin của người dân. Napoleon Bonaparte từng nói: “Những người thay đổi thế gian không làm được điều đó bằng cách thay đổi quan lại, mà luôn luôn bằng cách truyền cảm hứng cho người dân”. Điều này sẽ soi sáng để chúng ta hiểm thêm rằng, chúng ta luôn mong mình có được những vị lãnh đạo không chỉ có “tầm” mà còn cần phải có “tâm” nữa. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1199,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4608,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mc 9,2-10; thứ Sáu, tuần XVIII Thường niên- Kính Chúa Hiển Dung
Góc Suy Gẫm - Mc 9,2-10; thứ Sáu, tuần XVIII Thường niên- Kính Chúa Hiển Dung
Góc Suy Gẫm - Mc 9,2-10; thứ Sáu, tuần XVIII Thường niên- Kính Chúa Hiển Dung
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEghdCQULESY7VfVb7bX1CP8Z8itLazZT2JvATwd-BMIpNWYy_LugGPlbKMPKs-6aMH-LASfQ-rapwDbVighTf9IDve8ckUwSPS5WfwtZk0QK4lalC-y__5HZL7LBhqcf6SzocURRJHEnzQ/w748-h428/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEghdCQULESY7VfVb7bX1CP8Z8itLazZT2JvATwd-BMIpNWYy_LugGPlbKMPKs-6aMH-LASfQ-rapwDbVighTf9IDve8ckUwSPS5WfwtZk0QK4lalC-y__5HZL7LBhqcf6SzocURRJHEnzQ/s72-w748-c-h428/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/08/goc-suy-gam-mc-92-10-thu-sau-tuan-xviii.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/08/goc-suy-gam-mc-92-10-thu-sau-tuan-xviii.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content