Góc Suy Gẫm - Ga 12,24-26; thứ Ba, tuần XIX Thường niên – kính thánh Laurensô, Phó tế, tử đạo
Góc Suy Gẫm - Ga 12,24-26; thứ Ba, tuần XIX Thường niên – kính thánh Laurensô, Phó tế, tử đạo
Mùa dịch Covid-19
1. Chuyện chúng mình:
YÊU THƯƠNG ĐONG ĐẦY NƠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Thoắt một thoáng tôi và đội tu sĩ tình nguyện viên đã ở bệnh viện dã chiến được 3 Chúa nhật với nhiều công việc, nhiều diễn biến, nhiều khoảng khắc và nhiều cung bậc cảm xúc...
Sau 2 tuần từ vai trò bác sĩ chăm sóc điều trị bệnh nhân, tôi cũng gia nhập hội F0... Vậy là có thời gian rảnh rỗi đọc sách, tìm hiểu, soạn bài chia sẻ và tư vấn hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc từ phòng cách ly...
Là F0, tôi sẽ thế nào????? Nhiều người khi biết tin, hoang mang lo lắng dùm tôi nên tôi không cần phải lo lắng gì cho mình nữa... Những ai biết tôi được em Covid đến tạm trú trong người thì sợ tôi bệnh nặng phải thở máy, nhưng tôi chỉ cần dùng máy thở của bầu trời xanh thôi... Tôi yêu quý loại oxy miễn phí của Thượng Đế chứ không làm bạn với máy thở ngàn đô...
Một ngày là F0 của tôi bắt đầu bằng giờ Thánh Lễ online, nguyện ngắm suy niệm đầy đủ - điều mà chưa ngày nào khi tôi và em Covid tuy gần mà xa tôi hoàn thành trọn vẹn, sau đó tập thể dục, hít thở dưới ánh nắng sớm mai rùi ăn sáng. Thong dong nghe vài bản nhạc yêu thích, nhâm nhi gói cà phê hoà tan và đọc những trang sách "Đừng để trầm cảm tấn công bạn" (một quyển sách tôi mang theo để đọc khi rảnh mà chỉ có lúc này là rảnh để đọc)... Rồi thì những tiếng điện thoại vang lên hốt hoảng: "Sr ơi, em bị khó thở quá... Sr cứu em, Sr ơi, sáng ngủ dậy người em mệt lả, đau hết mình mẩy, có phải bệnh em trở nặng phải không, Sr ơi, mẹ em không thở được mà ho nhiều lắm... em có cần chuyển viện cho mẹ không, tôi bị cao máu và đái tháo đường, bị bệnh này liệu có sao không bác sĩ, cô ơi, bé nhà tôi ngủ dậy nổi mẩn đỏ khắp người giờ cô lên coi giúp tôi nhé..."
À, cả những cuộc gọi hỏi thăm tôi sao rồi, có ổn không, có sốt cao không... từ những người quan tâm đến tôi, tuy nhiên những lời hỏi thăm này với tôi lúc này không quan trọng bằng việc trả lời những lắng lo, những hoang mang xáo trộn tinh thần của bệnh nhân. Đêm khuya lại còn là thời điểm các triệu chứng bệnh xem ra nặng nề hơn thế nên bệnh nhân lại gọi điện nhiều hơn... Tôi là F0 nhưng vẫn rất nhiều việc để làm...
Ngày thứ 5 là F0, tôi và em Covid chính thức đường ai nấy đi. Đó là một ngày đầy yêu thương: Tôi nhận được 5000 viên thuốc đường tiêu hoá (dành cho bệnh nhân trong bệnh viện tôi đang tình nguyện) và một con gà hấp gừng từ chị Loan, 5 thùng khẩu trang N95 đạt chuẩn VIP, 15 triệu từ một người bạn thuở thiếu nhi để mua gạo cho người nghèo, một thùng táo Envy... " Được yêu thương đến thế này thì em Covid chịu sao nổi... phải bỏ đi sớm thui... " lời của người chị em cùng phòng và cùng dòng nói thật đễ thương...
Hôm sau cửa phòng cách ly mở toang... tôi thử sức mình trong công việc thu gom rác và lau dọn khu ở của bệnh nhân một buổi để thấu hiểu tính chất công việc của chị em mình hơn... Buổi chiều, cũng trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 nóng hừng hực, nào bao đựng rác, nào chổi nào cây lau nào xô nào chất khử trùng tiêu diệt virus chúng tôi đi chinh chiến từ lầu 24 xuống... Hai giờ gom những núi rác và lau 10 tầng lầu... là một công việc thật không dễ dàng chút nào và rất hao sức... Trong thang máy, sau khi gom rác từ tầng 15 vào để chuyển xuống dưới, Em dân quân rất trẻ khoẻ và bự con đã ko thể đứng vững phải ngồi bệt dựa lưng vào thang máy và nói " em không thể tiếp tục..." rùi đến tầng 4 - tầng đệm, em ấy ra khỏi thang máy nằm bẹt ngay hành lang (cảnh này ngày nào cũng gặp... thương các em dân quân cũng vất vả cực nhọc như mọi người mà không được mấy người quan tâm động viên)...
Chúng tôi lại tiếp tục công việc lau dọn hai tầng lầu nữa thì cũng bủn rủn tay chân... Trở về tầng đệm, tôi phải nhanh chóng tháo bỏ bộ đồ bảo hộ không thì xỉu mất, chóng mặt và mệt lắm lắm lun rùi... Bộ đồ mặc trong người ướt đẫm chắc mà vắt ra được cả lít mồ hôi, gương mặt thì đỏ như Thanh long đỏ luôn á (cái này chắc do ám ảnh bởi ngày nào cũng chỉ có Thanh long đỏ), nhịp thở nhanh hơn lần đầu gặp tiếng sét ái tình (hihihi thú nhận với mọi người là sr cũng từng iu á kkkk... hơn 150 lần/phút sau 10 phút nghỉ còn lại gần 140 và sau 30 phút nghỉ ngơi nhịp thở về gần 100 lần/phút)... sau đó thì mệt quá cơm cũng không buồn ăn...
Cũng đêm nay mãi tôi không sao ngủ được, chẳng biết là do mệt quá tay chân vẫn bủn rủn làm ko ngủ được hay do triệu chứng hậu Covid làm rối loạn giấc ngủ hay do bệnh nhân hỏi bệnh rùi làm mình lo lắng theo nên ko say giấc được...
Chuông điện thoại lại vang lên "Sr ơi, sp02 anh Hiền có 89% thôi, làm sao đây sr... ?" Chị bình tĩnh gọi số hotline cấp cứu nhé, bác sĩ trực sẽ giúp chồng chị. Xong nhìn đồng hồ 5h20 sáng Chúa nhật thứ 3 tôi ở bệnh viện dã chiến...
AMột ngày Chúa nhật bắt đầu và tôi lại trở về với công việc của một bác sĩ lâm sàng... Thời gian không nhiều để tâm tình lấy nước mắt mọi người nhưng như là một lời kể để chúng ta cùng mang sức khoẻ, sự bình an, cùng thấu hiểu, bình tâm và mạnh mẽ vượt thắng được bóng đen Covid-19 trong tình yêu thương của Thiên Chúa qua chính bàn tay, ánh mắt, lời nói, hành động của nhân viên y tế, của các tình nguyện viên; đặc biệt những tình nguyện viên tu sĩ rất đáng nể phục bởi sự tận tâm, sự dấn thân của quí tu sĩ là không biên giới.
P/s: công việc thu gom rác và lau dọn khu ở của bệnh viện không phải là việc các Sr được giao cho nhưng khi các Sr đi đo sinh hiệu và lấy dịch mũi họng làm xét nghiệm cho bệnh nhân, thấy bệnh nhân giữ vệ sinh chung kém mà khi đó rác thì ba bốn ngày mới có người gom một lần, nên các Sr tranh thủ đảm trách thêm công việc cực nhọc này với ước mong bệnh nhân có không gian sạch đẹp mà mau chóng khỏi bệnh xuất viện...
Viết thay cho tâm tình của tình nguyện viên tu sĩ
Công việc rất âm thầm, không ai nói với bệnh nhân tôi là nữ tu thế nên có vài bệnh nhân tưởng các Sr là nhân viên dọn vệ sinh, vẫn bừa bãi...Nhưng các Sr có nề hà chi đâu, vẫn làm vẫn hy sinh quên mình, vẫn vui tươi và trao niềm vui đến cho bao bệnh nhân bằng những lời động viên, ánh mắt thấu cảm...
Bệnh nhân chỉ nghe lời bác sĩ hay nhân viên y tế. Mong có sự thay đổi nhẹ từ ý thức của một số ít bệnh nhân khi đọc được những dòng này...
Một ngày mới đẹp như những bông hoa nha mọi người ơi.
Chia sẻ từ nữ tu Maria Hương Thảo - Dòng Đa Minh Rosa Lima
(Nguồn: http://daminhrosalima.net/bac-ai-xa-hoi/yeu-thuong-dong-day-noi-benh-vien-da-chien-33459.html)
3. Khuôn vàng thước ngọc (Ga 12,24-26; thứ Ba, tuần XIX Thường niên – kính thánh Laurensô, Phó tế, tử đạo)
Lịch sử Giáo Hội ghi lại, ngày 7.8.258, Đức Giáo hoàng Sixtus II bị chặt đầu trong hang toại đạo đang khi dâng thánh lễ, và cùng với ngài người ta cũng chặt đầu thêm bốn thầy phó tế đang vây quanh ngài, trừ Laurensô. Thầy phó tế này là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rôma. Người ta cho ngài thời hạn bốn ngày để đem nộp tất cả tài sản cho nhà Nước. Theo truyền thuyết, sau thời hạn bốn ngày, Laurensô đến toà án cùng với một đám đông dân nghèo của thành phố La Mã, ngài nói với quan toà: “Này, đây là tài sản của Hội Thánh. Hãy nói với hoàng đế, ráng gìn giữ cho cẩn thận, vì chúng tôi không còn có mặt ở đây để gìn giữ nữa”. Hạnh các Thánh Tử Đạo tường trình cuộc tử đạo của Laurensô thật phấn khởi, đượm chút mỉa mai với nét vui tươi của thánh nhân. Chính nét vui tươi can đảm này làm cho Giáo Hội Rôma tin tưởng vào Đức Kitô và phấn khởi lạc quan, không còn sợ những thói dã man của hoàng đế, đồng thời cũng thấy trước ngày tàn của ngoại giáo; nên tất cả giáo dân ở Rôma rất kính trọng Thánh Laurensô. Đại thánh đường được xây dựng ngay trên mộ ngài ở đường Tiburtina là một trong bảy đại giáo đường ở Rôma.
Thánh Laurensô, vị thánh mà hôm nay Giáo Hội mừng kính, đã vì Chúa, chấp nhận một cực hình có một không hai, đó là chịu thiêu sống trên giường sắt được nung đỏ cho đến chết. Cái chết tử đạo anh hùng của thánh nhân đã nhắc nhở chúng ta một chân lý quan trọng mà Đức Giêsu đã nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Đức Giêsu dùng hình ảnh cụ thể đó để cho thấy: Người chính là hạt lúa; cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài sẽ dẫn tới sự sống lại; khi “Con Người được tôn vinh”, nghĩa là lúc Đức Giêsu chấp nhận cái chết để rồi được sống lại. Bấy giờ, Ngài sẽ quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn đông đảo những người được cứu thoát khỏi sự dữ và thần chết. Đó chính là niềm hy vọng của mọi người chúng ta.
Như hạt lúc mì cần phải thối đi, người Kitô hữu cũng cần biết hy sinh từ bỏ để bước đi trên con đường hẹp, con đường chông gai sỏi đá, bởi vì đường rộng rãi và thênh thang sẽ đưa tới hư mất. Và như hạt lúa mì cần phải chết đi, Kitô hữu chúng ta cũng cần phải biết chết đi mỗi ngày con người cũ với tính hư tật xấu, với những ích kỷ hẹp hòi, để mặc lấy con người mới, con người đã được đổi mới để chỉ sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
Hy sinh càng lớn, phần thưởng càng cao, càng có giá trị. Thật vậy, nhìn vào cái chết đau thương và tủi nhục tột cùng của Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta mới hiểu được giá trị của sự sống, của ơn cứu độ và của hạnh phúc Nước Trời. Bởi đó, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi cho mỗi người chúng ta là: “Nếu được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn, nào được ích gì?” Thật vậy, ai chỉ chăm lo cho mình được hưởng thụ cuộc sống ở đời này thì sẽ làm mất đời sống vĩnh cửu; còn ai không tìm cách hưởng thụ cuộc sống ở đời này thì sẽ được hưởng sự sống đời đời cách vĩnh viễn sau cuộc đời trần thế.
Thánh Laurensô đã chấp nhận hy sinh vì Chúa, vì Hội Thánh một cách anh hùng và vui tươi hiếm có. Noi gương thánh nhân, chúng ta cũng được mời gọi hãy biết chấp nhận mọi đau khổ, mọi hy sinh vì Chúa và vì Giáo Hội một cách can đảm. Và một cách đặc biệt, là hãy biết hy sinh phục vụ Chúa và Hội Thánh một cách vui tươi và mau mắn, bởi vì như thánh Phaolô trong bài đọc thứ nhất đã khuyên dạy: “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện” (2 Cr 9,7-8). Như thế, điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa, không phải là giá trị của những gì chúng ta dâng cho Ngài, mà chính là thái độ hiến dâng một cách mau mắn và quảng đại của chúng ta. Cũng vậy, điều quan trọng trước mặt Chúa, không phải là những công việc to tát, lẫy lừng, mà chính là thái độ khiêm tốn, âm thầm và vui tươi của chúng ta khi phục vụ anh chị em.
Lạy Chúa, xưa kia thánh Laurensô đã tận trung báo đáp tình Chúa và hết lòng phục vụ Giáo Hội; xin dạy chúng con ngày hôm nay cũng biết đáp đền ân ban của Chúa sao cho cân xứng. Xin nâng đỡ để giúp mỗi người chúng con luôn xác tín rằng, mọi hy sinh, đau khổ của chúng con cho dù âm thầm nhỏ bé đến đâu cũng đều có giá trị trước mặt Chúa. Xin gia tăng sức mạnh để chúng con can đảm dám vượt thắng những tội lụy và yếu hèn của kiếp người để nhờ đó mà đức tin được thêm vững mạnh. Xin khai mở tâm trí để chúng con biết tươi vui và mau lẹ trong việc hiến thân phụng sự Chúa và hết lòng phục vụ anh chị em.
4. Lời bàn
- Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã nêu lên một loạt những ý tưởng khiến cho người Do Thái ngỡ ngàng, choáng váng, kinh ngạc, khó tin vì không phải là những điều đề cập đến chiến thắng mà chỉ nói về hy sinh và sự chết. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu hết về Đức Giêsu cũng như không sao hiểu được thái độ của dân Do Thái đối với Ngài. Người Do Thái đã không hiểu được Đức Giêsu, bởi vì thảm kịch ở đây chính là việc họ từ chối không chịu tìm hiểu Ngài. Chúng ta chỉ cần ngược trở lên câu Kinh Thánh liền kề đoạn trích hôm nay thì sẽ rõ vấn đề. Thực vậy, ngay ở câu 23 của chương 17, Đức Giêsu đã nói thế này: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Khi Đức Giêsu nói đến “Con Người”, Ngài đã không nói tới ý nghĩa mà những người Do Thái đang nghĩ trong đầu. Quả vậy, người Do Thái khi nhắc tới hạn từ này chính là nói đến giấc mơ của cả dân tộc. Họ luôn trông chờ và mơ ước thời đại hoàng kim sẽ đến, bấy giờ cuộc sống sẽ tươi đẹp ngọt ngào và họ sẽ làm bá chủ mọi dân nước. Bởi thế, khi nghe Đức Giêsu nói tới điều đó, thì ý niệm về một Đấng chinh phục thế giới đang đến gần và cuộc chinh phạt sắp diễn ra nảy ra trong đầu của họ. Tiếc thay, Đức Giêsu không có ý như vậy, tức không nói đến vị sứ giả sẽ chinh phục thế giới nhưng là ám chỉ tới Đấng dùng quyền năng của mình mà chinh phục thập giá.
- Sứ điệp Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta ba điều, là ba mặt cùng một chân lý. Tất cả đều là tâm điểm của đời sống đức tin và mọi sinh hoạt của Kitô giáo. Trước hết, Đức Giêsu dạy rằng, chỉ nhờ sự chết mới có sự sống. Bao lâu hạt lúa mì được gìn giữ an toàn thì nó không thể sinh hoa kết quả được. Chỉ khi nào nó được gieo vào lòng đất lạnh, nó mới có thể sinh bông hạt. Cũng giống như hạt lúa, chính nhờ sự chết của các thánh tử đạo mà Giáo Hội đã tăng trưởng và đem về cho Chúa biết bao tâm hồn, bởi vì “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”. Đời sống đức tin của chúng ta hôm nay cũng vậy, nhờ cái chết của Đức Giêsu mà chúng ta được sống. Đáp lại ân ban của Chúa, chúng ta phải biết tận trung với Ngài. Nhờ gương sáng của các thánh tử đạo, chúng ta cũng phải chấp nhận chết đi với các ham muốn và dục vọng cá nhân để trở thành tôi tớ phục vụ cho Thiên Chúa.
- Ngoài ra, Đức Giêsu còn dạy rằng, chỉ bằng cách sử dụng sự sống, chúng ta mới giữ được sự sống. Người tham sống bị hai điều tác động, một là vị kỷ, hai là ước muốn được yên thân. Không ít lần Đức Giêsu đã nhấn mạnh, kẻ nào giữ mạng sống thì cuối cùng sẽ mất, còn ai chịu từ bỏ nó thì cuối cùng sẽ được lại. Thế giới này sẽ thiệt thòi biết bao, nếu không có nhũng người đã quên đi an toàn, yên vui vị kỷ, những lợi lộc, thăng tiến cá nhân để dấn thân phục vụ cộng đồng. Thế giới này đang mắc nợ, chịu ơn những người đã tận lực làm việc, quên mình, hiến thân cho Chúa và cho người khác. Dĩ nhiên chúng ta có thể kéo dài đời mình lâu hơn nếu chọn lấy lối sống thoải mái, dễ dàng, trốn tránh mọi căng thẳng; nếu cứ ngồi bên bếp lửa của gia đình, làm chồng, làm vợ…; nếu chúng ta chỉ lo chăm sóc sức khỏe của mình như một kẻ mắc bệnh u uất, có lẽ chúng ta sẽ tồn tại lâu hơn, nhưng như thế sẽ chẳng bao giờ chúng ta thật sự sống cách sung mãn được.
- Cuối cùng, Ngài chỉ cho con đường phục vụ, nhờ đó mà chúng ta mới trở thành vĩ đại. Những nhân vật mà loài người ghi ơn và giữ kỉ niệm trìu mến về họ, chính là những người đã thiết tha phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là trong thế giới này, ý niệm phục vụ đang gặp phải nguy cơ bị mai một và thui chột dần. Ngày nay, có nhiều người chỉ lăn vào đời sống, vào việc làm ăn với mục đích duy nhất là khai thác, rút tỉa lợi lộc; thậm chí là kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp luân thường đạo lý hay những dằn vặt của lương tri. Rất có thể họ sẽ trở nên giàu có, nhưng có lẽ hiếm khi họ nhận được yêu thương từ người khác; mà được yêu thương trìu mến mới là sự giàu có đích thực ở đời. Đức Giêsu đã đến với dân Do Thái bằng một quan niệm mới mẻ về đời sống. Họ cho rằng được danh, lợi, quyền là vẻ vang, vinh hiển. Nhưng Đức Giêsu lại xem thập giá mới là vinh quang. Ngài dạy để họ hiểu rằng, chỉ từ sự chết mới có sự sống; chỉ bằng cách hy sinh mạng sống, chúng ta mới giữ được sự sống; chỉ nhờ sự phục vụ, người ta mới trở thành vĩ nhân. Điều lạ lùng là khi chúng ta suy gẫm những điều đó, thì điều tưởng chừng là nghịch lí của Đức Giêsu lại không gì khác hơn là chân lý của lương tri trong cuộc đời này.
- “Nhiều người khi biết tin, hoang mang lo lắng dùm tôi nên tôi không cần phải lo lắng gì cho mình nữa... Những ai biết tôi được em Covid đến tạm trú trong người thì sợ tôi bệnh nặng phải thở máy, nhưng tôi chỉ cần dùng máy thở của bầu trời xanh thôi... Tôi yêu quý loại oxy miễn phí của Thượng Đế chứ không làm bạn với máy thở ngàn đô...”. Cuộc chiến chống lại đại dịch Covid càng lúc càng trở nên khốc liệt. Ở nơi đó, bất cứ người nào cũng có khả năng trở thành F0 và bất cứ ai cũng có thể phải cần đến sự can thiệp của máy móc vì bản thân không thể tự thở được. Thứ bi đát nhất mà các bệnh nhân phải đối diện đó chính là khi “chỉ số sinh tồn” sụt giảm đến mức cực thấp. Hiểu như thế chúng ta mới thấy được bầu khí hoang mang lo lắng không chỉ đối với các bệnh nhân mà còn ở nơi các nhân viên y tế. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến tổn hao nhuệ khí làm việc của biết bao con người. May mắn thay, ngay ở nơi mà làn ranh giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết, chúng ta lại thấy bóng dáng của những con người đầy nhiệt tâm và quả cảm – các tu sĩ tình nguyện viên. Thường ngày, họ ưa nép mình vào Chúa nơi cung nguyện để cầu xin cho mọi người được bình an, hạnh phúc. Còn giờ đây, họ trở thành những chiến sĩ tình nguyện, tham gia vào việc phục vụ các bệnh nhân, đến độ chấp nhận suy hao cả thể lý lẫn tinh thần. Rất nhiều người trong số họ chưa từng làm quen với bộ đồ bảo hộ nhưng giờ đây lại trở thành vật bất ly thân. Chắc rằng nhiều người trong số họ chưa một lần chứng kiến bệnh nhân lịm dần rồi tắt thở, trước sự bất lực của các nhân viên y tế; thì giờ đây, nó lại là điều “bình thường như cân đường, hộp sữa”. Cảm ơn sơ Hương Thảo đã cho chúng tôi hiểu thêm những câu chuyện đầy tính nhân văn và chan chứa tình người. Điều đó cũng là lời nhắc để chúng tôi nhớ rằng, sẽ là thiếu sót nếu mình chỉ biết cuộn mình trong chăn ấm nệm êm mà quên đi việc cầu nguyện cho các anh chị em tình nguyện viên được luôn “chân cứng đá mềm”.
-Tôi tin rằng, sau khi hoàn tất chuyến thiện nguyện này, các anh chị em tu sĩ sẽ có thêm cho mình những bài học bổ ích. Chắc chắn đó không phải là thứ có được do việc vò đầu bứt tóc để trả lời cho những câu hỏi liên quan tới triết học hay thần học; nhưng nó được nảy ra từ cử chỉ cúi mình thật thấp để động viên những con người đang kêu than trong tuyệt vọng và vực dậy tinh thần cho các bệnh nhân đang nhợt nhạt đi bởi nỗi đớn đau khôn cùng. Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng luôn tin rằng, tất cả các anh chị em này đều sẽ thành công. Lẽ dĩ nhiên, vinh quang là thứ đáng ngưỡng vọng, nhưng để đạt được nó, con người ta luôn phải gắng công, chấp nhận hy sinh gian khổ và có khi là cả sự mất mát nữa. Có như thế, thành quả cuối cùng sẽ càng thêm ý nghĩa, đúng như những gì mà Tony Robbins từng nói: “Tôi tin rằng cuộc đời luôn luôn thử thách mức độ tận tâm của chúng ta và phần thưởng lớn nhất của cuộc đời sẽ dành cho những ai không ngừng tận tâm hành động cho tới khi đạt được điều mình muốn. Sự kiên quyết này có thể di chuyển cả núi, nhưng nó phải luôn vững bền. Dù điều này nghe thì có vẻ thật đơn giản, nhưng nó vẫn là ranh giới thường thấy ngăn giữa những người sống với giấc mơ của mình và những người sống trong nuối tiếc”. Chẳng mấy ai trong chúng ta dám khinh rẻ mạng sống mình, bởi vì hết thảy đều do Thiên Chúa yêu thương mà dựng nên. Thế nhưng, một khi đã chấp nhận theo Chúa và phục vụ Ngài thì hẳn rằng, người môn đệ cũng phải đi lại con đường mà xưa kia Thầy Giêsu đã đi. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sợ chết và ngại chấp nhận tiêu hao chính mình khi dấn thân phục vụ, nhưng lại mong hưởng trọn vinh quang của Đấng ban phát ân thiêng. Há như thế chẳng phải là chúng ta quá tham lam và ích kỷ sao?
Viết Cường, O.P.
COMMENTS