Góc Suy Gẫm - Mt 13,54-58; thứ Sáu, tuần XVII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 13,54-58; thứ Sáu, tuần XVII Thường niên
Mùa dịch Covid-19
1. Chuyện chúng mình:
MẸ VŨ CÔNG HIỀN SẾN BỊ MỜI LÀM VIỆC VÌ PHÁT NGÔN 'SÀI GÒN ĂN CỨU TRỢ CỦA CẢ NƯỚC'
Thanh tra Sở thông tin và Truyền thông vừa có công văn mời bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ vũ công Hiền Sến lên làm việc vì đăng tải bài viết nói 'Sài Gòn ăn cứu trợ của cả nước'.
Thanh tra Sở cho rằng bài viết của bà Hằng có nội dung ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, gây hoang mang trong nhân dân. Cụ thể, trong công văn, Thanh tra Sở cho rằng bài viết của bà Hằng trước đó có nội dung ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, gây hoang mang trong nhân dân. Vì vậy, đơn vị này đề nghị mẹ vũ công Hiền Sến đến làm việc vào ngày 13.8.2021.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Thanh tra Sở thông tin và Truyền thông xác nhận nội dung văn bản trên là do đơn vị này ban hành. Trong bài viết đăng trên tài khoản Facebook cá nhân, bà Hằng gay gắt khi nói về việc người dân Sài Gòn nhận lương thực hỗ trợ từ cả nước và thể hiện sự phân biệt vùng miền. Điều đó khiến dư luận không khỏi bức xúc, lên án quan điểm mà mẹ của nam vũ công đưa ra. Trước sự “tấn công" này, bà đăng bài viết xin lỗi, sau đó khóa tài khoản Facebook cá nhân. Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng vẫn chưa hạ nhiệt.
Liên quan đến vụ việc này, Lý Phương Châu mới đây đã có những chia sẻ trên trang cá nhân. Bạn gái Hiền Sến nói bản thân thấy buồn khi chứng kiến bài viết được nhiều bạn bè, cộng đồng mạng chia sẻ với thái độ bức xúc, phẫn nộ. Đối với cô, dòng trạng thái của mẹ Hiền Sến là sai nên “không dám biện minh một điều gì". Người đẹp chia sẻ: “Lỗi sai tụi em xin nhận. Bác gái đã xóa Facebook vĩnh viễn, Hiền Sến đã khóa Facebook. Nên ở đây, em xin phép được xin lỗi chân thành đến tất cả mọi người. Ngoài lời xin lỗi, em và Hiền Sến cũng không biết phải làm gì lúc này. Mong anh chị bạn bè, cộng đồng mạng hiểu cho vị trí của hai đứa em".
Thạch Anh
(Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-tri/me-vu-cong-hien-sen-bi-moi-lam-viec-vi-phat-ngon-sai-gon-an-cuu-tro-cua-ca-nuoc-1421340.html)
3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 13,54-58; thứ Sáu, tuần XVII Thường niên)
Đặt trong sơ đồ chung của thánh Mátthêu: Với 7 dụ ngôn trong phần diễn từ (13,1-52), Mátthêu đã đặt người ta trước một sự lựa chọn dứt khoát là có đáp lại lời mời của Nước Trời hay không, ai đáp lại thì được kể là môn đệ của Đức Giêsu. Dần dần, những môn đệ này làm thành một cộng đoàn nhỏ, một "Giáo Hội phôi thai". Sang phần tường thuật (13,53-16,12), từ hôm nay cho đến thứ Tư tuần 18, Mátthêu cho thấy Đức Giêsu huấn luyện từng bước cho cộng đoàn Giáo Hội này để đưa họ đến đức tin. Chúng ta có thể coi phần tường thuật này là một hành trình đi đến đức tin của Giáo Hội. Thực vậy, ở đây chúng ta sẽ thấy rõ cuộc hành trình đi đến đức tin với hai thuật ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần đó là: TIN và HIỂU.
Mầu nhiệm nhập thể, tức là mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người là bằng chứng không thể chối cãi được về tình thương cứu độ của Thiên Chúa như thánh Gioan tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để những ai tin vào Con của Người, thì không phải chết, nhưng được sống đời đời”. Thế nhưng, chính mầu nhiệm nhập thể cũng là một thách đố đối với con người, bởi vì chính nơi con người bằng xương bằng thịt của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi nhận ra Ngài không chỉ là Đấng Cứu Thế mà còn là chính Thiên Chúa. Đây quả là một thách đố, bởi vì không phải ai cũng tin nhận như thế.
Thật vậy, bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay đã cho thấy, dân làng Nazareth, những người đồng hương với Đức Giêsu, mặc dầu đã nghe biết những giáo huấn khôn ngoan của Ngài và được chứng kiến những phép lạ phi thường, nhưng họ vẫn không tin Ngài là Đấng Cứu Thế; bởi lẽ, họ chỉ nhìn thấy ở nơi Đức Giêsu nguồn gốc hoàn toàn nhân loại. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa sao? Và tất cả chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay dạy cho chúng ta hiểu rằng, để được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, con người phải tin vào Đức Giêsu. Thật vậy, thánh Mátthêu đã ghi nhận: “Đức Giêsu đã không làm nhiều phép lạ tại đó vì họ không có lòng tin”. Điều đó cũng có nghĩa là, phép lạ chỉ diễn ra khi con người có đức tin đủ mạnh; hay nói khác đi, nếu người ta không tin thì không thể nhận ra được phép lạ mà Thiên Chúa vẫn đang thực hiện trong từng phút giây của cuộc sống. Một cách đặc biệt, chỉ khi nào có Đức tin, con người mới nhận ra được tình thương vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đã dành cho con người, đó là việc Ngài đã chấp nhận hóa thân trở nên người nghèo khó, bị khinh miệt, chịu sỉ nhục và bị giết chết như một phạm nhân. Chẳng ai trong chúng ta có thể lý giải được hết huyền nhiệm cao siêu ấy.
Như vậy, mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu là mầu nhiệm của tình thương cứu độ; bởi vì chính qua mầu nhiệm đó mà con người đã gặp được Thiên Chúa, đã tìm được sự sống đời đời và đã được trở nên con cái Thiên Chúa. Mặc dù vậy, cũng chính vì Con Thiên Chúa mang lấy thân phận con người, sống như một con người thấp hèn không có địa vị trong tôn giáo cũng như trong xã hội, nên người ta đã khước từ, không muốn đón nhận. Cũng vì lẽ đó, Đức Giêsu của ngày hôm nay vẫn tiếp tục bị con người phớt lờ và chối bỏ. Như vậy, cho dù Đức Giêsu vẫn luôn tìm đến với con người nhưng lại tiếp tục bị con người xua đuổi, bởi vì họ đã không nhận ra Ngài. Trách nhiệm của mỗi người tín hữu hôm nay là phải tìm cách để giới thiệu Chúa cho anh chị em của mình. Chúng ta không được phép giữ lấy những ân ban đã được Thiên Chúa trao tặng nhưng không; tuy nhiên, cách mà chúng ta truyền rao Lời Chúa phải dựa trên chứng tá của chính mình. Bằng không, chúng ta chỉ là một phản chứng cho Đức Giêsu mà thôi.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin để chúng con biết đón nhận Chúa trong những biến cố bất ngờ và nghịch thường nhất của cuộc sống. Xin dạy chúng con biết đón nhận Chúa trong anh em, nhất là trong những kẻ bé mọn, bất hạnh và ngay cả nơi những kẻ thù ghét mình. Xin thanh tẩy cặp mắt linh hồn, để chúng con biết cư xử hòa nhã với hết thảy mọi người; đừng vì những thành kiến cố hữu mà khinh thị hoặc phân biệt đối xử với tha nhân.
4. Lời bàn
- Đức Giêsu về thăm quê nhà Nazareth, nơi Ngài đã lớn lên, là điều thật tự nhiên; nhưng lại là một hành động can đảm. Nơi khó khăn nhất cho mọi người rao giảng chính là cộng đoàn mà người đó từng sinh trưởng và gắn bó trong một thời gian lâu dài. Dù biết là vậy, nhưng Đức Giêsu vẫn muốn trở về thăm quê hương. Trong hội đường không có một diễn giả cố định, bất cứ một vị khách nào nổi tiếng đều có thể được người trưởng hội đường mời đến nói chuyện. Không phải là Đức Giêsu không được cho cơ hội để nói, nhưng khi Ngài nói thì đã vấp phải thái độ hằn học và vô tín của những người hàng xóm láng giềng. Họ không muốn nghe bởi vì họ nghĩ rằng mình biết rõ gốc gác cũng như thân quyến của Đức Giêsu. Họ không tin nổi một người từng sống với họ, một người họ quen biết lại nói năng như Đức Giêsu, người đang thuyết giảng trước mặt họ. Đức Giêsu thừa hiểu, các ngôn sứ thường không được tôn trọng nơi quê hương của mình. Thái độ của họ đối với Chúa đã dựng lên một rào cản khiến Đức Giêsu không thể gây được chút ảnh hưởng nào trên họ. Ngài rời bỏ họ mà đi vì người ta đã không tin vào quyền năng của Thiên Chúa.
- Thực ra, dân chúng ở Nazareth khinh dể Đức Giêsu cũng chẳng có gì khó hiểu. Thói tự tôn dân tộc ăn sâu vào trong máu của họ và rồi ảnh hưởng lên tính cách của mỗi người. Họ không dễ chấp nhận điều mà chúng ta quen gọi là vinh quang của Thiên Chúa. Điều đó cũng có nghĩa là khi con Thiên Chúa xuống thế gian, Ngài không hề đòi hỏi một miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời tầm thường với tất cả những công việc tầm thường. Những may rủi về thế gia thế, giàu nghèo và phổ hệ chẳng có gì quan trọng đối với nhân cách cả. Chúng ta cần cảnh giác đối với sự cám dỗ này khi đánh giá một người mà chỉ căn cứ vào bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất, chứ không căn cứ vào giá trị nội tại nơi chính người ấy.
- Phải luôn nhớ rằng, chúng ta không nên xét đoán người khác theo lý lịch và những liên hệ gia đình của họ, mà chỉ nên phán đoán theo con người thực của họ. Nhiều sứ điệp đã bị bóp chết không phải vì nó hàm chứa điều gì đó sai lầm, nhưng vì đầu óc của người ta quá thành kiến với sứ giả đến nỗi thông điệp phát đi không bao giờ có được cơ hội đến với những người đang bưng tai bịt mắt. Khi chúng ta tụ họp lại để làm việc thờ phượng và nghe Lời Chúa, chúng ta phải đến với tinh thần thiết tha trông đợi, không phải từ những người giảng thuyết, nhưng là từ Chúa Thánh Thần, Đấng phán dạy chúng ta qua con người ấy.
- Với cái nhìn đầy thiển cận, dân làng Nazareth đã không chỉ chối bỏ một con người, mà còn chối bỏ chính Đấng cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ, tức là chối bỏ chính Thiên Chúa. Mỉa mai thay, như lời thánh Gioan đã nói: “Người đã đến nhà mình,nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), điều đó lại vận đúng vào trường hợp của Đức Giêsu trong chuyến “hồi hương” không như mong đợi. Trong khi đó, chỉ có những ai biết nhìn mọi sự bằng đôi mắt đức tin, mới nhận ra Đức Giêsu trong thân phận làm người, là Đấng cứu độ và là Thiên Chúa thật. Hết thảy chúng ta được mời gọi hãy nhìn mọi sự trong ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể, bởi vì chỉ ở nơi đó, chúng ta mới khám phá ra rằng, Thiên Chúa vẫn đang đến với chúng ta ngang qua những thứ bình thường và bất ngờ nhất của cuộc sống. Đồng thời qua đó, chúng ta cũng học để biết chấp nhận những hy sinh phục vụ tha nhân cách này cách khác mà không hề được đáp đền, thậm chí đôi khi còn nhận lại sự vô ơn.
- Người Đức có câu ngạn ngữ thế này: “Thay vì phàn nàn rằng khóm hồng đầy gai, hãy vui sướng rằng khóm cây đầy gai nở rộ hoa hồng”. Chúng ta thật khó hình dung ra được, tại sao giữa cơn đại dịch, người ta lại thích tìm cách khích tướng và khơi lên thói miệt thị vùng miền, vốn làm xấu đi tình cảm của con người trên mảnh đất này suốt nhiều thế hệ. Chúng ta có thể phàn nàn về rất nhiều chuyện chưa thỏa lòng trong cuộc sống hiện tại, nhưng giống như “Người bi quan phàn nàn về cơn gió; người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều; còn người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm” (William Arthur Ward), chúng ta cần biết mình nên nói những gì. Kiểu nói: “Người dân Sài Gòn ăn cứu trợ từ cả nước: từ quả bí của em bé lên 3, mớ rau cân gạo của bà cụ trăm tuổi, con cá từ Quảng Bình của đồng bào lũ lụt chuyển vào” cho thấy người phát ngôn rõ ràng hiểu được nhiều chuyện, ngoại trừ chưa hiểu được thế nào là “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Lối phát biểu này giống như là một thứ cợt nhả vào tình cảm người khác; đồng thời chỉ ra rằng, cho dù là khua môi múa mép giỏi đến mấy thì đó cũng là một thứ dị hình của óc cục bộ, bởi vì người nói ra điều đó rất có thể cũng đang uống nguồn nước miền Nam và hít thở bầu không khí Sài Gòn. Người Nazareth năm xưa cũng tự nhận mình là những người hiểu chuyện; nhưng có thứ cần hiểu nhất thì họ nhắm tịt mắt lại.
- “Một lượng nhỏ lời khen đáng giá bằng cả mớ khinh miệt. Một giọt khuyến khích có ích hơn cả gàu bi quan. Một chén lòng tốt tốt hơn cả tủ phê phán” (William Arthur Ward). Vẫn biết là thế nhưng thực tế thì chúng ta dễ tỏ bày sự khinh miệt, bộc lộ bi quan và sẵn sàng phê phán thay vì chủ tâm nhiều hơn vào những điều ngược lại. Đôi lúc, chúng ta cảm thấy hả hê, thậm chí là mãn nguyện khi làm cho người khác tổn thương bởi những lời nói sâu cay, độc địa của mình. Nếu thành kiến là những ý nghĩ cố định về người hay vật, xuất phát từ cái nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và thường xuyên có chiều hướng đánh giá thấp; thì nhiều khi con người ta dựa vào đó để tâng bốc hoặc đề cao quá mức về chính mình.
- Thành kiến đôi lúc khoác lên mình bộ cánh có phần quái dị, nó khiến cho nhãn giới của chúng ta trở nên méo mó trong việc đánh giá về người khác. Bao lâu chúng ta chưa có thói quen nói lời tử tế với những người chúng ta không cảm phục thì bấy lâu đừng mong có được thành công hay hạnh phúc. Bởi vì khi ấy, tâm hồn chúng ta trở nên chật hẹp, còn những tị hiềm hay đố kị sẽ khiến cho tâm trí của mình ra nặng nề và lắm khi sinh lòng thù hận. Dân Do Thái năm xưa ở rất gần với ơn cứu độ, nhưng rồi chính họ đánh mất đi cơ hội khi tự tay che mặt thay vì dùng nó để lột đi những thành kiến phủ vây. Chúng ta cũng hãy nhìn vào đó để chỉnh đốn đời sống của mình. Chỉ khi nào chúng ta vượt qua được những thành kiến cố hữu thì khi ấy chúng ta mới có cơ may thiết lập được những mối tương quan thân ái. Chỉ khi nào chúng ta đủ chân thành để nhìn nhận tài năng và phẩm hạnh của người khác, thì khi đó chúng ta mới có thể khoan khoái tận hưởng những giây phút an vui.
Viết Cường, O.P.
COMMENTS