Góc Suy Gẫm - Mt 13, 44-46; thứ Tư, tuần XVII Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 13, 44-46; thứ Tư, tuần XVII Thường niên

Góc Suy Gẫm - Mt 13, 44-46; thứ Tư, tuần XVII Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
CSGT Tp. HCM XỬ PHẠT SAU 18 GIỜ: LẶNG NGƯỜI TRƯỚC ÔNG BỐ CHỞ BÌNH OXY CỨU CON 

ACSGT - TT Công an Q.Tân Bình trong khi tuần tra xử phạt người dân TP.HCM ra đường sau 18 giờ đã lặng người, nghẹn ngào xúc động trước ông bố lao ra đường chở bình oxy về để cứu con trai bị u gan. Đúng 18 giờ tối, tổ tuần tra lưu động của Đội CSGT - TT Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) xuất phát từ trụ sở Công an Q.Tân Bình đi qua khắp các tuyến đường để kiểm tra người dân ra đường không có lý do cần thiết. 

Sau khi đi qua các tuyến Lê Văn Sỹ, Trần Quốc Hoàn, đến Công viên Hoàng Văn Thụ, tổ công tác dừng lại kiểm tra các xe di chuyển trên đường. Theo ghi nhận, đường phố sau 18 giờ khá vắng vẻ, chỉ còn lực lượng y tế và những người thật cần thiết mới ra đường. ATổ công tác của Công an Q.Tân Bình đã nghe người dân trình bày đủ lý do, từ đi test Covid-19 phải chờ đợi về trễ đến công việc thu xếp không kịp. 

Xúc động tình cha 

Tại Công viên Hoàng Văn Thụ, tổ công tác đã yêu cầu tất cả các xe dừng lại kiểm tra giấy tờ. Một người đàn ông áo ướt đẫm mồ hôi, đeo bao tay y tế, cầm theo chai xịt khuẩn đang chở bình oxy phía sau rưng rưng nước mắt khi CSGT yêu cầu dừng xe. Anh cho biết tên Lê Đình Vân (40 tuổi) vừa từ đường Phạm Văn Đồng qua trung tâm phân phối bình oxy ở Kênh Tân Hóa để đổi bình về cho con trai bị u gan nguyên bào. "Chiều tự nhiên nó mệt quá, bình oxy trong nhà thì cạn kiệt. Tôi biết đã giờ giới hạn ra đường theo Chỉ thị 16 nên tôi phải cầm bệnh án của cháu để công an hỏi thì mình sẽ đưa ra để mấy anh hiểu mình ra đường là để cứu con. Một bình oxy 40kg chạy được 24 tiếng. Bé phẫu thuật ở BV Nhi đồng 2 từ 30.4 năm ngoái, không may tháng 3 vừa rồi bị tái phát lại, gia đình đưa đi viện nhưng bác sĩ trả về, chỉ nằm ở nhà. Giờ không có oxy là chết, nên tôi phải đi đổi bình để cứu con", anh chia sẻ. Mùa dịch, vợ chồng anh Vân đều không ổn định công việc, dành trọn thời gian ở chăm con, mỗi bình oxy giá 400.000 đồng nên cuộc sống càng chật vật. 

Để CSGT tin tưởng, anh Vân mở điện thoại có hình con trai đang nằm bên cạnh bình oxy. CSGT đang cầm giấy tờ của anh trên tay đã lặng người vì xúc động. Thiếu tá Lê Hoàng - tổ trưởng tổ công tác đã động viên chia sẻ cùng anh Vân, đồng thời nhắc anh khi thật cần thiết ra ngoài cố gắng sắp xếp trước 18 giờ.

Nhận món quà nhỏ mang ý nghĩa động viên từ tổ công tác, anh Vân rưng rưng xúc động, nghẹn giọng: "Tôi xin cảm ơn rất nhiều. Tôi hiểu quy định nhưng vì cứu con mới phải ra ngoài giờ này". Trước khi rời đi, anh Vân liên tục gật đầu nói cảm ơn. Thiếu tá Lê Hoàng cùng đồng nghiệp lại lặng người nhìn theo bóng người đàn ông chở theo bình oxy khuất dần. 

Vũ Phượng 
(Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/csgt-tphcm-xu-phat-sau-18-gio-lang-nguoi-truoc-ong-bo-cho-binh-oxy-cuu-con-1420898.html) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 13, 44-46; thứ Tư, tuần XVII Thường niên)

“Mất mát là được lại, cho đi là được nhận lãnh, chết là được sống muôn đời”. Đó là nghịch lý mà chúng ta dễ dàng nhận ra trong toàn bộ Tin Mừng. Đó cũng là nghịch lý mà Đức Giêsu đã không ngừng rao giảng và sống cho đến cùng. Có thể nói, cả cuộc đời của Đức Giêsu, đặc biệt là cái chết đau thương trên thập giá đã thể hiện một cách sống động điều nghịch lý ấy. Như thế, Lời Chúa hôm nay đã gieo vào trong lòng chúng ta và vào trong cuộc đời mỗi người niềm hy vọng, để chúng ta không nhìn sự từ bỏ hoặc những mất mát trong cuộc sống như một thất bại, nhưng như điều kiện không thể thiếu được để có được chính Chúa là nguồn gia nghiệp và hạnh phúc của chúng ta. 

Trích đoạn Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần giống nhau. Một lần nữa, Đức Giêsu đã nhắc lại và đề cao thứ nghịch lý không mấy quen thuộc với người đời. Thật vậy, người ta không thể có được kho tàng chôn giấu nếu không chấp nhận bán đi tất cả, từ bỏ tất cả những gì mình có để mua cho được thửa ruộng đang ẩn chứa kho tàng đó. Người ta cũng không thể có được viên ngọc Quý, nếu không dám bán mọi tài sản của mình để sở hữu nó trong tay. Tương tự như thế, để đạt tới hạnh phúc Nước Trời, người ta cũng phải biết từ bỏ tất cả, phải chấp nhận mất mát tất cả, kể cả mạng sống của mình. Đây là điều kiện tiên quyết không thể thiếu được. Bởi đó, thay vì mất thời giờ và dài dòng trong một mớ lý thuyết khô khan, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ như một mệnh lệnh, tuy vắn gọn nhưng đầy quyết liệt: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” và “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, thì không thể làm môn đệ của Ta được”. 

Tuy nhiên, từ bỏ không phải là lý tưởng, cũng không phải là đối tượng phải đạt tới bằng bất cứ giá nào. Trái lại, từ bỏ chỉ là điều kiện để bước theo Đức Giêsu, là hiện thân của Nước Trời, là kho tàng và cũng chính là viên ngọc qúy. Nơi Ngài, chúng ta được sống và được sống dồi dào. Do vậy, là Kitô hữu, không gì khác hơn là chúng ta phải chọn Đức Giêsu là gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để chỉ sống cho Ngài và vì Ngài. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải nói và làm được như thánh Phaolô đã quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20). Thiết tưởng, đây chính là lý tưởng của cuộc đời chúng ta. 

Mặt khác, chúng ta thấy trong dụ ngôn người thương gia đi tìm ngọc quý có điểm tương đồng với dụ ngôn về kho tàng chôn giấu trong ruộng được nói ở trên. Điều khác biệt giữa hai dụ ngôn là mục đích đào bới đám đất. Trong dụ ngôn về kho tàng, bác nông dân đã bắt gặp nó hoàn toàn bất ngờ; còn người đi tìm ngọc quý trong dụ ngôn sau đã bỏ cả đời mình để lùng kiếm. Mặc dù có được thứ mình cần một giây phút tình cờ hay cả một đời tìm kiếm thì đều dẫn tới phản ứng giống nhau: Người ta sẵn sàng hy sinh tất cả để có được báu vật ấy. Nói một cách khác, chúng ta bắt gặp cùng một chân lý trùm cho cả hai trường hợp. Đó là, khi một người khám phá được Ý Chúa trong đời sống của mình thì dù chỉ là một giây phút được soi sáng hay do kết quả của một công cuộc tìm kiếm lâu dài, tất cả sẽ mang lại niềm vui hạnh phúc cho những ai đã nhọc công kiếm tìm. 

Cuối cùng, qua hai dụ ngôn, Đức Giêsu không chỉ muốn mời gọi chúng ta từ bỏ mọi sự để được vào Nước Trời, nhưng còn là muốn giới thiệu cho con người về giá trị vô song của Nước Thiên Chúa; đến nỗi nếu ai chiếm được thực tại ấy, thì đời sống sẽ hoàn toàn được đổi khác và tràn đầy niềm vui như người lái buôn tìm được ngọc quý hay như người nông dân gặp được cả một kho tàng. 

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã mặc khải cho chúng con biết giá trị vô song của ơn cứu độ. Xin cho chúng con biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước trời và biết sống những giây phút hiện tại như chính giờ phút chúng con phải ra trình diện trước mặt Chúa. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con gìn giữ kho tàng đức tin đã nhận lãnh từ tấm bé. Và, xin ban ơn nâng đỡ để chúng con dám sống những nghịch lý của cuộc đời, đồng thời không ngừng khát mong ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban. 

4. Lời bàn 

- Chuyện kho báu không đặt vấn đề luân lý về hành động của người mua thửa đất. Dụ ngôn chỉ muốn đề cao giá trị của Nước Trời, nên nhấn mạnh niềm sung sướng của người ấy thôi. Theo luật Rôma ngày trước, thì kẻ gặp được bảo vật chôn giấu như vậy, có quyền chiếm hữu. Còn theo luật Do Thái trong văn mạch của dụ ngôn này, hình như quyền sở hữu bảo vật thuộc về chủ thửa đất. Chuyện thương gia đi tìm ngọc quý cũng mang ý nghĩa tương tự như dụ ngôn trên. Nước Trời cao quý hơn tất cả mọi sự con người có thể có, nên con người phải sẵn sàng hy sinh tất cả, để chiếm được Nước ấy. Có người hiểu thương gia là Đức Giêsu, và viên ngọc quý là con người: Con Thiên Chúa đã hy sinh tất cả vì loài người chúng ta. 

- Dụ ngôn về chuyện kho báu có vẻ lạ và bất thường đối với chúng ta nhưng lại rất bình thường đối với dân chúng ở Palestine. Trong thời Đức Giêsu và ngay cả ngày nay, nó cũng vẽ ra một bức tranh mà dân chúng ở phương Đông đều biết rõ. Trong thế giới xa xưa cũng đã có ngân hàng, nhưng không phải loại ngân hàng mà thường dân ai cũng có thể sử dụng. Người bình dân thường hay đem giấu tài sản quý giá dưới đất và xem đó là nơi an toàn. Trong dụ ngôn về những yến bạc, người đầy tớ không trung tín đã chôn giấu yến bạc của mình dưới đất để khỏi bị mất tài sản của chủ (Mt 25,25). Trong câu chuyện về người tìm được kho báu trong ruộng nhưng đã chôn nó lại rồi tìm mọi cách để mua lấy thửa ruộng, chúng ta cần lưu ý những điều sau đây: 

    + Thứ nhất, mặc dù xứ Palestine trong thời Đức Giêsu ở dưới sự cai trị và luật pháp của người Rôma, nhưng người dân vẫn sử dụng luật lệ truyền thống của Do Thái giáo. Nói đến kho tàng chôn giấu, luật Do Thái nêu rất rõ ràng: “Những thứ gì tìm được đều thuộc về người tìm ra nó. Nếu một người tìm được những trái cây rơi rớt hoặc nhặt được tiền của người khác đánh rơi thì chúng thuộc về người đã tìm ra chúng”. Thực tế thì người này có quyền ưu tiên sử dụng về những thứ anh ta đã tìm được. 

       + Thứ hai, chúng ta cần nhớ rằng, khi nói đến dụ ngôn thì không nên nhấn mạnh vào những chi tiết. Trong dụ ngôn chỉ có một điểm chính, còn những điểm khác là thứ yếu, không quan trọng. Trong dụ ngôn này có hai điểm nổi bật là niềm vui của người khám phá được kho tàng và sự sẵn lòng từ bỏ mọi sự để chiếm hữu kho tàng ấy. Mọi điều khác trong dụ ngôn đều là tùy phụ. 

- Người nông dân tìm thấy bảo vật trong công việc thường ngày của ông ta hơn là do tình cờ. Đúng là ông ta đã bất ngờ khi bắt gặp nó, nhưng điều đó xảy ra khi ông làm công việc hằng ngày. Chúng ta có lý khi suy diễn rằng, ông ta đang làm công việc thường nhật một cách cần mẫn và kỹ lưỡng. Ông ta ắt hẳn phải làm việc chăm chỉ và đào thật sâu, bởi vì nếu chỉ cào sơ sơ trên mặt đất, chắc là không thể nào đụng tới được kho tàng. Điều này cũng gợi ra cho chúng ta một bài học, nhất là về đời sống đức tin. Thật đáng buồn nếu chúng ta chỉ tìm thấy Chúa và cảm thấy gần gũi Ngài ở trong nhà thờ, nơi cung nguyện hoặc trong các giờ cầu kinh nguyện ngắm. Rất có thể chúng ta tham dự các cử hành phụng vụ cho qua lần chiếu lệ mà thiếu đi thứ chính yếu đó sự thành tâm. Giống như người nông dân tìm được kho báu nhờ sự tận tụy với công việc; chúng ta cũng chỉ có thể gặp gỡ được Chúa một khi biết thực tâm tìm kiếm Ngài. 

- Như người ta bất ngờ khám phá ra kho tàng, có những lúc niềm tin vào Chúa nơi chúng ta cũng bỗng dưng vụt sáng. Nhận ra điều đó, chúng ta có thể từ bỏ một số mục tiêu, tham vọng mà mình hằng ấp ủ. Chúng ta chấp nhận sống hy sinh và khước từ bản ngã là điều thường ngày vốn chẳng dễ dàng gì. Thế nhưng, một khi nhận biết những thứ có lợi cho mình, chúng ta sẽ chấp nhận đánh đổi. Nói tóm lại, phải mang lấy thập giá, bước theo Đức Giêsu, chứ không còn cách nào khác hơn để được bình an trong tâm trí ngay ở cõi đời này và hạnh phúc viên mãn ở đời sau. Một khi suy nghĩ được như thế, chúng ta rất dễ từ bỏ mọi sự và thuận theo Thánh ý Thiên Chúa. 

- "Tôi xin cảm ơn rất nhiều. Tôi hiểu quy định nhưng vì cứu con mới phải ra ngoài giờ này". Đó không đơn giản là tình người, nó là tình phụ tử thiêng liêng mà chỉ những ai làm cha làm mẹ mới có thể thấu hiểu cách ngọn nguồn. Cuộc mưu sinh trần thế có lẽ đã bào mòn sinh lực của người cha tội nghiệp. Cơm áo gạo tiền thực sự trở thành gánh nặng đối với người đàn ông trung niên này. Cảnh cơ hàn giờ bỗng dưng thành nỗi ám ảnh khi vợ chồng không có công việc ổn định, còn đứa con trai thì đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Sơn hào hải vị chẳng nghĩa lý gì với cu cậu đang trong tuổi ăn tuổi lớn; cái cậu đang cần là dưỡng khí, thứ mà lúc còn khỏe mạnh thì cậu tự tạo lấy mà không cần ai trợ giúp. Cái bi đát của phận người chính là ở đấy, tức là lúc bản thân mình không còn làm được điều tưởng chừng giản đơn nhất – hít thở. Thương con. Bản năng của người cha bùng lên mãnh liệt. Ông ào ra đường, xé toang màn đêm, bất chấp lệnh cấm, tìm mọi cách để kéo dài sự sống cho đứa con trai yêu quý của mình. Quả thật, “Làm một người cha xứng đáng khó hơn so với tưởng tượng quá nhiều, không phải cứ bỏ công bỏ sức, không phải có ý chí kiên cường, không phải cứ chịu đựng nỗi cô đơn, cô độc, không phải cứ bỏ ra toàn bộ tâm huyết của mình là có thể làm được” (Hái Sao – Lâm Địch Nhi). 

- Trong kí ức của tôi, Sài Gòn những ngày giới nghiêm chỉ còn đọng lại trong những ca từ của bài hát Chiều trên phá Tam Giang (Nhạc: Trần Thiện Thanh - Lời: Tô Thùy Yên): Giờ này thương xá sắp đóng cửa / người lao công quét dọn hành lang / giờ này thành phố chợt bùng lên / để rồi tắt nghỉ sớm / ôi Sàigòn Sàigòn giờ giới nghiêm / ôi Sàigòn Saigòn mười một giờ vắng yên / ôi em tôi Sàigòn không buổi tối”. Thế nhưng, đó là bối cảnh của một thời chiến tranh loạn lạc. Súng đạn vô tình khiến người ta sợ hãi. Lâu lắm rồi, giờ là lúc bỗng dưng người Sài Gòn sống lại hồi ức của một thời xa vắng, đó là tuân hành lệnh giới nghiêm. Người ta không được phép ra đường vì để tránh va phải một thứ “kẻ thù” mới; dẫu không trông thấy cũng chẳng gây sát thương, nhưng lại khiến rất nhiều người mất mạng – đó là Corona virus. Giữa cảnh đìu hiu của đêm buồn vắng lặng, người ta nhận ra hình ảnh một người đàn ông thênh thang giữa những con phố quen nhưng thưa thớt bóng người qua lại. Ông rời khỏi nhà với bao lo lắng, lo bị phạt và nhất là lo cho con mình không còn ôxy để sống. Với người đàn ông ấy, bận tâm duy nhất lúc này chính là sinh mạng đứa con trai của mình. Ông chấp nhận đánh đổi tất cả vì nó. Tôi chợt nhớ đến lời của cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khi ông nhắc tới điều khiến ai đó trở thành một người cha tuyệt vời, ông nói: “Tôi nhận ra một điều rằng, cuộc sống không có nghĩa gì nhiều nếu bạn không sẵn lòng đóng góp phần nhỏ bé của mình nhằm để lại cho con cháu chúng ta - tất cả con cháu chúng ta - một thế giới tốt đẹp hơn. Kẻ ngốc nào cũng có thể có con. Điều đó không khiến bạn trở thành một người cha. Chính lòng can đảm trong việc nuôi dạy đứa trẻ mới khiến bạn là một người cha”. Tình cảm con người vốn đòi buộc phải hy sinh nhiều đến thế; còn chuyện mong muốn chiếm được kho tàng Nước Trời, há chẳng đòi hỏi con người ta cũng phải không ngừng nỗ lực mới đạt được như lòng sở nguyện sao? 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,306,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1196,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4605,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,518,Tập San Lên Đường,563,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1984,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 13, 44-46; thứ Tư, tuần XVII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 13, 44-46; thứ Tư, tuần XVII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 13, 44-46; thứ Tư, tuần XVII Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi2zq9JLF3I7X03eJ6Qpr_T62-kqrPo2Qh8Fgj1NeotuR501AFY3ArWmM9cP5evqwtT-TD0KhoPP0iFobJLyGoXKp8omM4rfCzuk6S1e_jHHAptGmm2RKsXJ0FyGkTaF9c5KjIqGRb2Ipg/w764-h436/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi2zq9JLF3I7X03eJ6Qpr_T62-kqrPo2Qh8Fgj1NeotuR501AFY3ArWmM9cP5evqwtT-TD0KhoPP0iFobJLyGoXKp8omM4rfCzuk6S1e_jHHAptGmm2RKsXJ0FyGkTaF9c5KjIqGRb2Ipg/s72-w764-c-h436/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-13-44-46-thu-tu-tuan.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-13-44-46-thu-tu-tuan.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content