Góc Suy Gẫm - Mt 11,28-30; thứ Năm, tuần XV Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 11,28-30; thứ Năm, tuần XV Thường niên


Góc Suy Gẫm - Mt 11,28-30; thứ Năm, tuần XV Thường niên Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
RƯNG RƯNG TÌNH NGƯỜI SÀI GÒN GIỮA MÙA DỊCH QUA TRANH CỦA LÊ SA LONG

Hình ảnh nữ bác sĩ vắt sữa nuôi bé gái mắc Covid-19, những quán cơm trưa 0 đồng, cây ATM gạo... với tình cảm ấm áp mà người Sài Gòn - Tp.HCM dành cho nhau được họa sĩ Lê Sa Long thể hiện thật sự xúc động. 

Câu chuyện của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng) đang làm việc tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trưng Vương Tp.HCM khiến cho trái tim họa sĩ Lê Sa Long se thắt. Anh cho biết: "Trên Facebook, chị ấy viết: Mẹ của bé đi chợ tiếp xúc với F0 hồi nào không hay rồi nhiễm bệnh, lây luôn cho chồng và hai đứa con. Người mẹ suy hô hấp nặng đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Còn bố và hai đứa con nhỏ được chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương điều trị. Nhìn vào ai cũng xót thương nên đồng nghiệp sắp xếp chỗ tốt nhất trong khoa cho ba bố con nằm chung. Riêng bé gái 7 tháng tuổi vẫn còn bú sữa mẹ dù đã được tập bú sữa công thức khi vào viện nhưng vẫn chưa quen nên đói khóc. Nhận thấy bé gái gần bằng với tuổi con mình đã phải xa mẹ, cứ sau ca trực khi trở về chỗ nghỉ tôi lại vắt sẵn sữa của mình cho vào tủ lạnh. Mỗi ngày đến bệnh viện, tôi đều mang theo sữa của mình để dành riêng cho bệnh nhi Covid -19". 

Đọc đến đây, họa sĩ Lê Sa Long đã quyết định đến ngay bên giá vẽ để hoàn thiện bức tranh đầy cảm xúc. Anh cho biết: “Khi vẽ mặt và chân tay của bé để thấy rõ là cô bé hiếu động, nhìn thấy cưng gì đâu". Và bức tranh vẽ bằng bằng chất liệu pastel và than trên giấy Canson của Lê Sa Long trong một khoảnh khắc đã thực sự "đốn tim" người xem. Họa sĩ Lê Sa Long kể tiếp: “Khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM đưa video clip xúc động về một bệnh nhi Covid-19 mới 5 tuổi được đưa đi điều trị, khi ba của bé gái cũng bị nhiễm Covid-19, mẹ bé là F1 đi cách ly tập trung, tôi thấy thương vô cùng. Bé sống với bà ngoại và dì thì người bà cũng mắc Covid-19. Đoạn clip quay lại hình ảnh cô bé một mình lên xe cấp cứu để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19, với hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng thùng thình, một mình leo lên chiếc xe cấp cứu..., không thể không rớt nước mắt". 

Nói thêm về hoàn cảnh ra đời bức ảnh Một thiên thần trong mùa dịch, Lê Sa Long tiết lộ: “Từ bên kia bờ Thái Bình Dương xa xôi, ông bạn tôi khi xem video clip xong, hôm qua có gọi điện về hỏi thăm tình hình Sài Gòn sao, rồi “đặt hàng” Long vẽ hình ảnh cháu bé lúc xoay người chuẩn bị lên xe đi cách ly. Ông vẽ sớm gửi qua để tôi treo về trận dịch bệnh kinh hoàng đầu thiên niên kỷ… Tôi bảo, khỏi cần nói cũng đã vẽ xong, bạn không tin thì mình đưa lên Facebook sớm cho bạn xem nhé”. 

Và cứ thế từng ngày, từng ngày, họa sĩ Lê Sa Long cứ lặng lẽ hoàn thành các bức tranh xúc động về Sài Gòn - Tp.HCM trong những ngày giãn cách, như để trả nghĩa cho thành phố đã mang lại cho anh nhiều cảm xúc và để gửi cho những người bạn xa cách nửa vòng trái đất cùng hoài niệm về quê nhà. Đó là hình ảnh những gian hàng, những quán cơm trưa 0 đồng, những cây ATM gạo... xuất hiện khắp nơi, góp phần hỗ trợ người lao động nghèo, bị mất thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh. 

Lê Công Sơn 
(Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/rung-rung-tinh-nguoi-sai-gon-giua-mua-dich-qua-tranh-cua-le-sa-long-1405197.html) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 11,28-30; thứ Năm, tuần XV Thường niên)

Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Rabbi Do Thái thời xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai làm Thầy. Còn ách hay gánh mà Đức Giêsu nói tới ở đây chính là đạo lý Tin Mừng. Có thể nói đạo lý này được tổng hợp trong ba điểm: Tin, tức là chấp nhận trở thành môn đệ và thụ giáo với Chúa; khiêm nhượng, tức là thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa; và hiền lành, nói đến thái độ chúng ta cần có đối với tha nhân. Nói khác đi: chúng ta phải bắt chước Đức Giêsu, sống hoàn toàn theo ý Cha vì yêu mến, đồng thời vì vâng ý Cha, mà hy sinh cho tha nhân cho đến chết trên thập giá. 

Thông thường khi nhắc tới ách, nói tới gánh tức là nói tới một cái gì đó nặng nề và cực nhọc. Vậy mà trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu lại nói với chúng ta: “Ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng”. Ách và gánh mà Đức Giêsu nói đến ở đây, chính là những đau khổ và những thử thách mà Ngài đã đón lấy khi chấp nhận mang kiếp phàm nhân. Đó cũng còn là cái chết đau thương mà Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận lấy như cái chết của một tên tử tội. Những thử thách Đức Giêsu đã chịu cũng nặng nề và cực nhọc biết bao, đến độ khi ở trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu đã phải xin Chúa Cha cất đi cho Ngài nếu như có thể: “Lạy Cha, nếu được, xin Cha cất chén nắng này khỏi con”. Thế nhưng, cuối cùng, Ngài đã hoàn toàn đón nhận và làm cho nó trở nên êm ái, nhẹ nhàng trong tình yêu dâng tặng cho Cha của mình. Nói khác đi, Đức Giêsu đã đón nhận cái chết với tất cả sự tuân phục và yêu mến. Chính tình yêu làm cho những đau khổ phải chịu của Đức Giêsu trở nên chẳng có chi đau đớn, chẳng có chi nặng nề. Đặc biệt, Đức Giêsu đã không chấp nhận mọi đau khổ và cái chết như một định mệnh nghiệt ngã hay như một bi kịch không lối thoát, nhưng Ngài đã coi đó như một cơ may của những ân phúc cao cả, như một khởi điểm cho sự sống mới và như một khởi nguồn cho hạnh phúc đích thực. 

Kế đến, qua những lời trên đây của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi xác tín rằng, không ai trên đời này, có thể thỏa mãn được những khát vọng của chúng ta, có thể cứu chúng ta cho bằng Đức Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Ngoài ra, qua lời mời gọi và lời hứa ấy, chúng ta cũng được mời gọi để xác quyết rằng, nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa mỗi khi gặp khó khăn, đau khổ và thử thách; chắc chắn, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh nâng đỡ và sự an ủi vượt xa những gì chúng ta chờ đợi và vượt xa những gì lòng người dám ước mong. Chính vì thế, Đức Giêsu không chỉ ban ơn nâng đỡ, mà Ngài còn mời gọi chúng ta hãy mang lấy ách và gánh của Ngài, bởi như Chúa đã hứa với thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con”. Những ách và gánh mà Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta là gì nếu không phải là những bổn phận, những thánh giá mà Chúa muốn chúng ta vác lấy như là cơ hội tốt để được cùng Chết và cùng Phục sinh với Ngài sao? 

Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu mời gọi tất cả chúng ta hãy đến với Ngài, chắc chắn không phải để được trút đi những gánh nặng của cuộc sống, nhưng để nhận được sức mạnh tình yêu làm cho những gánh nặng đó trở nên êm ái và nhẹ nhàng, và rồi tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập sự bình an.

Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được rằng, chỉ nơi Ngài chúng con mới kín múc được niềm vui và sự an bình đích thực. Xin soi sáng và nâng đỡ chúng con trong những lúc gian nan thử thách của cuộc sống. Xin cho chúng con biết mau mắn vâng nghe lời của Con Chúa mời gọi và sẵn sàng dấn thân phục vụ mà lòng chẳng chút nghi nan. Xin cho chúng con biết hoan hỉ gánh lấy những phiền muộn và khổ đau nơi những mảnh đời mà chúng con gặp gỡ. 

4. Lời bàn 

- Đức Giêsu phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Qua những lời này, chúng ta có cảm giác Ngài như nói với những kẻ đang cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa một cách vô vọng, ráng cố gắng làm lành một cách vô vọng, đang thấy mọi nỗ lực của mình rốt cuộc chẳng được gì cả, chán nản, kiệt sức rồi. Ngài cũng đang mời gọi những người mệt mỏi vì tìm kiếm chân lý. Người Hy Lạp nói rằng: “Rất khó tìm thấy Thiên Chúa và khi anh đã tìm được Ngài thì anh lại không thể nào nói cho người khác biết về Ngài”. Chúng ta biết Thiên Chúa không phải nhờ sự tìm tòi của trí tuệ mà là do biết chạy đến và yêu mến Đức Giêsu. Thật vậy, chúng ta có thể chấm dứt việc tìm kiếm Thiên Chúa khi được chiêm ngưỡng Đức Giêsu, bởi vì trong Ngài, chúng ta thấy Thiên Chúa Cha, đúng như lời của Ngài nói với các môn đệ. Là những người môn đệ, chẳng phải chúng ta cũng luôn được mời gọi nhìn theo gương Đức Giêsu mà tiến bước sao? 

- “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Ngài nói những điều này trong khung cảnh Do Thái giáo luôn là một gánh nặng đối với những người tin. Bởi đó, Đức Giêsu mới nói rất thật về các kinh sư cũng như những người Pharisiêu rằng: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Đối với người Do Thái, tôn giáo bao gồm những luật lệ, những quy tắc bất tận mà họ phải tuân thủ. Họ sống giữa một rừng nguyên tắc và luật lệ. Chúng chỉ đạo mọi hành động của họ, lúc nào cũng nghe những tiếng thôi thúc: “Ngươi chớ… Ngươi chớ... Ngươi đừng...”. Đời sống thường ngày của chúng ta cũng đang bị vây bủa bởi rất nhiều thứ luật lệ; đến nỗi nhiều khi chúng ta cảm thấy rối bời và thậm chí mệt mỏi với những ràng buộc ấy. Những lúc như thế, liệu rằng chúng ta có xem chúng như là những gánh nặng thực sự đối với cuộc đời của mình không? Nếu câu trả lời là “có”, thì chúng ta có biết chạy đến với Đức Giêsu để được Ngài nâng đỡ không? 

- Câu chuyện sau đây cho thấy những đòi hỏi của luật lệ tác động thế nào lên cuộc đời của người dân. Ai đó đã nghĩ ra một câu chuyện thế này: Người láng giềng tôi là một bà góa, bà có hai con gái và một thửa ruộng. Khi bà bắt đầu cày thì Môsê (ý nói là luật của Môsê) bảo bà: “Ngươi không được cày bò và lừa chung với nhau”. Khi bà bắt đầu gieo giống thì ông phán: “Ngươi không được gieo trong ruộng hai thứ giống”. Khi bà bắt đầu thu hoạch, ông bảo: “Người không được mót lúa sót hay lấy lại những gì ngươi bỏ quên (Đnl 24,19), cũng đừng gặt đến cuối ruộng (Lv 19,9). Khi bà bắt đầu đập lúa thì ông bảo: “Hãy giao cho ta của lễ dâng phần mười thứ nhất và phần mười thứ nhì”; bà thuận theo và dâng hết cho ông. Sau đó người đàn bà đáng thương kia làm gì? Bà bán ruộng, mua hai con chiên để hớt lông may áo và để nó đẻ con kiếm lợi. Khi chiên sinh sản thì Aharon bèn đến và nói: “Hãy dâng cho ta con chiên đầu lòng của ngươi”, bà chấp nhận đòi hỏi đó và trao cho ông. Đến kỳ xén lông chiên thì Aharon lại đến và nói: “Hãy giao cho ta lông chiên đã xén đầu tiên của ngươi” (Đnl 18,4). Người đàn bà thầm nghĩ rằng: “Ta không thể chịu nổi ông này, ta sẽ làm thịt chiên mà ăn”. Aharon lại đến và bảo: “Hãy giao cho ta cái bả vai, cái hàm và cái dạ dày” (Đnl 18,3). Người đàn bà nói: “Ngay cả lúc tôi làm thịt nó, ông cũng không để tôi yên, thôi tôi sẽ dâng nó luôn”; bấy giờ Aharon bèn nói: “Trong trường hợp đó, nó sẽ hoàn toàn thuộc về ta” (Ds 18,14-15). Ông liền mang nó đi, bỏ lại bà góa nghèo đang than khóc cùng với hai đứa con gái của mình. Câu chuyện kể trên đây là một ví dụ về những đòi hỏi triền miên mà luật lệ đặt trên con người trong mọi sinh hoạt và hành động của đời sống. Những đòi hỏi của luật quả thật là một gánh nặng. 

- Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hãy mang lấy ách của Ngài. Trong khi đó, người ta dùng thuật ngữ “cái ách” để chỉ sự tuân phục, phó thác. Họ nói đến cái ách của lề luật, của điều răn, cái ách của nước trời, cái ách của Đức Chúa. Nhưng rất có thể Đức Giêsu dùng những chữ đó trong lời kêu gọi của Ngài với một nghĩa gần gũi với chúng ta hơn. Ngài nói ách của Ngài êm ái, chữ “êm ái” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vừa vặn, sít sao. Ở xứ Palestine, người ta làm ách bằng gỗ cho bò cái. Con bò được mang đến để người ta đo kích thước, sau đó người ta bào cái ách cho thật nhẵn và đem bò đến thử. Người ta điều chỉnh cái ách thật cẩn thận sao cho thật vừa để khỏi làm trầy cổ con vật. Một số một truyền thống cho rằng, Đức Giêsu là người thợ làm ách giỏi nhất miền Galilê. Khắp xứ, người ta tìm đến tiệm mộc của Ngài để mua những cái tốt nhất và khéo nhất. Có điều gì ngăn cản chúng ta cũng tin như thế không nhỉ? 

- Đức Giêsu phán: “Ách của Ta thì êm ái”, ở đây có lẽ Ngài muốn nói rằng, sự sống ta ban cho các ngươi không phải là một gánh nặng làm trầy trụa các ngươi; nhưng là, mọi thứ đều được làm theo kích thước vừa với các ngươi. Như vậy, bất cứ điều gì Chúa gửi đến cho chúng ta đều đã được làm sẵn để thật thích hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi người; còn nếu Chúa trao phó công tác cho mỗi người, thì chắc chắn không có gì vượt sức gánh vác của họ. - Đức Giêsu phán: “Gánh của tôi thì nhẹ nhàng”. Điều đó không có nghĩa là một gánh nặng dễ mang, nhưng gánh nặng được đặt trên vai chúng ta trong tình yêu, được mang trong tình yêu và nhờ tình yêu khiến nó trở nên nhẹ nhàng. Khi chúng ta ý thức rằng, gánh nặng của chúng ta là yêu Chúa và yêu người thì nó sẽ trở thành một bài ca được tấu lên bởi những nốt nhạc trầm hùng, diễn tả một thức tình yêu bất diệt. Có một câu chuyện xưa kể lại rằng, một người đàn ông nhìn thấy một cậu bé đang cõng một em nhỏ bị đau chân. Ông tiến tới và hỏi: “Chắc nặng lắm phải không em”? Cậu bé trả lời: “Nó đâu phải là gánh nặng, nó là đứa em nhỏ của tôi mà”. Gánh nặng được ban và được mang trong tình yêu thì luôn luôn nhẹ nhàng như thế. 

- “Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Chính trong cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu cho thấy bằng chứng rõ nhất về sự hiền lành này: không một chút giận dữ, không một lời đe dọa. “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1Pr 2,23). Tư cách này của Chúa ghi đậm trong ký ức của các môn đệ Ngài, đến nỗi thánh Phaolô, khi muốn van nài người Côrintô về một điều gì đó thân thương và thiêng thánh, đã viết cho họ: “Tôi xin dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Đức Kitô mà khuyên nhủ anh em” (2 Cr 10,1). Tuy vậy, Đức Giêsu đã làm hơn nhiều, chứ không chỉ để lại cho ta gương mẫu về sự hiền lành và nhẫn nại đến độ anh hùng; Ngài còn biến hiền lành và bất bạo động thành dấu chỉ nói lên sự cao cả đích thực. Cao cả không ở chỗ đưa mình lên trên người khác, trên đám đông, nhưng hạ mình xuống để phục vụ và đưa người ta lên. Theo thánh Augustinô, trên Thánh giá, Đức Giêsu cho thấy sự chiến thắng đích thực không ở chỗ biến người khác thành nạn nhân, nhưng biến mình thành nạn nhân, hay nói cách khác, Ngài tự biến mình thành tế vật ngang qua sự hiền hậu và khiêm nhường của mình. Đó chẳng phải là tấm gương sáng để chúng ta noi theo sao? 

- “Hình ảnh nữ bác sĩ vắt sữa nuôi bé gái mắc Covid-19, những quán cơm trưa 0 đồng, cây ATM gạo... với tình cảm ấm áp mà người Sài Gòn - Tp.HCM dành cho nhau được họa sĩ Lê Sa Long thể hiện thật sự xúc động”. Thiết nghĩ rằng, chẳng ai trong chúng ta khi nhìn những hình ảnh ấy lại không nhận thấy tâm can mình cuộn trào lên những tình cảm trìu mến dành cho quê hương, cách riêng là với mảnh đất Sài Gòn này. Khó khăn bủa vây tứ phía. Người nghèo không dám bước chân ra đường, không phải chỉ vì sợ dịch bệnh mà là không biết phải đi đâu và làm gì đang khi mà miệng chẳng có cái ăn, còn tiền trong túi cũng chẳng có. Người giàu có thì dễ thở hơn một chút. Dù biết rằng, có sẵn tiền nhưng đôi khi cũng chẳng thể sử dụng; nhưng dẫu sao, những gì họ tích lũy được cũng có thể đắp đổi thêm một quãng thời gian sắp tới. Không ai có thể nghĩ rằng, cuộc mưu sinh bỗng chốc trở nên ngột ngạt đến vậy. Tôi chợt nghĩ, giữa cơn khốn khó thế này, liệu rằng lời mời gọi của Đức Giêsu có đủ sức vang vọng đến những người đang vất vả và mang gánh nặng nề không nhỉ! Giữa những khó khăn của cuộc sống, các Kitô hữu cũng có thể bị lọt thỏm giữa thách đố liên quan đến đời sống đức tin của mình. Nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa, chúng ta đừng bao giờ quên chạy đến với Đức Giêsu để tìm kiếm nguồn bình an và nơi nương ẩn. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1537,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,188,Cộng Đoàn,747,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,349,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1024,Hội Thánh,305,Kiến Thức,68,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1148,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,181,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4550,Suy niệm,1091,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,684,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,140,Tài liệu,516,Tập San Lên Đường,561,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,938,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1969,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1593,Video Nhạc - Phim,559,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 11,28-30; thứ Năm, tuần XV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 11,28-30; thứ Năm, tuần XV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 11,28-30; thứ Năm, tuần XV Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgLJCs_YTQgTiMxROitKZLE2q7LXkQnxhiQ26SuxKNu5mAbjolBTPsrhyutFDzloJqIa59iSnTdotqo-jrGVA9Uv7jXwigX4UwK9__gROS_SOog328a0kZvhEMnV_xRArNBe2cgES6R2u0/w706-h404/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgLJCs_YTQgTiMxROitKZLE2q7LXkQnxhiQ26SuxKNu5mAbjolBTPsrhyutFDzloJqIa59iSnTdotqo-jrGVA9Uv7jXwigX4UwK9__gROS_SOog328a0kZvhEMnV_xRArNBe2cgES6R2u0/s72-w706-c-h404/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-1128-30-thu-nam-tuan-xv.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-1128-30-thu-nam-tuan-xv.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content