Góc Suy Gẫm - Mt 11,20-24; thứ Ba, tuần XV Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 11,20-24; thứ Ba, tuần XV Thường niên


Góc Suy Gẫm - Mt 11,20-24; thứ Ba, tuần XV Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: Hành xử khiếm nhã khi phát cơm cho người nghèo: Đừng làm tổn thương người yếu thế 

Dân mạng chỉ trích gay gắt YouTuber phát cơm từ thiện nhưng có lời lẽ khiếm nhã, phân biệt đối xử với người dân. Nhiều nghệ sĩ lên tiếng, cho rằng hành vi này đáng lên án vì gây tổn thương đến những người yếu thế. 

Mạng xã hội một phen dậy sóng trước loạt video phát cơm từ thiện của kênh S.G.N.N. Chủ nhân kênh YouTube này là T.D, gây xôn xao khi dùng lời lẽ khó nghe để xưng hô với một số nhân vật trong clip. Cụ thể, người này khiến dân mạng “nóng mặt” khi bắt bẻ, cho rằng một số người không xứng đáng để đến nhận cơm do sơn móng, là bụi đời, hay nghi ngờ người nhận không có hoàn cảnh khó khăn vì ngoại hình mập mạp... 

Trong một video được lan truyền, khi thấy một phụ nữ lớn tuổi đến nhận thực phẩm, phía này liền hỏi: “Chị ơi, sao chị sơn móng chân mà chị vào đây?”. Nghe vậy, bà này liền vội vã trả lại thức ăn và nói: “Thôi, tôi không lấy đâu chú. Tôi sơn móng từ thiện ở Võ Thị Sáu của người khuyết tật. Tôi lãnh cho người ta chứ không phải tôi lấy”. Đáp lại, anh này nói: "Lần sau chị hãy dành cho những người khó khăn hơn. Cảm ơn chị, chị không tốt như vậy đâu"... 

Trong video này còn có hai người vừa đến, được cho là chen vào hàng đã bị đuổi đi. Chủ tài khoản S.G.N.N gây sốc khi nói: "Bụi đời không phát cơm, đi ra ngoài đi... Những người thiếu ý thức không bao giờ được phát cơm". 

Chưa dừng lại ở đó, cộng đồng mạng còn vô cùng bức xúc khi người này thể hiện thái độ gay gắt, trịch thượng khi làm từ thiện. Trong một video khác, khi thấy một cụ già đến nhận cơm, anh này liền lên tiếng: “Ông ơi ông kéo quần lên, ông đừng gãi sồn sột thế. Ông gãi sồn sột thế nó bắn cái nọ kia vào cái bàn phát cơm của tụi con. Ông kéo cái quần lên tận bẹn sau đó ông cứ gãi sồn sột, chỉ sợ nó văng con nọ con kia ra, rất nguy hiểm. Cái bàn phát cơm của người ta là chốn linh thiêng mà ông làm không ra sao cả"...

Các clip hiện đang được lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Người dùng liên tục chia sẻ, để lại bình luận phẫn nộ về hành vi, lời nói của người này. Nhiều người nổi tiếng cũng lên tiếng, bày tỏ bất bình trước hành động này.

Chia sẻ với Thanh Niên, ca sĩ Dương Đình Trí nói: “Khi làm từ thiện thì không nên xem như đang “ban phát, bố thí” mà hãy nghĩ đó là sự san sẻ trong lúc hoạn nạn, khó khăn... Của cho không bằng cách cho, hãy đặt chính mình vào vai những người đi nhận từng phần cơm ắt sẽ hiểu. Đôi khi người ta cũng đâu muốn như vậy. Đã làm ơn thì làm cho trót, đối xử tử tế thêm chút nữa có sao đâu”. Đồng thời, nam ca sĩ cũng cho biết nếu đã làm từ thiện thì không nên phân biệt đối xử với người nghèo. “Đừng quá đặt nặng đối tượng được chia sẻ phải thế này thế nọ, bởi mình cũng không thể hiểu hết hoàn cảnh thật sự của họ. Quan điểm của tôi là đã cho đi thì không đặt nặng. Cách cho làm sao để đối phương không có cảm giác đang được “bố thí” và nặng lòng khi nhận”, anh nói. 

Về phía Cindy Thái Tài, nữ ca sĩ bày tỏ: “Đầu tiên, tôi thấy quý vì ít nhất cậu ấy cũng tham gia từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn mùa dịch. Tuy nhiên, cậu ấy không khéo ngôn làm xúc phạm, tổn thương đến nỗi đau của người khác giữa tình hình này. Dù gì đi chăng nữa, những người đi nhận cơm từ thiện cũng là con người, có lòng tự trọng. Tôi nghĩ họ rất tự ái nhưng vì khổ lắm, lực bất tòng tâm rồi nên mới đi xin cơm. Vì thế, không nên dùng những lời thô thiển như vậy, vô tình chà đạp lên người khác”. Đồng thời, cô cũng gửi lời nhắn nhủ đến nam YouTuber: “Ngoại trừ việc quay những đối tượng đi xin cơm để bán lại nhằm cảnh giác mọi người, tôi nghĩ anh này không nên quay mặt những người đến nhận. Anh nên xin phép họ trước khi quay, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của người ta. Còn về trường hợp cụ già bị anh ấy nói sa sả vì gãi sồn sột. Tôi tự hỏi tại sao anh không cầm thức ăn đến đưa hai tay cho bác mà cứ đứng đó. Hãy tôn trọng người lớn tuổi, “của cho không bằng cách cho”… Làm từ thiện trước hết tâm mình phải thiện đã, tránh chuyện sân si. Cái thiện thể hiện qua hành động, tư cách của mình. Đừng nghĩ người nhận được ban ơn mà có quyền chì chiết, dạy đời người ta”.

Trước sự việc, nhà thiết kế Ngô Nhật Huy bộc bạch: “Việc làm thiện nguyện phát xuất từ tâm. Đừng mang danh điều đó để bẻ cong, phát ngôn những lời lẽ khó chịu khiến người nhận chỉ biết nghe và nhận cơm như một ân huệ, sự ban phát. Xưa có câu, miếng ăn là miếng tồi tàn, nếu đã có lòng san sẻ thì nên hiểu và đặt hoàn cảnh mình vào trong đó. Thật đắng lòng khi nhận miếng ăn mà phải nghe những lời nói như thế. Của cho không bằng cách cho nên tôi nghĩ người này nên tiết chế lại lời nói thì sẽ tốt biết mấy. Nhưng trên tất cả, hành động giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn lúc này điều là điều đáng ghi nhớ!”. 

Trên mạng xã hội, hàng loạt tài khoản cũng chia sẻ các đoạn video trên và để lại phản hồi gay gắt. Nhiều người viết: “Cho được hộp cơm mà anh sỉ nhục từ ông cụ già, cho tới chê bụi đời không cho cơm. Ứng xử kém quá”, “Tôi xem khá nhiều clip ông này rồi. Cứ cầm máy quay lại rồi bình phẩm người khác bằng những câu không lọt tai. “Nghèo không có cơm ăn sao béo vậy?”, “Hết cơm rồi về nhà nấu mì mà ăn”… Người ta đi nhận cơm thôi mà việc gì phải nói khó nghe như vậy”. Thậm chí, bất chấp lời xin lỗi của chủ kênh, khán giả vẫn giận dữ, kêu gọi tẩy chay. 

Đăng Bách 
(Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-tri/hanh-xu-khiem-nha-khi-phat-com-cho-nguoi-ngheo-dung-lam-ton-thuong-nguoi-yeu-the-1412940.html) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 11,20-24; thứ Ba, tuần XV Thường niên)

Trích đoạn Tin Mừng của ngày hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu lên tiếng khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khôradin, Bếtsaiđa và Cáphácnaum. Các thành này đều chứng kiến "phần lớn các phép lạ" Đức Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao vậy? Xin thưa, vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh Kinh cao hơn. Khi thấy sự kiêu căng đã khép lòng họ, Đức Giêsu nghĩ tới những kẻ "bé mọn" nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Đức Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa "Vì đã giấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn". 

Sám hối là điều kiện để được cứu độ. Chính vì thế mà ngay ở khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã đưa ra lời kêu gọi: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Thật vậy, cho dù là dân ngoại như dân của thành Tia và Xiđôn, cho dù là dân tội lỗi nặng nề như dân thành Xơđôm, nhưng nếu biết ăn năn sám hối, họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và cứu độ. Ngược lại nếu không sám hối và hoán cải tâm hồn, thì cho dù là dân riêng được tuyển chọn dân Do Thái, chẳng những không được cứu độ, mà còn bị xét xử nghiêm ngặt hơn. ATin Mừng hôm nay ghi lại lời quở trách nặng nề của Đức Giêsu đối với một số thành thị ven biển hồ Galilê là Khôradin, Bếtsaiđa và Caphácnaum. Tại đây, Đức Giêsu đã rao giảng và làm nhiều phép lạ, đồng thời Ngài cũng đưa ra lời kêu gọi sám hối, nhưng đâu đâu người ta cũng dành cho Ngài sự dửng dưng, chống đối; đâu đâu người ta cũng bịt tai trước lời mời gọi sám hối của Ngài. 

Tin Mừng còn cho chúng ta thấy, Đức Giêsu luôn luôn tỏ ra bao dung đại lượng với những kẻ tội lỗi. Làm như thế, không phải là vì Đức Giêsu muốn dung túng cho sự dữ hay tạo dịp cho những kẻ tội lỗi tiếp tục lún sâu vào con đường hư mất, nhưng là để cho họ có cơ hội sám hối trở về với Ngài và được chữa lành. Mặt khác, họ cũng còn được kéo ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi, ngõ hầu được sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa. 

Thiên Chúa là Đấng yêu thương và giàu lòng thương xót. Bởi đó, Ngài luôn nhẫn nại đợi chờ con người sám hối trở về để được tha thứ, để được cứu độ. Nhưng chúng ta đừng quên, Thiên Chúa cũng là Đấng rất mực công bằng. Bởi đó, những ai có công sẽ được ân thưởng xứng đáng, còn những kẻ tội lỗi và nhất mực từ chối sám hối sẽ chịu sự xét xử hết sức nghiêm minh. 

Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, sở dĩ Chúa còn để chúng ta sống đến ngày hôm nay là vì Ngài muốn dành cho chúng ta một cơ hội để sám hối, trở về với Ngài không? Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình và đừng để Thiên Chúa phải chờ đợi chúng ta thêm nữa. 

Lạy Chúa, xin thứ tha những lỗi lầm chúng con trót phạm. Xin dạy chúng con biết duyệt xét lương tâm mỗi ngày, ngõ hầu kịp nhận ra những điều làm mất lòng Chúa và phiền lòng anh chị em. Xin soi lòng mở trí để chúng con luôn biết nhận ra rằng, tất cả những gì chúng con đang có đều là ân ban xuất phát từ tình thương hải hà của Chúa. Xin hướng dẫn để chúng con biết sử dụng những ân huệ ấy cho nên. Và xin đừng để chúng con vì bất cẩn hoặc vô tâm với ơn Chúa để rồi phải chịu chung số phận với những thành mà Chúa đã kết án hôm nay. 

4. Lời bàn 

- Các ngôn sứ thời xưa thường tỏ ra nuối tiếc nếp sống của dân Israel khi còn lưu lạc trong sa mạc, gian khổ nhưng gắn bó với Thiên Chúa của mình; vì thế các ngài cũng kỵ bầu khí vô đạo nơi các thành thị: tự cao tự đại, thờ quấy, vô luân... Ở đây, Đức Giêsu theo cung cách đó để lên án những người đồng thời với Ngài. Người Do Thái từng khinh dể những người ngoại giáo và lên án người ta không nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa; nhưng chính họ lại lỳ lợm và cứng lòng tin hơn, dù được chứng kiến những phép lạ hiển nhiên Đức Giêsu đã thực hiện nhân danh Thiên Chúa. Chúng ta có thể cũng sẽ bị Chúa kết án như vậy một khi xưng mình là Kitô hữu, nhưng cách thể hiện đức tin của chúng ta chẳng khá gì hơn dân của các thành được Đức Giêsu chỉ mặt đặt tên hôm nay. 

- Chúng ta phải cẩn thận nhận ra giọng nói của Đức Giêsu khi Ngài nói điều này: “Khốn cho ngươi, hỡi Khôradin! khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!”. Chữ “khốn” dịch từ Hy Lạp “ottai”, diễn tả sự buồn rầu, thương hại xen lẫn với tức giận. Đây không phải là giọng của một người nổi nóng vì bị chạm tự ái, cũng không phải giọng tức tối vì bị sỉ nhục. Nhưng đó là giọng buồn rầu, giọng của người đã mang tặng nhân loại điều quý báu nhất trên đời, nhưng không được lưu tâm. Giọng của người nhìn thấy một thảm kịch đang xảy ra: người ta cứ đổ xô đến chỗ hủy diệt và mình thì không thể nào ngăn chặn được. Chúng ta cần nhớ luôn rằng, khi Đức Giêsu lên án tội lỗi, thì đó là một cơn giận thánh. Cơn thịnh nộ của Đức Giêsu không phát xuất từ lòng kiêu căng mà là từ tâm trạng của một người đang tan nát cõi lòng. 

- Cả ba thành Khôradin, Bếtsaiđa và Caphácnaum có lẽ không hoàn toàn đồi bại như Xơđôm năm xưa. Tuy thế, họ phải gánh chịu một trách nhiệm nặng nề hơn Tia, Xiđôn và Xơđôm, là những vùng không có một đền nào dâng kính Giavê, mà chỉ có những đền thờ kính thần lạc thú. Còn ở đây, có lẽ toàn thể dân trong các thành đều đã gặp hoặc ít ra cũng được nghe nói về Chúa, đã chứng kiến phép lạ và thậm chí là đã được nghe giáo lý của Ngài, thế nhưng họ vẫn không lo hối cải. Họ cố ý chối từ ơn thánh. Từ chối như thế là dấn thân vào một tiến trình tự hủy hoại mình. Nói một cách khác, ơn sủng nhưng không là một trách nhiệm cho ai lãnh nhận; đồng thời cũng đòi hỏi phải quyết định một lập trường rõ ràng, tức là phải biết đón nhận hoặc từ chối nó, chứ không có chuyện lửng lơ con cá vàng. Đây quả là một lời nhắc nhớ cần thiết cho đời sống đức tin của tất cả chúng ta. Đứng trước lời mời gọi của Chúa, chúng ta chỉ có thể bước theo hoặc rút lui, chứ không có chuyện lừng khừng nước đôi. 

- Trong trích đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc tới thành Xơđôm và cho biết sở dĩ nó bị hủy diệt vì đã không tin nhận những sứ điệp của Chúa, cũng như phớt lờ những cảnh báo của Ngài. Tuy nhiên cũng nên biết rằng, thành Xơđôm còn nổi tiếng hơn về một thứ tội khác. Sở dĩ nói như vậy là vì danh xưng của nó được đặt tên cho một thứ tội mà hiện nay rất đỗi quen thuộc với chúng ta: Tội đồng tính luyến ái nam. Sodomy (Sodomia, peccatum Sodomiticum hay sin of Sodom) đều dùng để nói về một thứ tội đã xuất hiện từ rất lâu đời trong lịch sử loài người, mà tên gọi của nó gắn liền với địa danh Xơđôm. Thánh Phaolô ít nhất hai lần nói đến thứ tội này trong các thư của ngài (1Cr 6,9 và 1Tm 1,10) và cả hai đều nói đến tội đồng tính nam. Tiếc rằng, trong bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ đã làm giảm bớt sự nổi tiếng của nó. Quả vậy, trong các bản dịch trước đây, Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ đã dùng chữ “kê gian” để chuyển ngữ thứ tội này. Tôi cho rằng, cách dùng thuật từ này để dịch Sodomy là rất hay. Bởi lẽ, theo lối trình bày của thánh Phaolô, thì “Kê gian” là một thuật ngữ để chỉ những tội lỗi của hành vi tính dục được cho là phi tự nhiên, tức là những hành vi tính dục không tạo ra sự sinh sản, cụ thể hơn là những hành vi quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Mặc dầu vậy, khi dùng “kê gian” thì cũng khiến nhiều người không hiểu hoặc hiểu sai về nó. Nói một cách khác, khi nhìn thấy khái niệm này trong Tân ước, chắc chắn là nó không hề có ý gì liên quan tới gian thương, tức buôn gian bán lận; càng không dính dáng gì tới chuyện thống kê gian dối. 

- Thiên Chúa sẽ xét xử con người, không chỉ dựa vào tội lỗi của họ mà còn dựa vào chính thái độ của họ trước lời kêu gọi sám hối của Đức Giêsu. Nếu con người thành tâm sám hối, thì dù tội lỗi nặng nề đến đâu thì Thiên Chúa vẫn tha thứ; trái lại, nếu con người nhất mực từ chối, họ sẽ bị xét xử cách không khoan nhượng. Còn chúng ta, chúng ta cũng sẽ bị xét xử nghiêm hơn dân thành Xơđôm, hơn cả những thành mà hôm nay Đức Giêsu đã kết án, nếu chúng ta không sám hối trở về với Ngài. Bởi vì, chúng ta không chỉ có lời cảnh cáo của các ngôn sứ, cũng không chỉ được nghe các phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, mà còn biết cả cái chết và sự phục sinh của Ngài, vốn được coi là bằng chứng lớn nhất về lòng thương xót và nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho con người ở mọi thời. Như thế, nếu chúng ta khước từ sám hối, chúng ta sẽ tự chuốc lấy án phạt. 

- Albert Schweitzer từng nói: “Một người chỉ thực sự có đạo đức khi anh ta phục tùng sự thôi thúc muốn giúp tất cả mọi sinh mệnh anh ta có thể giúp được và lùi lại không làm tổn thương tới bất cứ sinh linh nào”. Giữa muôn trùng khó khăn thử thách, những cánh tay chân thành và hảo ý vươn ra, rất có thể sẽ cứu giúp được nhiều người vượt qua cơn gian khó. Thế nhưng đôi khi, cách chúng ta thể hiện lại vô tình khiến người khác bị tổn thương, nhất là với những người thực sự nghèo khó. Lòng tự trọng luôn mách bảo để họ không làm tổn thương chính bản thân mình. Đức Giêsu hôm nay nặng lời chỉ trích dân các thành ven biển hồ đã khước từ Ngài. Những lời kết án đó như là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho họ. Thế nhưng, thói cao ngạo đã tiếp tục che mắt họ và dĩ nhiên, họ vẫn cứ lầm lũi bước đi trong bóng tối của đời mình. Chúng ta như nghe được tiếng thở dài của Đức Giêsu trước sự cứng lòng của con dân nơi các thành ấy, nhưng dù sao, Ngài vẫn luôn tôn trọng tự do của họ và cả của chúng ta nữa. Không giống như các thành bị Chúa kết án, chúng ta hy vọng những chỉ trích của cư dân mạng nhắm vào những người có liên quan trong câu chuyện trên đây biết bình tâm và rút ra cho mình những bài học bổ ích; đừng để những phàn nàn của người khác mà khiến mình khép kín từ tâm. Bởi vì như Deodatta V. Shenai-Khatkhate từng nói: “Cho dù người khác đối xử với bạn thế nào, hãy luôn luôn tử tế với những người chạm tới cuộc đời bạn. Những từ duy nhất rồi bạn sẽ hối tiếc trong đời, ngoài những lời chưa nói, sẽ là những lời bạn cố ý dùng để làm người khác tổn thương. Thời gian và Lời nói không bao giờ quay trở lại, vậy nên hãy sử dụng chúng cẩn thận, luôn luôn đối xử với người khác một cách tự trọng và tôn trọng”. Với tất cả những điều này, tôi cũng tự rút ra được cho bản thân mình nhiều điều bổ ích. Còn bạn? 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1196,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4605,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 11,20-24; thứ Ba, tuần XV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 11,20-24; thứ Ba, tuần XV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 11,20-24; thứ Ba, tuần XV Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhiwBpS_7qcuP-_KUdHtXMVCsrpWLgha2HQqBuh9dG6v-gd_rS3E3-GEbfFHR-cM6jwul63Nb0FlUCzzFcAzI57-1GH69yxXI1ARMBKI4O0JfoCKMV4oStTfxPGk7mW6QobRKKdDNY8G_Y/w722-h412/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhiwBpS_7qcuP-_KUdHtXMVCsrpWLgha2HQqBuh9dG6v-gd_rS3E3-GEbfFHR-cM6jwul63Nb0FlUCzzFcAzI57-1GH69yxXI1ARMBKI4O0JfoCKMV4oStTfxPGk7mW6QobRKKdDNY8G_Y/s72-w722-c-h412/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-1120-24-thu-ba-tuan-xv.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-1120-24-thu-ba-tuan-xv.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content