Góc Suy Gẫm - Mt 10,7-15; thứ Năm, tuần XIV Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 10,7-15; thứ Năm, tuần XIV Thường niên


Góc Suy Gẫm - Mt 10,7-15; thứ Năm, tuần XIV Thường niên 

Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: PHỤ HUYNH TRONG KỲ THI ĐẶC BIỆT: 'ĐỪNG LO, CÓ MẸ ĐANG CHỜ' 

TTO - Sáng 7-7, các sĩ tử bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thi cử trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng. Các bậc cha mẹ cũng lo không kém, nhưng họ luôn là chỗ dựa cho con. 

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại điểm thi Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh và thí sinh có mặt từ sớm trước 6h, dù 7h các sĩ tử mới vào phòng thi. "Tôi cùng cháu đến sớm để chủ động, tránh tắc đường vì đi xa. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh nên tôi đưa cháu đến sớm khi thưa người để hạn chế tiếp xúc" - ông Bình Minh cho biết. Trước cổng điểm thi, những lời động viên từ phụ huynh như tiếp thêm sức mạnh cho các con. "Đừng lo, có mẹ ở ngoài này chờ con" - một phụ huynh gọi với khi thấy con quay đầu lại nhìn mình. 

Tại điểm thi THPT Lê Hồng Phong, Tp.HCM, nơi có nhiều thí sinh từ xa về dự thi, nhiều phụ huynh buộc ở lại trước điểm thi để đợi con. Tất cả tự động giãn cách nhau từ 2-3m. Ông Quế (ngụ Tp. Thủ Đức) cho biết: "Chúng tôi tự động phòng chống dịch cũng để bảo vệ sức khỏe cho con và gia đình, giúp con ổn định tâm lý trong suốt kỳ thi. Kỳ thi này là thành quả của 12 năm học của con nên tôi rất lo và đã dặn dò con trước tiên phải tuân thủ việc phòng dịch và quy chế thi". 

Tại điểm thi Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tp. Cần Thơ), phụ huynh Nguyễn Hoàng Thành cho biết: "Tui nghỉ làm để đón con nhằm tiếp thêm sức và tự tin cho con mình. Tui hy vọng con làm tốt được bài để đậu vào ngành yêu thích. Mưa hay nắng gì chiều nay tui cũng sẽ đưa đón con hết". 
Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 10,7-15; thứ Năm, tuần XIV Thường niên)

Trích đoạn Tin mừng của ngày hôm nay cho thấy, sự hiện diện của Nước Trời còn phải được chứng minh bằng chính nếp sống của người tông đồ: nghèo khó và đơn giản về tiện nghi vật chất và siêu thoát về tình cảm nhân loại. Như thế, với tâm hồn tự do, không lệ thuộc, không bám trụ, người thừa sai luôn luôn ở thế lữ hành, mang bình an tức là sự sống mới cho mọi người thành tâm thiện chí. Cuối cùng, Thợ thì đáng được nuôi ăn không những có ý nói người thừa sai phải biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa trong khi phục vụ Tin Mừng, mà còn ngụ ý nói tới trách nhiệm của cộng đoàn, phải lo phương tiện sống và hoạt động cho họ.

Trước hết, Đức Giêsu đã đưa ra những chỉ thị liên quan đến việc truyền giáo, đó là phải loan báo cho mọi người biết: Triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần, đồng thời chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được khỏi bệnh, xua trừ ma quỷ. Ở đây, rõ ràng Đức Giêsu muốn các môn đệ khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng, họ không chỉ dùng lời nói nhưng còn thực thi những việc làm cụ thể để phục vụ con người; không chỉ là cứu chữa về mặt thể lý, nhưng còn đem đến sự giải thoát cho linh hồn.

Tiếp đến, Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ: không được mang theo vàng bạc hay túi tiền. Trong văn chương Hy Lạp, “túi tiền” gần như đồng nghĩa với dây thắt lưng. Thắt lưng của người Do Thái hơi rộng bản, hai đầu dây to gấp đôi để cất tiền. Do đó, thắt lưng trở thành “ruột tượng” của người Do Thái, giống như kiểu các cụ ngày xưa ở ta vẫn làm. Túi tiền ở đây cũng có thể hiểu là cái túi xách thường dùng đựng thức ăn. Trong tiếng Hy Lạp, chữ “pera” cũng có nghĩa là cái bị ăn xin của người hành khất. Các triết gia cũng hay có những cái túi như vậy để quyên tiền sau khi họ diễn thuyết. 

Ngang qua tất cả những chỉ thị này, Đức Giêsu không hề làm cho các môn đệ cảm thấy khó chịu; bởi vì, Ngài chỉ lặp lại những lời rất quen thuộc đối với người Do Thái. Sách Talmud cho biết: “Không ai được lên núi có đền thờ với gậy, giày, thắt lưng có tiền hoặc chân lấm bụi”, có nghĩa là khi vào đền thờ, người ta phải để lại phía sau tất cả mọi sự liên hệ đến làm ăn buôn bán và các việc của thế gian. Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ phải chứng tỏ bằng thái độ rạch ròi đối với vật chất và mối quan tâm lớn nhất là chính Chúa chứ không phải là những của cải bên ngoài. 1Đức Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là loan báo Triều đại Nước Thiên Chúa. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền dạy. Ngài mời gọi họ dấn thân sống trọn vẹn lý tưởng của người môn đệ. Điều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo phải hết sức gọn nhẹ, bên cạnh đó là một tâm hồn thanh thoát và mau lẹ. Tất cả những thứ khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn gây ngăn trở cho việc truyền giáo.

Cuối cùng, truyền giáo là nhiệm vụ của tất cả các Kitô hữu chúng ta. Truyền giáo chỉ thực sự thành công khi chúng ta biết phối hợp cách nhịp nhàng giữa lời nói và việc làm, nhất là các gương sáng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Như vậy, những việc làm của chúng ta đều có ảnh hưởng đến người khác, nhất là nơi những người gần gũi với mình. Thế nhưng, có khi nào chúng ta tự hỏi: Qua lời nói, việc làm và đời sống của mình, chúng ta có đưa người khác đến với Chúa không hay chính chúng ta lại làm cho họ ngày một xa Chúa, xa Giáo hội? 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức sứ mệnh Chúa đã trao và quảng đại dấn thân để góp phần mở rộng Nước Chúa nơi trần gian này. Xin đừng để chúng con vì ham thích hưởng thụ mà xao nhãng phận vụ Chúa đã giao phó. Xin cho đôi chân của chúng con trở nên thanh thoát để có thể tung gieo Lời Huyền Nhiệm cho người khác trong tươi vui và tràn ngập an bình. Xin giải thoát chúng con khỏi những thứ thường ngày hay cậy dựa để chỉ còn biết nương tựa vào một mình Chúa mà thôi. 

4. Lời bàn 

- Các thầy tư tế thường được mô tả như là "những quân trộm cướp ngoan đạo với các chiến lợi phẩm phình to thêm, từ làng này sang làng khác". Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa thứ nhất thì từ ý tưởng này, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài đừng mang theo thức ăn hay bất cứ vật gì nhằm bảo đảm an toàn cho tính mạng khi đi đường, nhưng phải tin cậy vào Thiên Chúa trong mọi sự. Còn theo nghĩa thứ hai, thì lời dạy ấy có nghĩa là họ không nên tham lam mà vơ vét như các thầy tư tế. Họ phải đi đây đó để ban phát chứ không phải để thâu thập của cải. Theo quan sát của bạn, những nhà truyền giáo của chúng ta ngày nay đang ứng với ý nghĩa nào? Với bản thân, nếu tự coi mình là một nhà truyền giáo thì tôi vẫn chưa vứt bỏ những được thứ cồng kềnh, lỉnh kỉnh vì sợ rằng sẽ có lúc cần tới chúng. Tôi thích đội chiếc mũ của những bằng cấp đang có, ưa mặc những thứ áo quần sang chảnh, thích mang đôi giày hàng hiệu, thích ví lúc nào cũng có nhiều tiền và vui thú khi cầm trong tay chiếc gậy của quyền uy. Tôi biết mình ra nặng nề với những thứ tầm thường ấy, nhưng chưa biết tới bao giờ mới buông tay cho thanh thản cõi lòng. 

- Đức Giêsu phán: “Anh em được cho không thì cũng phải cho không như vậy”. Một Rabbi phải dạy dỗ miễn phí, họ bị cấm tuyệt đối không được nhận thù lao về việc dạy Luật mà Môsê đã nhận không từ Chúa. Chỉ có một trường hợp các Rabbi có thể nhận tiền là khi dạy trẻ em vì việc đó là bổn phận của cha mẹ. Không ai buộc phải để thì giờ và công khó làm điều thuộc bổn phận của cha mẹ, nhưng sự dạy dỗ cao hơn thì không được nhận tiền hoặc thù lao. Trong sách Mishnah, Luật quy định: “Nếu có một người nhận tiền để phân xử thì sự phân xử đó không có giá trị, nếu một người nhận tiền để làm nhân chứng, thì lời chứng của người đó cũng vô giá trị. Rabbi Zadok nói: “Đừng biến luật thành vương miện cho mình, cũng đừng dùng luật làm cái xẻng để đào xới”. Còn Rabbi Hillel thì nói: “Người nào sử dụng mão miện của luật cách trần tục thì đó là người phí của. Từ đó có thể suy ra, người nào dùng luật để kiếm lợi là chuốc lấy sự hủy diệt cho chính mình”. Vì như có quy định: “Thiên Chúa đã ban cách nhưng không cho Môsê, người cũng phải làm như vậy”. 

- “Làm thợ thì đáng được nuôi ăn”. Đây là điều mà người Do Thái nào cũng có thể hiểu. Một Rabbi không được nhận thù lao nhưng thực tế thì người ta đã coi việc cấp dưỡng cho Rabbi là một đặc ân và nghĩa vụ nên làm, nếu vị đó thật là người của Chúa. Rabbi Eliezer Ben Jacob nói: “Người nào tiếp đãi một Rabbi trong nhà và coi như khách của mình, đồng thời cho họ hưởng mọi tiện nghi mình có thì Kinh Thánh coi như người đó đã dâng lễ tế hằng ngày vậy”. Rabbi Jochanan còn nói thêm rằng: “Bổn phận của mỗi cộng đồng Do Thái là phải cấp dưỡng cho một Rabbi và đáng lẽ phải làm hơn thế nữa vì Rabbi đã bỏ mọi việc riêng để chuyên lo công việc của Chúa”. Phải chăng đây là một thứ ngụy biện mà cho đến ngày nay vẫn còn đeo bám nhiều người nhận mình là môn đệ của Chúa? Thiết nghĩ rằng, các vị mục tử của Chúa không được mặc nhiên coi bổn phận chu cấp cho các nhu cầu nuôi sống mình thuộc về các tín hữu. Chẳng phải vô tình khi mà mỗi giáo phận đều quy định mức bổng lễ dành cho các linh mục. Thế nhưng, thi thoảng chúng ta lại được nghe những chuyện không vui liên quan tới vấn đề này. Là Kitô hữu, chúng ta đừng quá lăn tăn về chuyện ít hay nhiều trong việc xin lễ hay dâng cúng; bởi vì, Chúa sẽ không để các mục tử của Ngài phải chịu thiệt thòi. 

- Sự chào chúc bình an trong trích đoạn Tin mừng này cũng mang một ý nghĩa rất đặc biệt đối với người Do Thái. Ở đây nói tới việc các môn đệ có thể cầu xin Chúa chúc phúc trên một gia đình mà họ sẽ đến lưu ngụ, nhưng nếu ở đó không xứng đáng thì phúc lành của Chúa sẽ trở lại với họ. Nơi nào sứ điệp bị từ chối, thì sứ giả của Chúa phải phủi bụi dưới chân và đi nơi khác. Đối với người Do Thái, bụi đất ở các thành của dân ngoại hoặc trên đường đi đều bị ô uế. Bởi vậy, khi người Do Thái vượt qua biên giới Palestine rồi trở về thì người đó phải phủi sạch bụi bặm đường sá. Đức Giêsu phán: “Nếu thành nào và làng nào không tiếp rước anh em thì phải coi nơi đó như chỗ của dân ngoại”. Điều này cũng có nghĩa là, thời giờ ngắn ngủi nhưng nhiệm vụ thì cấp bách nên phải đi ngay, không cần tranh luận hay thuyết phục. Họ đã có cơ hội được nghe Tin mừng, nhưng nếu họ từ chối thì lẽ dĩ nhiên cơ hội sẽ chẳng còn đến với họ nữa, và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Từ chối cũng có nghĩa là xúc phạm đối với Chúa và như vậy, cũng chẳng cần sự hiện diện của các sứ giả nữa, ngay cả bụi đất nơi ấy cũng nhiễm uế và cần phải loại bỏ trước khi tiếp tục lên đường. 

- Bình an chính là ân sủng của Thiên Chúa, là hoa trái của ơn cứu độ, là hạnh phúc mà con người hằng khao khát. Chính vì thế, sau khi Phục sinh, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu đều trao ban bình an cho các ông. Đó là bình an đích thực của Đức Giêsu, sự bình an mà Ngài đã nói là không giống với bình an của thế gian ban tặng. Nhưng để có được sự bình an này, tâm hồn chúng ta phải có Chúa. Bởi đó, khi sai các môn ra đi loan báo Tin mừng, Đức Giêsu đòi các ông phải có tinh thần siêu thoát, không được dính bén với những của cải vật chất. Điều đó có nghĩa là, chỉ khi nào không còn bận tâm với những của cải đời này, con người mới thực sự được Thiên Chúa ban tặng thứ bình an đích thực. Là Kitô hữu, chúng ta không chỉ phải siêu thoát với những của cải vật chất, mà còn phải vượt lên trên đối với những ham muốn bất chính, những hận thù ghen ghét; hay nói khác đi là cần phải có một tâm hồn thanh sạch. Ai trong chúng ta cũng đều khao khát và tìm kiếm bình an. Bởi vì, giả như có tất cả mà không có bình an trong tâm hồn, con người sẽ vẫn phải sống trong đau khổ, phiền muộn và bất hạnh của kiếp người. 

- Nhiều người chia sẻ với tôi rằng, linh mục Dòng nghèo lắm. Tôi ậm ừ cho qua vì biết rằng họ đang muốn nói với mình về điều gì. Chẳng biết từ bao giờ, chuyện “giàu-nghèo” lại trở thành thứ để người ta phân biệt giữa linh mục Dòng với linh mục Triều. Nên biết rằng, khi mời gọi các môn đệ phải sống tối giản trong lúc thi hành sứ mệnh truyền giáo, Đức Giêsu muốn họ phải có tâm hồn khiêm tốn, phó thác và cậy trông nơi một mình Thiên Chúa. Thiếu đi những thứ đó, người môn đệ sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp thất bại hoặc sẽ tự mãn khi gặt hái đôi chút thành công. Thái cực nào cũng là một thất bại, là một mối nguy hiểm cho người môn đệ của Chúa. Ngoài ra, khi mời gọi các đồ đệ của mình phải trở nên thanh thoát trước những của cải thế gian, hẳn rằng Đức Giêsu cũng muốn họ phải có một tâm hồn thực sự quảng đại: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”. Như thế, xét cho cùng, đời sống khó nghèo mà Đức Giêsu muốn nói tới, không phải là không có của cải vật chất, mà chính là thái độ siêu thoát đối với nó để những người môn đệ sẵn sàng cho đi mà không hề toan tính thiệt hơn. 

- "Đừng lo, có mẹ ở ngoài này chờ con", trở thành lời động viên chất chứa bao nỗi lòng của các bậc sinh thành. Alexandre Dumas từng nói: “Tất cả sự khôn ngoan của con người được tập hợp lại trong hai từ: chờ đợi và hy vọng”. Thế nhưng, sự đợi chờ của các bậc cha mẹ lúc này lại được thêu dệt nên bởi một sợi dây yêu thương mà chẳng có sự khôn ngoan nào có thể dò thấu hay diễn tả được. Cách nào đó, họ là những người còn lo lắng và hoang mang hơn cả các sĩ tử đang phải đánh vật với văn chương chữ nghĩa hay những mệnh đề toán học. Họ không lo sao được khi biết tin về một vài ca dương tính với Covid cũng tham gia ứng thí trong cuộc “vượt vũ môn” này. Họ không hoảng hốt sao được khi hay tin quê nhà bị phong tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm. Họ không ưu phiền sao được khi biết rằng, ngay sau khi buổi thi cuối cùng của ngày hôm nay kết thúc, toàn thành phố sẽ phải thực hiện lệnh cách ly xã hội trên diện rộng. Họ không trăn trở sao được khi mà chén cơm manh áo sẽ bị đe dọa trong những ngày Sài Gòn tiếp tục kéo dài chuyện “cấm chợ ngăn sông”. Và, họ bình an sao được khi mà đi tới đâu, người khác cũng ngờ ngợ mình thuộc diện F0, rồi dè chừng hoặc xa lánh. Các môn đệ năm xưa hăng hái lên đường trong sự tín thác vào Chúa và họ đã thành công. Chúng ta hôm nay cũng nhận mình là môn sinh của Chúa; thế nhưng, giữa thời khắc khó khăn này, liệu rằng đức tin của chúng ta có đủ mạnh mẽ để đương đầu với cơn nguy biến này không? Một lần nữa, tôi cầu xin cho đại dịch mau qua, mong cho quốc thái dân an và nhất là xin Chúa gìn giữ các sĩ tử của chúng ta luôn được bình an. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1199,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4608,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 10,7-15; thứ Năm, tuần XIV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 10,7-15; thứ Năm, tuần XIV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 10,7-15; thứ Năm, tuần XIV Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh4J9j4yLjd5w6otftfhbo5FUsy02-kByoZoqkrdkwq4rLgV4rXX8YGZNeeWEWmaRjFRbPwPVhFh0000o1EUZAPAiE4lu6_tfvBuMrpKyjrC8OjZTaTDelRK-fqLqCsZVPSaa9JThzcHRg/w820-h469/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh4J9j4yLjd5w6otftfhbo5FUsy02-kByoZoqkrdkwq4rLgV4rXX8YGZNeeWEWmaRjFRbPwPVhFh0000o1EUZAPAiE4lu6_tfvBuMrpKyjrC8OjZTaTDelRK-fqLqCsZVPSaa9JThzcHRg/s72-w820-c-h469/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-107-15-thu-nam-tuan-xiv.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-107-15-thu-nam-tuan-xiv.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content