Góc Suy Gẫm - Mt 10,16-23; thứ Sáu, tuần XIV Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 10,16-23; thứ Sáu, tuần XIV Thường niên


Góc Suy Gẫm - Mt 10,16-23; thứ Sáu, tuần XIV Thường niên 

Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
20 NHÀ TRUYỀN GIÁO BỊ GIẾT HẠI TRÊN THẾ GIỚI VÀO NĂM 2020 

Hãng thông tấn của Vatican đã lập một danh sách bao gồm những người làm công tác mục vụ, hay những người mà họ mô tả là “những nhà truyền giáo”, những người đã bị giết hại trên thế giới trong năm 2020. Danh sách hàng năm cho biết 20 “nhà truyền giáo” bị giết hại bao gồm 8 Linh mục, 1 Tu sĩ, 3 Nữ tu, 2 Chủng sinh và 6 giáo dân. AFides sử dụng thuật ngữ “nhà truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức được những điều Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong Tông Huấn “Evangelii Gaudium”: “Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả mọi thành phần Dân Chúa đều trở thành những môn đệ truyền giáo”. Trên thực tế, “Mọi Kitô hữu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “đều là một nhà truyền giáo ở mức độ mà họ đã gặp được tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói rằng chúng ta là ‘những người môn đệ’ và ‘những nhà truyền giáo’, mà thay vào đó, chúng ta luôn là ‘những môn đệ truyền giáo’”. 

Con số thương vong cao nhất trong năm nay là ở châu Mỹ, với 5 Linh mục và 3 giáo dân bị giết hại. Tiếp theo là Châu Phi với 3 Nữ tu, 2 giáo dân và một Linh mục và một Chủng sinh. Ở châu Á, một Linh mục, một Chủng sinh và một giáo dân bị giết hại, và ở châu Âu, một Linh mục và một Tu sĩ đã bị sát hại. Trong 20 năm qua, từ 2000 đến 2020, 535 nhân viên mục vụ đã bị giết hại trên toàn thế giới, trong đó có 5 Giám mục. 

Chứng nhân” giữa đời sống thường nhật 

Hiện tại, Fides đã đưa vào danh sách hàng năm của mình không chỉ các nhà truyền giáo “ad gentes” theo nghĩa chính xác, tức là những người làm việc trong các lãnh thổ truyền giáo phần lớn không theo thuộc Kitô giáo, nhưng cố gắng mời gọi tất cả những người đã được rửa tội tham gia vào đời sống Giáo Hội. Nhiều người trong số những người làm công tác mục vụ này đã bị giết hại một cách dã man “vì thái độ thù hận đối với đức tin”, tức là tử vì đạo. Không sử dụng thuật ngữ “những người tử vì đạo”, Fides muốn ngụ ý sử dụng nghĩa từ nguyên của từ “chứng nhân” cho những người này. 

Về vấn đề này, hãng thông tấn của Vatican lưu ý rằng vào năm 2020, nhiều nhân viên mục vụ đã bị giết hại trong các vụ cướp hoặc trộm cắp, đôi khi vô cùng man rợ. Một số người trong số họ đã bị bắt cóc hoặc là nạn nhân của các hành vi bạo lực. Họ đã ngã xuống khi thực hiện cam kết của mình trong những hoàn cảnh bị đánh dấu bởi sự nghèo đói về kinh tế và văn hóa, sự xuống cấp về mặt đạo đức và môi trường, nơi mà bạo lực và áp bức hoàn toàn không coi trọng sự sống và mọi quyền con người là một chuẩn mực. 

Tại El Salvador, Linh mục Ricardo Antonio Cortéz đã bị giết hại bởi nhiều phát súng trên đường vào ngày 7 tháng Tám. Tại Brazil, Linh mục Adriano da Silva Barros đã bị bắt cóc và người ta tìm thấy thi thể của ngài vào ngày 14 tháng 10. ATại Burkina Faso, một Giáo lý viên đã bị giết hại cùng với một nhóm người khác vào ngày 16 tháng 2, trong một vụ tấn công của các chiến binh thánh chiến nhắm vào ngôi làng Pansi. Ở Gabon, Nữ tu Lydie Oyanem Nzoughe đã bị tấn công và bị giết hại vào tháng 3, trong một ngôi nhà dành cho những người già neo đơn bị bỏ rơi ở Libreville, nơi Sơ đang làm việc. 

Trong khi đó, ở Indonesia, thi thể của Chủng sinh Zhage Sil đã được tìm thấy trong một con mương ở Jayapura vào ngày 24 tháng 12. ATại Ý, Linh mục Roberto Malgesini đã bị một người đàn ông vô gia cư bị tâm thần sát hại ở Como vào ngày 15 tháng 9. Cha Malgesini đang làm việc giữa những người nghèo khổ trong khu vực. AHãng thông tấn Vatican lưu ý rằng không ai trong số họ tham gia vào các dự án nổi bật. Họ chỉ đơn giản chia sẻ bằng những công việc khiêm tốn của mình cho cuộc sống của hầu hết những người được giao phó cho họ chăm sóc, làm chứng cho niềm hy vọng Kitô giáo. 

“Những vị tử đạo” trong đại dịch 

AFides cũng lưu ý rằng hàng trăm Linh mục, Tu sĩ, Tuyên úy bệnh viện, nhân viên mục vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng như nhiều Giám mục đã qua đời trong đại dịch, khi thi hành sứ vụ của họ. Họ đã nỗ lực hết sức mình để giúp đỡ những người nhiễm vi-rút ở những nơi họ phục vụ mà không giảm bớt công việc của họ. 

Fides báo cáo rằng các Linh mục và Tu sĩ là nhóm lớn thứ hai, sau các bác sĩ, những người đã ngã xuống vì Covid-19 ở châu Âu. Theo báo cáo một phần của Hội đồng Giám mục Châu Âu, từ cuối tháng Hai đến cuối tháng Chín, ít nhất 400 Linh mục đã qua đời ở lục địa này. Nhiều người trong số họ là những nhà truyền giáo, những người đã cống hiến hết mình trong suốt những năm dài ở vùng đất truyền giáo giữa những khó khăn và gian khổ, đã chống chọi lại với virus. Minh Tuệ (theo Vatican News) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 10,16-23; thứ Sáu, tuần XIV Thường niên)

Trích đoạn Tin mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Trên hành trình đó, họ sẽ đối mặt với nguy hiểm và bị bách hại: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”. Qua hình ảnh bầy sói dường như Chúa muốn ám chỉ đến các ngôn sứ giả, để cảnh giác các môn đệ trước những chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh Lời Chúa để phá hoại Tin Mừng. Trước âm mưu xảo quyệt và nguỵ biện như thế, người môn đệ phải khôn như rắn. Rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh. Người môn đệ đừng để mình bị lọt vào tròng của những ông tiến sĩ giả, nếu cần thì phải tránh đụng độ với họ. Tuy nhiên, vẫn phải giữ tâm hồn và thái độ đơn sơ hiền hậu như bồ câu, loài chim hơi nghe tiếng động là bay và vẫn được coi là vô hại. 

Sự đối nghịch giữa con chiên hiền lành là môn đệ Đức Giêsu với sói dữ là thế gian thù nghịch đã cho thấy bị bách hại là số phận tất yếu của các môn đệ đến độ, nếu không bị bách hại hay chống đối thì rất có thể đó là một Giáo Hội đã thỏa hiệp với thế gian. Một khi đã như thế thì Giáo Hội không còn của Chúa Kitô nữa; bởi vì Đức Giêsu đã cho thấy đâu là lý do khiến Giáo Hội bị chống đối, bị bách hại: //“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15, 18 – 19). 

Hơn nữa, có thể nói chính khi Giáo Hội bị bách hại, bị chống đối, thì đó lại là cơ hội tốt để Giáo Hội làm chứng cho Đức Giêsu như lời Ngài đã loan báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết”. Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị hay là một sự phản kháng lại những thế lực đã rắp tâm hãm hại mình. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Đức Giêsu, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng,… cũng có thể sánh ví như những cuộc “bách hại” do chính khuynh hướng tự nhiên nơi mỗi con người rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại thì nó càng trở nên trung thành và nên giống Đức Giêsu hơn. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng rất thiết tha với điều này khi ngài nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp". 

Có nhiều lý do khiến các Kitô hữu bị bách hại. Họ bị tố cáo là những kẻ ăn thịt người dựa trên những lời được tuyên đọc trong Thánh lễ khi nói đến ăn Mình và uống Máu Đức Giêsu. Bên cạnh đó, họ cũng bị tố cáo là những kẻ vô luân. Hơn thế nữa, họ còn bị tố cáo là những kẻ bất trung và là những công dân cứng đầu vì không chịu tuyên thệ trung thành trước tượng thờ của các vị hoàng đế. Chúng ta không biết chắc người ngoại đạo có tin những lời vu cáo ấy hay không; chỉ có điều, vẫn còn đó những bịa đặt nghiêm trọng hơn, tức là quy kết cho các Kitô hữu đã phá vỡ những mối liên hệ thân thiết trong các gia đình. Thật vậy, Kitô giáo thường bị coi là duyên cớ khiến cho các gia đình bị tan đàn xẻ nghé; còn người ngoại thì thường kết tội nó như là căn nguyên đưa tới bất hòa giữa cha mẹ và con cái; đồng thời, nó cũng là mầm mống của sự đổ vỡ trong đời sống hôn nhân giữa các cặp vợ chồng. 

Có lẽ ngày nay chúng ta ít có cơ hội để làm chứng cho Chúa trước mặt vua chúa quan quyền như các Tông đồ khi xưa, nhưng chúng ta lại được mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu ngay trong gia đình, ngay trong khu xóm khi chúng ta dám khước từ mọi thứ mời mọc của thế gian, khi chúng ta dám sống triệt để những đòi hỏi của Tin mừng, đặc biệt là những đòi hỏi của giới luật yêu thương, cho dù vì thế mà chúng ta phải gánh chịu đau khổ hay thậm chí là sự chống đối, hận thù. 

Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Đức Giêsu đã trở thành nạn nhân của sự nhục mạ và chống đối. Cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi cảnh bị chống đối và khai trừ như xưa kia Chúa đã hứng chịu. Chúng ta luôn mong cho Lời Chúa được lan rộng khắp nơi; nhưng điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta luôn phải đối diện với những chống báng của thế gian một cách khôn ngoan như Chúa đã truyền dạy, và khi cần, cũng dám chấp nhận hy sinh để bảo vệ đức tin của mình. /

Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi các môn đệ tham gia vào một cuộc truyền giảng Tin mừng đầy mạo hiểm và cam go; thế nhưng, Ngài đã không bỏ mặc các ông phải chới với giữa sóng nước ba đào. Xin cho con thuyền của Giáo Hội, trên suốt hành trình của mình, cũng luôn có Chúa ở kề bên. Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn thiết tha với sứ vụ giảng thuyết của mình, ngõ hầu Danh Chúa sớm được mọi người biết đến và ca khen chúc tụng. Xin cho chúng con đừng vì một chút dễ dãi hay vinh hoa lợi lộc mà lãng quên phận vụ trở nên nhân chứng của Tin Mừng. 

4. Lời bàn

- Đức Giêsu không ngần ngại cho các môn đệ biết điều mà họ sẽ gặp nếu đi theo Ngài. Có lẽ Hội Thánh cũng cần phải học cho biết là chúng ta sẽ không bao giờ có thể lôi kéo được người khác theo Chúa một cách dễ dàng và mau lẹ; chỉ có tiếng gọi hào hùng mới đụng được đến lòng người và chỉ có sự dâng tặng mạng sống của người môn đệ mới trở thành lời chứng hùng hồn nhất. Những sứ giả của Chúa luôn phải đương đầu với những khó khăn mà chính họ không bao giờ lường trước được. Theo Chúa thì bấp bênh, còn đảm nhận công việc truyền giáo thì lại giống như lao vào một trận chiến đầy cam go và thử thách; ở nơi đó, người môn đệ của Chúa phải chấp nhận đánh cược cả mạng sống của mình. Những sứ giả được sai đi không chỉ bị xua đuổi nhưng nhiều khi còn gặp phải “sói dữ” tấn công. Dẫu biết khó khăn là như thế, nhưng Đức Giêsu vẫn sai phái họ lên đường. Về điểm này, chúng ta cần có một cái nhìn tích cực, tức là Đức Giêsu không hề đẩy họ vào chỗ chết bằng mọi giá. Ngài luôn ở bên họ, nếu như họ biết phó thác và biết giữ mình khỏi những thỏa hiệp với thế gian. Khi bị đem ra xét xử trước tòa, môn đệ của Chúa không cần phải lo lắng về điều sẽ nói, vì Chúa sẽ ban lời như đã hứa với Môsê: “Chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và Ta sẽ chỉ cho ngươi phải nói những gì” (Xh 4,12). Các Kitô hữu đầu tiên không sợ bị hạ nhục, cũng không sợ bị đối xử tàn nhẫn và đau đớn. Nhưng có lẽ điều họ lo lắng đó là, vì không khéo ăn nói nên sợ rằng sự biện bạch của mình có thể gây thiệt hại thay vì ca tụng đức tin. Đời sống đức tin của chúng ta ngày nay cũng thế thôi, nếu chúng ta không biết cẩn trọng trong những phát ngôn của mình, thì rất có thể những điều mình nói sẽ trở thành bằng chứng cáo tội chúng ta trước mặt thế gian. 

- Đức Giêsu dạy các môn đệ phải dè chừng những người lạ lẫm với đức tin, bởi vì sứ điệp của Ngài khiến họ cảm thấy bất ổn. Họ sẽ nhân vì điều này mà tố cáo các môn đệ là những kẻ phá rối tôn giáo. Các môn đệ sẽ bị đánh đòn, nhục mạ và loại ra khỏi hội đường. Chắc rằng vào thời Đức Giêsu, các môn đệ chưa thể mường tượng ra được mức độ tàn khốc của các cuộc bách hại. Thế nhưng, khi Tin Mừng này được viết ra thì chắc chắn thánh Mátthêu đã cùng các tín hữu thời sơ khai chứng kiến tận mắt những thảm cảnh kinh hoàng. Nhiều phúc nhân của Chúa đã làm chứng trước tòa và nếm cảnh đầu rơi máu chảy. Các môn đệ là những người đã và đang lội ngược dòng với thế gian; chính vì thế, họ luôn trở thành đối tượng của một thế gian thù ghét. 

- Các môn đệ không chỉ gặp phải sự chống đối từ những người trong gia đình hay trong đất nước, mà nó còn đến từ sự chèn ép của chính quyền Rôma. Khó khăn thật sự là vấn đề địa vị người nô lệ trong Hội Thánh. Hiểm họa khôn lường của đế quốc là nô lệ ở các nơi nhất tề nổi loạn. Nếu muốn cơ cấu của đế quốc yên ổn, những nô lệ này phải ở đúng vị trí của mình, không ai được phép khuyến khích họ nổi loạn vì hậu quả sẽ khủng khiếp không thể tưởng tượng được. Tuy Giáo Hội không tìm cách phóng thích nô lệ hoặc lên án chế độ nô lệ nhưng thực tế, ở ngay giữa lòng Giáo Hội, những người nô lệ bao giờ cũng được đối xử công bằng hơn. 

- Cũng nên biết rằng, có những người từng xuất thân là nô lệ nhưng rồi lại được nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Giáo Hội. Đầu thế kỷ II, có hai giám mục tại Roma là Callistus và Pius, đã từng là nô lệ. Các kỳ mục và các trợ tá là nô lệ cũng không phải là điều gì đó bất thường. Khoảng năm 220, Callistus đã tuyên bố Hội Thánh sẽ phê chuẩn đám cưới của một cô gái con nhà gia thế với một người nam là nô lệ được phóng thích, một đám cưới mà theo luật Rôma là bất hợp pháp. Qua cách đối xử với các nô lệ, Giáo Hội đã bị chính quyền Rôma coi là một lực lượng hủy hoại nền văn minh và đe dọa chính sự tồn tại của đế quốc bằng cách cho nô lệ một địa vị mà theo luật Rôma, họ không bao giờ có được. 

- “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác”. Đây là lời khuyên dành cho tất cả các môn đệ, phải khôn ngoan và luôn tỉnh táo. Trong thời gian có bách hại, hiểm nguy luôn đe dọa các chứng nhân của Chúa. Đức Giêsu đã dạy môn đệ là không nên phung phí đời sống một cách vô lý, họ không được ném bỏ đời mình một cách vô nghĩa, không cần thiết. Như có người đã nói, đời sống của chứng nhân là rất quý giá, vì thế không bao giờ được sử dụng một cách cẩu thả. Đôi khi người tín hữu phải dám chết vì đức tin của mình, nhưng họ không được coi rẻ mạng sống, vì như thế chẳng giúp ích gì cho đức tin. Đã hẳn thừa sai là phải can đảm và kiên trì trong bách hại và khủng bố, nhưng không được liều mạng một cách vô ích; nếu cần thì cũng phải trốn tránh nguy hiểm được phần nào hay phần đó. 

- Người ta bảo rằng, dám chạy trốn khỏi nguy hiểm đôi khi còn anh hùng hơn là dừng lại để đối đầu. Phải có sự khôn ngoan mới biết khi nào nên tránh và lúc nào thì trụ lại. Có lúc bất động lại khôn ngoan hơn hành động, và có khi lẩn trốn lại khôn ngoan hơn cả tấn công. Nếu một người yếu đức tin, tốt hơn hết là tránh tranh luận về những việc đáng ngờ, đừng dấn thân vào đó. Nếu biết mình có thể bị sa chước cám dỗ nào, thì tốt hơn là đừng lai vãng và lại gần chuyện trò với nó. Nếu biết có những người hay chọc giận mình, tốt hơn là nên tránh xa con người ấy và đừng tìm kiếm nó. Can đảm không phải là cẩu thả; liều mình cách không cần thiết thì cũng chẳng phải là một đức hạnh. Ân sủng Chúa không dành để bảo vệ những kẻ điên dại, nhưng luôn trợ giúp những người thận trọng và biết lo xa. 

- “Họ đã ngã xuống khi thực hiện cam kết của mình trong những hoàn cảnh bị đánh dấu bởi sự nghèo đói về kinh tế và văn hóa, sự xuống cấp về mặt đạo đức và môi trường, nơi mà bạo lực và áp bức hoàn toàn không coi trọng sự sống và mọi quyền con người là một chuẩn mực”. Nhìn vào những con số thống kê liên quan tới các nhà truyền giáo bị sát hại trong năm vừa qua, chúng ta nhận ra sự tàn ác khủng khiếp mà các môn đệ của Đức Giêsu đang ngày đêm phải đối diện. Thế nhưng, chắc chắn đó chưa phải là những sứ giả cuối cùng sẽ nằm xuống vì công cuộc loan báo Tin Mừng. Chúng ta mong cho máu của các vị đã đổ ra sẽ làm nảy sinh những hoa trái tốt đẹp cho Giáo Hội. Có thể sự lạm sát này sẽ còn tiếp diễn và nó khiến chúng ta chùn chân; thế nhưng, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng, đức tin được trở nên kiên vững nhờ vượt thắng những gian lao. Còn nhát đảm và sợ hãi chẳng bao giờ có thể đưa đến một xác quyết tinh ròng. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1537,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,188,Cộng Đoàn,747,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,349,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1024,Hội Thánh,305,Kiến Thức,68,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1150,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,181,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4553,Suy niệm,1091,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,684,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,140,Tài liệu,516,Tập San Lên Đường,561,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,938,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1969,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1594,Video Nhạc - Phim,559,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 10,16-23; thứ Sáu, tuần XIV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 10,16-23; thứ Sáu, tuần XIV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 10,16-23; thứ Sáu, tuần XIV Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjbo0k0GYsX5rluPKAbjMfkb5MEiqmCSXk85_J3-weuczyaqAQ_dicyIIbO_cWjBWcUFs0ykfJxNdTHoKhYQu4lXrmm74_oxnQjGO6sJrIXOOovZf35eqJ42Kp_DrlGIkKfeOrGY4tcAqg/w718-h410/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjbo0k0GYsX5rluPKAbjMfkb5MEiqmCSXk85_J3-weuczyaqAQ_dicyIIbO_cWjBWcUFs0ykfJxNdTHoKhYQu4lXrmm74_oxnQjGO6sJrIXOOovZf35eqJ42Kp_DrlGIkKfeOrGY4tcAqg/s72-w718-c-h410/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-1016-23-thu-sau-tuan-xiv.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-1016-23-thu-sau-tuan-xiv.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content