Góc Suy Gẫm - Mt 8,5-17; thứ Bảy, tuần XII Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 8,5-17; thứ Bảy, tuần XII Thường niên


Góc Suy Gẫm - Mt 8,5-17; thứ Bảy, tuần XII Thường niên 
Góc Suy Gẫm – Mùa dịch Covid-19

1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay) 
XÚC ĐỘNG BÉ GÁI 5 TUỔI XA GIA ĐÌNH ĐI ĐIỀU TRỊ COVID-19 

(NLĐO) - Ba của bé gái này bị nhiễm SARS-CoV-2 và được đưa đi điều trị, mẹ bé là F1 và được đưa đi cách ly tập trung. Bé sống với bà ngoại và dì thì người bà cũng mắc Covid-19. 

Tối 24-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp. HCM (HCDC) phát hình ảnh xúc động về một bệnh nhi Covid-19 được đưa đi điều trị. Đoạn video được điều dưỡng Nguyễn Thanh Trúc - nhân viên phòng chống dịch Trạm Y tế xã Phong Phú, huyện Bình Chánh - quay lại hình ảnh bé gái nhỏ 5 tuổi, một mình lên xe y tế của Bệnh viện huyện Bình Chánh để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19. Nhìn hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng thùng thình, một mình leo lên chiếc xe cấp cứu, thương vô cùng. 

Được biết, trước đó ba của bé có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và đã được đưa đi điều trị. Mẹ bé là F1 được đưa đi cách ly tập trung. Sau đánh giá nguy cơ, bé được cách ly ở nhà với bà ngoại và dì. Sau đó, bà ngoại cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được chuyển đi điều trị. Ngày 23-6, bé có triệu chứng và được làm xét nghiệm cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được các cô chú nhân viên y tế đưa đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. 

Theo lời kể của các nhân viên y tế, bé gái nghe lời các cô chú y tế hướng dẫn mặc đồ phòng hộ, tự mình lên xe và ngoan ngoãn ngồi yên suốt chặng đường. Bé ở cùng với bà ngoại đang điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương, hiện tình trạng ổn định. 

Hiện nay, Thành phố cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ mắc Covid-19. Riêng Bệnh viện Trưng Vương đang điều trị Covid-19 cho 38 trẻ trong độ tuổi từ dưới 1 tuổi đến 11 tuổi. Nguyên nhân là trong thời gian này các bé được ở nhà, không đi học và có thể bị lây từ người lớn trong gia đình. Vì vậy, các bậc cha mẹ, người lớn trong gia đình cần có trách nhiệm, tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế, tuân thủ quy định trong khu phong tỏa, khu cách ly nhằm hạn chế rủi ro cho bản thân và gia đình của mình, đặc biệt là trẻ nhỏ. 
NGUYỄN THẠNH 
(Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/clip-xuc-dong-be-gai-5-tuoi-xa-gia-dinh-di-dieu-tri-covid-19-20210624193448334.htm) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 8,5-17; thứ Bảy, tuần XII Thường niên) 

Sau phép lạ đầu tiên chữa người bị phong hủi, một chứng bệnh bị coi là nan y, và đưa người ấy trở về hội nhập với cộng đoàn; hôm nay, Tin mừng tiếp tục thuật lại một ngày bận rộn của Đức Giêsu cũng với mục đích duy nhất đó là cứu chữa các bệnh nhân. Cũng giống như ở phép lạ đầu tiên, người đàn ông hôm nay đến gặp Chúa cũng thuộc thành phần bị xã hội Do Thái tẩy chay. Còn phép lạ thứ ba diễn ra với một người phụ nữ, vốn cũng bị liệt vào hàng ngũ những người mà dân chúng coi thường. Sau cùng, khép lại trình thuật là lời tóm kết những việc Đức Giêsu đã thực hiện nhằm ứng nghiệm điều mà ngôn sứ Isaia nói về Người tôi tớ của Đức Chúa: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta" (Is 52,4). 

Đọc lại Tin mừng, chúng ta nhận thấy, không ít lần Đức Giêsu đã chọn những người thuộc dân ngoại để nhắc nhở và nêu gương cho người Do Thái. Thật vậy, khi Đức Giêsu chữa lành mười người phong cùi, mặc dù cả mười người được sạch, nhưng chỉ có một người biết quay trở lại để tạ ơn Chúa, mà người đó lại là một người ngoại giáo. Dụ ngôn về người Samaritano nhân hậu cũng cho thấy ý định của Chúa càng rõ nét hơn, nhất là khi Ngài nhắc tới những người chỉ biết chăm chú giữ lề luật: thầy Tư tế và thầy Lêvi. Họ chẳng những có đạo mà còn giữ địa vị cao trong đạo, vậy mà chẳng đoái hoài gì tới người đang cần được cứu chữa. Đức Giêsu khen người Samaritano nhân hậu nhưng đồng cũng là lên án thói vụ luật của những người Do Thái giả hình. Còn trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu cũng cho thấy, một người ngoại giáo có đức tin mạnh mẽ đến độ mà Ngài cho là chưa hề thấy nơi con cái Israel. 

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, chẳng những viên đại đội trưởng có thái độ khác lạ đối với đầy tớ, mà ông còn thể hiện một đức tin phi thường. Ông thực tâm muốn Đức Giêsu cứu giúp tên đầy tớ nhưng trong lòng còn chút lăn tăn: ông không phải là một người Do Thái. Theo luật, một người Do Thái không được bước vào nhà của người ngoại đạo, vì nhà của dân ngoại bị coi là ô uế, cần phải tránh cho xa. Là người hiểu lí lẽ nên ông biết mình cần phải làm gì để tránh gây khó xử cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, mối bận tâm của ông là không cần thiết bởi vì Đức Giêsu không màng tới những điều cấm kị. Đức Giêsu đã mau chóng đáp lời thỉnh nguyện của ông. Đây chính là khoảnh khắc biểu đạt niềm tin của viên bách quan ở mức độ cao nhất. Vì là một quân nhân nên ông hiểu thế nào là mệnh lệnh phải thi hành; và như thế, ông cũng muốn Đức Giêsu thực hiện mong ước của ông mà không cần Ngài nhọc công quá bộ đến gia đình mình. Ở đây, những lời của viên đại đội trưởng có thể được coi là một “diễn ngữ của đức tin” chứ không đơn thuần là ngôn ngữ trong giao tế thông thường.

Câu chuyện về bà nhạc mẫu của Phêrô được chữa khỏi cơn sốt diễn ra chóng vánh, tất cả chỉ gói gọn trong hai câu Kinh thánh. Có lẽ chúng ta không thấy phép lạ nào được tất cả các tác giả Nhất lãm viết lại mà ngắn gọn đến vậy. Duy chỉ có một chút khác biệt giữa Mattheu với Maccô và Luca là ở chỗ, bà nhạc mẫu chỗi dậy phục vụ Chúa (Mt) thay vì phục vụ các ngài (Mc và Lc). Phép lạ này cho chúng ta biết đôi chút về bà. Ngay khi vừa được cứu chữa, bà đứng dậy bắt tay ngay vào việc phục vụ. Rõ ràng, bà hiểu mình là người được cứu để rồi lo việc phục vụ. Do vậy, khi được chữa lành, bà dùng sức khỏe để phục vụ Chúa và tha nhân. Có khi nào chúng ta dùng sức khỏe Chúa ban để phục vụ như bà chưa nhỉ? 

Thiên Chúa ban cho chúng ta ban ngày để làm việc và ban đêm nghỉ ngơi. Sự thường là như thế, nhưng ở đây, ngay vào lúc người ta bắt đầu nghỉ ngơi và quần tụ bên gia đình thì Đức Giêsu vẫn miệt mài làm việc. Với lòng bao dung sẵn có, Ngài thỏa mãn mọi yêu cầu của những người đến với mình. Ngài chưa thể nghỉ ngơi khi chung quanh vẫn còn đó những người đau yếu bệnh tật. Quang cảnh đó đã gợi lên trong tâm trí Mattheu lời ngôn sứ Isaia (Is 53,4). Đây là bài học quý giá dành cho những người môn đệ. Người theo Chúa cũng sẽ không thể nghỉ ngơi bao lâu còn có những người đang cần họ cứu giúp. Sẽ có lúc chúng ta tưởng mình sắp hụt hơi vì làm việc cho Chúa; nhưng đừng lo, niềm vui có được từ những điều tốt đẹp chúng ta làm sẽ tiếp thêm động lực để chúng ta tiếp tục phục vụ và lướt thắng nghi nan. 

Lạy Chúa, cuộc đời chúng con bị bủa vây bởi biết bao phiền muộn và âu lo, bao đau thương và cay đắng. Chúng con xin phó dâng tất cả cho Chúa trong tin yêu và thành kính, cúi xin Ngài đoái thương và nâng đỡ chở che. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa để quên mình phục vụ anh chị em, nhất là nơi những người đang lầm than vất vưởng. Xin cho chúng con đủ chân thành và quảng đại để tương trợ những kẻ cơ cầu. Và, xin cho chúng con biết kiên trung bền vững dẫu cuộc đời còn lắm nỗi gian truân. 

 4. Lời bàn 

- Viên đại đội trưởng xuất hiện ở Caphacnaum đem đến cho chúng ta một điều đặc biệt: đó là thái độ của ông đối với tên đầy tớ. Ông ta buồn vì gia nhân của mình đau yếu, và rồi ông tìm mọi cách, trong quyền hạn của mình, để cứu chữa nó. Đây rõ ràng là điều trái ngược với thái độ thông thường giữa chủ nhà và đầy tớ. Người sĩ quan ngoại giáo này cho thấy mình có một tình thương và sự quan tâm đặc biệt đến gia nhân. Đối với Đức Giêsu thì ông bộc lộ một lòng tin đầy kính trọng và thật khiêm tốn, đến nỗi làm cho Chúa cũng phải ngạc nhiên, vì qua tai nghe mắt thấy, Người chưa hề gặp một người dân Israel nào bộc lộ được một lòng tin như ông ta. Lòng tin của ông cũng cho thấy Lời của Đức Giêsu là toàn năng thế nào: Người chỉ nói một tiếng là ma quỷ và bệnh tật phải vâng nghe. Chính tình thương đã thúc đẩy vị sĩ quan ngoại giáo này tìm đến Đức Giêsu và cũng vì điều đó khiến ông trở thành một người rất khác biệt. Có lẽ từ sự hòa nhã bất thường này đã khiến Đức Giêsu cảm động, đồng thời đáp ứng ngay nguyện vọng của ông. 

- Viên đại đội trưởng này, tuy là người ngoại giáo nhưng đã dạy cho tôi một bài học về cầu nguyện rất đẹp: Ông không xin gì cho mình mà chỉ xin cho người khác, điều đáng nói ở đây đó là người ông mong cứu giúp chỉ là một tên đầy tớ của mình. Lẽ thường, những lời cầu nguyện của tôi chỉ quẩn quanh nơi những điều mà bản thân mình đang thiếu hoặc cần sự trợ giúp; khá hơn một chút thì cầu cho những người thân thuộc của mình. Thực ra, ông cũng chẳng xin gì cả. Ông chỉ kể cho Chúa nghe hoàn cảnh của ông, rồi để tùy Chúa định liệu. Ông lại còn nhận mình không xứng đáng. Còn tôi ư, nhiều khi tôi cầu xin với Chúa mà như mặc cả hoặc ra giá cho Ngài. Lời thỉnh nguyện của viên sĩ quan năm xưa cũng thốt ra trên môi miệng tôi mỗi ngày đấy chứ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào linh hồn con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh"; chỉ có điều, nhiều lúc nó không cho thấy sự thâm tín của tôi mà ngược lại, nó giống như một công thức được nhai đi nhai lại không hơn không kém. Tôi thực sự cảm thấy hổ thẹn trước mặt Chúa khi so mình với vị đại đội trưởng được nhắc tới trong Sách Thánh. Còn bạn, bạn cảm thấy thế nào nhỉ! 

- Ở Palestine, người ta thường ghi nhận có ba loại sốt. Loại thứ nhất gọi là Malta, đặc điểm của nó là khiến cơ thể suy nhược, mất máu, kéo dài trong nhiều tháng và cuối cùng là tình trạng kiệt sức khiến bệnh nhân tử vong. Loại thứ hai là sốt cách nhật hay định kỳ. Loại nguy hiểm nhất là sốt rét vàng da. Người ta phỏng đoán rằng, bà nhạc mẫu của Phêrô mắc phải loại bệnh này nên khiến bà nằm liệt. Thế nhưng, điều chúng ta quan tâm ở đây chính là quyền năng của Đức Giêsu chứ không phải tình trạng của bệnh tật; bởi dù sao, chỉ cần Ngài chạm tới là bệnh tình bị đẩy lui ngay. Biến cố này cũng khép lại bộ ba phép lạ mà Đức Giêsu thực hiện nhằm tỏ tình thương của Ngài đối với những người bị xã hội Do Thái xem thường, thậm chí là khinh bỉ. Cũng nên chú ý một chút tới các địa điểm diễn ra phép lạ: trước hết là ở ngoài thành (8,1), rồi đến trong thành (8,5) và cuối cùng là trong nhà (8,14). Như thế cũng có nghĩa là, Đức Giêsu sẵn lòng cứu giúp những kẻ khổ đau cho dù họ ở bất cứ nơi đâu. Ngài không bị giới hạn bởi không gian hay địa lý, bất kể có đụng chạm tới bệnh nhân hay không; hoặc bất kể có biết mặt những người đau yếu hay không. Ngoài ra, những người được lành bệnh có xuất phát điểm không giống nhau. Có người tự tìm đến với Đức Giêsu để xin; kẻ thì được khỏi bệnh vì có người khác xin dùm; và cũng có người chẳng xin xỏ gì cả nhưng vẫn được cứu chữa. Mỗi người trong chúng ta muốn mình ở vào trường hợp nào? 

- Về phần mình, chúng ta có sẵn lòng giúp đỡ người khác mà không quản ngại đường sá xa xôi, không ngượng ngùng khi đụng chạm tới những thân thể hôi hám bẩn thỉu, hay vui vẻ tương trợ cho những người chúng ta chưa một lần giáp mặt hoặc chưa kịp tìm hiểu sự khốn khổ của họ hay không? Chúng ta có dùng sức khỏe Chúa ban để phục vụ, để nâng đỡ người khác hay chỉ lo vun vén cho cái tôi của chính mình? Mang danh là những người có đạo, nhưng chúng ta có thực sự đạo đức hơn những người ngoại giáo không? Tuy chúng ta xưng mình là Kitô hữu, nhưng đức tin của chúng ta có thực sự được thể hiện bằng những việc làm cụ thể phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng không? Chúng ta nhận mình là môn sinh của Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thực sự bước đi trên con đường hy sinh quên mình để yêu thương và phục vụ như Thầy Chí Thánh không? 

- “Theo lời kể của các nhân viên y tế, bé nghe lời các cô chú y bác sĩ hướng dẫn mặc đồ phòng hộ, tự mình lên xe và ngoan ngoãn ngồi yên suốt chặng đường. Được biết bé ở cùng với bà ngoại đang điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Hiện tình trạng của bé ổn định”. Đó là tất cả những gì chúng ta biết về cô bé cho tới lúc này. Tôi thầm cầu mong cho cô bé không chỉ là ổn định mà còn mau chóng bình an trở về với gia đình. Chúng ta không lường hết hậu quả của cơn sang chấn tâm lý mà cô bé phải chịu, nhưng dù sao cũng mong cho bé gặp mọi sự may lành. Viên bách quản trong Tin mừng hôm nay dẫu không ruột rà máu mủ thế mà cũng tìm mọi cách để cứu chữa cho người đầy tớ. Đó là tình thương của những người đồng loại dành cho nhau. Cô bé năm tuổi có thể không hiểu hết được sự nguy hiểm của dịch bệnh, càng không thể tỏ tường nỗi lòng của mẹ cha giờ này; thế nhưng chẳng sao cả, đến một lúc nào đó em sẽ hiểu được rằng: “Chỉ những lúc bị đau người ta mới phát hiện gia đình mình là nơi an toàn nhất, vững chắc nhất, và bố mẹ, mới là những người vĩnh viễn sẽ không tổn thương, phản bội họ” (Cát Không Không). Ở chiều ngược lại, chúng ta tin cha mẹ em lúc này đây cũng đứng ngồi không yên vì lo cho cô con gái bé bỏng của họ. Họ lo lắng là phải bởi vì đó là tình thương xuất phát từ một thứ tình cảm thiêng liêng của các bậc sinh thành. Chẳng ai biết khi nào gia đình họ mới được đoàn viên, nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng hãy nguyện cầu cho họ và cho hết thảy mọi người được bình giữa cơn đại dịch đang hoành hành. Những con số liên quan tới các bệnh nhân nhảy múa từng giờ hoa cả mắt. Chúng ta không thể làm gì để giúp nhau trong lúc này, thôi thì hãy cùng nhau ngồi xuống và tỏ bày những ước muốn chân thành lên Đấng Tối Cao. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1540,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,352,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1200,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4609,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 8,5-17; thứ Bảy, tuần XII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 8,5-17; thứ Bảy, tuần XII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 8,5-17; thứ Bảy, tuần XII Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgANr3oYAZq0LmUeyUFqIZQusmFEVmrUEQWZobvaVp8f0Xf9OY34UZ9EcdR8CASEjNlSd92oGggZWzTl8-RwIa9J1tEYGh_fEf9-l61tnbcryL0k3EbvLpd3owBIVVdglJjCc4femYOH5Y/w769-h440/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgANr3oYAZq0LmUeyUFqIZQusmFEVmrUEQWZobvaVp8f0Xf9OY34UZ9EcdR8CASEjNlSd92oGggZWzTl8-RwIa9J1tEYGh_fEf9-l61tnbcryL0k3EbvLpd3owBIVVdglJjCc4femYOH5Y/s72-w769-c-h440/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-mt-85-17-thu-bay-tuan-xii.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-mt-85-17-thu-bay-tuan-xii.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content