Góc Suy Gẫm - Mt 8,18-22; thứ Hai, tuần XIII Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 8,18-22; thứ Hai, tuần XIII Thường niên

Góc Suy Gẫm - Mt 8,18-22; thứ Hai, tuần XIII Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay) 
NỮ SINH ‘TRỐN’ GIA ĐÌNH ĐI CHỐNG DỊCH VÀ PHẢN ỨNG BẤT NGỜ TỪ PHỤ HUYNH 

TTO - “Nghĩ đến những hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người, em cũng muốn góp một phần nhỏ sức lực vào cuộc chiến này” - Trần Nguyệt Quỳnh Mai nói về lý do tham gia tình nguyện chống dịch

Mới đây, chuyên mục "Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 chuyện đẹp" của Quận đoàn Tân Bình, Tp.HCM đã biểu dương Trần Nguyệt Quỳnh Mai (20 tuổi, ngụ quận Tân Bình) - một tình nguyện viên trẻ tuổi, năng nổ của đội tình nguyện viên phòng, chống dịch COVID-19. 

Quỳnh Mai hiện là sinh viên năm 2 ngành tâm lý học của Trường đại học Văn Lang. Cuối tháng 5 vừa qua - thời điểm mà dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại quận Gò Vấp thì Quỳnh Mai đọc được thông báo tuyển tình nguyện viên hỗ trợ phòng, chống dịch của Thành đoàn. Không chút suy tính, cô gái trẻ nhanh tay đăng ký ngay. "Ban đầu em cũng lo lắm vì sợ mình bị "dính" COVID-19, nhưng nghĩ đến những hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người, em cũng muốn góp một phần nho nhỏ sức lực vào cuộc chiến này" - Mai chia sẻ lý do tham gia đội tình nguyện. Mai cho biết, khi bắt đầu tham gia tình nguyện tại Gò Vấp, công việc chính của các tình nguyện viên như Mai là hỗ trợ nhập liệu, điều phối, hướng dẫn người dân quy trình lấy mẫu xét nghiệm và nhắc nhở người dân giữ khoảng cách an toàn. Mai bộc bạch: "Mỗi ngày tụi em làm việc theo ca, mỗi ca từ 6 đến 7 tiếng, công việc tuy đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian. Nhiều hôm mệt quá mọi người chỉ muốn uống nước chứ không ăn nổi. Dù vất vả nhưng từ các y bác sĩ đến tình nguyện viên bọn em luôn động viên nhau vui vẻ, lạc quan, cố gắng hoàn thành công việc". 

Được bảo hộ cẩn thận và được trang bị các biện pháp bảo vệ bản thân nhưng lo lắng là điều khó có thể tránh khỏi, nhất là với những tình nguyện viên trẻ. Cũng vì lẽ đó mà Mai sợ gia đình lo lắng, ngăn cản nên từ đầu khi đăng ký làm tình nguyện, Mai định "ém" luôn chuyện này, không thông báo cho người thân. "Để đảm bảo an toàn, cứ 3 ngày thì tụi em được lấy mẫu xét nghiệm một lần. Nhưng nhiều khi lấy mẫu xong về không dám ngủ vì sợ bị gọi báo kết quả" - Mai kể. Mãi đến khi Mai xin chuyển về làm tình nguyện gần nhà (quận Tân Bình) thì gia đình mới biết được những việc em bạn làm. "Cách đây vài ngày, khi cha mẹ em chuẩn bị đi xét nghiệm ở phường 6, ngay tại điểm em hỗ trợ lấy mẫu thì em mới kể cho cha mẹ biết. Cứ tưởng sẽ bị la một trận "ra trò" thì thật bất ngờ, cha mẹ rất ủng hộ việc em làm, động viên em cố gắng giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân. Đây là động lực rất lớn đối với em" - Mai chia sẻ. 

Kể về kỷ niệm trong những ngày làm tình nguyện, Mai say sưa nói về những tình cảm đặc biệt của người dân dành cho lực lượng phòng chống dịch, kể về sự mạnh mẽ của các em nhỏ khi phải lấy mẫu xét nghiệm mà không hề quấy khóc. Được biết, ngoài việc thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, Quỳnh Mai dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tự nguyện đăng ký hiến tạng - một nghĩa cử cao đẹp. 
(Nguồn: https://tuoitre.vn/nu-sinh-tron-gia-dinh-di-chong-dich-va-phan-ung-bat-ngo-tu-phu-huynh-20210624013536716.htm) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 8,18-22; thứ Hai, tuần XIII Thường niên) 

Trích đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta cảm giác là tác giả đã cố tình chen câu chuyện này vào giữa trình thuật nói về các phép mà Đức Giêsu đã thực hiện. Người đọc có thể cảm thấy sự không liền lạc trong lối sắp xếp này. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý một chút sẽ nhận ra rằng, nó không hề lạc lối như ta tưởng. Chính những việc lạ lùng Đức Giêsu đã thực hiện trở thành duyên cớ cho những người môn đệ thêm xác tín. Quả vậy, nếu chúng ta lần giở lại để khám phá ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên (Mt 4,18-22), nơi mà cả bốn người họ theo Chúa ngay tức khắc, thì ở trích đoạn này, chúng ta nhận thấy một sự lừng khừng nơi những người muốn trở thành môn đệ. Thực ra, Đức Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ và tất cả những ai muốn theo Ngài một thái độ từ bỏ, dứt khoát tận căn; Ngài không bao giờ chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào. Qua những đòi hỏi ấy, Ngài muốn nhắc lại cho chúng ta giới răn cơ bản: mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Đây chẳng phải là một điều không tưởng, cũng không phải là một lý tưởng cao vời, mà là một mệnh lệnh. 

Đức Giêsu tách khỏi đám đông và ra lệnh cho các môn đệ băng qua bờ bên kia, tới vùng đất của dân ngoại gọi là miền Thập tỉnh, đó là một cuộc phiêu lưu đúng nghĩa, đòi hỏi các môn đệ phải cân nhắc và cẩn trọng. Cuộc đối thoại diễn ra tiếp theo mang dáng dấp của một điệu luân vũ. Nó cho thấy sự ngập ngừng của những người muốn theo Chúa: người đầu tiên rất hồ hởi thì Chúa lại ghìm lòng nhiệt thành của anh ta xuống; đang khi người thứ hai còn lấp lửng thì Chúa lại khích lệ anh ta dấn bước. Tác giả Mattheu xác định rõ người thứ nhất là một luật sĩ, tức là người am tường Sách thánh. Theo nghĩa này, có lẽ anh ta đã khám phá thứ gì đó mới mẻ nơi con người của Đức Giêsu và quyết định theo Ngài để được khai sáng trí khôn. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu khiến người luật sĩ này bối rối. Muốn theo Chúa, phải lột xác và chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn chứ không thể được an nhiên chễm chệ nơi các hội đường. Ngoài ra, tước hiệu “Con Người” được Mattheu sử dụng lần đầu tiên càng khiến cho anh ta ngỡ ngàng.

Đức Giêsu dùng kiểu nói “Con Người” để ám chỉ về mình, bình thường thì cách xưng hô này của người Do Thái xưa, xuất phát từ Êdêkien (2,1), muốn nhấn đến thân phận của con người thấp hèn, cách xa đối với Thiên Chúa, Đấng Tối Cao. Nhưng từ khi tước hiệu này xuất hiện với nhân vật kỳ bí trong thị kiến của Đanien (7,13), thì ý nghĩa của nó lại súc tích và rõ ràng: đó chính là tước hiệu của Đấng Mêsia siêu phàm, từ thiên giới mà đến và được Thiên Chúa trao ban quyền thiết lập Triều đại của Người. Vì đã quá hiểu điều này nên anh ta không thể nào hình dung ra được, theo kiểu nói của Đức Giêsu, khi so sánh “Con Người” ấy với lối sống giản đơn của loài chồn cáo hay chim trời. Một cái hang đối với con chồn, một cái tổ đối với chú chim, và chỗ gối đầu đối với một con người; đó là những nhu cầu an toàn tối thiểu. Nhưng Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ đi theo Ngài cũng phải từ bỏ thứ an toàn tối thiểu ấy. 

Còn người thứ hai, anh ta tỏ cho Chúa biết mình chưa sẵn sàng vì còn phải làm một việc hệ trọng, đó là lo chôn cất cha mình, tức là làm tròn bổn phận theo giới răn thứ tư của Đức Chúa. Đáp lại, Đức Giêsu mặc khải cho anh biết, việc của "kẻ chết" là những việc thuộc về vật chất, thuộc về thế gian. Người môn đệ còn có một việc khác phải quan tâm lo lắng nhiều hơn, đó là việc của "kẻ sống", tức là những việc mang lại sự sống thật, sự sống đời đời. Ở đây Chúa đòi hỏi: người môn đệ phải dứt bỏ mọi vướng bận và tin tưởng theo Chúa, sẵn lòng đương đầu với những biến cố gặp phải, thế là đủ.

Chúng ta không biết hai con người này cuối cùng có đi theo làm môn đệ của Chúa hay không; chỉ có điều, hình ảnh của họ giúp chúng ta xét lại ơn gọi của mỗi người. Thật vậy, để có thể trở thành người môn đệ đích thực của Chúa, chúng ta phải can đảm chấp nhận sự bấp bênh và tạm bợ. Là môn đệ, chúng ta cần phải trở nên thanh thoát với những gì thuộc về thế gian, càng nhiều càng tốt, càng quyết liệt càng hay. Là môn đệ, chúng ta phải dám chấp nhận lao vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm giữa đời; ở đó, những hy sinh hay khổ chế phải trở thành cơ hội để chúng ta dốc cạn chính con người của mình vào sự quan phòng của Đấng toàn năng. Bao lâu chưa đạt được điều đó thì mục tiêu trở thành người môn đệ của Chúa vẫn còn rất xa vời đối với chúng ta. 

Lạy Chúa, chúng con nhận mình là môn đệ của Chúa nhưng vẫn còn lưu luyến những sự thế gian. Quyết tâm theo Chúa nhưng vẫn để cho những thực tại trần gian níu kéo và quyến rũ. Chấp nhận theo Ngài nhưng lại chùn bước khi gặp thử thách gian nan. Dấn thân phục vụ mà vẫn thích tìm chỗ an nhàn và toan tính hơn thiệt. Dốc lòng buông bỏ để được thênh thang trong mỗi bước đi nhưng vẫn để những muộn phiền và chông chênh quanh những lời khen chê của người trần thế tác động. Xin cho chúng con luôn biết tín thác vào Chúa và an vui cho dẫu phải đối diện những thứ chẳng mong chờ. 

4. Lời bàn 

- Người theo Chúa, trước hết là phải từ bỏ mọi sự. Ở đây, Chúa đòi hỏi người muốn theo sát Chúa phải quyết liệt từ bỏ mọi tiện nghi đời sống (c.20), cũng như mọi tình cảm làm phân tâm (c.22): khó nghèo về vật chất và tình cảm, không hẳn vì khổ chế cá nhân, nhưng vì sự tự do tâm linh, để người môn đệ, cũng như Thầy, sống và hành động hoàn toàn cho Nước Trời. Đức Giêsu không muốn người ta theo Ngài vì cảm xúc nhất thời, như ngọn lửa bùng lên rồi vụt tắt. Ngài cũng không muốn những kẻ theo mình bị những cơn sóng cảm xúc xô đẩy: cuộn trào, nhấp nhô, phiêu dạt vào bờ rồi tan biến. Ngài muốn người môn đệ phải biết mình đang cần gì, tìm gì và nên làm gì. Trở thành môn đệ phải là những người biết vác thập giá theo Chúa, biết vượt lên trên những tình cảm quyến luyến gia đình, biết chia sẻ của cải cho người nghèo, biết hạ mình xuống khi phục vụ, biết nhanh nhảu thi hành sứ vụ Nước Trời và biết yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương họ. Đôi khi tôi nghĩ mình chẳng nên làm môn đệ của Chúa thì hơn; bởi vì, có cố gắng thì tôi cũng chẳng thể thực thi những điều Chúa muốn cách hẳn hoi được. Có bao giờ bạn bị cám dỗ này xui khiến chưa nhỉ? 

- Đối với người Do Thái, một bổn phận cao cả là khi cha mẹ chết phải lo chôn cất chu đáo. Câu chuyện về Giuse trong sách Sáng thế gợi cho ta một dẫn chứng về điều đó. Khi Giacóp qua đời, Giuse đã xin phép Pharaô về thọ tang cha, theo như những gì ông đã hứa với cha mình (St 50,5). Thế nhưng, khi chàng thanh niên muốn xin phép về lo việc mai táng cho cha mình xong, tức làm tròn bổn phận thảo hiếu theo luật dạy, rồi sẽ đi theo làm môn đệ; thì Đức Giêsu một lần nữa khiến mọi người ngạc nhiên: “Anh hãy theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”. Trong bản văn Tin mừng đối chiếu, Luca còn ghi thêm chi tiết liền kề thế này: “Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9,60). Nếu là như vậy, chúng ta sẽ dễ hình dung ra việc phải chọn lựa giữa một bên là việc của Chúa và bên kia là việc của con người. Mặc dù vậy, thoạt nghe, ắt hẳn chúng ta đều cảm thấy đây là một đòi hỏi quá gắt gao của Đức Giêsu. Hơn nữa, nó còn lộ vẻ nghiêm khắc và thiếu thiện cảm. Chính vì vậy, nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau trong việc giải thích câu văn này: 
+ Theo một số nhà chú giải Thánh kinh, câu nói của người này không có nghĩa là bố của anh ta vừa chết, nhưng là bố anh ta đã già yếu, và anh muốn được săn sóc cha già cho đến khi cha chết để báo hiếu, rồi sẽ đến theo Chúa. Hiểu như thế chúng ta mới thấy được lý do tại sao Chúa không muốn anh do dự hay chậm trễ. Nói cách khác, Chúa muốn anh ta hiểu rằng, đi theo Ngài là việc hệ trọng hơn cả; bởi vì, đó là hành trình biến đổi “kẻ chết” thành “kẻ sống”.
+ Có người thì cho rằng, đây quả là một lời nói gay gắt và mỉa mai vì người ấy đang sống nhưng là sống trong tội, cần phải ra khỏi đó càng sớm càng tốt. Chính vì vậy, cho dù bổn phận chôn cất cha mẹ là việc làm tốt, nhưng so với việc trở nên môn đệ của Chúa thì vẫn còn kém xa. Vì thế, phải coi việc lên đường theo Chúa là cấp bách và không được trì hoãn. 
+ Một số người khác lại cắt nghĩa rằng: người này xin về để chôn cất cha già, nhưng thực chất đó chỉ là câu nói thể hiện sự lưỡng lự và từ chối khéo lời mời của Chúa. Cho nên, Chúa muốn anh ta phải dứt khoát lập trường ngay từ đầu. Anh ta trì hoãn việc theo Chúa thêm một thời gian nhưng không thể biết là bao lâu. Còn Đức Giêsu thì biết rõ lòng con người ta nên Ngài cũng biết rằng, nếu anh ta không dứt khoát thì chẳng còn dịp nào thích hợp nữa. 

- Thật ra ở đây, Đức Giêsu muốn bảo cho mọi người biết, chôn cất cha già là một bổn phận cao cả nhưng còn có một bổn phận khác cao quí hơn, đó là việc xây dựng Giáo hội, tôn vinh Thiên Chúa và cứu vớt các linh hồn. Những thứ đó còn cần thiết và quan trọng hơn việc chôn cất cha mẹ. Vì thế, Chúa bảo người ấy: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, hãy đi theo Ta”, nghĩa là hãy để cho những kẻ trần thế lo công việc của họ. Phần chúng ta, nhiều lúc được thôi thúc để làm những việc tốt hơn, nhưng bao giờ cũng vậy, chúng ta lần lữa mãi mà không chịu hành động, không chịu đổi thay để trở nên người tốt. Xét lại bản thân, tôi thấy mình cũng giống hệt như thế thôi: có lúc tìm nhẹ lánh nặng; khi thì để cho sự biếng nhác phỉnh gạt: mai làm còn kịp hoặc nếu để ngày mốt cũng không sao miễn là mình cố thêm một chút là được… Cả những thói quen xấu cũng thế, chúng ta thường tìm cách biện minh và không nỗ lực để từ bỏ hoặc thay đổi nó. 

 - Cái bi đát của đời sống thường là bỏ lỡ thời cơ. Chúng ta cảm thấy cần phải làm điều thiện, từ bỏ vài sự yếu đuối hay tập xa dần vài thói quen xấu. Chúng ta định nói với người khác vài chuyện, an ủi đôi lời, cảnh cáo ai đó về việc làm chưa tốt hoặc khuyến khích người nào đó tiếp tục nghĩa cử cao đẹp mà họ đang thực hiện… thế nhưng, trong lúc thời gian cứ trôi, còn chúng ta vẫn giữ lại những điều định nói trong lòng. Trong chúng ta, người siêng năng nhất thì vẫn còn một chút uể oải, lười biếng nào đó. Người tốt nhất đôi lúc cũng còn chút trì hoãn hoặc bỏ bê công việc; thi thoảng còn vương chút sợ hãi và không dứt khoát để rồi cơ hội tốt dần trôi qua mà không kịp biến thành hành động. Hành trình theo Chúa của tôi cũng đầy dẫy những quyết tâm. Có thứ tôi làm được nhưng nhiều thứ còn dang dở. Có thứ tôi thực hiện ngay nhưng vẫn có thứ tôi đợi ngày lành tháng tốt mới chịu khởi động. Còn bạn, bạn có cảm thấy giống tôi ở điểm nào không vậy? 

"Ban đầu em cũng lo lắm vì sợ mình bị "dính" COVID-19, nhưng nghĩ đến những hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người, em cũng muốn góp một phần nho nhỏ sức lực vào cuộc chiến này". Câu chuyện về cô sinh viên trẻ gây được thiện cảm nơi nhiều người trong chúng ta. Giữa cơn đại dịch, ngày càng xuất hiện nhiều “anh hùng bàn phím”, những người sẵn sàng lên mạng để chê bai người khác, chửi bới người này, cạnh khóe người kia, khoe khoang về chiến tích thông chốt kiểm dịch… và dĩ nhiên, có cả những người thiếu trung thực trong việc khai báo y tế. Còn với cô sinh viên này, mong muốn được phục vụ cộng đồng đã trở thành động lực và thúc đẩy cô tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh, bất chấp hiểm nguy và thậm chí là giấu cả cha mẹ về việc làm của mình. Đó là một nét đẹp giữa đời thường. Cha mẹ khi biết chuyện đã ủng hộ việc cô ấy làm và tôi tin nhiều người cũng nghĩ như thế. Mặc dù nguy hiểm luôn rình rập, nhưng tôi nghĩ rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để cô ấy tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Bởi vì như William Athur Ward từng nói: “Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành. Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi”. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chấp nhận những cuộc phiêu lưu mạo hiểm để giúp họ trắc nghiệm và hoàn thiện bản thân. Tôi cũng được mời gọi như thế. Tuy nhiên, tôi luôn tự nhủ rằng, chẳng có con đường nào sôi nổi cho bằng con đường trở thành môn đệ của Chúa; nhưng con đường ấy không bao giờ dễ dàng, càng không thiếu những thập giá phải mang lấy mới mong đạt tới vinh quang. 

- Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1199,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4608,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 8,18-22; thứ Hai, tuần XIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 8,18-22; thứ Hai, tuần XIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 8,18-22; thứ Hai, tuần XIII Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgwrQBNae4mTZUAS7buEEHC0OH10bVMa0Ne7LtF9Cu9pR02KQ0S-3eyQhADP9g-CyBNGr4twlUow4QPEwfKYuDv1V6ZfRjC-2vAhA6hTWEl_Eztt0UrY1gc-lgwqN01eU977ZTC_2TunsY/w905-h517/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgwrQBNae4mTZUAS7buEEHC0OH10bVMa0Ne7LtF9Cu9pR02KQ0S-3eyQhADP9g-CyBNGr4twlUow4QPEwfKYuDv1V6ZfRjC-2vAhA6hTWEl_Eztt0UrY1gc-lgwqN01eU977ZTC_2TunsY/s72-w905-c-h517/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-mt-818-22-thu-hai-tuan-xiii.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-mt-818-22-thu-hai-tuan-xiii.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content