Góc Suy Gẫm - Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên (Bài 1&2)

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên (Bài 1&2)

Góc Suy Gẫm - Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên 

Góc Suy Gẫm – Mùa dịch Covid-19
 
Bài Suy Niệm 1 

1. Chuyện chúng mình: 
ĐỐI PHÓ COVID-19, DÂN ẤN ĐỘ THỜ ‘NỮ THẦN CORONA’ 

Một đền thờ ở Ấn Độ đã bổ sung thêm tượng ‘nữ thần Corona’ vào đền thờ để cầu nguyện cho nước này sớm vượt qua đại dịch Covid-19. 

Mới đây, tờ The Indian Express dẫn lời người quản lý đền thờ Kamatchipuri Adhinam là Anand Bharathi cho biết đền này vừa được bổ sung thêm tượng ‘nữ thần Corona’ cao khoảng 0,5 m. Theo đó, việc đưa tượng thần corona vào trong đền để thờ phụng nhằm bảo vệ mọi người thoát khỏi đại dịch Covid-19. 

Nằm tại thành phố Coimbatore của bang Tamil Nadu ở phía nam Ấn Độ, và thuộc đạo Hindu, đền Kamatchipuri Adhinam dự kiến sắp tổ chức làm lễ cho tượng nữ thần trên. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết đã ban hành lệnh cấm người dân tới lui đền thờ này để thực hiện giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan SARS-CoV-2. 

Tuy nhiên, các tu sĩ tại đây vẫn làm lễ cầu nguyện, để lại thức ăn để dâng lên cho “nữ thần Corona”, đồng thời rửa tượng thần bằng nước nghệ và sữa. Đó được xem là cách để các thần linh cho người dân vượt qua khó khăn. 

Ông Anand Bharathi chỉ ra rằng một số đền thờ khác trước đây đã thờ thần bệnh đậu mùa, thần dịch hạch… để chống lại các dịch bệnh. Đó là vì nhiều người theo đạo Hindu tin rằng việc cầu nguyện, cúng lễ các “thần” là các vi rút, nguồn gốc gây ra bệnh dịch thì có thể giúp giảm bớt dịch bệnh. Trong khi đó, so với vài tuần trước, tình hình bệnh dịch Covid-19 ở Ấn Độ dù có giảm bớt phần nào nhưng vẫn còn ở mức rất cao và đáng lo ngại. 

Cụ thể, Reuters hôm qua (30.5) đưa tin nước này vừa có thêm hơn 165.000 ca nhiễm mới Covid-19 và khoảng 3.460 người mắc Covid-19 vừa qua đời trong 24 giờ trước đó. Đây là số ca nhiễm mới và tử vong trên ngày thấp nhất trong 46 ngày qua tại Ấn Độ. Đến nay, nước này đã có khoảng 28 triệu người nhiễm Covid-19 và trong đó có hơn 325.000 người tử vong. Một trong các thách thức lớn nhất của Ấn Độ là thiếu nghiêm trọng nguồn oxy dùng trong y tế để chữa trị cho người nhiễm Covid-19. 

Bên cạnh đó, dù luôn được biết đến như một quốc gia hùng mạnh trong lĩnh vực sản xuất thuốc, nhưng Ấn Độ lại đang thiếu vắc xin ngừa Covid-19 để có thể nhanh chóng mở rộng tiêm chủng cho toàn dân. 

Hoàng Đình 
(Nguồn: https://thanhnien.vn/the-gioi/doi-pho-covid-19-dan-an-do-tho-nu-than-corona-1391279.html) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên) 

Sứ điệp chính yếu của bài Tin mừng hôm nay đó là lời cầu nguyện mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ - Kinh Lạy Cha. Có thể nói ngay được rằng, trong tất cả các kinh nguyện, Kinh Lạy Cha là tuyệt vời nhất, bởi vì kinh này chứa đựng 5 đặc tính của lời cầu nguyện chính đáng, đó là : a) tin tưởng, b) ngay chính, c) thứ tự, d) thành tâm và e) khiêm tốn . 

a. Tin tưởng 
Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện mang lại cho chúng ta niềm tin tưởng, bởi vì đã được soạn ra bởi Vị Trạng sư của chúng ta trước tòa Thiên Chúa, Đấng bầu cử rất khôn ngoan, và cũng là Đấng “nắm giữ mọi kho báu của sự cao minh thông tuệ” (xc. Col 2, 3), Đấng mà thánh Gioan viết rằng: “Chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2, 1). Vì thế, thánh Cyprianô đã viết thật chí lý trong Khảo luận về Kinh Lạy Cha: “Vì đã có Đức Kitô là trạng sư bên cạnh Chúa Cha để biện hộ cho những tội lỗi chúng ta, chúng ta hãy để cho vị trạng sư lên tiếng”. 

Kinh Lạy Cha còn mang lại sự bảo đảm và tin tưởng hơn nữa khi biết rằng: Đức Kitô đã dạy chúng ta kinh nguyện thì cũng chính Ngài, cùng với Chúa Cha, sẽ nhậm lời chúng ta cầu xin, ngõ hầu ứng nghiệm lời thánh vịnh: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại” (Tv 91,15). Vì thế thánh Cyprianô đã nói: “Thật là một lời cầu nguyện của bạn hữu thân thiết khi chúng ta thưa chuyện với Thiên Chúa bằng chính những lời Người đã dạy” . 

b. Ngay chính 
Thứ đến, lời cầu nguyện của chúng ta phải ngay chính, nghĩa là phải xin Chúa ban những điều tốt lành cho chúng ta. Thánh Gioan Đamascô đã dạy rằng: “Cầu nguyện là xin Thiên Chúa ban cho những điều tốt lành cho mình” . Điều này giải thích tại sao nhiều lần lời chúng ta cầu nguyện không được chấp nhận, đó là vì ta xin những điều không tốt cho mình, như thánh Giacôbê đã nói: “Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý” (Gc 4, 3). 

Tuy nhiên, không dễ gì biết được cần phải xin những điều nào, bởi lẽ thật khó biết được những thứ thật sự tốt lành đáng mong ước. Thật vậy, điều mong ước mà thích đáng thì lời cầu xin mới thích đáng. Thánh Phaolô đã nhận thức điều này khi viết: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ” (Rm 8, 26). Thế nhưng, Đức Kitô là Thầy chúng ta, đã đích thân dạy chúng ta phải xin những gì, khi các môn đệ thưa với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1). *Vì thế lời cầu nguyện sẽ rất ngay chính khi chúng ta xin Chúa những điều mà chính ngài đã dạy chúng ta phải cầu. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu chúng ta muốn cầu nguyện một cách ngay chính và xứng hợp, thì cho dù ta dùng những lời lẽ gì đi nữa, nhưng ta chỉ được xin những điều đã được chứa đựng trong Kinh Lạy Cha mà thôi” . 

c. Thứ tự 
Lời cầu nguyện cần phải có thứ tự, cũng tựa như lòng ước muốn cũng cần phải có thứ tự. Thật vậy, lời cầu nguyện là sự bộc lộ của lòng ước muốn. Thế nhưng, trong những điều ước muốn và cầu xin thì trật tự đòi hỏi rằng chúng ta cần đặt những điều tốt về tinh thần lên trên những điều tốt về vật chất, cũng như những điều tốt trên trời lên trên những điều tốt ở dưới thế. Thật vậy, Đức Giêsu đã khuyên chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia – cái ăn, cái uống, sự sống – thì Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Đó chính là điều mà Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Kinh Lạy Cha, trong đó tiên vàn chúng ta cầu xin những điều tốt trên trời, rồi đến những điều tốt ở dưới trần thế. 

d. Thành tâm 
Lời cầu xin cần phải thành tâm, bởi vì lòng nhiệt thành sốt sắng sẽ làm cho lời cầu nguyện trở thành hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa, như vịnh gia đã diễn tả: “Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 63, 5.6). Lòng sốt sắng thường bị giảm bớt do những lời kinh rườm rà. Vì thế Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tránh những lời lải nhải rườm rà: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng càng dài lời thì lời kinh càng được chấp thuận” (Mt 6, 7). Thánh Augustinô trong thư gửi Proba, cũng nói: “Hãy tránh những lời lải nhải. Tuy nhiên, đừng giảm bớt lòng tha thiết cầu khẩn, nhưng hãy nuôi dưỡng lòng nhiệt thành”. Đó cũng là lý do mà Đức Giêsu đã muốn cho Kinh Lạy Cha vắn gọn. Lòng nhiệt thành được nuôi dưỡng nhờ tình yêu trào ra từ đức ái, nghĩa là mến Chúa yêu người. Hai mối tình này được nêu bật trong Kinh Lạy Cha. Lòng mến Chúa được thúc đẩy khi chúng ta hướng về Ngài và thưa “Cha ơi”; lòng yêu người được kích thích khi, cùng hiệp thông với mọi người, chúng ta cầu nguyện cho hết thảy mọi người khi đọc lên: “Lạy Cha của chúng con”, và “xin Cha hãy tha nợ cho chúng con”. Thật vậy, đó là điều mà lòng yêu người dẫn tới. 

e. Khiêm tốn 
Sau cùng, lời cầu nguyện phải khiêm tốn bởi vì Thiên Chúa: “đoái nghe tiếng kêu cầu của kẻ khiêm tốn, và không chê bỏ lời họ nguyện xin” (Tv 102, 18). Một lời cầu nguyện khiêm nhu chắc chắn được chấp nhận, như Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta trong dụ ngôn về người biệt phái và người thâu thuế (xc. Lc 18, 9-15). Lời cầu của bà Giuđitha (9, 16) cũng thế, bà thưa với Chúa: “Ngài là Thiên Chúa của kẻ khiêm nhu và Đấng hộ phù kẻ bị bỏ rơi”. Sự khiêm nhu này được thi hành trong Kinh Lạy Cha. Thật vậy, người ta khiêm nhường thực sự khi không dám dựa trên sức lực riêng của mình, nhưng đợi trông tất cả nơi quyền năng Thiên Chúa, Đấng mà họ kêu khấn van xin. 

Lạy Chúa, khi bị treo trên Thập giá, Chúa đã biện hộ cho chúng con vì chúng con lầm mà chẳng biết. Xin Chúa cho chúng con cũng biết quảng đại để luôn sẵn lòng tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con biết sống trọn vẹn với Chúa bằng tình con thảo. Xin Người dạy chúng con đang khi tìm kiếm những của nuôi thân thì cũng đừng bao giờ xao nhãng tìm kiếm của ăn nuôi sống linh hồn. Xin cho chúng con biết không ngừng cậy trông nơi Chúa và hết lòng yêu thương anh chị em của mình như Chúa mời gọi. 

4. Lời bàn 

- Trước hết chúng ta cần biết, đây là lời cầu nguyện mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ. Mattheu để lời cầu nguyện này chung với Bài giảng trên núi và nhắm vào các môn đệ (Mt 5,1). Trong khi đó, Luca cho biết Đức Giêsu đã làm điều này theo lời yêu cầu của một người môn đệ (Lc 11,1). Nhưng cho dù thế nào thì cũng nên nhớ rằng, lời cầu nguyện này chỉ dành cho những ai cam kết phó mình cho Chúa thì khi đọc lên mới có ý nghĩa. Nói cách khác, chỉ có thể đọc Kinh Lạy Cha khi ai đó biết mình đang nói gì, khấn xin gì; và điều quan trọng, người đó không thể biết cho đến khi trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Điều này có thể khiến nhiều người trong chúng ta giật mình. Vì sao ư? Xin thưa là vì, rất có thể chúng ta đọc Kinh Lạy Cha nhiều lần trong ngày nhưng lại đọc một cách máy móc, chưa suy đủ, chưa ý thức đủ và thậm chí là chưa lồng vào đó tâm tình của một người con thưa với Cha của mình. Khi tôi nói điều này, có lẽ nó chỉ sai với một số người. 

- Chúng ta nên nhớ rằng, cầu nguyện không bao giờ là một thứ cố gắng để mong ý Chúa xuôi theo lòng ao ước của chúng ta. Đúng ra, đó phải là sự nỗ lực của chúng ta để tuân phục Thánh ý của Thiên Chúa. Có thể nói, Kinh Lạy Cha giống như một bản tóm lược về cuộc đời mỗi người được bày ra trước mặt Chúa; nhưng đồng thời, đây cũng là ước mong được Chúa ngự vào và chiếm hữu cuộc sống của chúng ta nữa. Khi xin bánh, tức là chúng ta xin thứ thiết yếu để duy trì sự sống nhưng nó cũng đem cả thời khắc hiện tại của chúng ta tỏ bày ra trước Tôn nhan. Xin tha thứ, tức là chúng ta đem quá khứ tội lỗi của mình ra trình diện trước mặt Chúa để mong Người thứ tha. Xin trợ giúp trong cơn cám dỗ, tức là chúng ta dám giao cả tương lai cho Đấng Tạo Thành. Như vậy, lời kinh này đặt tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai trước dung nhan uy linh của Đấng tối cao. Dám chắc rằng, không phải khi nào tuyên đọc Kinh Lạy Cha thì lòng trí chúng ta cũng kịp suy tưởng những điều như thế. Về điều này, nhiều người trong các bạn cũng giống như tôi thôi. 

- Cám dỗ thường trực của rất nhiều người khi cầu nguyện đó là, chúng ta thường chăm chú vào các lời khấn xin mà bỏ qua những thứ khác không kém phần quan trọng: chúc tụng, cảm tạ và sám hối. Nói cách khác, cầu nguyện là dịp để chúng ta tranh thủ tỏ bày, tranh hết phần Chúa nói và chẳng chịu lắng nghe. Khi nói về điều này, triết gia Soren Kierkegaard đưa đến cho chúng ta một lời nhắc nhở: “Con người cầu nguyện, và đầu tiên, anh ta tưởng cầu nguyện là lên tiếng. Nhưng anh ta càng ngày càng khẽ khàng cho tới khi cuối cùng anh ta nhận ra cầu nguyện là lắng nghe”. Ngoài ra, một sai lầm cố hữu mà nhiều lần chúng ta phạm phải đó là, chúng ta mong kéo Chúa về phía đội của mình. Cách nào đó, chúng ta mong Chúa hiện thực hóa những mong ước của chúng ta càng sớm càng tốt. Như vậy, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha không giống với bản chất của lời Chúa dạy, mà đúng hơn, nó giống như một câu “thần chú” đầy linh diệu. Chúng ta sai trong cách hiểu và cũng sai nốt trong việc thực hành lời kinh Chúa mời gọi. Thực ra, cầu nguyện trước hết là được ở với Chúa và lắng nghe xem Ngài muốn gì, cần gì nơi chúng ta; còn những thứ chúng ta muốn xin thì Chúa biết cả rồi. Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái, hà cớ gì mà Ngài tiếc rẻ đến mức không ban cho con cái mình những điều tốt đẹp nhất! Quan trọng là chúng ta có đủ xác tín như thế không? 

- “Ông Anand Bharathi chỉ ra rằng một số đền thờ khác trước đây đã thờ thần bệnh đậu mùa, thần dịch hạch… để chống lại các dịch bệnh. Đó là vì nhiều người theo đạo Hindu tin rằng việc cầu nguyện, cúng lễ các ‘thần’ là các vi rút, nguồn gốc gây ra bệnh dịch thì có thể giúp giảm bớt dịch bệnh”. Mỗi tôn giáo đều có những nền tảng đức tin riêng, cả trong suy nghĩ lẫn trong thực hành. Hết thảy mọi tín đồ của bất kì tôn giáo nào cũng đang cầu mong cho dịch bệnh sớm được đẩy lui. Nhiều người vẫn còn vững tin và tiếp tục cầu nguyện; một số cảm thấy cạn dần lẽ cậy trông; số khác thất vọng; số khác nữa tuyệt vọng; và có cả những kẻ nhảy bổ vào để phỉ báng thần thánh vì hết chịu đựng được nỗi khổ đau. Là Kitô hữu, chúng ta tin Chúa vẫn đang dõi theo con cái mình. Nhưng vấn đề được đặt ra là: Chúa có thấu nỗi quằn quại của con cái mình không? Xin thưa rằng CÓ. Chúa có biết dịch bệnh đang làm xói mòn lòng tin của nhân loại vào Ngài không? Xin thưa rằng Chúa BIẾT. Chúa toàn năng, vậy Ngài có thể chặn đứng cơn đại dịch để nhân loại bớt phiền muộn không? Xin thưa là Ngài CÓ THỂ. Vậy sao Ngài giữ thinh lặng lâu thế? Xin thưa, có lẽ Ngài MUỐN như vậy. Ngài muốn như vậy không phải là một chủ trương “ái khổ” mà là muốn nó trở thành cơ hội để thanh luyện đức tin của chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được điều này khi đọc lại cách cẩn thận Kinh Lạy Cha. Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ”, chứ Ngài không dạy “Xin cất khỏi thế gian mọi cơn cám dỗ”. Cám dỗ ở đây nên hiểu là những thử thách chúng ta đang đối diện. Như vậy, Ngài đã dạy chúng ta hãy cầu xin ơn tránh xa tội lỗi, nghĩa là đừng bị dẫn vào chước cám dỗ, đừng để cơn thử thách nhấn chìm, kẻo chúng ta rơi vào tội lỗi. Hiểu được như vậy, cơn thử thách sẽ giúp chúng ta thêm tin tưởng, thêm trung thành. Giữa cơn đại dịch Covid, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác trong lời cầu nguyện, chắc chắn Chúa sẽ lắng nghe và đoái thương những ai kêu cầu Ngài. Bởi vì: “Tất cả những người tìm đến Chúa trong đức tin chân chính, xuất phát từ tận trái tim, chắc chắn sẽ được lắng nghe, và sẽ nhận được điều mà họ mong muốn” (Martin Luther). 

Bài Suy Niệm 2 

1. Chuyện chúng mình: 
CẬU BÉ SÁU TUỔI CẦU NGUYỆN TRONG ĐÊM XIN CHO ĐẠI DỊCH MAU QUA 

Nhiếp ảnh gia đã ghi lại hình ảnh một cậu bé 6 tuổi cầu nguyện trong đêm, chia sẻ: “Tôi đã nở một nụ cười khi bắt gặp hình ảnh này. Với niềm tin và hy vọng nhỏ nhoi của mình, tôi đã thực sự rất hạnh phúc khi được chứng kiến tình yêu và niềm tín thác của đứa trẻ đó vào Thiên Chúa”.

Hình ảnh này được ghi lại trên đoạn đường Junin, ở thị trấn Guadalupe, vùng La Libertad, phía tây bắc Peru. Chính tại nơi này, hình ảnh đứa trẻ quỳ gối cầu nguyện một mình giữa đường trong đêm đã làm lay động trái tim của toàn bộ mạng xã hội, bởi vì từ sâu thẳm trái tim mình, cậu bé khiêm tốn cầu xin Chúa hãy kết thúc sự đe doạ của virus đang làm rung chuyển cả thế giới: đại dịch coronavirus, một tình huống đã khiến toàn vùng Châu Mỹ Latinh phải phó dâng cho Đức Mẹ Guadalupe. Đây là lời chú thích được đưa ra bởi Claudia Alejandra Mora Abanto, người đã chụp bức ảnh chứa khoảnh khắc đặc biệt của cậu bé này trên đường phố trong giờ giới nghiêm. 

Claudia chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Hôm nay, trong khu phố, chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện và cầu xin Chúa giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp mà chúng tôi đang sống, để bằng cách này chúng tôi có thể chia sẻ niềm hy vọng và đức tin. Tôi đã tận dụng những phút trước khi mọi người đi ra cửa để cầu nguyện, để chụp lại vài hình ảnh về những ngọn nến. Thật là một khoảnh khắc tuyệt đẹp khi tôi nhìn thấy cậu bé này, tôi đã tận dụng sự tập trung của cậu ấy và đã chụp được bức ảnh này”. 

Claudia, sau khi chụp hình, đã đến và hỏi xem cậu bé đang làm gì, cậu bé đã trả lời trong sự ngây thơ rằng “em đang cầu xin Chúa cho mình một điều ước”, và em ra ngoài đường để cầu nguyện vì trong nhà ồn ào quá và cậu sợ trong những ồn ào kia cậu không thể tập trung và hoàn thành điều cậu cầu xin. 

Claudia đã kết những chia sẻ của mình rằng, cô ấy thực hạnh phúc khi được chứng kiến và làm chứng cho tình yêu và niềm tin của đứa trẻ đó đối với Thiên Chúa. Thật đẹp biết bao khi những đức tính này được thấm nhuần trong mỗi chúng ta, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Câu chuyện này đã được tiết lộ công khai qua một tờ báo của hãng tin RPP của Peru, cậu bé có tên Alen Castañeda Zelada. Năm nay em ấy sáu tuổi và em ấy đã quyết định đi ra đường để cầu nguyện với Chúa vì tình yêu mà em dành cho ông bà mình, họ là những người mà em đã không được nhìn thấy kể từ khi lệnh phong tỏa ở Peru bắt đầu. Cậu bé nói: “Con cầu nguyện xin Chúa hãy chăm sóc những người mắc bệnh này. Con cũng xin cho đừng có ai đi ra ngoài, vì có rất nhiều người già đang chết vì căn bệnh này”. 

Về phần mình, cha của cậu bé cũng nói rõ với báo chí địa phương rằng con trai ông muốn ra ngoài đường một lát để yên tĩnh cầu nguyện vì trong nhà quá ồn. “Chúng tôi là một gia đình Công giáo và tôi khá ngạc nhiên về con trai tôi, nó chỉ là một cậu bé sáu tuổi và tôi không nghĩ nó sẽ phản ứng như thế này. Điều đó thật bất ngờ đối với tất cả chúng tôi”, ông nói thêm. *Cảnh tượng đặc biệt về Alen đang cầu nguyện xin cho đại dịch coronavirus kết thúc cũng được diễn ra trong bối cảnh của một khu phố nơi mà mọi người cầu nguyện cách công khai và không có gì phải xấu hổ. Nhiều người trong khu phố đó đã gắn kết với nhau để tạo ra một chuỗi cầu nguyện cho mỗi đêm, và nhiều người trong số họ, vào mỗi buổi tối, đi ra đứng trước cửa nhà để cầu nguyện cùng nhau mặc kệ những khoảng cách từ nhà này sang nhà khác. 
Hoài Thương - CTV Vatican News 
(Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2020-05/cau-be-sau-tuoi-cau-nguyen-trong-dem-xin-cho-dai-dich-mau-qua.html) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên) 

Trước khi dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã mượn lời tác giả sách Huấn ca (Hc 7,14) để nhắc cho các ông những điều hết sức ý nghĩa: "Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin” (Mt 6, 7-8). Như vậy, Ngài nhắc cho các môn đệ và cũng nhắc cho mỗi người chúng ta nên nhớ rằng, mỗi người nên biết mình sẽ phải làm gì trong khi cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ được Chúa đoái nghe không hệ tại ở việc nói nhiều hay ít, lâu hay mau; mà quan trọng là chúng ta cầu nguyện cái gì và như thế nào (thánh Têrêxa Avila). Hiểu được thế, chúng ta sẽ nhận thấy Kinh Lạy Cha tuy súc tích nhưng thật ý nghĩa biết bao. 

Trước hết, Kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta hãy sống với Chúa bằng tình con thảo, nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài như tâm tình của một người con, chứ không phải khiếp sợ như một kẻ nô lệ và hãy thể hiện lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa bằng việc mau mắn thực thi ý Ngài. Để hiểu được điều này, chúng ta nên lần giở lại bối cảnh thời bấy giờ. Dân ngoại thời đó sống trong một thế giới đầy thần linh. Hơn nữa, giữa các thần luôn có sự ghen tương, thù oán. Người ta luôn phải tìm mọi cách để chiều lòng các vị thần của mình. Nhưng vì chẳng bao giờ biết mình có bỏ sót hoặc quên tôn vinh vị thần nào đó hay không, kết quả là họ luôn sống trong sự lo lắng và khiếp sợ. Còn ở đây, Đức Giêsu giới thiệu một Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Điều này sẽ giúp giải quyết mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa, không giống như nơi dân ngoại. Đó không phải là loại bỏ sức mạnh, quyền năng và sự oai nghiêm của Chúa nhưng là khiến chúng ta được đến gần hơn với Chúa, gần hơn với các thuộc tính chỉ có nơi Người. 

Kế đến, Kinh Lạy Cha nhắc nhớ chúng ta hãy sống phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa, là Cha chúng ta, đừng như dân ngoại lải nhải nhiều lời mà thiếu lòng tin. Biết bao lời dạy, đặc biệt, rất nhiều dụ ngôn mà Đức Giêsu đã dùng đều nhằm mời gọi chúng ta tin vào tình thương của Thiên Chúa. Chẳng hạn, dụ ngôn “Hoa huệ ngoài đồng”, chúng không canh cửi, cũng chẳng dệt khâu, vậy mà ngay cả vinh hoa của vua Salômôn cũng không thể sánh tày một bông hoa đó. Hay như dụ ngôn “Chim sẻ ngoài đồng”, chúng không gieo vãi, cũng chẳng gặt hái, vậy mà Cha trên trời vẫn nuôi sống chúng. Chúng ta còn đáng giá hơn muôn ngàn bông huệ và chim trời. Như vậy, đức tin giúp chúng ta thêm xác tín vào một Thiên Chúa luôn quan phòng và hết mực yêu thương. Chúa Cha yêu thương chúng ta vô ngần, như lời thánh Phaolô đã nói: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban người còn con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8,32). Chẳng ai nhìn lên Thập giá mà còn có thể nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa là Cha của mình được nữa. 

Cuối cùng, Kinh Lạy Cha nhắc nhớ rằng, nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta, thì tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Không thể thưa với Thiên Chúa “Lạy Cha chúng con”, mà lại không nhìn nhận mọi người là anh em hoặc đối xử với nhau như những người xa lạ. Chúng ta không thể đón nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa nếu không sẵn sàng tha thứ cho nhau. “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” trở thành một trong những ý tưởng gần gũi nhất nhưng lại khó thực hiện nhất. Chúng ta mong Chúa tha thứ nhưng chính chúng ta lại chưa mở lòng đón nhận anh em, chưa hàn gắn những mối bất hòa, chưa giải quyết các cuộc xung đột, chưa dàn xếp ổn thỏa các cuộc tranh chấp… thì làm sao Chúa có thể chiều lòng chúng ta được. 

Lạy Chúa, xin thương ban Thánh Thần của Chúa để Người đổi mới chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống xứng đáng là con cái Chúa bằng tình con thảo. Xin cho tình thương của Chúa luôn thúc bách chúng con biết liên đới và yêu thương anh chị em của mình. Xin cho chúng con luôn luôn tin tưởng, phó thác và hiệp nhất cùng nhau để tôn vinh và làm sáng Danh Chúa mỗi ngày. 

 4. Lời bàn 

- “Xin tha tội cho chúng con” phải trở thành lời van nài sớm hôm của chúng ta. Tiếc rằng, nhiều khi chúng ta không ý thức đủ về tội của mình nên dễ dàng bỏ qua, lâu dần thành nếp nghĩ trong tiềm thức. Tân ước dùng 5 chữ để nói về tội: Thứ nhất, chữ thông thường hơn cả là hamartia, có nghĩa là trật mục tiêu. Thất bại hay bắn không trúng mục tiêu cũng được gọi là hamartia. Như vậy, tội lỗi là thất bại, tức là không đạt được như điều mình đáng ra phải sống hoặc có thể sống. Thứ hai, chữ được dùng là parabasis, nghĩa là bước ngang qua. Tội được hiểu là vượt qua ranh giới giữa đúng – sai, phải - trái, trắng – đen, thiện – ác. Theo nghĩa này, chẳng ai trong chúng ta dám tự hào suốt đời mình hoàn toàn vô tội. Chữ thứ ba là paraptoma, có nghĩa là trượt chân. Tội này thường xảy đến do thiếu cảnh giác, hoặc do lỡ lời, hoặc do thiếu kiềm chế cảm xúc nên bị lôi cuốn vào đam mê nào đó. Người ngoan đạo nhất cũng có thể bị vướng vào tội này nếu không đề phòng. Chữ thứ tư là anomia, có nghĩa là vô kỉ luật. Nó là tội của người biết điều phải nhưng cứ thích làm điều ngược lại, tức là biết mà cứ liều phạm tội. Bản năng thường thôi thúc chúng ta làm điều mình thích, có khi bất chấp cả luật lệ. Biểu hiện của nó là thích gây sự chú ý, thích khác người và có khi chấp nhân “chơi ngu” để lấy tiếng. Chữ thứ năm là opheilema, có nghĩa là nợ, là không trả được thứ đã vay mượn hoặc không chu toàn bổn phận. Thứ này không ai trong chúng ta dám tự hào; bởi vì nó được coi như một sự trọn lành mà loài người khó lòng đạt được. Trong những thứ tội trên, đâu là “kẻ thù” dai dẳng nhất của bạn? Bạn muốn biết câu trả lời của tôi chứ gì? Chúng nó đến rủ rê và ăn chực nằm chờ ở nhà của tôi suốt ngày. 

- “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Đây có thể là lời cầu xin đáng sợ nhất nhưng đó cũng là lời cầu mang lại sự an ủi nhiều nhất. Chúng ta sợ Chúa không tha tội cho chúng ta vì chúng ta chưa muốn tha tội cho người khác. Như vậy, việc chúng ta tha cho kẻ khác trở thành điều kiện cần và đủ để nhận lại sự thứ tha của Chúa. Điều này không đúng. Chúng ta phải hiểu ngược lại, tức là ngay cả khi chúng ta chưa xin, Chúa đã tha thứ cho chúng ta rồi. Đến lượt mình, chúng ta hãy bắt chước Chúa mà tha thứ cho anh em. Do vậy, thay vì sợ hãi, chúng ta nhận được sự an ủi và khích lệ để có thể hòa giải với người lân cận. Để có thể sống tinh thần tha thứ, chúng ta cần lưu ý đến 3 điều sau đây. Trước hết, chúng ta cần phải biết cảm thông. Điều này lưu ý cho chúng ta rằng, cần phải biết bình tâm suy xét trước những lỗi phạm người khác gây ra cho mình. Hiểu được căn nguyên của nó, chúng ta sẽ dễ cảm thông cho những người anh em của mình. Thứ đến, là phải biết học cách để quên. Bao lâu chúng ta còn chất chứa một thứ tổn thương nào đó trong lòng, chừng đó chúng ta chưa thể tha thứ cho người khác được. Và cuối cùng, là phải học cách yêu thương. Đức Giêsu trở nên kiểu mẫu cho chúng ta bắt chước. Ngài không chỉ yêu thương bạn hữu của mình mà còn yêu thương những kẻ bội phản và nhát đảm nữa. Theo bạn, đâu là bài học khó nhất để có thể tha thứ cho những người khiến bạn tổn thương? 

- “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Trong tâm trí chúng ta, “cám dỗ” thường mang nghĩa xấu, tức là xui ai đó làm điều ác, điều xằng bậy. Tuy nhiên, Kinh thánh lại cho chúng ta hiểu hạn từ này cách linh động hơn. Trước hết, nó có nghĩa là thử thách. Theo nghĩa này, nó là cơ hội để thử nghiệm sức mạnh và lòng trung thành cùng khả năng làm việc của một ai đó. Đức Giêsu ngay khi chuẩn bị bước vào sứ vụ công khai, đã được Thần Khí đưa vào hoang địa để chịu thử thách (cám dỗ) về lòng trung thành và vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Nghĩa thứ hai của hạn từ “cám dỗ” chính là một sự xác quyết về quyền lực của cái ác đang hiện hữu trong thế gian. Nó đối nghịch lại với Thiên Chúa. Tiếng Hipri gọi đó là Satan. Nó cũng có một tên gọi khác là ma quỷ. Dù được gọi bằng cái tên nào đi chăng nữa thì satan vẫn luôn là kẻ đối nghịch với Thiên Chúa và thành kẻ tố cáo, phỉ báng, vu khống và lừa phỉnh con người. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta đừng sa chước cám dỗ, thực ra là xin cho được biết trước cơn cám dỗ tấn công từ đâu để phòng ngừa. Thật vậy, đôi khi cám dỗ đến từ bên ngoài, từ những người có ảnh hưởng xấu. Nó là một thứ chi phối tiêu cực theo kiểu “gần mực thì đen”. Cám dỗ có thể đến từ những người gần gũi nhất, yêu thương chúng ta nhất, đúng theo kiểu Đức Giêsu đã nói: “Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,36). Đối với thân nhân, Đức Giêsu đang làm những điều dại dột nên họ muốn can ngăn. Một loại cám dỗ khác có vẻ khá kì quặc tấn công khi chúng ta sợ mình bị coi thường, bị cho là cù lần hay nhát chết… vì tự ái, chúng ta lao vào thử và rồi khởi sự cho những ngày buông thả, bê tha. Bên cạnh đó, cám dỗ có thể đến từ những nhược điểm ở nơi con người chúng ta. Nó có thể là những cuộn trào của đam mê, những thôi thúc của bản năng, những nết xấu… ma quỷ có thể chộp lấy và chiếm quyền điều khiển nếu như chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Và sau cùng, cám dỗ cũng có thể đến từ những ưu điểm của chúng ta. Quá tự tin hay tự cao về những khả năng của mình có thể là mồi nhử của ma quỷ khiến chúng ta mắc bẫy. Chúng ta hãy cầu xin Chúa soi sáng để chúng ta có thể nhận diện từ sớm những loại cám dỗ này mà cảnh giác, mà tránh né. Này bạn, có thứ cám dỗ nào mà ban đầu, bạn chỉ muốn thử một lần cho biết nhưng mãi mà vẫn không thoát được lưới của satan không nhỉ? Với tôi, có nhiều thứ lắm bạn ạ. 

- “Hình ảnh đứa trẻ quỳ gối cầu nguyện một mình giữa đường trong đêm đã làm lay động trái tim của toàn bộ mạng xã hội, bởi vì từ sâu thẳm trái tim mình, cậu bé khiêm tốn cầu xin Chúa hãy kết thúc sự đe doạ của virus đang làm rung chuyển cả thế giới”. Với tôi, đây có thể được xem là một trong những hình ảnh đẹp nhất xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng giữa mùa đại dịch. Chúng ta không biết cậu bé ấy đang thủ thỉ những gì với Chúa; chỉ biết rằng, cậu ấy đang cầu nguyện với cả trái tim, một trái tim đơn thành và thánh thiện. Điều này có giá trị hơn rất nhiều lần những lời cầu xin mà thiếu đi niềm tín thác. Mahatma Gandhi dẫu không phải là một tín hữu Công giáo cũng đã thốt lên như vậy khi nói: “Trong cầu nguyện, thà có trái tim mà không thốt nên lời còn hơn thốt nên lời mà thiếu vắng trái tim”. Hình ảnh một cậu bé quỳ gối cầu nguyện cũng có thể trở thành một hình mẫu sống động cho đời sống đức tin của chúng ta giữa mùa Covid. Chúng ta học được từ cậu sự chân thành và tín thác để rồi trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta không chỉ “xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ” nhưng còn là “xin cho Danh Cha được vinh hiển dưới đất cũng như trên trời”. 

- Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1700,BảnTin,2,bâcsi,1,Cáo Phó,66,Chuyên đề,226,Cộng Đoàn,968,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,38,Giáo dục,130,Giáo Hội Hoàn vũ,776,Giáo Hội Việt Nam,406,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1263,Hội Thánh,352,Kiến Thức,76,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,m,1,Mùa Chay và Phục Sinh,1426,Mùa Thường Niên,2750,Mùa Vọng,59,Mùa Vọng và Giáng Sinh,536,Mục Vụ Giáo Xứ,75,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,192,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,84,RVA,23,suy,4,Suy Niệm,5447,Suy niệm,1095,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,1039,Sứ Vụ,49,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,148,Sưu Tầm,198,Tài liệu,600,Tập San Lên Đường,597,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,1171,Thời Sự,481,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,2648,Văn-Thơ,2,vi,3,Video Clips,1722,Video Nhạc - Phim,775,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên (Bài 1&2)
Góc Suy Gẫm - Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên (Bài 1&2)
Góc Suy Gẫm - Mt 6, 7-15; thứ Năm, tuần XI Thường niên (Bài 1&2)
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEju3tw5Q_9WyJwHEl17Y3PyOEeNFhYUwt-w78o8GnYh1oHQ0jOjvpIjcwDm59f4Ulvn7p1fo8gHWjSEAVNf15xld5UjGVKiyp3sMjzs-ghVWHcLmnAH28xGM-Dnw7PYn6HjRDhyphenhyphen9DNt0fE/w689-h394/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEju3tw5Q_9WyJwHEl17Y3PyOEeNFhYUwt-w78o8GnYh1oHQ0jOjvpIjcwDm59f4Ulvn7p1fo8gHWjSEAVNf15xld5UjGVKiyp3sMjzs-ghVWHcLmnAH28xGM-Dnw7PYn6HjRDhyphenhyphen9DNt0fE/s72-w689-c-h394/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-mt-6-7-15-thu-nam-tuan-xi.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-mt-6-7-15-thu-nam-tuan-xi.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content