Góc Suy Gẫm - Ga 19, 31-37; thứ Sáu, tuần X Thường niên- lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Ga 19, 31-37; thứ Sáu, tuần X Thường niên- lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Góc Suy Gẫm - Ga 19, 31-37; thứ Sáu, tuần X Thường niên- lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 

Góc Suy Gẫm – Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay) 

XÚC ĐỘNG NHỮNG HÌNH ẢNH Y, BÁC SĨ QUÊN MÌNH TRÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID-19 

(NLĐO) - Hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 phải làm việc xuyên ngày đêm trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt dưới tiết trời nóng bức… Không ít người trong số họ lả đi vì kiệt sức.

Hiện các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… đang gồng mình trước đợt dịch Covid-19 với số ca nhiễm tăng nhanh. Nhiều tỉnh, thành đã điều những "đội quân" tinh nhuệ trong phòng chống dịch Covid-19 đến hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và khoanh vùng dập dịch. 

Chiều 16-5, Hà Nội đã tổ chức lễ xuất quân cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế giỏi lên đường "chi viện" tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch Covid-19. 

20 y, bác sĩ gồm những người có chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm chuyên sâu về truy vết, khoanh vùng dập dịch. Phụ trách "đội đặc nhiệm" là ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế, và ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Đây đều là những chuyên gia dày dạn của Thủ đô. 

Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ ngay trong ngày, "đội đặc nhiệm" bắt tay ngay vào việc hỗ trợ xét nghiệm 10.000 mẫu. Khẩn trương truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch ở khu công nghiệp Vân Trung với gần 100.000 công nhân và 152 ca bệnh Covid-19 nhằm giúp Bắc Giang nhanh chóng dập dịch. 

Trước đó, ngày 15-5, đoàn xe chở 200 cán bộ là y bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cùng trang thiết bị hiện đại nhất đã lên đường "chi viện" cho tỉnh Bắc Giang chống dịch. 

Ngay khi tới nơi, những y, bác sĩ và sinh viên của trường Đại học Y tế kĩ thuật Hải Dương chi viện cho Bắc Giang đã bắt tay ngay vào lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. 

Ai cũng đã thấm mệt khi phải mặc bộ quần áo bảo hộ ngột ngạt trong tiết trời oi bức. Họ bắt đầu công việc từ 20 giờ tối, làm không ngừng nghỉ cho tới khi hoàn thành 9.000 mẫu xét nghiệm ở thôn Núi Hiểu. 

Những hình ảnh dưới đây cho ta thấy được sự vất vả của những y, bác sĩ, nhân viên y tế đang phải đương đầu với dịch Covid-19 trong những ngày này ở các "tâm dịch" Bắc Giang, Bắc Ninh. Nhiều người lả đi sau làm việc thông ngày đêm để lấy mẫu xét nghiệm, truy vết... Nhưng họ chỉ có thể ngả lưng chợp mắt một chút để lấy sức "chiến đấu" tiếp. 
Ngô Nhung 
(Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/xuc-dong-nhung-hinh-anh-y-bac-si-quen-minh-tren-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-2021051712311467.htm) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Ga 19, 31-37; thứ Sáu, tuần X Thường niên- lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu) 

Hôm nay Giáo Hội long trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thế nhưng, không chỉ có ngày hôm nay mà Giáo Hội còn dành trọn cả tháng Sáu để tôn thờ Thánh Tâm Chúa, một dấu chỉ tình thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người. Tình thương ấy thì bao la nhưng xem ra con người không hiểu và cũng dễ dàng lãng quên tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Ngày lễ hôm nay không phải là dành để tôn kính một phần cơ thể của Đức Giêsu, cũng không phải là tôn kính một di vật quý giá mà Ngài trao lại cho nhân thế, nhưng là nhằm tôn kính Tình Yêu mà Ngài ban tặng. 

Thiên Chúa như một người cha. Ngài đã làm mọi sự và tìm đủ mọi cách để cho con người hiểu được tình yêu của Ngài. Thậm chí, khi không còn ngôn từ nào để diễn tả tình yêu ấy, Thiên Chúa đã dùng chính cái chết của Con mình để biểu lộ nó; bởi lẽ, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Hơn thế nữa, ngay cả khi đón nhận lấy cái chết, Đức Giêsu vẫn tiếp tục cho con người thấy, Ngài yêu thương nhân loại đến chừng nào. Chính vì thế, Ngài đã để cho trái tim của mình bị đâm thâu và không còn giữ lại cho mình dù chỉ là một giọt máu quý giá. Bởi đó, trái tim bị đâm thâu đã trở thành một hình ảnh rõ rệt nhất, là tiếng nói mạnh mẽ nhất về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta và là một bằng chứng không thể chối cãi về một tình yêu nhiệm lạ. 

Thánh Gioan cho biết, thay vì đánh dập ống chân giống như đã làm với hai tử tù khác, một người lính đã dùng mũi giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Giêsu, tức thì nước và máu chảy ra. Sự kiện này nhằm ứng nghiệm những lời loan báo từ trước: “Như Kinh thánh đã nói, từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống (Ga 7,38); Đức Giêsu giống như Chiên lễ Vượt Qua và người ta không được làm gãy bất kỳ một cái xương nào của con chiên ấy (Xh 12,46; Ds 9,12); hay “Chúng nó sẽ nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu” (Dcr 12,10). Cách nhìn lên Đấng chịu đóng đinh này liên quan tới hai loại người chứng kiến: những kẻ từ bỏ Chúa và những người được mời gọi hối cải. Với Gioan, đây còn là một bằng chứng dứt khoát không thể chối cãi được về một Đức Giêsu là con người thật, với một thân thể thật. Nó cũng là câu trả lời xác đáng dành cho những người theo phái Ảo thân thuyết. Quả vậy, những người này không chấp nhận nhân tính đích thực của Đức Giêsu. Họ cho rằng thân xác của Ngài không phải là thân xác đích thực, mà là một loại thân xác thiêng liêng, có vẻ bên ngoài là thân xác, giống như thiên thần. Họ chối bỏ những hành vi nhân sinh được coi là bất xứng với thần tính, ví như sự đau khổ. Điều cuối cùng theo Gioan đó là, nước và máu của Chúa chảy ra cũng chính là dấu hiệu của nước thanh tẩy nơi phép rửa và máu đổ ra trở thành nguồn ơn cứu chuộc loài người.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Chính vì vậy mà trước khi từ giã các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một giới răn mới đó là giới răn yêu thương: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Chớ gì chúng ta yêu thương nhau nhưng đừng quên là phải yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta. Kinh nghiệm cho thấy, nói yêu thương thì dễ, nhưng yêu thương như Chúa đã yêu thương thì lại chẳng dễ chút nào, thậm chí có lúc chúng ta tưởng chừng như không thể thực hiện được. Chúng ta chỉ có thể thực thi mệnh lệnh của Chúa cách trọn hảo khi chúng ta biết tín thác nơi Ngài, như thánh Phaolô từng quả quyết: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Đấy là bí quyết sâu xa để sống độc lập chứ không hẳn chỉ là một đức tính nhân bản thông thường, lại càng không phải tính lãnh đạm pha chút kiêu căng. Không phải chỉ là chịu đựng mà còn có sức làm mọi sự. 

Lạy Chúa, xin dạy con biết nhìn ngắm Thánh Tâm yêu thương của Chúa để chúng con hiểu được Chúa yêu thương chúng con dường nào và nhất là để chúng con tìm được sức mạnh từ Thánh tâm Chúa, ngõ hầu chúng con có thể yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin cho các vị mục tử trong toàn thể Hội thánh cũng học được từ gương Thánh Tâm Chúa bài học về sự phục vụ trong yêu thương. Xin cho các ngài luôn trung tín trong ơn gọi và quảng đại trao ban cho đoàn chiên được Chúa trao phó.

4. Lời bàn 

- Thập giá là một hình phạt vô cùng hà khắc và ghê rợn dành cho các phạm nhân mà người ta có thể nghĩ ra. Khi áp dụng hình luật này trong thực tế, một số sử gia cho rằng, người Do Thái tỏ ra nhân từ hơn người Roma. Thật vậy, người Roma khi đóng đinh phạm nhân vào thập giá, họ bỏ mặc phạm nhân ở đó, cho dù phải trải qua nhiều ngày mới chết. Các phạm nhân bị phơi nhiều ngày trong cái nắng gay gắt giữa trưa; trong cái buốt giá của đêm dài; chịu hành hạ bởi cơn đói khát; bị đau đớn bởi những vết thương do những trận đòn roi trước đó. Nói chung, đó là một cái chết từ từ và đau đớn. Cái chết cứ chầm chậm tiến tới, đến nỗi các phạm nhân có thể đếm được từng nhịp gõ của thời gian. Chưa hết, sau khi họ chết, người Roma không chôn cất thi hài của phạm nhân mà hạ xác xuống rồi bỏ mặc cho lũ kền kền hoặc bầy chó hoang ăn thịt. Trong khi đó, luật của người Do Thái thì khác. Họ dựa vào Sách Thánh mà thi hành: “Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh em đã treo nó lên cây, thì xác nó không được để qua đêm trên cây, nhưng anh em phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Anh em không được làm cho đất của anh em ra ô uế, đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em làm gia nghiệp” (Đnl 21,22-23). So sánh một chút như vậy để thấy được sự tàn độc khủng khiếp mà con người dành cho nhau. Còn đối với trường hợp của Đức Giêsu và hai tử tội chịu chung hình phạt, người ta mong giải quyết càng sớm càng tốt vì hôm sau là ngày Sabbath của Lễ Vượt Qua. Một giải pháp tàn bạo được áp dụng để thanh toán các phạm nhân nếu họ còn sống, đó là dùng gậy để đập nát xương ống chân khiến cho phạm nhân mau chết. Đức Giêsu được miễn trừ nhục hình này bởi vì Ngài đã chết trước đó. Lưỡi đòng đâm thấu cạnh nương long như là “phát súng ân huệ” dành cho Đức Giêsu, mặc dù quân lính biết Người đã tắt thở. Thế nhưng, khi mũi giáo được thu lại, lồng ngực bị xé toang, máu cùng nước vọt ra lại chính là khoảnh khắc làm trào tuôn nguồn mạch ơn cứu độ. Như thế, có khi nào chúng ta nghĩ mình nên “cảm ơn” người lính đã dành cho Đức Giêsu nhát đâm “thần thánh” ấy không nhỉ? 

- Ngày nay, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là một trong bốn lễ dành để kính Chúa quan trọng bậc nhất trong năm. Trái tim Chúa êm ái dường bao, ngọt ngào biết mấy; nhưng lịch sử của ngày lễ này không hề êm ái cũng chẳng dịu ngọt chút nào. Trong các cuộc đối thoại, Đức Giêsu muốn thánh nữ Magarita Maria Alacoque (1647 – 1690) trở thành sứ giả để cổ võ lòng tôn sùng và xin thiết lập một lễ dành riêng để kính Thánh Tâm Chúa. Tuy nhiên, ngay khi thánh nữ kể lại các cuộc gặp gỡ với Chúa, thì cũng đồng thời dấy lên những sự chống đối gay gắt. Sự chống đối này bắt đầu từ những người chị em trong cùng Hội Dòng, tiếp đến là đức Giám mục giáo phận và sau là một số thần học gia. Người ta coi những đề xuất của thánh nữ là ảo tưởng và đề nghị ngài nên ăn uống điều độ hơn. Có thể nói, thánh Magarita M. Alacoque đã bị đẩy vào một cuộc chiến đấu đầy cam go và thử thách. Thánh nhân chịu nhiều đau khổ, nhất là từ phía các chị em của mình. Thánh ý Thiên Chúa nhiệm mầu đã lo liệu để cuối cùng mong muốn của thánh nữ được trở thành hiện thực, dẫu là khá muộn màng. Cũng nên nhắc lại, lễ kính Thánh Tâm Chúa chỉ được ấn định cử hành trong toàn thể Giáo hội bắt đầu từ năm 1856, tức là hơn 150 năm sau ngày thánh nữ Magarita qua đời. Chúng ta sẽ phần nào hiểu được lý do vì sao Đức Giêsu muốn thiết lập lễ Kính Thánh Tâm qua những lời Ngài nói với thánh nữ trong cuộc thị kiến thứ tư vào tháng 6 năm 1675: “Hãy nhìn Thánh Tâm Ta, Thánh Tâm đã rất yêu thương nhân loại để biểu lội cho nhân loại thấy Tình Yêu của Ta. Điều mà Ta nhận được hầu hết chỉ là sự vô ơn thông qua những sự bất kính và những điều phạm thánh, thông qua sự nguội lạnh và sự khinh mạn dể duôi mà con người đã bổ sung cho Ta trong Bí Tích Tình Yêu này. Tuy nhiên, sự đớn đau nhất đối với Ta lại chính là các Linh Hồn mà họ đã được thánh hiến cho Ta, nhưng đang chống lại Ta”. Ôi! Lại là một sự vô ơn ngàn năm lưu dấu. 

- Francis Quarles từng phát biểu: “Trái tim thật nhỏ, nhưng lại khao khát những điều to lớn. Nó chẳng đủ để làm bữa tối của một chú diều hâu, thế nhưng toàn bộ thế giới đều không đủ đối với nó”. Tôi cho rằng điều này thật chí lý, nhất là trong ngày mừng lễ Thánh Tâm Chúa hôm nay. Trái tim của Chúa bị xé toang trên thập giá tưởng chừng như bé nhỏ nhưng kì thực lại chất chứa một tình yêu vô hạn. Tình yêu ấy đủ sức khỏa lấp những mê lầm, ôm choàng hết đau khổ và tiễu trừ hết mọi tội lỗi của nhân gian. Trái tim Chúa ngày nay vẫn rộng mở và mời gọi mọi người chạy đến với Ngài để được tắm mát, được tẩy uế và nhất là được tái sinh. Đến với Thánh Tâm Chúa, chúng ta có cơ hội nhìn xuyên qua những đau khổ trong cuộc đời này để được chiêm ngắm hiến tế nơi Thập tự giá năm xưa. Như vậy, những đau khổ giờ đây trở thành chiếc cầu nối để chúng ta có thể chạm vào được trái tim rộng mở của Người. Vẫn biết thế nhưng sao mãi mà tôi chẳng học được thứ gì quý giá từ trái tim nhân hậu của Chúa. Trái tim Chúa rộng mở như trao tặng đến khôn cùng, còn tôi thì hèn nhát đến độ khép chặt lòng mình với tha nhân. Trái tim Chúa trao tặng những yêu thương, còn lòng tôi thì chất chứa những vị kỉ thấp hèn. Trái tim Chúa thì quảng đại thứ tha, còn tim tôi thì vây bọc bởi biết bao ghét ghen thù oán. Trái tim Chúa thì tinh tuyền vẹn sạch, còn tim tôi thì dẫy những sự xấu xa. Trái tim Chúa trào tràn ân ban vì người khác, còn tim tôi kín kẽ cho riêng mình. Tôi bất kính và ngàn lần bất xứng trước Thánh Tâm Chúa Giêsu. 

Nhìn thấy hình ảnh các y bác sĩ đang vạ vật ở nơi tuyến đầu chống dịch, tôi bỗng thấy bóng dáng của một Đức Giêsu - vị lương y tốt lành - ở nơi họ. Khi xưa, Đức Giêsu luôn bất chấp sự chống đối để sẵn lòng cứu chữa những ai yếu đau bệnh tật; ngày nay, các y bác sĩ cũng sẵn sàng lên đường để đến những nơi cần sự hiện diện của họ. Tôi thực sự xúc động ngay khi những hình ảnh ấy đập vào mắt mình. Tôi trộm nghĩ, những người trong gia đình của họ, một khi nhìn thấy con em của mình như thế thì chắc hẳn sẽ đau xót và héo hắt ruột gan. Tôi cầu xin Thánh Tâm Chúa, Đấng chạnh lòng thương những người đau khổ khi xưa, ban cho tất cả các nhân viên y tế có được cơ hội chạm đến trái tim nhân lành của Chúa và xin Người luôn gìn giữ họ trong bình an. Xin Chúa đoái thương để cơn đại dịch mau qua và xin đừng vì sự an nguy của chúng con mà các nhân viên y tế phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1196,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4605,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Ga 19, 31-37; thứ Sáu, tuần X Thường niên- lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Góc Suy Gẫm - Ga 19, 31-37; thứ Sáu, tuần X Thường niên- lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Góc Suy Gẫm - Ga 19, 31-37; thứ Sáu, tuần X Thường niên- lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjuvhkRIveR3rlnlINSMTuMsF9AWZHsfJG-gMCHByOsRfShBzH5L8QRNy_21Lvm5MADKZl-ViZug1aKVhz5vWnYSPwYKUj2kXwsVC9jmIevf5l5OXj0nR6IslX2-bakEX3httCNLUXsOk4/w682-h390/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjuvhkRIveR3rlnlINSMTuMsF9AWZHsfJG-gMCHByOsRfShBzH5L8QRNy_21Lvm5MADKZl-ViZug1aKVhz5vWnYSPwYKUj2kXwsVC9jmIevf5l5OXj0nR6IslX2-bakEX3httCNLUXsOk4/s72-w682-c-h390/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-ga-19-31-37-thu-sau-tuan-x.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/06/goc-suy-gam-ga-19-31-37-thu-sau-tuan-x.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content