Xóm Chài

SHARE:

Xóm Chài

 

Một chuyến đi… 

Cái nắng chiều trải rộng trên bãi cát dài, nắng không còn gắt nữa mà nhạt hơn. Tôi cứ men theo dọc bờ biển, tiếng ầm ĩ xa xa của những đứa trẻ con khiến cho tôi phải chú ý tới chúng. Tôi lại gần có khoảng chừng chục đứa 5, 7 tuổi mặt mày lấm lem, quần áo xộc xệch. Chúng xúm lại chơi đồ hàng, cả nhóm hì hục đứa thì thổi lửa, đứa thì lấy thêm củi cho vào, đứa thì lo lấy cái muôi cũ gạt nước nồi cháo. Chả là chúng đang nấu cháo trong lon sữa bò và muốn cho nồi cháo bớt trào ra ngoài. 
Tôi hỏi: Các con làm gì thế? 
Một bé trai trả lời: Cô, cháo cứ trào hết ra ngoài rồi. 
Tôi cười và bảo: Vậy thì các con chỉ cần lấy bớt củi ra là hết trào chứ gì? 

L H là một thị trấn đang phát triển về du lịch biển, dân cư có cuộc sống khá ổn định, những ngôi nhà cao ốc, biệt thự, khách sạn nổi lên lớp lớp san sát nhau. Thế nhưng chỉ cần đi dọc theo bãi biển từ giao lộ Resort đến cảng cá. Có một sự đối lập hoàn toàn, phía trên là những con đường bộ đẹp, sạch sẽ, những ngôi nhà, nhà hàng khang trang… phía dưới ngay ranh giới giữa phần đất liền và bãi cát hiện diện xóm chài nho nhỏ. Sở dĩ gọi là xóm chài giữa thị trấn là vì nơi đây vẫn còn nghèo lắm. Những căn nhà nhỏ liêu xiêu được dựng trên những cái cột cao cao gần như nhà sàn ở Tây Nguyên, khi thủy triều lên cuốn trôi hết rác rưởi trên cát và dưới sàn nhà, sáng sớm nước lại rút xuống dành chỗ cho ngư dân sinh hoạt. Không những thế, nếp sống ở đây thật là hay, sáng sớm tất cả mọi thành viên trong gia đình từ cụ già đến trẻ con đều tập trung ra bãi biển. Bãi trở thành nơi vừa để làm việc, vừa là chỗ để trao đổi, chuyện trò với nhau. Tất cả những chuyện lớn nhỏ trong nhà, chuyện hàng xóm, chuyện mình, chuyện người ta, chuyện buồn, chuyện vui… đều được đưa ra đây để bàn luận, để chia sẻ cho nhau biết. 

Trong xóm chài, dù thế nào thì mỗi gia đình đều có một cái thuyền thúng Composite gắn máy, gọi là “Thúng” nhưng cũng đến cả bảy, tám chục triệu mới mua được, họ phải cố gắng chắt chiu để trả mỗi năm, cái thúng nào nó cũng giống nhau, tôi chẳng thể phân biệt được cái nào với cái nào. Vì thế, họ sắm cho thúng của gia đình mình một màu cờ khác nhau để người nhà có thể nhận ra thúng nhà mình đang về từ đằng xa. Nhịp sống ngày nào cũng thế, cứ 1 giờ sáng hoặc trễ lắm là 3 giờ sáng, những người chủ trong gia đình lo đi biển với hy vọng sẽ thả được mẻ cá lớn. Thường thì những người đàn ông trong gia đình và thêm một hoặc hai đứa con trai của họ nữa, gia đình nào neo người lắm thì ông ngoại, ông nội đi biển còn đàn bà con gái thì không. Điều đáng nói, có những cái thúng đã gắn bó với gia đình họ ít là hai đến ba thế hệ, vì khi đứa con trai của họ lấy vợ, họ cũng chẳng có đủ tiền để mua cho đôi vợ chồng trẻ một cái thúng mới. Cái thúng trở thành người bạn đồng hành từ người ông, người cha đến người con… Thực ra, thúng chỉ có thể đánh bắt xa bờ chừng 2 hay 3 hải lý (mỗi hải lý cách bờ biển khoảng 18 cây số). Khoảng 5, 6 giờ sáng một số thúng đã trở về, trên bờ những người buôn cá, những người vợ, những đứa con và cả ông bà cụ đã ngồi sẵn chờ chồng con mình về. Mấy bà buôn bán, chạy xuống mua cá và đổ ra trên bãi biển luôn để kịp bán cho những người đi tắm biển buổi sáng sớm. Nhưng chỉ một số thôi, đến 8 giờ lần lượt các thuyền đều trở về, họ nhộn nhịp gỡ cá, vá lưới, xếp lưới, sửa lại đồ đạc trên thúng, kiểm tra máy móc, nghe radio của các anh em đang ở ngoài biển khơi… 

Nắng lên, cái nắng gay gắt tháng mười hai khiến con người miền biển đầy chất gió, chất rắn chắc. Quen lắm hình ảnh những người vợ và con ngồi đợi thúng nhà mình về, bên cạnh là một cái can khoét một nửa làm giỏ để vào đó tô phở hay tô bún cho ba, cho chồng. Ngồi chờ lâu lắm, những cuộc trò chuyện trở nên rôm rả đệm thêm tiếng “đan mạch” cứ đều đều tuôn ra, mấy bà vợ ngồi tám dóc với nhau, còn những đứa trẻ ngồi nấp bên cái thúng nhà hàng xóm để tránh nắng, thiu thiu ngủ gà ngủ gật, những cụ cao niên ngồi tư lự hướng nhìn ra biển mặc cho những cái nắng hắt trên khuôn mặt, trên đôi mắt nheo nheo của ông, thỉnh thoảng cơn gió biển tạt qua tạt lại làm cho chiếc áo ông mặc thêm sờn, thêm bạc. Có lẽ, Ông nhìn ra biển như để ngắm hay để nhớ về thời ông còn trai tráng phong trần hừng hực ra biển đánh gục con sóng hung bạo xô dạt vào mạn thúng. 

Họ vẫn ngồi đó và ngóng chờ xem thúng nhà mình đã về chưa? Chồng con có an toàn không? Hôm nay có nhiều cá không? Có ngày trời cho gặp được mẻ cá trích đen nghịt cả lưới, hoặc mẻ cá bống, có khi còn bắt được cả những con cá ngừ to đùng. Mẻ cá đó cũng đủ tiền cho cả nhà sống một ngày, họ vui lắm và vang tiếng cười thật giòn dã. Nhưng cũng có những ngày biển động gió mạnh, đúng là vất cả cả buổi mờ sáng mà chẳng được gì. Những người ngư dân lần lượt kéo nhau đi về chẳng ai bảo nhau câu nào? Thế là vừa mất thời gian lại vừa mất cả tiền dầu máy nữa. Đúng là bữa được bữa mất, ngày có ngày không cũng y như biển khi đầy khi vơi, như sóng lúc dữ lúc êm. 

Không phải lúc nào trên bãi biển cũng đầy ắp tiếng cười, có hôm biển trở nên ngột ngạt hơn bởi tiếng cãi lộn, đánh nhau, tiếng can ngăn của hàng xóm. Còn đó cảnh chồng đánh vợ, bố tát con, đứa con trai vẫn im bặt, tay vẫn gỡ lưới mà lòng thì nghẹn ngào như quen chuyện thường ngày rồi. Tôi hỏi cô bé đang đứng bên cạnh tôi: Con ơi, sao bạn ấy lại bị đánh vậy con? Cô bé chỉ trả lời một câu duy nhất: “Ở đây, họ cằn tính lắm cô”. Cái nghèo đâu chỉ có thế, có lần sáng sớm tôi mải mê bước đi trên bãi cát quan sát không khí buổi sớm và cảnh sinh hoạt để vẽ, chẳng may đạp phải mấy “cục mìn”, tôi cứ tưởng ở đây họ nuôi chó mèo, nhưng thật ra khi màn đêm buông xuống trên xóm chài cả người và cả những vật nuôi đều thả mìn trên bãi biển, đến đêm khi thủy triều lên nó lại cuốn đi hết, sáng sớm ngủ dậy thì những đứa trẻ con lại tiếp tục chảy ra bờ biển cạnh nhà mình xả cho hết nỗi buồn. Tôi cứ nghĩ “cầu tõm” bây giờ chắc không còn nữa, còn ở đây họ vẫn tự nhiên như thế và có lẽ đã trở thành thói quen rồi. 

Đặc biệt, trên con đường nhựa cứ cách một quãng thì có một trường học. Ấy thế mà những đứa trẻ ở đây chỉ học hết lớp 3, lớp 4 và cũng chỉ cần biết cái chữ mà thôi, cũng có ông bố khoe cậu con trai của mình phải học bốn năm liền mới tốt nghiệp được lớp một, rồi thì cũng đủ tuổi để theo ba ra biển. Chúng nói “vì con không có giấy đỏ”, mãi tôi mới hiểu không có tờ phiếu đóng học phí nên không được đến trường. Ở trường có bạn, có thầy cô, còn ở nhà bé trai 9, 10 tuổi theo ba ra biển từ hồi sáng sớm, bé gái theo mẹ hoặc theo bà mang đồ ăn sáng ra bãi chờ thúng của ba về. Ngày nào cũng thế, có hôm cứ ngồi chờ cho tới hơn 10 giờ ba mới về. Thúng về, chúng chạy ra xúm lại quanh thuyền, ngó xem hôm nay ba kéo được nhiều cá không? Mẹ mang cá ra bán, con thì kéo lưới gỡ cá, gỡ rác dưới cái nắng như thiêu như đốt. Bởi thế, trông chúng đứa nào đứa nấy đen sạm đi. Mỗi chiều chúng chẳng có việc gì làm, các ông nào là uống rượu, số đề, vợ ông A than thở: “Ngày nào mà ông không có men rượu không chụi được, chẳng biết có bắt được cá không, nhưng mà rượu thì ngày nào cũng phải mua cho ông, đưa tiền cho ông chơi số đề.” Còn những đứa trẻ lớn chẳng có việc gì làm thì rủ nhau hút chích, rồi buôn bán, cờ bạc, đánh nhau. Có hôm cả xóm chài xôn xao chuyện xóm mình, nào là chuyện thằng anh giết thằng em, nào là chuyện ông B bán vé số nợ 200 triệu thắt cổ tử tự sáng nay… Đấy, vợ chồng nó lại bỏ nhau nữa rồi, cứ tưởng thằng con nhà bà G vì lên Sài Gòn đi làm hóa ra là buôn bán ma túy đó, nó bị công an bắt rồi … 

Hầu như cả xóm chài chỉ có mình ông Tư đi nhà thờ, từ khi vợ mất phải một mình nuôi con được Cha xứ giúp đỡ nên ông mới trở lại đạo. Nhà của ông ở ngay chính giữa eo bãi cát, nên hễ dân từ biển về không có gì ăn thì gọi ông làm cho tô mì tôm hoặc cho một đĩa cơm, gọi ly nước ngọt mà cũng chẳng kiếm được bao nhiêu chỉ đủ sống qua ngày. Thỉnh thoảng, tôi cũng mượn ông cái ghế nhựa để ngồi vẽ, cạnh tôi hai chị em dáng người nhỏ bé ngày nào cũng ra ngồi ở quán ông Tư để chờ thúng về, có khi ngồi nguyên cả buổi sáng. 
Tôi hỏi bé: 
- Sao ngày nào con cũng ra đây sớm thế? con học lớp mấy rồi? 
Bé trả lời : 
- Con học lớp 3. 
- Thế còn chị con ? 
- Chị không đi học, chị lấy chồng rồi, mới cưới tuần trước. (Tôi ngạc nhiên quá sức) 
- Chị con năm nay bao nhiêu tuổi mà trông bé quá ? 
- Chị 18 tuổi, anh rể cũng 18 tuổi, anh với ba của anh đi biển rồi, nhưng ở bãi khác. 
- Thế mẹ con làm gì? 
- Mẹ đi làm phụ hồ trên Sài gòn để gửi tiền về cho con đi học. Ba con bỏ đi với người khác hồi mẹ mới sinh con, nên con chưa bao giờ được gặp mặt ba, con chỉ biết mặt ba dượng ở trên Sài gòn với mẹ con thôi.
- Thế hai chị em con ra đây chờ ai? 
- Con chờ ông ngoại. Bà ngoại nói, bà yếu không ra phụ ông được nữa, nên hai đứa ra sớm ngồi chờ ông. 
Quả thật, hôm đó 11 giờ trưa mọi thúng khác về kín cả bờ cát, mãi tôi thấy cô bé chỉ cho tôi : 
- Cô ơi, ông của con về rồi. 
Tôi ngẩng đầu hướng nhìn ra biển, chỉ thấy hai ba cái thúng từ xa nhỏ xíu. 
- Làm sao con biết thuyền của ông? 
- Thúng ông con có chùm cờ màu đỏ kìa. 
Ông đã già rồi, trông người gầy gò chỉ còn da bọc xương nhưng rất rắn chắc. Sức khỏe của ông không như những ngư biển khác nhưng ông có cả một kho kinh nghiệm về công việc này. Nếp sống hình thành nên vận mạng của con người. Hàng xóm của nền văn minh tiện nghi là một xóm chài nghèo và những đứa trẻ nhếch nhác. Có thể chính trong cái nghèo khiến cho con người ta trở nên cộc cằn, hằn học khi đối xử với nhau. Cũng có cha mẹ chẳng mấy bận tâm đến tương lai và những ước mơ của con mình. Họ nghĩ rằng, miễn có tiền để sống, có cái thúng để làm ăn thế là đủ. Cứ ngày ngày cha con thả lưới trên biển, chiều về gia đình đoàn tụ chuyện trò với nhau, thật hạnh phúc. Nhưng rồi cá đánh bắt dần cũng hết, tài nguyên rồi cũng cạn. Đời ông mỗi khi đi biển về, thúng đầy ắp cá vác oằn cả lưng, đến đời con trai cá bớt dần nhưng cũng đủ sống, còn đến đời cháu thì sao? Bữa ít, bữa nhiều, có khi bán cá cũng được nhiều tiền thật nhưng mua cái gì cũng đắt đỏ… mà mỗi ngày thúng lại càng đông hơn để chật cả bãi. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn, tệ nạn xã hội chờ chực tàn phá con người. 

Bên cạnh những câu chuyện thường ngày, những cơn giông bão đi qua không thể cướp đi hùng vĩ của biển. Đó là hồn biển, biển đã trở thành nhà, biển là sự sống còn của ngư dân từ đời ông sang đời cháu và còn nữa. Biển có từ lâu nhưng cũng chẳng biết xóm chài hình thành tự bao giờ. Ông cụ mắt đã mờ, mang chân gỗ giả, sáng nào cũng ra biển ngồi trên thành thúng hư với đứa cháu nhỏ, để nghe tiếng sóng dập dồn, để nghe tiếng sóng vỗ, để nghe tiếng gió hú, tiếng động cơ rề rề của thúng như đang tiến dần về và để nghe những tiếng rì rào chuyện trò của những người ngư dân trong xóm. Ngày ngày, sáng sáng, chiều chiều ông vẫn ngồi đó, không chỉ để nhớ về một thời trai trẻ oai hùng giữa tiếng gầm thét của biển cả, nhưng còn là một “cội rễ ” trụ vững giữa cơn phong ba bão táp của phận người lênh đênh trên biển. Những người bạn cùng thời, bà con lối xóm, những đứa trẻ và cả những đứa cháu của ông như thấy được nơi ông toát lên niềm vui sâu thẳm về hy vọng cho tương lai tươi sáng hơn. Nơi ông ngồi, ai đi ngang qua cũng chào ông cách kính cẩn, hỏi thăm ông với những lời thân mật, cứ như là những người trong xóm chài này là một gia đình lớn vậy đó. Ông cứ mỉm cười, gật gật cái đầu như cái gì đó đã trở nên thường hằng rồi. Có lần, tôi chợt hỏi ông: 
- Ông ơi, ông về nhà đi nắng lắm ông ạ. 
Một lúc sau ông bảo: 
- Ông quen rồi, nắng lên biển đẹp lắm. 
Tôi thiết nghĩ, ông đâu có nhìn thấy gì đâu? Nhưng quả thật, biển đẹp và tâm hồn ngư dân xóm chài cũng đẹp lắm. Đối với ông, nếu ngày nào trên bãi mà không có tiếng người í ới, ngày đó biển đã chết đi một ít rồi. Chiều về, khi những cái bóng càng đổ dài trên bãi cát hồng, nhóm sinh viên chúng tôi nhờ bé M (4 tuổi) ngồi yên lặng để ký chân dung. Cậu bé ngồi yên, liên tiếp những cơn gió biển buổi chiều tạt mạnh vào chúng tôi, chúng tôi đứa thì ngả nghiêng, đứa thì lấy tay che mặt cho cát khỏi bay vào mắt. Còn bé M vẫn cứ ngồi yên khiến chúng tôi ngạc nhiên hết sức, bé không ngả không nghiêng cũng không chớp mắt, ngồi thẳng thắn cương trực như một bức tượng. Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên, còn bé thì mở tròn to mắt nhìn chúng tôi, riêng tôi học được bài học đáng quý nơi bé một tinh thần “trụ vững” giữa cái khắc nghiệt của cuộc sống. Mỗi lần tôi đến mượn cái ghế của ông Tư, ông lại đưa cho tôi một ly nước “mời sơ uống nước”. Rồi thao thao kể cho những người ngồi trong quán nhỏ của ông: Sơ đó, sơ tu bên nhà thờ đó. Họ hỏi tôi: con thất tình hay sao mà lại đi tu (vì họ không có đạo mà). Ông Tư bảo: Trời, sơ tu từ nhỏ, thất tình thế nào được. Mà thực ra, tôi đâu có kể cho ông nghe là tôi đi tu từ bao giờ đâu. Nhưng ông vẫn tự hào kể về những người đi tu, họ ăn ở làm sao, đọc kinh thế nào theo như những gì ông biết. Còn tôi chỉ mỉm cười, gật gật rồi chăm chú làm phần việc của mình kẻo trễ. 

Một chuyến đi, đối với tôi không chỉ là để là để chu toàn bổn phận học hành ở trường, mà đó là cả một kho kinh nghiệm sống và tôi có thêm một cơ hội nhìn lại chính mình. Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng cao nguyên bạt ngàn cà phê. Vào những ngày mùa, hoa cà phê đua nhau nở rổ trắng muốt cả một vùng trời ví như ngàn tà áo dài trắng của những cô nữ sinh cắp sách đến trường, điểm xuyến thêm màu vàng óng ả của loài hoa dã quỳ mộc mạc. Bởi đó, tôi hiểu và cảm nhận được nỗi vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời” của những người làm nông lúc mưa lúc nắng. Nhưng biển có khi nào phẳng lặng, biển lớn và mạnh mẽ bao nhiêu thì con người đứng trước biển càng bé nhỏ và yếu đuối bấy nhiêu. Những người ngư biển khiến tôi cảm phục lắm, vì họ như dám diện đối diện với tử thần, dám chinh phục sức mạnh của nó khi đứng sừng sững giữa biển cả mênh mông. Tôi cảm được cái nghèo về vật chất, nghèo trong lời nói, nghèo trong cách ứng xử… Nhưng điều đó khiến tôi chợt khám phá lời ngỏ của Thiên Chúa dành cho tôi : Tuy nghèo nhưng họ giàu hơn ai hết về tình làng nghĩa xóm, về trọng chữ “Hiếu Kính”. Cái vẻ đẹp bình dị, chân thành, hiền lành, chất phác pha lẫn chất phong trần của họ cho tôi thêm nhiều cảm xúc để diễn tả trong tác phẩm của mình. Tôi ký lại tất cả những hình ảnh làm việc thường hằng trong bầu khí nhộn nhịp của họ, những đôi tay thoăn thoắt vá lưới, kéo lưới đã trở nên thô ráp, da sạm đi vì nhuộm màu nắng gió. Nét đặc biệt nơi họ là đôi chân mày lúc nào cũng nhướng lên, lúc nào nhìn cũng phải nheo mắt để chống lại cái nắng gay gắt của biển. Đối với ngư biển giữa những cái nắng ấy, họ vẫn đón lấy những cơn gió từ biển thổi vào, cơn gió mới trong lành làm sao. Không khí ấy đã trở nên quen thuộc, du dương réo rắt xen lẫn âm thanh của con người và tất cả cùng hòa điệu lên bản tình ca bất hủ của ngư biển. 

Đó là những tâm hồn của biển, tâm hồn của những người lớn tuổi cũng mênh mông như biển cả, y như đang lúc những cái thúng chênh vênh giữa tiếng gào thét của thần biển, thì bậc cao niên ở xóm chài chính là “mỏ neo” vững chắc. Như trong Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Các con nên ý thức rằng có một vẻ đẹp nơi những người lao động trở về nhà bẩn thỉu và lếch thếch, nhưng với niềm vui vì đã kiếm được cơm bánh cho con cái. Có một vẻ đẹp phi thường trong sự hiệp thông của gia đình quây quần quanh bàn ăn và trong cơm bánh được chia sẻ cách quảng đại, ngay cả khi cái bàn rất nghèo”. Ngài còn nói thêm rằng : “Hãy thu thập kinh nghiệm của những bậc lão thành, vì những năm dài họ sống và tất cả những gì xảy ra với họ trong cuộc sống khiến chúng ta phải nhìn họ với lòng tôn trọng: “Hãy đứng dậy trước những người có tóc bạc” (Lv 19, 32) bởi vì “Sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão” (Cn 20, 29). 

Thật là tuyệt đẹp khi thế hệ trước là tài nguyên và di sản quý giá mà con cháu phải biết cách giữ cho sống mãi. Cũng thế, trong nền triết học của Đông Phương, Khổng Tử khi dạy các đệ tử của mình phải làm thế nào để trở nên người quân tử, ngài dạy: “Tu Kỷ Dĩ Kính”, nghĩa là “lấy Kính mà sửa mình”, vì muốn tu thân phải lấy chữ “Hiếu Kính” làm nền tảng. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần tôi xuống trò chuyện với các ngoại, ngoại chỉ dạy tôi một điều duy nhất : “Vốn dĩ người nữ được Trời ban cho cái ĐẸP trong cách ăn nết ở, thì người nữ tu phải THÁNH trong cách ăn nết ở con ạ.” 

Chỉ nhiêu đó thôi làm tôi bấm bụng cả đời, cứ như là cái gì đó ngoại lần trong khúc ruột lấy ra trao cho tôi vậy đó. Nói thì thật dễ nhưng mà làm thì tập cả một đời, tập cho đến hơi thở cuối cùng đấy chứ. Quả thật, tôi nghiệm lại nếu trong mọi sự tôi lấy hai điều này là “Hãy THÁNH trong cách ăn nết ở và sống trọn chữ HIẾU KÍNH” tôi có thể dễ dàng phân định được đâu là điều tôi làm đẹp lòng Chúa nhất. 

Huệ Đồng

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1537,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,188,Cộng Đoàn,747,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,349,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1024,Hội Thánh,305,Kiến Thức,68,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1150,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,181,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4553,Suy niệm,1091,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,684,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,140,Tài liệu,516,Tập San Lên Đường,561,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,938,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1969,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1594,Video Nhạc - Phim,559,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Xóm Chài
Xóm Chài
Xóm Chài
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgaZDa9HLFnWlWCtfZBkbQhUFYU5yqYNpumfO7_2gClPBV2Q8cB62Qps7aK_oG0-ZWdKeEhrN11DJs8-iKXKYJ5kzEWKBVBd6XxqeqO5krShA4GK4aJQpF3OC9hIL_oPK-o3maHa1wpHU0/w1075-h663/lang-chai-mui-ne-o-dau-1499394640807.png
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgaZDa9HLFnWlWCtfZBkbQhUFYU5yqYNpumfO7_2gClPBV2Q8cB62Qps7aK_oG0-ZWdKeEhrN11DJs8-iKXKYJ5kzEWKBVBd6XxqeqO5krShA4GK4aJQpF3OC9hIL_oPK-o3maHa1wpHU0/s72-w1075-c-h663/lang-chai-mui-ne-o-dau-1499394640807.png
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2020/08/xom-chai.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2020/08/xom-chai.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content