Tài Liệu Tháng 2 - Phong Cách Lãnh Đạo
Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,26-28).
.1. Lãnh đạo là gì?
Lãnh đạo là dẫn đường: người lãnh đạo, không những là người có chức vị lớn, nhưng còn là người có ảnh hưởng trên người khác, có khả năng lôi cuốn người khác đi theo mình đều được coi là người lãnh đạo, đều là người có tinh thần lãnh đạo.
Lãnh đạo cũng được gọi là thủ trưởng: nghĩa là người đứng đầu. Nếu không có đầu để suy nghĩ chỉ huy thì tay chân sẽ cử động tùy tiện, thiện chí sẽ bị mai một, nghị lực sẽ dần tiêu tán, sứ mệnh sẽ không thể chu tòan.
Lãnh đạo là người biết, muốn và hành động theo lý tưởng của mình, đồng thời cũng có khả năng động viên người khác biết, muốn và hành động theo lý tưởng ấy.
2.Những đức tính của người lãnh đạo
Biết tiếp thu ý kiến: Người lãnh đạo cần tiếp thu các ý kiến, nhưng không lệ thuộc vào những ý kiến ấy. Cần có sáng kiến đề ra phương thế thích hợp trong từng tình huống cụ thể.
Nêu gương sáng: Lãnh đạo cần sống nêu gương sáng, nghiêm túc trong lời ăn tiếng nói và cách ứng xử thích hợp với từng đối tương mình tiếp xúc. Luôn quan tâm tìm hiểu thêm nhiệm vụ chính của mình và thực thi cách khôn ngoan hiệu quả.
Giàu nghị lực: Lãnh đạo cần phải giàu nghị lực để thắng vượt các trở lực gặp phải trong cuộc sống.
Tránh nói xấu: Lãnh đạo tránh nói xấu dù sự việc có thật. Không chỉ trích cách vô trách nhiệm, vì sẽ gây chia rẽ nội bộ và mở đường cho chị em cũng nói xấu và chỉ trích các sai sót khuyết điểm của chính mình.
3.Lãnh đạo theo Lời Chúa dạy
Phục vụ Chúa trong anh em: Lãnh đạo là phục vụ Chúa trong anh chị em. Người đã dạy các môn đệ phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, phục vụ cộng đòan hay việc chung. Đặc điểm của người có tài lãnh đạo là có sức thu hút được nhiều người khác cùng hợp tác với mình bằng cách: Tìm kiếm tuyển chọn họ, huấn luyện và tín nhiệm giao việc cho họ, quan tâm uốn nắn khích lệ để giúp họ ngày thêm hòan thiện.
Khoan dung những lỗi lầm thiếu sót: Không ai tự nhiên có thể là một người hòan hảo. Chúa Giêsu không loại bỏ các môn đệ khi các ông có những sai sót bất tòan. Do đó chúng ta đừng nản lòng khi thấy chị em có những biểu hiệu tiêu cực chưa tốt. Hãy nhẫn nại bao dung và cư xử tốt với những người bất thuận chống đối mình. Hãy cầu nguyện, làm tốt hết khả năng mình và phó thác cho Chúa quan phòng sắp xếp định liệu.
Trở nên mọi sự cho mọi người: Lãnh đạo là trở nên mọi sự cho mọi người. Trong bất cứ hòan cảnh nào, hãy chấp nhận mọi thử thách, nhọc mệt, chống đối và khi cần còn phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình để làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Không bao giờ được nản chí bỏ cuộc.
Khiêm tốn nhận khuyết điểm: Lãnh đạo là khiêm tốn nhận khuyết điểm và tu sửa, không tự hào về thành tích của mình. Khi nhận lãnh một trách nhiệm lãnh đạo, ta luôn nhớ rằng mình vẫn còn nhiều sai sót khuyết điểm nên sẽ không buồn phiền chán nản nếu bị chị em sửa lỗi hay bị hiểu lầm, vô ơn, chống đối. Không bao giờ kể công để đòi hỏi về quyền lợi, nhưng luôn phải tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
4.Lãnh đạo theo gương Chúa làm
Chúng ta hãy tìm học nghề lãnh đạo nơi Chúa Giêsu, vị Lãnh Đạo Tối Cao, Người thầy lớn nhất như Người đã khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đòan chiên. Người làm thuê vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán lọan, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đòan chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đòan chiên và một mục tử. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,1-16).
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga 13,12-15).
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com
COMMENTS