Về phần thánh Giuse, Tin Mừng không kể lại cho chúng ta lời nào. Ngài không nói, nhưng chỉ hành động bằng cách vâng phục. Ngài là người thi...
Về phần thánh Giuse, Tin Mừng không kể lại cho chúng ta lời nào. Ngài không nói, nhưng chỉ hành động bằng cách vâng phục. Ngài là người thinh lặng, người vâng phục
![]() |
Đức Thánh Cha Phanxicô đọc kinh Truyền tin với
các tín hữu | Vatican Media
|
Trưa Chúa nhật 29/12/2019,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh
Truyền tin dưới bầu trời nắng đẹp, với gần 40 ngàn tín hữu tại Quảng Trường
Thánh Phêrô, kể cả những người đứng ở đầu đường Hòa Giải, nơi hàng rào Quảng
Trường.
G. Trần Đức
Anh, O.P.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức
Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa về ngày lễ Thánh Gia, nêu bật tấm gương của các
thành phần gia đình thánh này, làm việc, cầu nguyện, chia sẻ, đả thông với
nhau. Từ đó, Đức Thánh Cha khuyến khích các gia đình hãy tái lập sự đả thông,
nói chuyện với nhau.
Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Hôm nay
trời thật đẹp!
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Thánh Gia Nazareth.
Từ “thánh” được tháp nhập vào gia đình này trong bối cảnh sự thánh thiện là một
hồng ân của Thiên Chúa, nhưng đồng thời là sự tự nguyện gắn bó với kế hoạch của
Thiên Chúa trong tinh thần trách nhiệm. Đối với Thánh Gia Nazereth là như thế:
Thánh Gia hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa.
Gương Mẹ
Maria
Ví dụ: làm sao chúng ta không ngạc nhiên vì sự
ngoan ngoãn của Mẹ Maria đối với hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng yêu cầu Mẹ
hãy trở thành Mẹ của Đấng Thiên Sai? Mẹ Maria, cũng như mọi thiếu nữ thời Ngài,
sắp cụ thể hóa dự án của cuộc đời, nghĩa là thành hôn với thánh Giuse. Nhưng
khi Mẹ nhận thấy Thiên Chúa gọi Mẹ vào một sứ mạng đặc biệt, Mẹ không do dự
tuyên xưng mình là “nữ tỳ” của Chúa (Xc Lc 1,38). Chúa Giêsu đã ca ngợi sự cao
cả của Mẹ, không phải vì vai trò làm mẹ của Người, cho bằng vì sự tuân phục
Thiên Chúa: “Phúc cho người lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa!” (Lc 11,28). Và khi
Mẹ không hiểu rõ những biến cố có liên hệ tới mình, Mẹ Maria suy niệm trong
thinh lặng, suy tư và tôn thờ sáng kiến của Chúa. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân
thập giá thánh hiến sự hoàn toàn sự sẵn sàng vâng phục của Mẹ.
Gương
thánh Giuse
Về phần thánh Giuse, Tin Mừng không kể lại cho
chúng ta lời nào. Ngài không nói, nhưng chỉ hành động bằng cách vâng phục. Ngài
là người thinh lặng, người vâng phục (..). Dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa mà
thiên thần đại diện, thánh Giuse đưa gia đình thoát khỏi những đe dọa của vua
Hêrôđê. Thánh Gia liên đới với bao nhiêu gia đình trên thế giới buộc lòng phải
lưu vong, liên đới với tất cả những người bị bó buộc phải bỏ quê hương của mình
vì bị đàn áp, bạo lực, chiến tranh.
Gương Chúa
Giêsu
Sau cùng là Chúa Giêsu. Ngài là thánh ý của Chúa
Cha. Nơi Ngài, - như thánh Phaolô đã nói - không có “dạ” và “không” nhưng chỉ
có “dạ” (Xc 2 Cr 1,19). Và đó là điều được biểu lộ trong bao nhiêu lúc trong cuộc
sống trần thế của Ngài. Giai thoại trong Đền thờ, khi Chúa Giêsu trả lời cha mẹ
lo lắng tìm kiếm Ngài: “Ba Mẹ không biết rằng con phải lo việc của Cha con
sao?” (Lc 2,49); Ngài thường lặp đi lặp lại: “Lương thực của Thầy là làm theo
thánh ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34); kinh nguyện của Ngài nơi vườn cây dầu: “Lạy
Cha, nếu chén này không thể cất đi mà con không phải uống, thì xin theo thánh ý
Cha” (Mt 26,42). Tất cả những biến cố ấy là sự thể hiện trọn vẹn những lời
chính Chúa Kitô đã nói: “Chúa đã không muốn hy tế và lễ vật [...], vì thế con
thưa: “Lạy Chúa, này Con đến [..] để thi hành Thánh Ý Chúa” (Dt 10,5-7, Tv
40,7-9).
Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Giêsu: Gia đình
Nazareth diễn tả một câu đồng trả lời, đáp lại Thánh Ý Chúa Cha: 3 thành phần của
gia đình đặc biệt này giúp đỡ nhau khám phá và thực hiện dự phóng của Thiên
Chúa [...]
Ước gì Thánh Gia có thể là mẫu gương cho các gia
đình chúng ta, để các cha mẹ và con cái nâng đỡ nhau trong việc gắn bó theo Tin
Mừng, là nền tảng sự thánh thiện gia đình.”
Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha ứng khẩu khuyến
khích các gia đình hãy cầu nguyện chung với nhau, và đặc biệt hãy trao đổi, nói
chuyện với nhau, chẳng hạn tại bàn ăn, đừng có tình trạng có những người luôn sử
dụng điện thoại di động.... chẳng ai nói với ai!
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy
phó dâng cho Mẹ Maria “Nữ Vương các gia đình” tất cả các gia đình trên thế giới,
đặc biệt những gia đình bị thử thách và những khó khăn chướng ngại, và chúng ta
hãy cầu xin Đức Mẹ phù hộ các gia đình trong tình mẫu tử của Mẹ.”
Chào thăm
Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho
các tín hữu, Đức Thánh Cha nói thêm rằng:
“Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện
cho các nạn nhân vụ khủng bố kinh khủng hôm qua bằng xe bom tại Mogadiscio [thủ
đô Somalia] làm cho hơn 70 người chết. Tôi gần gũi tất cả các gia đình đang
thương khóc những người thân yêu bị thiệt mạng. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện với
kinh Kính Mừng...”
Rồi Đức Thánh Cha chào thăm tất cả các tín hữu ở
Roma và khách hành hương, các nhóm giáo xứ, hội đoàn và người trẻ. Ngài đặc biệt
gởi lời chào thăm các gia đình hiện diện và những người tham dự qua truyền hình
và truyền thanh. Đức Thánh Cha nói: Gia đình là kho tàng quý giá cần phải luôn
nâng đỡ và bảo vệ. Hãy tiến bước.
Tôi chào thăm và cầu chúc tất cả mọi người một
Chúa nhật tốt đẹp và những ngày cuối năm thanh thản. Chúng ta kết thúc một năm
trong an bình, an bình trong tâm hồn, và trong gia đình, đả thông với nhau
trong gia đình. Tôi cám ơn anh chị em vì những lời chúc mừng và vì những lời cầu
nguyện của anh chị em. Xin tiếp tục cầu nguyện cho tôi!
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
COMMENTS