Từ Một Đặc Sủng - Lớp Tập 2016
Sống đặc sủng Giảng thuyết thực sự là sự đáp trả của chúng ta đối với “Lời Chúa” luôn cật vấn trong hoàn cảnh hiện tại.
Một cây thường có ba phần: gốc rễ, thân cây và hoa trái. Cây càng cao, gốc rễ càng lớn càng cần cắm sâu xuống lòng đất. Mỗi cây sẽ đơm hoa kết trái tùy theo giống loại của mình. Có thể ví mỗi hội dòng cũng giống như một cái cây: gốc rễ của nó là đặc sủng, thân cây là linh đạo và hoa trái là hoạt động tông đồ hay sứ mệnh truyền giáo. Chính mầm sống ban đầu, cái gốc rễ nằm sâu dưới đất làm nên sự khác biệt của mỗi loại cây.
Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Một hội dòng mà không sống theo đặc sủng của đấng sáng lập sẽ đánh mất đi căn tính của nó, và như một hệ quả, mất đi phương hướng của nó. Chìa khóa cho sự phát triển của mỗi hội dòng là trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập. Bởi đó, Đức thánh Gíao hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần nhắc nhở các tu sĩ phải trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập. Đặc sủng phải xây dựng nguyên tắc sống của mỗi hội dòng tại bất cứ thời điểm nào (x. VC 36, 37).
Người tu sĩ cần phải biết được căn tính ơn gọi của mình trong Giáo hội. Họ phải giữ gìn, đào sâu và sống với sự trung thành và lòng biết ơn đối với đặc sủng mà đấng sáng lập của họ đã nhận được và truyền lại cho họ. Muốn có đổi mới, chúng ta cần biết chúng ta là ai. Mỗi hội dòng phải ra sức giữ lấy căn tính của mình để khỏi rơi vào tình trạng mập mờ, không xác định được vị trí và nhiệm vụ của mình trong đời sống Giáo hội.
Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn chúng ta đã được khai sinh 98 năm và được chính thức thiết lập 38 năm. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy hoa trái là các hoạt động tông đồ và có thể phần nào nhận ra linh đạo của Hội dòng, nhưng không nhìn thấy gốc rễ của nó, tức là đặc sủng. Vậy đặc sủng của Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn chúng ta là gì?
*Khái niệm đặc sủng
*Đặc sủng là Ân sủng đặc biệt – những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần được ban tặng cho một số người vì lợi ích của con người, vì những nhu cầu của thế giới và đặc biệt là để xây dựng Hội thánh. Chỉ có Huấn quyền của Hội thánh mới có thẩm quyền nhận định các đặc sủng. (GLCG 799-801). Khi nói đến ý nghĩa phục vụ cộng đoàn của đặc sủng, ta cũng có thể sử dụng từ “Đoàn sủng”.
Thiên Chúa ban đặc sủng để thực hiện kế hoạch của Ngài, nên đặc sủng, kế hoạch của Thiên Chúa và sứ mệnh truyền giáo luôn đan quyện vào nhau. Thiên Chúa có mục đích của Ngài và Thần khí của Ngài ban đặc sủng cho ai, là để thực hiện mục đích đó. Tách khỏi mục đích này, đặc sủng không còn ý nghĩa.
Đặc sủng Giảng thuyết của Thánh Đa Minh
Khi đặt chân tới vùng Toulouse miền nam nước Pháp, Cha Đa Minh chứng kiến cảnh đau lòng là có nhiều người bỏ Giáo hội mà đi theo bè rối, khiến Giáo hội vùng đó trở nên như tan hoang, cần phải có người xây dựng lại. Chính trong đêm thuyết phục được người chủ quán lạc giáo trở về, lửa nhiệt tình truyền giáo nơi Cha đã bùng lên và không bao giờ tắt. Cha ý thức rằng không ai học hỏi, suy niệm Lời Chúa chỉ để cho mình, mà còn phải biết đem chia sẻ cho người khác; cũng chẳng ai chỉ biết “nói với Chúa”, mà lại không biết “nói về Chúa” cho người khác. Cha Thánh đã được Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc sủng, đặc biệt là ơn giảng thuyết: biết dùng lời nói để trình bày về Chúa, dùng lý lẽ để phân tích nhằm làm người khác hiểu và nghe theo mà được Ơn Cứu độ. Trong Sắc lệnh châu phê thành lập Dòng ngày 22.12.1216, Đức Giáo Hoàng Hônôriô III ký chấp thuận với mục đích "chuyên tâm tìm hiểu Lời Chúa và loan truyền danh Đức Ki-tô Chúa chúng ta khắp thế giới". Bản Hiến pháp đầu tiên của Dòng, được Tổng Hội đầu tiên họp ở Bologna năm 1220 khẳng định đoàn sủng của Dòng như sau: "Dòng chúng ta được thiết lập một cách đặc biệt nhằm để giảng thuyết và cứu độ các linh hồn. Vì thế, hết mọi hoạt động của chúng ta cần phải nhắm tới mục đích: Mưu ích cho linh hồn tha nhân".
Đặc sủng Giảng thuyết ấy biểu lộ như là một kinh nghiệm về Thần Khí, được truyền lại cho các anh chị em Đa Minh để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên trong suốt 800 năm qua trên khắp thế giới.
Đặc sủng Đa Minh Lạng Sơn - Bối cảnh và tinh thần các Vị Thiết lập
Tại Việt Nam, cách riêng đối với Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn chúng ta, lịch sử hình thành Hội dòng cùng với đặc sủng của Hội dòng, gắn liền với lịch sử Giáo phận Lạng Sơn và được khai mở từ đặc sủng của các vị truyền giáo tiên khởi, thuộc Tỉnh Dòng Đa Minh Lyon – Pháp, trong bối cảnh các vị đã khai phá, xây dựng Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng và thiết lập các Nhà Phước Đa Minh Lạng Sơn.
Vị khai sinh cộng đoàn Nhà phước Đa Minh đầu tiên của Hội dòng là Đức Ông Bertrand Cothonay Chiểu, O.P. Trước khi sang Việt Nam, Cha đã từng truyền giáo 13 năm trên đảo La Trinidad - Nam Mỹ (1882 – 1895); 2 năm là tuyên úy cho kiều bào Pháp tại Phúc Châu - Trung Quốc (1898 – 1900). Cha là một trong nhóm 3 cha Đa Minh Lyon đầu tiên đến Việt Nam ngày 09/02/1902.
Vạn sự khởi đầu nan! Đức Ông Bertrand Cothonay nhận chức vụ coi sóc địa phận khi đã cao niên (60 tuổi), nhưng Ngài vâng phục và tin tưởng vào Chúa. Ngài bắt tay ngay vào việc với tất cả lòng nhiệt thành và yêu mến. Ngài đã dày công xuôi ngược để các cơ sở thành hình và phát triển.
Khởi đầu kiến thiết giáo phận, Đức Ông Bertrand thấy cần có người bản xứ thành tâm thiện chí giúp việc, trợ lực với các cha trong công cuộc truyền giáo, như viếng thăm kẻ liệt, dạy giáo lý cho người tân tòng, dạy bổn lẽ cần cho trẻ em; nhất là vì ngài đã sống chung và cùng hoạt động truyền giáo với các cha Đa Minh Tây Ban Nha ở Bùi Chu, nên có kinh nghiệm rằng các “cô mụ” cộng tác vào việc truyền giáo rất đắc lực, nên đã lưu tâm đến việc thiết lập nhà Phước Đa Minh. Nhưng, giáo phận mới, giáo dân chỉ là tân tòng, không có ơn gọi, ngài đã liên lạc với các nhà phước Đa Minh Bùi Chu, xin một số chị em lên giúp. Năm 1918, Đức Ông thiết lập nhà phước Đa Minh Cửa Nam, sau đó là nhà phước Mỹ Sơn.
Là một nhà truyền giáo nhiệt thành, thông minh và đầy kinh nghiệm, Ngài luôn băn khoăn thao thức, làm sao để truyền giảng Tin Mừng cho vùng rừng núi này ? Ngài chú tâm chiêu mộ, tập hợp và đào tạo nhân sự; thiết lập các điểm truyền giáo tuyến biên giới Việt – Trung. Là Phủ doãn Tông tòa tiên khởi, 13 năm gắn bó với Lạng Sơn – Cao Bằng, Đức Ông Bertrand đã thực là “Ông Tổ” - người có công đầu đặt nền móng để xây dựng Phủ doãn Lạng Sơn thành một Giáo phận tương lai cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Suốt cuộc đời của ngài dành trọn cho công cuộc loan báo Tin Mừng, từ Nam Mỹ - Trung Hoa đến Việt Nam. Ngài qua đời tại Lạng Sơn ngày 27.5.1926. Ngài thực là hạt lúa gieo vào lòng đất, để trổ sinh những hạt giống đức tin kiên trung trên những cánh đồng truyền giáo.
Tiếp theo là Đức ông Marie Dominique Maillet Bính, O.P. Cha Maillet đến Lạng Sơn năm 34 tuổi (1918). Cha được bổ nhiệm làm Phủ doãn Tông tòa GP. Lạng Sơn – Cao Bằng. Vừa nhận nhiệm vụ, Ngài bắt tay ngay vào việc xây dựng các cơ sở nhằm đào tạo hàng giáo sỹ và thăng tiến con người. Đức ông lập thêm nhà phước Đa Minh Bản Lìm, Đa Minh Đồng Mỏ và Cao Bằng; ngài cũng mời thêm các dòng khác đến cộng tác. Đức ông là người thông minh, hoạt động, tháo vát, thông thạo nhiều về khoa học. Là người có công tâm và nhìn xa trông rộng, rất đạo đức, thẳng tính, hăng hái làm việc. Ngài tiếp tục kiến thiết địa phận, nhấn mạnh đến mặt văn hoá, công việc từ thiện xã hội, ngài mở nhà phát thuốc, đón nhận các cô nhi qủa phụ và người tàng tật, đào tạo ban nữ giáo viên dạy giáo lý và nữ y tá để phục vụ các cơ sở. Đức ông rất nhiệt thành, có tinh thần truyền giáo tuyệt vời, có lòng thương yêu người dân tộc, nên sau khi từ chức Phủ doãn Tông tòa, Ngài đã tình nguyện phục vụ địa phận dưới quyền Bề trên mới và hoạt động như một linh mục thừa sai bình thường. Tiếc rằng, cuộc đời của Ngài đã kết thúc thật đau thương ! Vào thời kỳ giông tố hoành hành trong địa phận Lạng Sơn, Đức ông Maillet đã bị sát hại tại Quảng Uyên năm 1947, lúc đó ngài 63 tuổi. Rừng núi Cao Bằng đã đón nhận Ngài nằm xuống, mục nát hòa tan trong lòng đất Việt cho phong nhiêu cánh đồng truyền giáo Lạng Sơn.
Vị Phủ doãn thứ ba - Giám mục tiên khởi của GP. Lạng Sơn - Đức cha Felix Maurice Hedde Minh, O.P. Sau khi chịu chức linh mục, ngài được cử đi truyền giáo ở Trung Quốc, Cuba, Thụy Sĩ, Chili (Nam Mỹ) và sang Việt Nam năm 1903. Trọn cuộc đời của Đức cha Felix hiến thân cho việc loan báo Tin mừng. Ngài nhận chức trong bối cảnh có nhiều biến chuyển trong và ngoài nước.
Dù khó khăn "Cứ Ra Khơi!" là khẩu hiệu của Ngài, Ngài luôn nỗ lực mở mang giáo phận còn nhỏ bé. Công cuộc truyền giáo dưới thời Đức cha bước đầu đạt được kết quả khả quan. Ngài đã lập thêm 4 nhà phước: Thất Khê – Quảng Uyên – Đồng Đăng và Lộc Bình. Số chị em ngày càng tăng thêm, một phần nhờ các cha xuống miền trung du xin người giúp, một phần do chị em đi chiêu mộ ơn gọi các nơi. Nhưng Ngài đã phải đau lòng chứng kiến hậu quả khốc liệt của chiến tranh trên phần đất thân thương này. Thời gian ngài coi sóc Lạng Sơn, có nhiều biến động vì các cuộc chiến dồn dập, lại thêm biến cố di cư càng làm cho Giáo phận thêm tang thương! Dù bị thúc ép nhưng ngài kiên quyết ở lại giáo phận “như ngọn cờ trên nóc thành lũy”. Đức cha Felix luôn ước mong vùi thân nơi mảnh đất yêu dấu mà ngài đã gắn bó hơn nửa thế kỷ. Khi sống đã chịu nhiều khó khăn, và khi chết thân xác ngài cũng chẳng được yên nghỉ. Chính quyền lấy cớ ngài bị bệnh truyền nhiễm nên không cho an táng trong nghĩa địa, cũng không được an táng trong Nhà thờ Chính tòa. Nhưng với lòng yêu mến vị Chủ Chăn sống chết với đoàn chiên và với đức tin kiên vững, giáo dân quyết tâm an táng ngài trong nghĩa địa Cửa Nam. Khi sống ngài đã luôn ở giữa giáo dân cả trong những thời khắc gian nan nhất, khi chết ngài vẫn hiện diện giữa đoàn chiên như một mục tử nhân lành, sống chết với đoàn chiên theo cả nghĩa đen, cho dù không bia đá, không tên tuổi và cũng không có niên hiệu!
Đến các vị chủ chăn tiếp nối: Đức cha Andre Reginald Jacques Mỹ, O.P, Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, tuy không thiết lập cộng đoàn nào, nhưng đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn, vì những việc các ngài đóng góp cho sự hình thành và phát triển của Hội dòng, đặc biệt là tinh thần của các ngài, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đặc nét truyền thống của chị em Đa Minh Lạng Sơn.
Cha Jacques, O.P. khao khát làm tông đồ truyền giáo. Thụ phong linh mục được 2 năm, Ngài tới Lạng Sơn lúc 31 tuổi. Cha Jacq sống hoàn toàn như vị truyền giáo giữa dân ngoại. Ngài dùng ngựa lên thác xuống ghềnh đi vào các làng dân tộc Mán, Mèo, Nùng… thăm hỏi và phát thuốc cho họ.
Năm 1948, Ngài được tấn phong Giám Mục. Đức Cha Jacq bắt tay vào việc trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về tình hình an ninh, chính trị. Nhưng là người có tinh thần hy sinh can đảm, dù khó khăn hiểm nguy, Ngài vẫn đầu tư kiến thiết giáo phận, tu sửa mở lại Tiểu chủng viện, ngược xuôi đi lại kinh lý các nơi với phương tiện duy nhất là quá giang đoàn xe cam nhông nhà binh trên các tuyến đường tử thần. Ngài xông xáo khắp nơi rừng sâu núi thẳm miền Lạng Sơn – Cao Bằng, để thăm viếng các linh mục và giáo dân trong thời chiến tranh. Làm Giám mục, nhưng suốt đời chỉ như một linh mục nghèo, khiêm nhường, ân cần phục vụ, thăm viếng người nghèo. Đức cha đặc biệt lưu ý đến các chị em nhà phước Đa Minh, lo lắng chuẩn bị xây cất cơ sở để chị em được tụ họp và học tập trở thành nữ tu có lời khấn theo Giáo Luật. Công việc xây cất và chuẩn bị giáo sư đã xong, nhưng ngài không được phép thực hiện mơ ước của mình. Đến năm 1954 hiệp định Genève ra đời, ngài đã chỉ đạo Cha Chính Micae Nguyễn Khắc Ngữ đưa giáo dân và một số chị em nhà phước Lạng Sơn di cư vào Nam.
Năm 1958, Đức cha bị trục xuất khỏi Lạng Sơn. Ngài vào miền Nam, vẫn tìm mọi cách tiếp tục sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Năm 1975, một lần nữa bị trục xuất khỏi Việt Nam. Đức Cha Jacques qua đời tại Pháp năm 2001. Có thể nói: Việt Nam là quê hương thứ hai của Ngài. Cuối đời về Pháp, nhưng tâm trí của Ngài vẫn ở lại Việt Nam, dù trí nhớ của Ngài suy giảm nhưng lại rất nhớ Việt Nam và luôn nói tiếng Việt! Ngài vẫn luôn nồng cháy khát vọng được "hiến mạng sống mình cho anh em" như khẩu hiệu đã chọn.
Qua tìm hiểu đời sống gương sáng và tinh thần của các vị thiết lập những cộng đoàn đầu tiên của Hội dòng, về cách thức mà các vị đáp trả ơn gọi của mình trong một tình huống lịch sử nhất định, giúp chúng ta nhận ra đặc sủng của các Ngài: đó là đặc sủng về tâm trí, đặc sủng hành động và đặc sủng ngôn ngữ.
Những ơn ban đặc biệt đó là để các ngài có thể giảng thuyết, là những tông đồ thừa sai truyền giáo, phục vụ Ơn Cứu độ các linh hồn. Các vị được thấy như là chìa khóa để hiểu được bản chất của hội dòng, là nơi đầu tiên giúp chúng ta đào sâu đặc tính thực sự của hội dòng. Đặc sủng của các vị giống như một gốc cây mà từ đó rút ra nhựa sống Thần khí. Đặc sủng ấy đã được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo như một kinh nghiệm về Thần khí, những kinh nghiệm mà các vị thiết lập đã vượt qua và giải quyết những khó khăn trong bước đầu thành lập Giáo phận, thiết lập các cộng đoàn và nhất là trong công cuộc truyền giảng Tin mừng.
*Đặc nét tinh thần Chị em Đa Minh Lạng Sơn
Quả thực, trong việc khai phá, truyền giảng Tin Mừng tại giáo phận Lạng Sơn, phải kể đến rất nhiều công khó của chị em nhà phước Đa Minh, đã sát cánh với các nhà thừa sai Đa Minh Lyon và các cha Việt Nam trong việc thiết lập và phát triển các giáo xứ trong giáo phận. Sự hiện diện của chị em nhà phước Đa Minh nơi vùng đất dân ngoại này, cũng giống như các phụ nữ thời Giáo hội sơ khai bên các tông đồ.
Là những cô gái trẻ, đầy nhiệt huyết tông đồ, hàng ngày chị em lao động cần cù để có lương thực nuôi sống mình và giúp nuôi các chủng sinh cũng như các nhà thừa sai trong thời kỳ giam cầm tù tội. Là những bà lang đi chữa thuốc miễn phí, các chị có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống dân làng. Bằng lời cầu nguyện, chị em là hậu phương vững chắc nâng đỡ tinh thần các vị truyền giáo; cộng tác với các ngài dạy giáo lý, giúp dân chúng cầu nguyện và thông hiểu lẽ đạo. Cách thức hiện diện của các chị đã đóng góp rất nhiều thành quả cho việc truyền giáo của giáo phận thuở ban đầu.
Biến cố di cư 1954 đã đưa một số chị em nhà phước Lạng Sơn vào Nam. Chị em quy tụ thành một cộng đoàn duy nhất là Nhà Phước Đa Minh Lạng Sơn, Xóm Mới, Gò Vấp. Đây chính là Tu viện, là Nhà Trung Ương hiện nay. Từ đây, chị em lại được sai đi các nơi để phục vụ. Các cộng đoàn lần lượt được thiết lập tại các giáo phận Sài Gòn - Long Xuyên - Đà Lạt - Xuân Lộc - Phú Cường và Phan Thiết. Với thao thức truyền giáo tại đất mẹ, Hội dòng đã tái lập 5 cộng đoàn tại GP. Lạng Sơn và lập thêm cộng đoàn mới tại Mỹ và Úc.
Đọc lịch sử các cộng đoàn và theo dõi hoạt động của chị em trong nhiều năm qua, chúng ta thấy: những họat động của chị em đa số tập trung ở các xứ truyền giáo hoặc xứ đạo miền quê. Đơn sơ, giản dị, hội nhập vào cuộc sống người lao động địa phương để khai hóa dân trí, gieo rắc tình thương và giáo dục niềm tin.
Chứng tá Tin Mừng là chính đời sống chị em, là cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, phục vụ vô vị lợi, với nếp sống hiền lành, hài hòa, ân cần với mọi người, không phân biệt đối xử. Chị em cần mẫn, kiên nhẫn, âm thầm gieo hạt Tin Mừng trong lòng người dân địa phương.
Được sai đi để loan báo Tin Mừng, đa số chị em rất tích cực thi hành sứ vụ truyền giáo. Chị em chẳng ngại ngùng “gieo bước” trên những con đường trơn trượt hay các con đường làng gập ghềnh sỏi đá, rong ruổi trong những bản làng vùng sâu vùng xa khắp núi đồi để thăm viếng, nuôi dưỡng đức tin cho tân tòng, giúp đỡ nhiều gia đình lương dân để họ được nhận biết Chúa.
Hầu hết các cộng đoàn đều cộng tác với giáo xứ trong lãnh vực giáo dục đức tin và mục vụ giáo xứ. Chị em ưu tiên dạy giáo lý các cấp, phụ trách hội đoàn và giúp các sinh hoạt khác theo mùa… Chị em tham gia phụ trách trường Thần học của Liên Dòng Nữ Đa Minh, giảng dạy tại các Học viện và Trung tâm mục vụ Giáo phận SG.
Người nghèo luôn là đối tượng phục vụ ưu tiên của hội dòng, vì thế, chị em quan tâm thực hiện những việc từ thiện bác ái qua việc thăm viếng ủi an, nâng đỡ về tinh thần và vật chất,… Đặc biệt, một dấu ấn khó phai mờ trong lòng mọi người, đó là sự phục vụ không mỏi mệt của chị em trong Mái ấm Hoa Hồng – Củ Chi và Vinh Sơn – Thất Khê. Ngoài ra, một nét son trong sứ vụ của Hội Dòng nhiều năm qua, là đã bổ nhiệm chị em luân phiên phục vụ bệnh nhân HIV tại bệnh viện Nhân Ái, theo lời kêu gọi của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn. Được biết, đây là môi trường truyền giáo rất tốt, chị em rất được tín nhiệm vì đã phục vụ tận tình. Chị em có nhiều thao thức, luôn tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ Lời Chúa, dậy giáo lý cho họ và đã rửa tội một số anh chị em.
Chúng ta nhận thức: một đặc sủng không phải là một thừa tác vụ hay một hoạt động; đúng ra, nó là một ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm cho một người hướng đến một tác vụ nào đó. Đặc sủng cũng không thể tìm thấy nó cách tự động qua tư duy, qua việc duy trì những tập quán, thói quen, kinh nguyện và cả những hoạt động tông đồ. Tiêu chuẩn để nhận ra đặc sủng đích thực, đó là đức ái – sự chứng thực của Thần Khí là luôn làm chứng cho Chúa Kitô và luôn hướng đến phục vụ, một sự phục vụ quên mình và vô vị lợi. Chính vì thế, các đặc sủng lại chỉ được biết đến qua các hoạt động, chúng được đồng hóa với các hoạt động, được gắn với những hoạt động (x. Ep 4, 11), đó cũng là những hoa trái của Thần khí được ban cho Giáo hội, cho Hội dòng chúng ta.
Thẩm quyền Hội thánh xác nhận
Đặc sủng của Hội dòng còn cần được xác nhận bởi thẩm quyền Hội thánh. Mỗi hội dòng có một vị trí trong đời sống Giáo hội và một sứ mệnh phải hoàn thành. Khi được thiết lập, hội dòng đương nhiên trở thành pháp nhân công trong Hội thánh. Hội dòng hoạt động nhân danh Hội thánh để đạt được mục đích nhằm tới lợi ích chung của Hội thánh (x. PC 8; GL.116, §1; 675, §3).
Hội dòng chúng ta sau 20 năm sát nhập với dòng Đa Minh Tam Hiệp trong tinh thần và đường lối huấn luyện (1958 – 1978), ngày 08-12-1978, đã được Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, ký sắc lệnh thiết lập ngày 08/12/1978.
Sắc lệnh viết: “Nhận thấy dòng nữ ĐA MINH LẠNG SƠN, sau 20 năm sống cuộc đời tu trì, đã có thể nói được là trưởng thành về tu đức, quản trị và vật chất, nên chúng tôi Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo phận Tp. HCM ban SẮC THIẾT LẬP DÒNG NỮ ĐA MINH LẠNG SƠN với các nhiệm vụ và đặc ân chiếu theo Giáo luật….”.
Tinh thần của chị em được xác định trong phần Hiến pháp Nền tảng cũng được Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình ký duyệt ngày 13/4/1980: Hội dòng chị em Đa Minh Lạng Sơn, thánh hiệu Đức Mẹ Mân Côi, là biến thân của các chị em nhà Phước dòng Đa Minh Giáo Phận Lạng Sơn. Ngay từ buổi sơ khai, chị em đã là những cộng sự viên đắc lực của các Anh em Dòng Thuyết Giáo. Chị em đã không nề quản đời sống khổ hạnh, thiếu thốn, gian nguy, làm lụng vất vả giữa các dân tộc thiểu số, để hỗ trợ các nhà truyền giáo trong công cuộc phát triển con người và củng cố Giáo Hội.
Theo sát tinh thần của Thánh Phụ Đa Minh và noi gương tiền nhân các nữ tu Đa Minh Lạng Sơn hôm nay, với ơn Chúa Thánh Linh hướng dẫn và nâng đỡ, quyết đi cùng một con đường và sẵn sàng đón nhận gian nguy, vất vả “miễn là Chúa Kitô được loan truyền và Giáo hội của Người được lan rộng.”
Tinh thần Đặc sủng qua các Tổng hội
*Qua 38 năm chính thức thiết lập Hội dòng, chúng ta đã có 8 Tổng hội. Mỗi Tổng hộị của hội dòng là một sự lượng giá, xem xét và định hướng cho sứ mệnh truyền giáo theo đặc sủng của hội dòng trong giai đoạn sắp tới.
Từ việc làm thế nào để đào sâu tinh thần Dòng và Ơn gọi Đa Minh Lạng Sơn, canh tân đời sống tinh thần, làm sao nuôi dưỡng và phát xuất ra một sức mạnh để nhiệt tâm lên đường truyền giáo; làm sao để chị em thấm nhuần Lời Chúa, trung thành với linh đạo và cùng nhau lên đường loan báo Tin Vui. Đặc biệt Tổng hội VIII với chủ đề “Canh Tân Đời sống Thánh hiến để loan báo Tin mừng”. Mỗi Tổng hội là những cơ hội thúc đẩy chị em tái khám phá để sống linh đạo của Dòng Đa Minh nói chung và đặc sủng của Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn nói riêng.
Sống Đặc sủng Đa Minh: Giảng Thuyết
*Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn với hành trình trăm năm, dù là thành phần hay đối tượng nào, dù hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, trong bất cứ môi trường và hoàn cảnh nào, trong cuộc sống âm thầm hay qua những phương thế hoạt động tông đồ đa dạng, chị em Đa Minh Lạng Sơn vẫn luôn thao thức, tìm mọi phương cách sống Đoàn sủng “chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm” như Hiến pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam đã xác định (HPNT, III.1). Đây chính là Đặc sủng Giảng thuyết của Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn.
*Đặc sủng Hội dòng Đa Minh Lạng Sơn đồng nghĩa với "Đặc sủng Đa Minh", tức là “Giảng thuyết”, là trở nên "những con người của Tin Mừng" nói với Chúa về tha nhân và nói với tha nhân về Chúa. Bởi lẽ không phải chỉ là một công việc, một sứ vụ cụ thể nào, mà toàn bộ đời sống Đa Minh, tự thân đã là một lời chứng, một lời rao giảng về Chúa rồi. Chúng ta thực sự đã và đang sống đặc sủng Giảng thuyết của mình. Thật vậy:
Lời giảng thuyết đầu tiên chính là cầu nguyện, hy sinh và chứng tá đời sống.
+Về phương diện Hội dòng và cộng đoàn: đặc sủng Giảng thuyết thể hiện qua việc ưu tiên chọn lựa những hoạt động trực tiếp truyền giáo “Nói về Chúa”, loan báo Tin Mừng, giảng dạy Giáo lý; tiếp theo là những hoạt động gián tiếp như: giáo dục văn hóa, bác ái xã hội.
+Về phương diện cá nhân, chị em có thể giảng thuyết qua việc chuyên cần nghiên cứu, viết lách, giảng dạy đạo lý của Chúa và qua sự chu toàn những công việc bổn phận thường nhật của mình.
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: không một thành viên nào có thể nhận được đặc sủng một cách trọn vẹn, nhưng nó phải được khám phá lại không ngừng, phải được tìm kiếm trong cộng đoàn, trong sự hiệp thông với tất cả những thành viên cùng nhận được một đặc sủng đó. Đặc sủng tồn tại qua thời gian, và dĩ nhiên, đặc sủng không đương nhiên tồn tại nếu không được hiểu và sống. Chúng ta chỉ có thể kéo dài sự hiện diện của đặc sủng bằng sự trung thành sáng tạo, một sự trung thành được bám chặt vào nguồn gốc của nó, nhưng đồng thời mở ra đối với dấu chỉ của thời đại. Đó là lý do tại sao sự đổi mới đời sống tu trì không bao giờ được làm một lần cho tất cả.
Đồng thời, chúng ta xác tín: đặc sủng Giảng thuyết là của mình, chính chúng ta - chứ không ai khác, phải tiếp tục, phát triển và mở rộng kinh nghiệm sống đặc sủng đó. Cũng chính chúng ta, mỗi thành viên đều có trách nhiệm cho sự phát triển lịch sử hoặc gây trở ngại cho đặc sủng. Mỗi người có trách nhiệm phải tìm kiếm để hiểu rõ hơn, sống đặc sủng Giảng thuyết sao cho Dân Thiên Chúa – mọi người - đón tiếp và nhìn nhận đặc sủng của chúng ta, và chính đặc sủng ấy khích lệ họ sống đời Kitô hữu trọn vẹn hơn trong lòng Giáo hội địa phương, đồng thời cũng được truyền lại cho những thế hệ kế tiếp một cách trung thành. Trách nhiệm ở đây được hiểu là một cái gì đó thôi thúc chúng ta phải luôn nhạy bén đáp ứng.
Sống đặc sủng Giảng thuyết thực sự là sự đáp trả của chúng ta đối với “Lời Chúa” luôn cật vấn trong hoàn cảnh hiện tại.
Lớp Tập 2016
COMMENTS