Cuộc Sống
Cuộc Sống
Fb Anh Q Tran
Tôi lớn lên trong một gia đình mà lời xin lỗi và cám ơn đến từ bề trên là một thứ không thể có. Chỉ có bề dưới mới phải cám ơn và xin lỗi mà thôi.
Nhưng may thay, phần lớn cuộc đời tôi được huấn luyện trong một môi trường mà hai tiếng cám ơn và xin lỗi không phải là dấu hiệu khách sáo, mà sự bày tỏ những cảm xúc thật giữa người và người, bất luận lớn nhỏ.
Bài tự sự sau đây của một bạn trẻ người Hoa rất đáng đọc và chia sẻ
-----------------------------
Ba má chưa bao giờ xin lỗi mình. Không phải vì ba má luôn đúng, mà vì họ không được dạy phải xin lỗi con cái. Một lời xin lỗi, đối với thế hệ của ba má, giống như một thứ gì đó xa xỉ, lạ lẫm, thậm chí là yếu mềm. Ba má thường tin rằng tình thương không cần minh chứng bằng lời nói, mà bằng bữa cơm chan đầy nước cá, bằng cái áo treo ngay ngắn nơi góc giường, bằng những lần đợi cửa mỗi khi con về trễ.
Nhưng con cái, ngược lại, phải xin lỗi. Lỡ làm bể cái chén, phải lí nhí “con xin lỗi má”. Cự cãi với ba, rồi bị đánh một roi, cũng phải tự động xuống nước mà nhỏ nhẹ “con biết sai rồi”. Cái sai của con, luôn phải cúi đầu mà nhận. Cái sai của ba má, thì lặng lẽ trôi qua, như một cơn mưa đêm. Không ai nhắc lại, không ai đòi một lời bào chữa.
Có khi, họ biết mình sai đó chớ. Biết đã trách lầm con, biết đã nóng nảy quá tay, biết đã có những lời làm con tổn thương. Nhưng thay vì xin lỗi, họ chọn cách… rót cho mình ly nước, gắp cho miếng cá, hoặc chỉ lặng lẽ nhìn theo. Trong thứ im lặng đó, có một lời xin lỗi không phát thành lời. Một lời xin lỗi mà người lớn nghĩ rằng con nít đủ tinh ý để hiểu. Nhưng có khi, nhiều đứa con nít chỉ mong nghe một câu thật rõ ràng: “Ba má xin lỗi con.”
Vì trong thế giới của ba má, lời xin lỗi chưa từng là thứ có sẵn. Họ lớn lên trong những ngôi nhà mà nội ngoại không nói lời xin lỗi, trong những buổi chợ quê nơi người ta gật đầu thay cho câu cảm ơn, trong những bữa cơm mà một cái gắp thức ăn đã thay cho vạn lời thương mến. Ở đó, một người lớn không cúi đầu với con nít, một bậc cha mẹ không xin lỗi con cái, vì tình thương là thứ mặc nhiên tồn tại, không cần phải chứng minh, càng không cần phải tỏ bày.
Ba má cũng tin rằng lời xin lỗi là một sự yếu mềm. Một người lớn mà đi xin lỗi con, khác nào làm lung lay cái quyền uy mà ba má mất nguyên một đời để dựng nên? Một lời xin lỗi có thể khiến ba má nhỏ lại trong mắt con cái, mà ba má thì đâu muốn nhỏ xíu trước con mình. Ba má muốn là bóng mát, là tường thành, là người mà con có thể dựa vào, không phải là một ai đó mắc lỗi rồi đứng cúi đầu.
Và đôi khi, ba má không nói lời xin lỗi, vì họ sợ rằng một khi nói ra, bọ sẽ không thể làm gì hơn ngoài điều đó. Còn giữ trong lòng, còn có thể yêu thương bằng một cách nào đó khác, có thể lặng lẽ bù đắp, có thể tiếp tục là một người cha, người mẹ không có vết nứt. Nhưng một lời xin lỗi phát ra, thì nó sẽ ở đó, như một chứng cứ rõ ràng rằng ba má đã từng làm con mình đớn đau. Ba má không biết phải làm gì với chuyện đó, nên ba má chọn lặng im.
Ba má chưa bao giờ xin lỗi mình, nhưng chưa bao giờ vì vậy mà yêu mình ít đi. Chỉ là, trong tình thương của ba má, xin lỗi không phải là một nghi thức cần thiết. Ba má cho rằng việc tiếp tục yêu thương mới là lời xin lỗi chân thật nhất. Do đó, ba má vẫn đợi cửa dù có giận, má vẫn nấu món con thích dù ban sáng còn giận hờn. Cái cách ba má xin lỗi, là đi một vòng thiệt xa, thiệt dài, thiệt lặng lẽ, nhưng chưa từng thôi chân thành.
Và vậy là, ba má chọn cách thương con theo kiểu của một thế hệ không biết cúi đầu — dù đôi khi, chỉ cần một cái cúi đầu, con đã có thể chạm vô lòng ba má sớm hơn một chút…
_
___________________
©️ Copyright by Thoòng Dành Kể Chuyện (Nếu đăng lại bài tại nơi khác xin vui lòng ghi rõ nguồn, trân trọng!)
COMMENTS