Suy niệm Lời Chúa thứ Tư - Tuần 31 Thường niên | Từ Bỏ (Lc 14, 25-33)
Suy niệm Lời Chúa thứ Tư - Tuần 31 Thường niên
Từ Bỏ (Lc 14, 25-33)
Lm Thái Nguyên
Cuộc sống ngày càng văn minh khiến người ta có nhiều chọn lựa. Chọn lựa thì phải từ bỏ, bỏ cái này để chọn cái kia; bỏ cả cái tốt để chọn cái tốt hơn, và hơn nữa còn muốn chọn cái tốt nhất. Nhưng rất tiếc, người ta thường chọn cái dễ dãi an nhàn hơn là phải phấn đấu để vươn lên; chọn thú vui hơn là hạnh phúc vững bền; chọn lợi ích vật chất hơn lợi ích tinh thần; chọn cái tầm thường hơn những điều cao quí. Người ta quên rằng, chọn cái gì thì trở thành cái đó.
Bài Phúc Âm hôm nay trong khung cảnh Đức Giêsu đang trên hành trình tiến lên Giêrusalem để chịu hiến tế. Thấy có rất đông người theo sau, Ngài quay lại bảo:“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Không những thế mà còn “từ bỏ hết những gì mình có”.
Từ bỏ mà Chúa muốn không phải là quay mặt đi, đánh mất tình thương và vô trách nhiệm đối với những người thân yêu của mình, cũng không có nghĩa là coi thường hay chê chán. Nếu như vậy ta sẽ trở thành người bất hiếu với cha mẹ và bất nghĩa với người thân. Cả mạng sống mình cũng vậy, là điều cao quí nhất, không gì có thể sánh ví nên cũng không thể dứt bỏ.
Lời mời gọi của Đức Giêsu không hề triệt tiêu bất cứ giá trị nào trong đời sống của con người, trái lại, Ngài muốn nâng cao những giá trị tự nhiên đó lên một tầm mức siêu nhiên. Chúng ta nhận ra đây là một cuộc trao đổi: “từ bỏ” là “để được”, chứ không phải để mất. Trước mắt có thể là bị mất, nhưng chỉ là cái mất tạm thời, còn cái được kia mới là vĩnh viễn. Có lần Phêrô hỏi theo Thầy thì sẽ được gì? “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau" (Lc 18,30).
Từ bỏ là để đặt Chúa lên trên hết và trước hết trong mọi suy nghĩ, lựa chọn và quyết định. Với định hướng rõ ràng như vậy, chúng ta mới có thể thống nhất toàn bộ cuộc sống của mình trong mọi chiều kích, đồng thời tìm thấy ý nghĩa và giá trị siêu việt của đời mình, khiến chúng ta có thể tập trung và phát huy toàn bộ năng lực để sống ơn gọi của mình, theo chương trình và dự định của Thiên Chúa.
Từ bỏ bằng cách vận dụng ý chí xem ra vẫn luôn khó khăn và nặng nề, nhưng nếu từ bỏ vì lòng yêu mến, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thú vị hơn. Giống như người mẹ thức trắng đêm để kịp may chiếc áo cho con, dù mệt nhọc nhưng rất vui. Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ sợ thiệt thòi, nhưng làm ta cảm thấy hạnh phúc. Kẻ thiệt thòi nhiều nhất là kẻ chẳng bao giờ dám hy sinh gì cho người khác, cứ khư khư lo giữ lấy cho mình. Không cho đi thì cũng chẳng thể đón nhận. Và rồi cuối cùng mọi thứ giữ lấy cho mình cũng tới lúc phải bỏ đi. Nhận ra mình là người được Chúa yêu, ta mới dám yêu để sống đời từ bỏ.
Từ bỏ để đón nhận Chúa, và cũng là để vác lấy thập giá mình, vì chính Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng ta, nên chúng ta cũng dùng thập thập giá để thanh luyện bản thân. Thập giá cũng chính là những đau khổ hằng ngày ta phải gánh chịu trong bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Thật ra, thập giá cũng là qui luật của nhân sinh. Chẳng ai có thể lớn lên, trưởng thành, mà không trải qua gian khổ.
Chúa đòi hỏi ta gắt gao vì tình yêu Chúa dành cho ta thì vô biên. Chúa muốn ta từ bỏ tất cả, vì sự nghiệp Chúa dành cho ta thì vô song. Chúa muốn ta vác thập giá khổ hình vì vinh quang Chúa dành cho ta thì vô tận. Chúa muốn ta đi theo một mình Chúa vì sự sống Chúa dành cho ta thì vô cùng. Cuộc đời này chẳng có gì cao cả và hoàn hảo đáng cho ta phải đặt hết tâm hồn mình vào đó, ngoài một mình Chúa.
Chỉ một mình Chúa là Đấng toàn năng và yêu thương vô hạn, nên cũng chỉ có mình Người mới đem lại cho chúng ta hạnh phúc vô vàn. Ước chi cuối cuộc đời chúng ta chẳng còn gì cho mình, vì đã từ bỏ tất cả để được Chúa là tất cả.
Lm. Thái Nguyên
COMMENTS