Mục Vụ Cho Người Thổ Dân Australia - Phỏng Vấn LM Nguyễn Trung Tây, SVD

SHARE:

Mục Vụ Cho Người Thổ Dân Australia - Phỏng Vấn LM Nguyễn Trung Tây, SVD

  
VietCatholicNews 

Mục Vụ Cho Người Thổ Dân Australia

Phóng Viên Dân Chúa Úc Châu 
Phỏng Vấn LM Nguyễn Trung Tây, SVD 

Pv DCUC: Từ lâu lắm rồi, dễ chừng gần hai năm “Cha bỏ chúng con mà đi theo tiếng gọi của ‘tình yêu’ và trách nhiệm bề trên giao phó”, chưa có dịp nào chúng con làm phiền Cha khi bắt Cha phải quay về chuyện “viết và lách”, mặc dầu chúng con nhớ những bài của Cha lắm lắm, và thích đọc những bài viết của Cha vô cùng. 
Thưa Cha, tính ra cho đến nay Cha đã xa Meo-bừn được bao nhiêu ngày tháng?

Nguyễn Trung Tây, SVD: 

Kính chào độc giả Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu và Phóng viên Dân Chúa Úc Châu. Lời đầu từ vùng sa mạc Úc Châu, tôi xin được kính gửi lời chúc Bình An của Đức Giêsu đến toàn thể đọc giả Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu, Ban Biên Tập và Pv DCUC. Mặc dù ngày đầu năm của Tết Con Mèo đã qua, vẫn xin được gửi lời chúc năm mới với nhiều sức khỏe và thành công tới tất cả đọc giả Nguyệt san, Ban Biên Tập và Pv DCUC. 

Tôi nhớ sau khi viết Lá Thư Chia Tay, nói lời tạ từ với đọc giả Nguyệt san, tôi cuối cùng hành trang lên đường, rời Meo-bừn (ngôn ngữ của Pv DCUC) vào ngày thứ Tư, 9 tháng 12 năm 2009. Và bắt đầu từ đó đến ngày hôm nay, tôi miệt mài khói lửa nơi vùng đầu hỏa tuyến nhiều ánh hỏa châu. Coi như là đã gần một năm rưỡi, tôi hóa ra An Tiêm thời bây giờ, nhưng không sống nơi hoang đảo mà là sa mạc cháy đỏ mái tóc đen phương đông. Tôi cũng vẫn đang mong chờ có chim trời bay tới nhả rớt vài hạt là lạ, để tôi cấy trồng, hóa ra dưa hấu ruột đỏ như son, để được về lại đất liền… Nhưng vẫn chưa thấy chi hết, ngoại trừ rắn, rết, bọ cạp, nhện chấm đỏ (red back spider, độc khét tiếng) và cả ngàn thứ không biết tên, đêm đêm len lén chui vào phòng. Giời ạ, nhiều đêm, đang ngủ say, choàng dậy hốt hoảng rú lên như cháy nhà, bởi có con gì đó chui lên người… Thế là sương trắng đầu ông ngoại… Ngày hôm sau, mặt mũi bơ phờ nhìn cứ y như “Con ma nhà họ Hứa”/”Dead man walking”. 

Bà Cố Cha 90 tuổi vẫn còn minh mẫn

Tôi nhớ mẹ tôi, khi nhận được tin tôi rời bỏ Melbourne, phố đông, bà cụ lo lắm, cụ nghĩ chắc thằng con trai áp út phá phách nghịch ngợm như “quỷ”, ghê gớm lắm, cho nên bị nhà dòng “phạt”, đày ra vùng sa mạc. Chứ đời thuả nhà ai, “nó” đang dạy học, giờ “mất” dạy, rồi tưởng là đi đâu, hóa ra “nó” vô vùng sa mạc đất đỏ đèo heo hút gió, chó ăn đá gà ăn muối. Mà tưởng “nó” làm cái “giống” gì, hóa ra là “nó” đi làm với thổ dân… Nhưng bà cụ được cái cũng nhạy bén lắm. 90 tuổi rồi, nhưng tiền bạc vẫn không đếm lộn. Cho nên có lần tôi điện thoại tâm sự “đời cô Lựu” với bà cụ, “Mẹ, đến là hay. Con truyền giáo… Bây giờ đang làm việc ở vùng sa mạc với thổ dân”. Tôi chỉ có nói mấy “nhời”, ngắn ngủi thế thôi, vậy mà cụ gật gù, “À, thôi, mẹ hiểu rồi”. 

Thế đấy, cũng một khoảng thời gian đã trôi qua. Tôi công tác truyền giáo vùng sa mạc gần năm rưỡi. Ơn trời đổ xuống, ơn người cầu nguyện, đời sống tinh thần và thể lực của tôi sung mãn. Tạ ơn Chúa, tạ ơn cho lời cầu nguyện của đọc giả Nguyệt san, ngoại trừ đau ốm cảm cúm sụt sùi, tôi vẫn khỏe như voi, ăn như “nợn” và ngủ như trâu. Cũng một vài lần hơi ngao ngán với thực tế bởi đã “nom nom” thấy rõ “quan tài”, và biết “đổ lệ” (chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ), còn phần lớn (95%) tôi vui tươi, tính vẫn ưa cà rỡn, và ngọn lửa truyền giáo vẫn đang bừng bừng cháy trong hồn. 

Những ngày tháng xa vắng anh em đó Cha “mần gì” để sống? Và Cha sống với ai? Ai nấu nướng cho Cha mỗi ngày?

“Mần gì” để sống. Mèng đéc ơi, bây giờ Pv DCUC cũng biết nói tiếng Nam rồi hén. (Gãi gãi đầu) Để tôi cố gắng nhớ coi, thời gian đầu mình “mần gì” để sống… À, tôi nhớ ra rồi. Hồi đó, từ Melbourne, tôi được gửi lên Alice Spring với công tác phó xứ giáo xứ Trái Tim Đức Mẹ (Our Lady of the Sacred Heart), đồng thời kiêm luôn phụ trách mục vụ tới người thổ dân cả một vùng rộng lớn Central Australia. Xin thưa với Pv DCUC và quý đọc giả, cái số tôi là số con trâu, mà lại là sinh ban ngày, cho nên ưa lời mắng mỏ, khoái nơi bùn lầy nước đọng, rõ là số vất vả! Hồi ở Melbourne, một vai công tác tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời và trường đại học Yarra Theological Union, vai kia công tác với Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu. Giờ này tới Alice Springs, lại hai vai hai gánh… 

Xin phép phải dài dòng và làm bộ than thở một chút cho vui, nhưng bởi Pv DCUC hỏi “mần gì”, cho nên phải nói. Bởi hai vai hai công tác mục vụ, cho nên tui cũng mần lai rai; sáng làm một ván lễ, họp hành tùm lum: họp Ministry Team, họp với người thổ dân, họp với Liên Tôn Giáo, họp, họp, họp nhiều khi tui vừa họp vừa ngủ gật; chiều đi thăm mục vụ, giáo dân tại bệnh viện Alice Springs, hoặc tại gia, cho rước lễ, hỏi han ba chuyện dăm điều, hoặc ghé vào viện Dưỡng Lão Old Timers của Úc Thòi Lòi và Hetty Perkins của Thổ Dân thăm viếng, hoặc trại tù Alice Springs thăm người…lầm lỡ, tối họp hành với các chương trình mục vụ khác của giáo xứ Trái Tim Đức Mẹ: Legio Maria, Bible Sharing, St Vincent de Paul, dạy Giáo Lý Rửa Tội, đủ cả; khuya về, chui vào phòng ngủ thẳng một giấc lên tới thiên đàng, ngủ ngon đến nỗi vừa nằm xuống là hồn và xác ngáy vang, ngáy to đến nỗi chính mình còn nghe được tiếng ngáy của mình. Cứ thế, một ngày trôi qua. 

“Sống với ai?” Có người cũng đã từng hỏi tôi câu này, mà tôi cái tật ưa cà rỡn, Pv DCUC biết tính tôi rồi đó, hồi đó tôi uống mật gấu, dám nói không e dè trước sau, “Dạ, cháu sống với ba cô…” Thế là bị mắng liền mấy mắng, “Cha là vớ vẩn, ăn nói chẳng ra đâu vào với đâu!” Nhưng, tôi vẫn cứ thong thả, “Cháu nói chưa hết... Ba cô đây là cô đơn, cô độc và cô liêu”. Nhưng bà cụ vẫn không chịu. Bà nói, “Cha là không cô đơn, cô độc và cô liêu. Cha lúc nào cũng có Chúa, không có cô nào hết”. Nhưng thôi, bây giờ thì sợ rồi, không dám nói trật đề tài nữa. Tôi hiện nay đang sống với cộng đồng Ngôi Lời tại nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ. Nhà thờ này nguyên thủy được thành lập bởi dòng Thánh Tâm (Missionaries of the Sacred Heart) năm 1929. Cách đây trên dưới năm năm, bởi thiếu thốn nhân sự, dòng Thánh Tâm rút khỏi vùng sa mạc Central Australia, nhường lại đất cho đàn em Ngôi Lời. Trong cộng đồng và giáo xứ, tôi là phó xứ 2, trên tôi có một linh mục Ngôi Lời người Ghana, phó xứ 1, và cha chính xứ người Úc Thòi Lòi. Ngoài ra trong giáo xứ cũng có những thầy dòng Ngôi Lời đang sinh hoạt, học hỏi công tác mục vụ. Cộng đồng Ngôi Lời tại Central Australia coi sóc hai nhà xứ, Trái Tim Đức Mẹ, và Thánh Terêsa. Nhà thờ Têrêsa nằm cách nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ khoảng một tiếng lái xe về hướng Tây Nam. Đường hương lộ nối liền là đường đất, trời mưa lầy lội, hai phố nhìn nhau ngậm ngùi vẫy tay chờ đợi ngày trời nắng, đường bùn khô lại. 

Nấu nướng thì tạ ơn Chúa, trưa có bà bếp cũng gốc Úc Thòi Lòi nấu trưa từ thứ Hai tới thứ Sáu. Cộng đồng Ngôi Lời tại nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ, cũng như mọi gia đình, ngồi quây quầy xum họp ăn trưa với nhau lúc 12:30 trưa. Khoảng 1:30, rửa chén, mọi người, trừ cha già. Buổi tối mạnh ai nấy ăn, cũng bởi chương trình công tác mục vụ khác nhau. Tối tối, để nhanh, gọn và lẹ, tôi ưa nấu một tô mì ăn liền, rồi bỏ về phòng… Nhiều người quen ở Sydney, Melbourne, Adelade, và Darwin cũng đôi khi gửi thịt chà bông, cà phê, và vài món thức ăn Việt Nam về tặng. Nhất là dịp Tết vừa qua, dưới Adelaide gửi lên mấy cái bánh chưng xanh, ăn ngon thấu trời. Tôi tánh hảo nếp, ưa thịt, bóc ra một cái ăn liền, ngấu nghiến như thằng chết đói. Xin phép đọc giả đừng giận nếu tôi quá thành thật về vấn đề nấu nướng và ăn uống… Mà cũng tại Pv DCUC, đã biết tánh tôi ham ăn mà lại còn vẽ đường cho hươu chạy… 

Buổi sáng Cha thường bắt đầu một ngày như thế nào? 

Buổi sáng, tôi dậy, việc đầu tiên với đời sống truyền giáo sa mạc là đọc kinh… Làm gì mà Pv DCUC nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên như thế. Tôi, tu sĩ, việc đầu tiên trong một ngày không đọc kinh thì làm chi. Sau đó, tôi lết xuống bếp, pha một ly càfe cho mình (instant coffee), rồi sau đó làm lễ, nếu tới phiên, rồi ăn sáng, và bắt đầu họp hành, gặp gỡ mục vụ… 


Cũng có nhiều buổi sáng tôi không có họp hành chi hết, nhưng lái xe đi tới thôn làng của thổ dân, xa nhất là Yunedumu (Giun-đù-mùn) 289 cây số hướng đông của Alice Springs, gần hơn là Gilleon Bore, Burt Creek, Corkwood, Sandy Bore nằm dọc theo xa lộ huyết mạc Stuart Highway 87 nối liền Darwin và Adelaide, gần hơn nữa là Santa Teresa, 80 cây số. Những lần công tác mục vụ như vậy thông thường có thể một, ba, hoặc bốn ngày. 
Sau khi hoàn thành công tác (mission accomplished) tôi lái về lại phố chính Alice Springs. Ở phố chính, một vòng tròn sinh hoạt mục vụ thường nhật lại quay tròn. 

Rồi sau đó Cha làm gì? Họ có dễ thương (như ở Meo-bừn) không?  

Bởi vai trò hai vai hai gánh, tôi gặp gỡ rất nhiều sắc tộc với nhiều nền văn hóa riêng biệt, Thổ Dân nhé, Úc Thòi Lòi nè, rồi Ấn Độ, Phi Luật Tân, Pacific Islanders, Phi Châu, và Á Châu trong đó có một vài gia đình Việt Nam. Khỏi nói, đọc giả và Pv DCUC cũng có thể đoán tôi gặp gỡ nhiều nhất là người Thổ Dân và Úc Thòi Lòi, đi đâu cũng gặp giáo dân, đi ngoài phố, vô tiệm sách, tạt vô quán ăn, vô trong Fitting Room của Target, ghé vào Aleiron Road House nằm cách Alice Spring 130 cây số về hướng Bắc, đi đâu cũng gặp quân ta. Rồi theo danh sách vừa liệt kê ở trên, tính xuống (ngoại trừ người Việt Nam, tôi gặp thường xuyên hơn bởi gà nhà). 

Thánh lễ Alice Springs rất đặc biệt, trong thánh lễ, mọi người đứng chung, hỗn hợp, thưa và đáp rộn ràng trong tiếng Anh giọng Úc (nếu có giọng Úc). Nhưng sau thánh lễ, ngoài sân nhà thờ, Phi Luật Tân đứng một bên, Ấn Độ đứng một bên, Úc Thòi Lòi và những sắc tộc khác thì đã ra bãi đậu xe lái xe về nhà. Phi Luật Tân tiếng Tagalog và tiếng Anh lẫn lộn. Ấn Độ thì chỉ tiếng Ấn. Còn lại, tôi, đứng ở giữa, lâu lâu đá qua bên Phi Luật Tân một vài câu vô thưởng vô phạt, đôi khi nhích qua phía Ấn Độ một thoáng lắng nghe tâm sự của người xa quê Ấn, mới đặt chân lên đất Úc. Vui lắm! 


Gặp gỡ thì rất là thường xuyên. Công tác mục vụ gặp nhiều nhất... Già trẻ lớn bé. Già, thì trong viện Dưỡng Lão hoặc tại gia. Trẻ, thì có Youth Group, rất năng động, tối thứ Sáu họp tại nhà xứ. Lớn, thì tôi có riêng cho mình hai nhóm, Nhóm Kinh Thánh họp tối thứ Ba, nhóm lớp Tiếng Anh ESL học chiều thứ Bảy. Bé, thì ghé vào ba trường Công Giáo ở đây dạy Giáo Lý lai rai. 

Tối tối người dân giáo xứ thay phiên mời tu sĩ Ngôi Lời tụi tui về nhà ăn cơm tối. Tôi may mắn, ở đâu cũng hay quen thân với nhiều cặp vợ chồng khoảng cỡ tuổi hoặc nhỏ hơn mươi tuổi. Ở sa mạc Úc Châu, tôi quen với nhiều cặp vợ chồng Phi Luật Tân, Việt Nam, Ấn Độ, Mễ Tây Cơ-Việt Nam (cặp này nguyên gốc từ Mỹ). Đặc biệt nhất có một cặp vợ chồng người Ấn Độ, trên dưới 25 tuổi. Chồng đã một thời đi tu, rồi mộng không thành, về nhà lấy vợ. Hai vợ chồng hay mời tôi về gia đình ăn cơm Ấn, nghe chuyện Ấn, ăn cơm kiểu Ấn. 

Riêng giáo dân Phi Luật Tân đã từng nổi tiếng hiếu khách, hay mời nhất. Thôi thì làm phép nhà, tổ chức tiệc sinh nhật... Và cộng đồng Ngôi Lời có lộc ăn, ăn cơm tối dài dài, nếu không bận họp hoặc công tác mục vụ buổi tối. 

Riêng cộng đồng Việt Nam nhỏ bé ở đây, trên dưới mười gia đình, ba gia đình Công giáo... Tôi thân gần hết. Gặp nhau ăn uống, gỏi cuốn, phở Bò, cháo gà, cháo vịt, cháo lòng heo, tưng bừng. Tết Tây, Tết Ta, Giáng Sinh họp mặt, lại ăn. Lâu lâu còn hứng chí, quân ta dẫn nhau ra quán Tây ăn uống, tiếng Việt nói om xòm, không kiêng nể. Một gia đình Việt Nam ở đây mở nhà hàng tên Hongkong. Hai vợ chồng rất hiếu khách, nhất là đối với những nhà truyền giáo mồ côi; tôi vào những đêm tối trời, từ thôn làng thổ dân lái về phố chính trễ, muộn, hay ghé nhà hàng ăn tối. Chủ quán nhất định không chịu tính tiền... 

Dễ thương? Cái ni thì cũng khó nói, nhưng bởi hoàn cảnh đặc biệt. Alice Springs là thị trấn sa mạc nằm ngay giữa Úc Châu. Phố trên dưới hai mươi tám ngàn người, nhỏ bằng một góc của Melbourne. Nằm lẻ loi giữa sa mạc, phố Alice lạc loài, lẻ loi, phố chính có dăm ba khu thương xá, đi khoảng hai mươi phút là hết phố chính (CBD). Bởi vậy, người Alice Springs nổi tiếng là thân thiện. Gặp nhau thiên hạ bắt tay nói chuyện tưng bừng, cứ như bạn bè từ muôn kiếp. Lái xe trên hương lộ sa mạc, tài xế giơ tay chào tài xế đang lái xe hướng đối diện. Bởi thế, tôi nghĩ người Alice Springs thân thiện. 

Nếu sinh hoạt trong thôn làng thổ dân, thì cũng có những lần tôi tham gia đốt lửa trại với thổ dân. Cả nhóm kéo nhau vào khu sa mạc trước khi mặt trời lặn, rồi nướng Kangaroo. Nếu may mắn gặp đêm không trăng, tôi thấy nguyên cả một bầu trời rộng mở mênh mông, với giải Ngân Hà (Milky Galaxy) trải dài như một con sông sáng lấp lánh rực rỡ với triệu triệu viên kim cương phủ kín cả một bầu trời đêm đen sa mạc. Ơi đẹp! Những cảnh như vậy, người ở thành phố không bao giờ thấy.

Đặc biệt nhất, người thổ dân chung quanh lửa hồng họ không ồn ào như những sắc dân khác. Họ im lặng, nhưng trong cái im lặng đó, có cả ngàn điều họ đang nói với nhau mà thông thường người ở phố ít khi có khả năng lắng nghe và nhận ra âm thanh của những tiếng nói im lặng. 


Người thổ dân, theo như tài liệu khảo cổ học, đã có mặt ở lục địa Úc Châu trên dưới bốn mươi ngàn năm. Trong khi đó, Pv DCUC cũng biết rồi, Việt Nam mình cũng chỉ trên dưới bốn ngàn năm văn hiến. Con số bốn mươi ngàn năm là một thước đo dài nói về nền văn minh rực rỡ của người thổ dân Úc Châu. Tôi đã tham dự những workshop trình bày đời sống văn minh thổ dân. Bởi sống ở sa mạc, người thổ dân Central Australia sống dựa vào lương thực Trời ban trên vùng đất sa mạc. Không thể ngờ được ngay trên vùng đất sa mạc nơi tôi đang sống xuất hiện la liệt cây chuối rừng (bush banana), cà chua rừng (bush tomato), khoai tây rừng (bush potato), và nhiều thứ “rừng/bush” khác có chất dinh dưỡng ngang với thức ăn của người kinh. Cái này ông bà mình hay nói, “Trời sinh voi sinh cỏ”. Khi xưa trước khi tạo ra ông Adong từ bùn đất, Chúa tạo ra ngôi vườn Địa Đàng trước, rồi Ngài mới nặn từ bùn đất thổi hơi tạo ra ông Adong, rồi Ngài mang vào vườn. Cũng thế, Chúa mang người thổ dân tới đất Úc bốn mươi ngàn năm về trước, Ngài cũng cung cấp cho vùng đất sa mạc thịt thà, điển hình nhất là Kangaroo, rồi cá mú (cá bơi theo sông rạch vùng sa mạc), và ngũ cốc sa mạc như vừa liệt kê ở trên.

Thế đấy, thật là bất ngờ, đời sống thổ dân đang thanh bình, hạnh phúc, bỗng di dân phương xa kéo tới đất này, đuổi người thổ dân đi... Rồi câu chuyện Stolen Generation. Pv DCUC tưởng tượng mình đang sống ở Việt Nam hạnh phúc với nên văn minh cá biệt của Việt Nam. Ngày kia người ta kéo tới từng làng, lấy đi con cái của mình, mang cho viện mồ côi nuôi... Nói thế để Pv DCUC và đọc giả cảm nghiệm được một tí ti về cái đau của người thổ dân. Nỗi đau này, ngày hôm nay người thổ dân vẫn không quên. Và có lẽ còn phải thêm một khoảng thời gian nữa, dài ngắn không biết, may ra vết thương mới bắt đầu chịu mọc da non. Bởi thế, mục vụ với người thổ dân đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, thông cảm nhiều hơn lên án, thương yêu nhiều hơn tính toán. Nguyên thủy người thổ dân sa mạc Central Australia là dân du mục, họ sống nay đây mai đó, lấy săn bắn thú rừng và lương thực nơi vùng đất họ tạm canh làm lương thực sống qua ngày. Ngày hôm nay, đất đai của họ đã mất, chính phủ Úc dựng nên những thôn làng thổ dân, xây nhà cửa cho thổ dân sống, phát tiền cho thổ dân, cho nên một số người thổ dân của sa mạc Central Australia họ không còn đi săn như hồi xưa nữa. Nhưng tôi cũng quen biết, nhất là thổ dân Công Giáo, họ cũng đi làm như mọi người, ngày tám tiếng.

Điều làm tôi vui nhất là từ ngày tôi xin chuyển công tác về Alice Springs, đời sống vật chất và tinh thần của tôi tự nhiên nở rộ, thăng hoa. Cả gần mười năm rồi, từ ngày tôi bước lên bàn thánh vào năm 2002, tôi được biệt phái dậy học và phụ trách chương trình tu đức cho các thầy. Cho tới cuối tháng 12 năm 2009, tôi mới “mất” dậy, về Alice Springs công tác mục vụ, đặc biệt với người thổ dân Central Australia. Từ tháng 12 năm 2009, tôi công tác nơi vùng sa mạc, thường xuyên lái xe với anh em đồng tu vô thôn làng thổ dân sinh hoạt và công tác. Biết tánh tôi ưa cà rỡn, có người Úc Thòi Lòi vui miệng nói, người thổ dân chắc vui lắm khi gặp tôi tại thôn làng. Tôi nghĩ, rồi tôi nói, “Tôi nghĩ chắc tôi vui hơn, bởi tôi thấy, mỗi một lần tôi công tác với người thổ dân, tôi thấy đời sống truyền giáo của tôi càng thêm đậm đà ý nghiã”.

Cháu bé được Cha rửa tội dưới gốc cây

Mà tình thiệt đúng là như vậy, dậy học bảy năm, tôi học hỏi được nhiều điều lắm. Nhưng chỉ mới đây, trong khi làm việc với người thổ dân, tôi bắt đầu cảm nghiệm sâu sa nguyên nhân và động lực đã khiến tôi dám rời bỏ gia đình và sự nghiệp tại San Jose, Cali năm 1991, lên đường theo tiếng gọi tu sĩ truyền giáo. Tôi nghĩ bởi tôi nguyên gốc tu sĩ truyền giáo, đời sống truyền giáo với người thổ dân sa mạc Úc Châu đã khiến hồn tôi thăng hoa, nở rộ, và xanh tươi. Nếu phải nói, ai cần ai, tôi nghĩ phải thành thật mà nói, tôi cần người thổ dân; bởi không có họ, tôi không có cơ hội để cảm nghiệm và sống với ơn gọi truyền giáo của mình.  

Cám ơn cha thật nhiều cho những dòng chia sẻ rất chân thành của cha. Câu hỏi chót, qua Cha Chủ Nhiệm, Pv DCUC mới biết là cha nhận được cái giải gì đó ở bên Mỹ, xin cha chia sẻ với đọc giả một chút về cái giải này được không? (Cười) 

Cái này là bởi Pv DCUC hỏi, thì tôi nói đó nghen... Chuyện là như thế này, bên Mỹ nhật báo Việt Báo, một tờ báo lớn của giới truyền thông tại California và Texas có tổ chức một giải gọi, Viết Về Nước Mỹ (Writing On America/www.vietbao.com). Giải này được tổ chức từ năm 2000. Và từ đó đến nay đã hơn mười năm Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo thu hút được một số lượng lớn người tham dự. Mỗi ngày họ chọn một bài dự thi. 365 ngày, 365 bài. Như cái tên đã gọi, những bài tham dự cuộc thi viết, 

Viết Về Nước Mỹ, tha hồ chọn đề tài, nhật ký cũng được, tự thuật cũng xong, viết chi thì viết, miễn viết về nước Mỹ thì thôi, chi tiết thật càng nhiều càng tốt. Mỗi năm một lần, vào khoảng giữa tháng 8, Ban Giám Khảo Viết Về Nước Mỹ chọn ra một bài, gọi Chung Kết, phần thưởng 10,000 đô la Mỹ. Ngoài giải Chung Kết, Viết Về Nước Mỹ cũng có những giải khác; tổng cộng trị giá số tiền thưởng cho tất cả các giải mỗi năm là 40,000 đô la Mỹ. Cứ thế, từ năm 2000 cho tới năm 2010 vừa qua, mười năm liên tục Viêt Về Nước Mỹ đã họp mặt để phát giải Chung Kết và các giải phụ. Năm 2010, từ Úc Châu, tôi tham gia hai bài, “Mẹ, Mẹ Tôi”, và “Gốc Phi Châu”. 

Bà Cố nhận giải thưởng thay Cha đang công tác tại nước Úc. 

Chắc có lẽ Ban Giám Khảo họ ái ngai thấy tôi làm việc tại vùng sa mạc nắng cháy đỏ mái tóc đen Á Châu, rồi cái này phải nói cho đúng là “hay” cũng không bằng “hên”, cho nên họ chọn “Gốc Phi Châu” tác phẩm Chung Kết năm 2010. 

Xin chào tạm biệt. Xin hẹn tái ngộ một ngày thật gần. 

Phóng viên Dân Chúa Úc Châu

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1199,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4608,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Mục Vụ Cho Người Thổ Dân Australia - Phỏng Vấn LM Nguyễn Trung Tây, SVD
Mục Vụ Cho Người Thổ Dân Australia - Phỏng Vấn LM Nguyễn Trung Tây, SVD
Mục Vụ Cho Người Thổ Dân Australia - Phỏng Vấn LM Nguyễn Trung Tây, SVD
https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEgbMlIS3o_ktKNaQ6h0KN2tbjYhTF41fTle0oxEcjqFy4MVB5vVQziWER9Rt8y5ITJP7OPVcuCXoXjFEHUciRdAyKLEnzssDScvY4AgrKMcZX-KWDfZdtMUhTAYASkEQdsuh_wv7wrNPK-hso5Bwm_3BjhRtkHPuVu06AdAhxzIkZc5wqbpcb6SsUyk=w708-h399
https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEgbMlIS3o_ktKNaQ6h0KN2tbjYhTF41fTle0oxEcjqFy4MVB5vVQziWER9Rt8y5ITJP7OPVcuCXoXjFEHUciRdAyKLEnzssDScvY4AgrKMcZX-KWDfZdtMUhTAYASkEQdsuh_wv7wrNPK-hso5Bwm_3BjhRtkHPuVu06AdAhxzIkZc5wqbpcb6SsUyk=s72-w708-c-h399
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2022/01/muc-vu-cho-nguoi-tho-dan-australia.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2022/01/muc-vu-cho-nguoi-tho-dan-australia.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content