Góc Suy Gẫm - Lc 6,6-11; thứ Hai, tuần XXIII Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Lc 6,6-11; thứ Hai, tuần XXIII Thường niên

Góc Suy Gẫm - Lc 6,6-11; thứ Hai, tuần XXIII Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
Vợ Mất, Bệnh Nhân Covid-19 Hồi Phục Kỳ Diệu Nhờ Quyết Tâm Phải Sống Vì 3 Đứa Con Nhỏ

TTO - Đã có hàng trăm ngàn bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nhưng con số ấy không thể diễn tả hết sự nỗ lực, cố gắng của từng người bệnh nặng trong hành trình trở về với sự sống. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu một hành trình như vậy. 

Trong khoa bệnh COVID-19 nặng, nếu một bệnh nhân có tình hình cải thiện, cả khoa truyền tin nhau ngay, mừng cho bệnh nhân và cũng là nguồn động viên cho mình. Từ hôm vào, ngày nào tôi cũng tìm xem có ca nào khá lên không để kể cho mọi người nghe, nhưng ca bệnh hôm nay tôi kể lại là một bất ngờ. Bất ngờ vì ngay khi nhận buồng, mọi người đã bảo, ca này nặng đấy nhé, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da. Bệnh nhân này nói nôm na đã bị con COVID-19 ăn thủng phổi, nếu trong mấy ngày tới anh có nặng lên thì cũng không thở máy được, vì đang tràn khí màng phổi mà. Như vậy khả năng tử vong gần như chắc chắn. 

"Bác cứu cháu với, cháu còn 3 con nhỏ" 

Tôi khám bệnh, anh ngước đầu lên nhìn tôi khẩn khoản: "Bác cứu cháu với, cháu còn 3 con nhỏ, vợ cháu vừa mất rồi". Tôi bảo: "Được rồi, phải thật yên tâm nằm thở đi, không lo nghĩ linh tinh". 
Nhưng thật lòng tôi thấy anh khó qua khỏi. Xét nghiệm thì thấy các chỉ số của bão cytokine đang hoành hành dữ dội. Hai lá phổi viêm trắng xóa, thở vào đâu? Chúng tôi phải dùng tối đa oxy hỗ trợ: thở oxy dòng cao HFNC 60 lít/phút, rồi lại chụp thêm ra ngoài một cái mask oxy 15 lít phút. 

Oxy phun ào ào như thác lũ nhưng phổi viêm nặng như thế, có ngấm được vào máu đâu. Anh rất đói oxy, người rất mệt và khó chịu, nhưng ngoan ngoãn nằm sấp suốt ngày, hổn hển hớp từng ngụm oxy, cố giành sự sống để về với con. Đến bữa, anh cố gắng ăn để lấy sức. Tôi nhấc vội mask oxy ra bón cho anh một thìa cháo, anh há miệng nhận, rồi tôi lại chụp ngay cái mask oxy xuống. Phải dùng từ đớp mới lột tả được cái hành động ăn khẩn trương như thế nào, ăn và thở. Và đặc biệt, anh là một người rất có nghị lực, biết chịu đựng, không hoảng loạn, than vãn, kêu ca. 
Cảm giác khó thở là trải nghiệm kinh khủng nhất, ít ai giữ được bình tĩnh. Nhưng càng la lối, càng kêu ca thì càng thở gấp, phổi càng tổn thương nặng lên. 

Nhiều bác sĩ trẻ ở xa không hình dung được tình trạng bệnh nhân nên hiến kế tập thở, tập thiền cho bệnh nhân, nhưng nếu một lần chứng kiến người bệnh ánh mắt lo âu, thở hổn hển, mồ hôi vã ra ướt đầm người, các bạn ấy sẽ nghĩ khác, cũng như cái hiến kế cho bệnh nhân COVID-19 uống sinh tố ấy. Không sai, nhưng không thực tế. 

Và thật bất ngờ, anh đã sống. Sáng nào tôi vào cũng thấy anh nằm sấp, hai vòi phun oxy kêu phè phè, đầu đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn không chết, mà anh từ từ khỏe lên. SpO2 tăng dần, tăng dần. Chúng tôi giảm dần liều oxy. Tôi xoa đầu anh: "Giỏi lắm, sắp về với con rồi". Anh ngước nhìn lên: "Bác cố cứu cháu nhé". Tôi ừ đại: "Yên tâm đi". Nhưng thật ra tôi nghĩ bụng, anh ấy đang tự cứu mình rất tốt, mấy người cùng đợt hay kêu ca thì "đi" hết rồi. 

Sáng nay thấy liều oxy đã giảm khá nhiều, tôi bảo anh: "Bây giờ bác bỏ cái máy này đi nhé. Cháu tập thở giảm dần oxy đi thì mới về với con được". Các bạn nên biết, người khó thở sợ bị cắt mất nguồn oxy lắm. Nhưng ánh mắt anh ánh lên vẻ quyết tâm: "Vâng". 

Tôi ngưng máy oxy dòng cao, anh chỉ còn thở oxy qua mặt nạ. Mười lăm phút trôi qua, oxy máu vẫn không giảm mấy, anh vẫn thở đều, không phải gắng sức. Thành công rồi. Tôi xoa đầu anh, cháu giỏi lắm, sắp về với con rồi. Anh mỉm cười rạng rỡ, tay nắm vòi phun oxy không dùng đến giơ lên, như minh chứng cho quyết tâm sống của mình. Buổi chiều, theo chỉ đạo của trưởng khoa, chúng tôi đẩy anh đi chụp cắt lớp CT phổi. Nhìn phổi của anh đông đặc gần hết, chỉ còn một chút phổi lành, thế mà anh cai oxy dòng cao được. Thật là kỳ diệu. Lòng quyết tâm của người làm cha đã làm nên điều kỳ diệu này chăng? Ca bệnh này tôi xin phép bệnh nhân đàng hoàng và chụp ảnh rõ đôi mắt. Một bức ảnh có đôi mắt là bức ảnh có linh hồn. 

QUAN THẾ DÂN 
(Nguồn: https://tuoitre.vn/vo-mat-benh-nhan-covid-19-hoi-phuc-ky-dieu-nho-quyet-tam-phai-song-vi-3-dua-con-nho-20210904100133233.htm) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 6,6-11; thứ Hai, tuần XXIII Thường niên)

Tin Mừng của ngày hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu chữa lành một người bị khô bại cánh tay phải, cánh tay để làm việc, để mưu sinh. Trong câu chuyện này, tác giả Luca đã lồng vào đó một cuộc tranh luận liên quan tới ngày Sabbath. Tuy nhiên, tất cả chỉ là một sự im lặng vì đuối lý lẽ và hậm hực, ngoại trừ một mình Đức Giêsu, Ngài đã tự nêu vấn đề và rồi cũng tự trả lời lấy. Những kẻ chống đối thì chỉ dựa vào chủ trương giữ luật bằng cách “không được làm” trong ngày Sabbath; còn Đức Giêsu thì đặt vấn đề là "làm điều lành" hay "làm điều dữ" và “cứu mạng người hay hủy diệt”. Thực ra chủ trương của những người Pharisêu không hẳn là hoàn toàn không làm gì cả. Họ cũng chấp thuận được cứu người nguy tử trong ngày đó. Nhưng họ phải nghiên cứu trong từng trường hợp cụ thể để cho phép làm như vậy. Còn Đức Giêsu, thái độ của Ngài trong trường hợp này cho thấy rõ: luật ngày Sabbath phải lệ thuộc luật yêu thương, sự giúp đỡ và giải thoát. 

Nhìn chung, tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, tôn giáo nào cũng lấy bác ái yêu thương làm cốt lõi của niềm tin. Thế nhưng, trong thực tế, không ít người đã nhân danh tôn giáo, nhân danh Thiên Chúa để loại trừ người khác, để chối bỏ cái cốt lõi của đạo là tình thương. Điển hình, chúng ta phải kể đến những người Pharisêu và các Kinh sư mà bài Tin Mừng chúng ta được nghe hôm nay. Họ là những người lãnh đạo dân Do Thái về mặt tôn giáo, nhưng họ đã nhân danh lề luật, cụ thể là luật giữ ngày Sabbath để từ chối việc cứu chữa người bị bại tay. 

Thế nhưng, không chỉ có những người Pharisêu và các Kinh sư ngày xưa mà cả ngày hôm nay, người ta vẫn tiếp tục nhân danh tôn giáo để chém giết nhau, thanh trừng nhau. Thật vậy, các cuộc xung đột tôn giáo vẫn tiếp tục diễn ra cho dù đã có không ít nỗ lực nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại đáng tiếc. Kinh nghiệm cũng cho thấy, những cuộc chiến tranh tôn giáo bao giờ cũng tàn ác và dai dẳng hơn những cuộc chiến vì lý do chính trị hay quân sự. 

Chính vì thế, Đức Giêsu đã đến để đưa con người trở về với cái cốt lõi của đạo, của lề luật là tình yêu. Những người Pharisêu và các Kinh sư luôn nghĩ rằng, Đức Giêsu đến để bãi bỏ lề luật, nhưng Đức Giêsu không đến để hủy bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn bằng cách cho thấy mục đích của lề luật, đặc biệt là luật nghỉ ngày Sabbath là phục vụ và cứu sống con người. Bởi đó, trước khi làm phép lạ chữa người bị bại tay, Đức Giêsu đã hỏi những người Pharisêu và các Kinh sư đang dò xét Ngài: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt”. 

Người Do Thái, đặc biệt là những người Pharisêu và các Kinh sư đã quên đi một nguyên tắc hết sức quan trọng mà sau này thánh Irênê đã nói tới, đó là: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Thật vậy, người ta không thể tôn vinh Thiên Chúa bằng việc tuân giữ ngày Sabbath một cách tỉ mỉ, máy móc mà bỏ qua việc yêu thương và phục vụ anh em. Lề luật, đặc biệt là luật nghỉ ngày Sabbath được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabbath. 

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại cách sống đạo của mình: đọc kinh, dự lễ, tham gia mọi sinh hoạt của giáo xứ mà không sống yêu thương, liệu đó có phải là sống đạo chưa hay chỉ là theo đạo và giữ đạo? Đời sống đức tin chỉ có thể triển nở một khi chúng ta biết thực thi lòng nhân ái đối với tha nhân. Bằng ngược lại, chúng ta cũng sẽ bị Thiên Chúa kết án giống như những kẻ giả hình. Bởi vì, Thiên Chúa chỉ xót thương những ai biết xót thương người khác. Bao lâu chúng ta còn so đo hơn thiệt, chưa thể vui với người vui và khóc với người khóc; thì bấy lâu chúng ta cũng sẽ là những người chỉ biết ngậm miệng làm thinh giống như những người Pharisêu và các Kinh sư trước câu hỏi của Đức Giêsu nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay vậy. 

Lạy Chúa, những người Pharisêu và Kinh sư năm xưa ưa rình mò, dò xét và kết án người khác; đồng thời nhận mình là những người tuân thủ luật lệ của Chúa cách nghiêm minh chính trực. Thế nhưng, Chúa lại chỉ cho họ thấy rằng, những suy nghĩ và hành động của họ chỉ nhằm phô trương một thứ đạo đức giả. Chúng con nay cũng đầy những thứ tâm bệnh xấu xa như họ mà chẳng chịu nhận ra. Xin cho chúng con luôn biết nhìn lại chính mình, hơn là tìm kiếm những lỗi lầm của anh em mà lên án. Xin đừng để lòng ganh ghét làm chúng con ra mù quáng nhưng trái lại, xin cho chúng con biết vui với niềm vui của tha nhân và lòng đầy hân hoan khi chung chia niềm hạnh phúc với anh chị em mình. 

4. Lời bàn 

- Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu đang giảng dạy nơi hội đường vào ngày Sabbath. Các Kinh sư và người Pharisêu cũng có mặt ở đó với mục đích rõ ràng là rình xem Đức Giêsu có làm điều gì sai quấy hay không. Nếu như Ngài chữa bệnh, họ sẽ tố cáo Ngài vi phạm luật ngày Sabbath. Khi đối chiếu bản văn này với các tác giả khác trong Tin Mừng Nhất lãm, chúng ta sẽ thấy một điều rất có ý nghĩa trong câu chuyện mà chỉ có một mình thánh Luca cho chúng ta biết, đó là cánh tay phải của chàng thanh niên bị teo bại. Thánh Luca là một thầy thuốc, nên ngài để ý đến những chi tiết của bệnh nhân. Lần này Đức Giêsu đã thực sự vi phạm luật ngày Sabbath. Chữa bệnh là làm việc, còn luật lệ về ngày Sabbath thì cấm làm việc. Theo luật định, nếu có nguy cơ tổn hại đến tính mạng của bệnh nhân thì một số điều được làm để giúp đỡ cho họ. Thí dụ, chữa viêm mắt hay viêm họng thì được. Ở đây, người này không bị nguy hiểm gì. Nhưng Đức Giêsu đã nêu ra một nguyên tắc lớn đó là, dù các luật lệ, quy định nói sao đi chăng nữa, thì việc lành được thực hiện trong ngày Sabbath luôn là một điều tốt, đáng để thực hiện. Đức Giêsu đã hỏi một câu hỏi khó dành cho cử tọa: “Ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Lời đó có ý nghĩa sâu sắc, vì đang khi Ngài tìm cách giúp đỡ và mang lại sự sống cho bệnh nhân, thì người ta lại tìm đủ cách để ngăn cản Ngài. Như thế, chính Đức Giêsu là người tận tâm cứu người, còn những kẻ khác thì mưu đồ trừ khử Ngài. Trong khung cảnh này chúng ta nhận thấy có ba tuyến nhân vật. 
+ Người bị khô bại tay phải. Có một giai thoại cho biết chàng thanh niên này là một người thợ xây đá và anh đã đến thưa với Đức Giêsu rằng: “Tôi là một thợ xây đá, mưu sinh bằng cánh tay của tôi. Lạy Ngài, tôi cầu xin Ngài cho tôi được khỏe lại để tôi khỏi phải đi ăn xin, tủi nhục lắm”. Điều đó cho thấy, anh ta là một người thích làm việc. Đức Giêsu bao giờ cũng đoái đến những ai muốn chu toàn bổn phận hằng ngày. Thứ đến, anh ta là một người sẵn sàng bắt tay làm việc, cho dù điều đó ngoài khả năng của mình. Quả thật, anh ta đã không lý luận gì khi Đức Giêsu bảo anh hãy giơ thẳng cánh tay vô dụng ấy ra. Anh đã thử và nhờ sức mạnh Chúa ban, anh đã thành công. 
+ Chúng ta được nhìn ngắm chân dung của Đức Giêsu. Trong câu chuyện này có một bầu không khí của sự thách thức. Dù biết rằng mình đang bị rình mò nhưng Đức Giêsu đã không ngần ngại cứu chữa người bại tay. Ngài truyền cho người ấy là đứng giữa hội đường. Một việc quan trọng như thế thì không nên làm ở một góc nhà. Người Kitô hữu của chúng ta cũng luôn được mời gọi thể hiện đức tin của mình một cách hiên ngang trước mặt người đời như vậy. Rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy e ngại khi làm dấu thánh giá ở chốn đông người, thậm chí là không muốn công khai mình là một Kitô hữu. Có lẽ điều đó sẽ khiến Chúa không vui. 
+ Những người Pharisêu. Đây là những người có thái độ kỳ lạ là ghen ghét một người vừa chữa lành cho một bệnh nhân. Họ tiêu biểu cho hạng người yêu luật lệ, yêu tập tục hơn mến Chúa và yêu tha nhân. Người ta không tranh luận về vấn đề đức tin, nhưng về cách thức tổ chức. Đó là một thứ nguy cơ luôn ẩn hiện, bởi vì bao giờ người ta cũng muốn trung thành với một cơ cấu đem lại lợi ích cho họ hơn là trung thành với những giáo huấn mà Chúa đang mời gọi. Người ta sẵn sàng nhân danh lề luật để bắt lý bắt lẽ Đức Giêsu mà không đả động gì đến niềm vui lớn lao mà chàng thanh niên đang có vì được chữa lành. Những người Pharisêu đã không vui với niềm vui ấy mà ngược lại, họ nương theo sự kiện ấy để muốn áp chế Đức Giêsu. Thánh sử Luca kết thúc sự kiện này trong sự khó chịu của nhóm người Pharisêu. Trong khi đó, hai tác giả còn lại của Tin Mừng Nhất lãm thì nói về một sự tức tối lên đến cực độ, đến nỗi họ liên kết với những người theo phe Hêrôđê để bàn mưu tính kế giết Đức Giêsu. 

- Ngoài ra, đây còn là một biến cố có tầm quan trọng quyết định trong cuộc đời của Đức Giêsu. Nghĩa là nó cho thầy giữa Đức Giêsu và các lãnh tụ chính thống của Do Thái giáo có một sự khác nhau rõ rệt trong suy nghĩ cũng như hành động. Với Đức Giêsu, việc trở vào hội đường là một việc làm dũng cảm, đó là hành động của một người không cam phận trong sự an toàn của bản thân nhưng là quyết định đương đầu với những tình huống nguy hiểm. Trong hội đường lúc ấy có một người bị bại tay. Theo nguyên nghĩa Hy Lạp thì ngụ ý rằng, người ấy không phải bị tật bẩm sinh nhưng rất có thể do một thứ bệnh nào đó đã khiến anh ta bị như vậy. Điều đáng nói ở đây chính là, việc chữa lành diễn ra trong ngày Sabbath. Luật lệ Do Thái dạy rất khoát và chi tiết về việc không được làm bất cứ thứ gì trong ngày Sabbath. Chỉ khi nào mạng sống một người bị đe dọa thì mới được chăm sóc thuốc men. Ví dụ một sản phụ có thể được giúp đỡ trong ngày Sabbath, bị nhiễm độc ở cuống họng thì có thể được chữa trị. Nếu một bức tường sập xuống đè lên một người nào đó, chỉ cần dọn dẹp vừa đủ để xem người ấy còn sống hay đã chết; nếu người ấy còn sống thì cần được trợ giúp, nhưng nếu người đó đã chết thì xác phải để nguyên tại chỗ đợi đến ngày hôm sau. Bị gãy xương thì không được chăm sóc. Không được phép đổ nước lạnh trên một bàn tay hay bàn chân bị trật khớp hay bị bong gân. Một ngón tay bị đứt chỉ có thể được băng bó bằng vải mà thôi chứ không được xức dầu. Điều này có nghĩa là, nhiều nhất thì cũng chỉ giữ sao cho vết thương khỏi bị nhiễm trùng chứ không có ý làm cho nó bớt đau đớn. 

- Trong sự kiện này Đức Giêsu thừa biết mạng sống của người bại tay không hề lâm nguy. Về thể chất, người ấy chẳng hề hấn gì nếu để đến hôm sau. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chấp nhận chữa cho người này một cách khéo léo và thẳng thắn. Ngài muốn tạo cho anh ta một cơ hội để thể hiện sự cố gắng cuối cùng nhằm đánh thức lòng thương xót đối với kẻ tàn tật, bằng cách cho mọi người thấy sự tật nguyền khốn khổ của người ấy. Chắc chắn Ngài muốn tiến từng bước một và ai cũng có thể thấy rõ như thế; chỉ có điều người ta có muốn hiểu hay không mà thôi. Đức Giêsu nêu ra vấn nạn: “Ngày Sabbath được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Đó là một vấn đề nan giải đối với các Kinh sư và người Pharisêu. Đức Giêsu buộc họ phải nhận rằng, làm điều lành là hợp pháp mà việc Ngài sắp làm là một việc lành. Họ bắt buộc phải nhìn nhận rằng, làm điều dữ là bất hợp pháp; thế nhưng bỏ mặc một người tàn tật trong khi có thể giúp người ấy thì đó là một điều dữ. Sau đó, Ngài đánh thẳng vào mục tiêu, Ngài dọn đường để cứu người tàn tật nọ trong khi khiến cho những kẻ không ưa Ngài câm miệng. Bất cứ phương diện nào, chắc chắn nghĩ cách giúp người vẫn hơn là nghĩ cách gây thiệt hại cho người khác. Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy họ câm miệng chẳng đáp lại lời nào. 

- “Bác cứu cháu với, cháu còn 3 con nhỏ, vợ cháu vừa mất rồi”. Điều này chắc hẳn là động lực duy nhất mà người cha trong câu chuyện trên đây khát khao níu giữ mạng sống của mình bằng mọi giá. Anh mong các bác sĩ cứu mình nhưng kì thực là cứu lấy những đứa con còn non dại của anh. Như vậy, có thể nói được rằng, khi tình phụ tử trỗi dậy thì đồng thời nó cũng đánh thức bản năng sinh tồn một cách mạnh mẽ nhất. Hình ảnh về người vợ hiền vừa mới rời xa anh chắc chắn còn đầy trong tâm trí; và cũng chính vì điều đó, anh không muốn mình cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong một chừng mực nào đó, các bác sĩ là những người đã kéo anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần; thế nhưng, chính bản thân anh cũng đã nhất mực từ chối việc kết thân với thần chết. Điều này một lần nữa giúp chúng ta hiểu rằng: “Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha dành cho con cái mình” (Cicero). Thật vậy, tình phụ tử của người cha trong câu chuyện trên đây đã góp thêm cho cuộc đời này những điều trân quý; bởi lẽ, ngay cả trong giây phút thập tử nhất sinh, anh cũng không mong gì hơn là tiếp tục có cơ hội để chăm lo cho những đứa con thơ vừa mất mẹ. 

- Người Anh có một câu ngạn ngữ thế này: “Những điều bạn học được từ cha mình, nhiều hơn rất nhiều so với những gì mà bạn đã học ở trường”. Có lẽ nhiều người trong chúng ta dễ dàng hiểu rõ điều này. Hầu hết các ông bố đều là cột trụ trong gia đình. Ông không chỉ góp công đưa chúng ta góp mặt trên trần gian này, mà còn là người thầy dạy cho chúng ta bao điều về cuộc sống theo những cách thế của riêng ông. Clarence Budington Kelland từng nói: “Cha không nói với tôi phải sống như thế nào, cha sống và để tôi chứng kiến điều đó”. Quả là đúng như vậy. Mấy ngày gần đây, khi tham gia đồng hành tâm linh với các bệnh nhân nhiễm Covid, tôi cũng gặp một trường hợp gần giống với hình ảnh người cha trong câu chuyện trên đây. Khi nghe bác sĩ nói về tình hình sức khỏe với tiên lượng xấu, anh đã sốc và xuống tinh thần. May thay, anh đã kịp trấn tĩnh khi nghĩ về những người thân yêu và luôn tín thác nơi lòng thương xót của Chúa. Và cho đến lúc này, tình hình sức khỏe của anh khá hơn và cũng đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Bài Tin Mừng của ngày hôm nay nói về một người đã tin và làm theo điều mà Đức Giêsu mời gọi, tức khắc phép lạ xảy ra. Chúng ta cũng mong sao giữa cơn đại dịch này, hết thảy những ai đang gặp cảnh gian nan khốn khó do bệnh tật, cũng biết chạy đến và nương mình dưới bóng Lòng thương xót của Chúa, để được nâng đỡ, chở che và nhất là được chữa lành. 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1541,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,353,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1202,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4611,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Lc 6,6-11; thứ Hai, tuần XXIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 6,6-11; thứ Hai, tuần XXIII Thường niên
Góc Suy Gẫm - Lc 6,6-11; thứ Hai, tuần XXIII Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgcw_4GeB8TPY8rtiMFnLi-BpX1SJEwAfSsGdunYbla-m4quzkA9srfrzTXyx30F_IeJLyOO6PzwfeTieTTpoxtXuoMRDRo4DxiLDJgZl7fOF6Hoj3F52Udw8iPqlUZutGiu8ld9VlllM0/w768-h439/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgcw_4GeB8TPY8rtiMFnLi-BpX1SJEwAfSsGdunYbla-m4quzkA9srfrzTXyx30F_IeJLyOO6PzwfeTieTTpoxtXuoMRDRo4DxiLDJgZl7fOF6Hoj3F52Udw8iPqlUZutGiu8ld9VlllM0/s72-w768-c-h439/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-66-11-thu-hai-tuan-xxiii.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/09/goc-suy-gam-lc-66-11-thu-hai-tuan-xxiii.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content