Góc Suy Gẫm - Mt 9,32-38; thứ Ba, tuần XIV Thường niên

SHARE:

Góc Suy Gẫm - Mt 9,32-38; thứ Ba, tuần XIV Thường niên


Góc Suy Gẫm - Mt 9,32-38; thứ Ba, tuần XIV Thường niên 
Mùa dịch Covid-19 

1. Chuyện chúng mình: 
 “THẦN Y” VÕ HOÀNG YÊN VỖ TAI CHỮA ĐIẾC, BÁC SĨ NÓI GÌ? 

Trước hiện tượng “thần y” Võ Hoàng Yên dùng kĩ thuật xoa bóp, bấm huyệt, kéo lưỡi chữa câm điếc bẩm sinh, bác sĩ cho rằng không có cơ sở khoa học. 

Dư luận đang xôn xao về sự kiện bà Nguyễn Phương Hằng - vợ “đại gia” Huỳnh Uy Dũng - tố cáo lương y Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Ngoài ra, ông Huỳnh Uy Dũng còn khẳng định, các clip quay cảnh ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh thành công là “đóng phim”. 

Tại Hà Tĩnh, từ năm 2015, địa phương đã tạo điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, “đặc cách” cho "Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên" hoạt động, thu hút đông đảo bệnh nhân. Nhiều gia đình có người thân bị dị tật, bại liệt, chân tay co quắp, bại não, câm điếc bẩm sinh... đã lũ lượt đưa đến trung tâm nhờ ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh, tuy nhiên cơ quan chức năng Hà Tĩnh không ghi nhận trường hợp nào thành công. 

Ông Trần Hữu Trung (xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có con trai bị bại não, chân tay co quắp, bại liệt đã nhiều lần đưa con đến nhờ ông Võ Hoàng Yên xoa bóp, bấm huyệt, nhưng không có kết quả. Một người khác, tên Nguyễn Văn Yên (TP.Vinh, Nghệ An) có con bị dị tật, thần trí không bình thường, bị câm, đã đưa con vào nhờ ông Võ Hoàng Yên kéo lưỡi vài lần, nhưng không có gì biến chuyển. *Trước hiện tượng nói trên, ngày 6.3, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà (Hà Tĩnh) - khẳng định: “Phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên không có cơ sở khoa học, không thể mang lại kết quả”. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh phân tích: Trường hợp bệnh nhân bị điếc, có nhiều nguyên nhân như dị tật, tổn thương cơ quan thính giác, có thể ở tai ngoài (chít hẹp ống tai ngoài, tịt lỗ tai ngoài, không có ống tai ngoài); ở tai giữa (không có tai giữa, hoặc khuyết tật ở các xương con); ở tai trong (khuyết tật ở mê nhĩ, ở cơ quan Corti); ở dây thần kinh thính giác hoặc ở thần kinh trung ương hoặc tổn thương phối hợp nhiều vị trí. 

Đối với mỗi trường hợp, cần khám kĩ lưỡng bằng các thiết bị y khoa hiện đại, tìm đúng nguyên nhân để xác định phương pháp điều trị. Phương pháp điều trị điếc rất khó khăn, phức tạp, nhiều trường hợp y học hiện nay bất lực. Do đó, việc xoa bóp, bấm huyệt, vỗ vào tai có thể chữa lành điếc là hoàn toàn không có cơ sở. “Đối với trường hợp trẻ bại não, điều trị hết sức khó khăn, tốn kém, lâu dài và hiệu quả rất thấp, nhiều trường hợp y học bó tay, việc xoa bóp, bấm huyệt cấp thời không thể có kết quả” -bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh khẳng định. 

Từ thực tế nêu trên, bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh khuyến cáo người dân thận trọng với những lời quảng bá về các “thần y”, “thần dược”, các phương pháp chữa bệnh bí truyền không có cơ sở khoa học, cẩn thận kẻo “tiền mất, tật mang”. Trước đó, ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Phòng Nghiệp vụ y Hà Tĩnh - cho biết, đối với phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên, về khoa học không đánh giá được hiệu quả, dù đã mời các cơ quan chuyên môn về đánh giá, mà chỉ một số người bệnh cho rằng bệnh có bớt một cách cảm tính. 

QUANG ĐẠI 
(Nguồn: https://laodong.vn/ban-doc/than-y-vo-hoang-yen-vo-tai-chua-diec-bac-si-noi-gi-886477.ldo) 

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 9,32-38; thứ Ba, tuần XIV Thường niên) 

Tin mừng chúng ta nghe hôm nay là phần kết thúc các phép lạ kể trong hai chương 8 – 9, đồng thời cũng dẫn vào bài giảng thừa sai ở chương kế tiếp. Hình ảnh dân chúng lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt gợi lên trong sách ngôn sứ Edekiel chương 34, theo đó Thiên Chúa trách cứ các mục tử Israel vô trách nhiệm, bỏ bê đàn chiên Chúa. Người sẽ truất phế họ và đích thân chăn dắt chiên của Người. Đồng thời Người hứa sẽ cho xuất hiện Vị Mục Tử lý tưởng, một Đa Vít mới để chăn dắt chiên. Như thế, hình ảnh này ám chỉ chính Đức Giêsu là vị Mục Tử lý tưởng đó. 

Ít có đoạn Sách Thánh nào trình bày rõ hơn trình thuật này về sự kiện không thể có thái độ trung lập đối với Đức Giêsu. Đây là hình ảnh về hai phản ứng đối với Đức Giêsu, thái độ của đám đông dân chúng kinh ngạc, còn Pharisiêu thì ghen ghét độc hại. Sự thật này bao giờ cũng đúng: điều mắt ta thấy tùy thuộc vào điều lòng ta cảm xúc. Tình cảm trong lòng có thể tô chuốt cho mọi điều mình thấy. Đám đông kinh ngạc nhìn Đức Giêsu, họ là những người đơn sơ mang theo những khát vọng khác nhau và họ thấy trong Đức Giêsu, mọi nhu cầu của họ được thỏa mãn một cách lạ lùng. Đức Giêsu bao giờ cũng mang một vẻ kỳ diệu đối với người cần đến Ngài, nhu cầu càng sâu xa thì Ngài càng tỏ ra thừa sức giải quyết nó cách mau lẹ. 

Các Pharisiêu nhìn Đức Giêsu và bảo Ngài liên minh với quyền lực của ma quỷ. Họ không chống đối được quyền năng lạ lùng của Ngài, nhưng họ cho rằng sở dĩ Đức Giêsu có được nó là do liên minh với quỷ vương. Chắc rằng, một khi họ phán đoán như vậy thì chính là do tâm trí họ chưa thoát được cái bóng của bản thân mình. Họ bị cột chặt vào một lối tư duy cũ kĩ, chật hẹp và không thể thay đổi. Như chúng ta đã thấy, họ luôn luôn cho rằng, không được thêm hoặc bớt đi bất kì một chữ nào trong Lề Luật. Đối với họ, mọi việc trong đời đều đã thuộc về quá khứ, thay đổi một truyền thống hay một quy ước là đáng tội chết. Bất cứ điều gì mới đều sai, đều có vấn đề. Khi Đức Giêsu đến với những giải thích mới mẻ về tôn giáo thật thì họ ghét Ngài như họ đã từng ghét các ngôn sứ xưa kia. 

Họ quá hãnh diện trong sự tự mãn nên không thể thuần phục. Nếu Đức Giêsu đúng thì họ sai. Đức Giêsu không thể làm gì cho một ai đó bao lâu người ấy chưa tuân phục Ngài, cả trong ý chí lẫn trong hành động. Người Pharisiêu tự mãn đến nỗi họ thấy không cần thay đổi, và họ ghét người nào muốn cảm hóa họ, muốn sửa lưng họ. Sự hoán cải là vé vào cửa Nước Trời. Nó có nghĩa là thừa nhận con đường chúng ta đi là sai, chỉ có sự sống trong Chúa và chỉ có tuân phục Ngài, tuân phục chân lý và quyền năng Ngài, chúng ta mới được thay đổi và cứu thoát. 

Họ quá thành kiến nên không thấy, mắt họ đui mù bởi thành kiến và những ý riêng đến nỗi không thể thấy chân lý và quyền năng của Thiên Chúa. Một người biết mình thiếu thốn bao giờ cũng thấy sự kỳ diệu trong Đức Giêsu. Người cố chấp không chịu đổi thay, người kiêu ngạo trong sự công chính riêng đến nỗi không tuân phục, người bị thành kiến làm đui mù đến nỗi không thấy, thì bao giờ cũng phản đối, ghen ghét và tìm cách loại trừ Đức Giêsu. 

Trích đoạn Tin mừng hôm nay còn cho thấy, Đức Giêsu không chỉ trao cho Giáo hội sứ mạng truyền giáo mà Ngài còn là mẫu gương truyền giáo đối với hết thảy chúng ta. Thật thế, người truyền giáo, trước hết, phải là người có bản lãnh, không bao giờ đầu hàng trước bất cứ khó khăn nào. Đức Giêsu trong suốt hành trình rao giảng của mình đã không lùi bước cho dù bị con người chối bỏ, bị những người biệt phái giải thích một cách ác ý, bị khinh thị và thậm chí muốn loại trừ Ngài. Trong hoạt động tông đồ của chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể sẽ gặp những thất bại khi những nỗ lực sống yêu thương của chúng ta không được người khác đón nhận; thế nhưng, không vì thế mà chúng ta bỏ cuộc, đầu hàng hay khoanh tay chờ đón thất bại. 

Kế đến, người truyền giáo phải là người biết ra đi để đến với tha nhân. Đức Giêsu là một người lữ hành rày đây mai đó. Ngài không ngừng đi khắp nơi để rao giảng Tin mừng. Ngài không ngừng đi đến với mọi người, để yêu thương và phục vụ họ. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không ra khỏi con người ích kỷ của mình để đến với tha nhân; nếu chúng ta không chấp nhận hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền của, để đến với anh chị em của mình, nhất là những người bất hạnh, chúng ta sẽ không thể chu toàn nhiệm vụ truyền giáo mà Chúa và Giáo hội giao phó. 

Lạy Chúa, nhân loại ngày nay cần rất nhiều người thành tâm thiện chí để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Xin cho chúng con luôn biết dấn thân cho một thế giới mới, nơi mà mọi người sẵn sàng trao cho nhau ánh mắt trìu mến thay vì những thành kiến, hẹp hòi. Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng con ngọn lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng con thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng. Xin cho những nghĩa cử chúng con trao tặng luôn thấm nhuần tha thứ và yêu thương. 

4. Lời bàn 

- Khi Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng, Ngài chạnh lòng thương. Chữ “chạnh lòng thương” ở đây là splagchnizomai, chữ mạnh nhất của tiếng Hy Lạp để nói về lòng trắc ẩn hay sự cảm thông. Nó được hình thành bởi chữ Splagchna, có nghĩa là bụng, gắn liền với lòng dạ, nơi xảy ra thái độ ấy; nó mô tả lòng thương xót và sự trắc ẩn của một người sâu đến tận đáy lòng. Còn trong tiếng Latin, “misericordia”, thường giải thích theo tầm nguyên được ghép bởi “miserum” và “cor” (trái tim), có nghĩa là: một trái tim biết xúc động trước nỗi khổ của người khác. Đức Giêsu thực sự cảm thương trước nỗi đau đớn của thế gian. Ngài động lòng trắc ẩn đối với người bệnh (Mt 14,14), người mù (Mt 20,34), người ở trong móng vuốt của quỷ dữ (Mc 9,22). Trong cả sự khốn khổ của chúng ta, Ngài cũng chịu khốn khổ. Thấy một người đau khổ, Ngài không thể không ao ước làm giảm nỗi khổ đau của họ. 

- Chúa cảm thương khi thấy sự đau khổ của thế gian. Cảnh người đàn bà góa thành Naim theo sau quan tài đứa con trai ra mộ phần khiến Đức Giêsu xúc động. Ngài đầy lòng cảm thương và thi ân để lau khô giọt lệ khỏi mắt bà. Chúng ta cũng từng rơi lệ khi người thân chúng ta nằm xuống, đó là lẽ tự nhiên. Cái chết của những người thân yêu nhất không chỉ đốn ngã chúng ta ngay khi nó vừa ập đến mà nó còn quẩn quanh bên người ở lại suốt cuộc đời. Đó vừa là sự tiếc thương, vừa là nỗi mất mát không gì thay thế được. Đức Giêsu không chỉ cảm thương cho cảnh mẹ góa con côi mà còn thương cảm cho hết thảy phận người của chúng ta nữa. 

- Chúa cảm thương sự đói khát của thế gian. Cảnh đám đông dân chúng mệt mỏi và đói lả truyền nhịp rung động đến trái tim nhân hậu của Đức Giêsu. Ngài cũng muốn Kitô hữu chúng ta hành xử như thế, nghĩa là đừng ai có thể bằng lòng để mình có quá nhiều trong khi kẻ khác lại quá thiếu thốn. Ngoài ra, Chúa còn cảm thương sự cô đơn của thế gian. Cảnh người phong cùi bị xua đuổi ra khỏi xã hội loài người, sống một cuộc đời chết dần chết mòn trong hiu quạnh đã khơi gợi lòng thương xót và quyền năng khiến Ngài ra tay cứu giúp. Cả bạn và tôi đều có chung bài học ở điểm này: Chúa thì muốn thâu tập lại, còn chúng ta lại muốn “xua đuổi” những người không “hợp cạ” với mình. 

- Chúa cảm thương sự bối rối của thế gian. Điều gây thổn thức lòng Đức Giêsu trong lúc này là dân chúng đang tha thiết trông mong Thiên Chúa, nhưng các kinh sư và Pharisiêu, tư tế và Sa đốc, những cột trụ của tôn giáo chính thống vào thời đó, chẳng có gì để giúp họ. Các thầy dạy không hướng dẫn, an ủi hoặc thêm sức gì cho họ được. Những chữ mô tả trạng thái của đám đông dân chúng rất linh động. Chữ chúng ta dùng để dịch sự cùng khốn bơ vơ hay lầm than vất vưởng là Eskulmenoi. Nó mô tả một thi thể bị lột da và bị xẻo từng miếng; một người bị cướp bóc bởi những kẻ hung tàn; bị làm khổ bởi những người không có lòng thương xót hay bị đối xử xấc xược vô cớ; một người mệt mỏi rã rời bởi cuộc hành trình dường như dài vô tận. Còn kẻ bị ruồng bỏ hoặc sống bơ vơ được dịch từ chữ Errimmenoi, có nghĩa là nằm phủ phục. Nó mô tả một người say mềm, nằm sõng soài hoặc người nằm liệt vì những vết thương chết người. Thực ra, không phải dân chúng bơ vơ tới độ không có người chăn dắt, nhưng những mục tử được sai phái tới không lo chu toàn phận vụ của mình, không cất bớt gánh nặng mà trái lại còn khiến cho dân rơi vào cảnh sức cùng lực kiệt. Chúng ta như nhận ra những kẻ đói khát và bệnh tật xuất hiện trước mắt Đức Giêsu trong bộ dạng yếu ớt đến nỗi không còn sức giơ cao cánh tay lên để gọi mời sự cứu giúp. Rõ ràng ở đây, lòng thương cảm là một nhẽ, nó còn cần có một trái tim thực sự nhạy bén thì mới có khả năng đọc vị được những gì đang xảy ra trước mắt mình. Quả vậy, các môn đệ nhìn mà không thấy, ngoại trừ Đức Giêsu. 

- Các lãnh tụ Do Thái đáng lẽ phải cho người ta sức lực để sống, thì lại là những kẻ khiến họ bối rối, lúng túng với những lý luận khôn khéo về luật; cũng có nghĩa là không cứu giúp, không an ủi gì được. Đáng lẽ phải giúp đỡ con người đứng thẳng lên, họ lại khiến con người ta khòm xuống dưới gánh nặng không dung tha của luật. Họ đã cống hiến một thứ tôn giáo chỉ làm cản trở thay vì giúp đỡ cho người dân. Chúng ta cần nhớ, Kitô giáo tồn tại không phải làm nản lòng mà là để khích lệ, không phải để chất thêm gánh nặng đè người xuống mà để nâng đỡ, chấp cánh cho con người bay lên. Chính vì điều này mà khi dùng hình ảnh “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít”, Đức Giêsu muốn chúng ta ý thức về tình trạng dân chúng và về sự nghiệp thiết lập Triều đại Thiên Chúa. Đây là một trong những điều đặc sắc nhất mà Đức Giêsu từng nói. Chúa và các thủ lãnh tôn giáo chính thống thời đó nhìn đám quần chúng bằng những quan điểm hoàn toàn khác biệt. Pharisiêu coi đám thường dân như trấu phải đem đi thiêu đốt; còn Đức Giêsu coi họ như mùa màng cần gặt hái và cần được cứu chữa. Pharisiêu kêu ngạo trông đợi sự hủy diệt tội nhân; còn Đức Giêsu bởi tình thương, bằng lòng chết để tội nhân được cứu thoát và được sống. 

- Đức Giêsu lo chuẩn bị một nhóm môn đệ thay thế các mục tử bất lực để cộng tác vào công cuộc Người đang thực hiện. Người đặc biệt lưu ý tới chuyện cần phải có thêm thợ gặt trong đồng lúa của Thiên Chúa. Qua sự việc này, Đức Giêsu còn cho thấy trách nhiệm của mọi người môn đệ là phải cầu nguyện cho nhu cầu đó. Lời Chúa còn hàm ý rằng, người ta được sai đi trực tiếp cộng tác vào công việc rao giảng Tin Mừng là một hồng ân của Thiên Chúa. Cầu nguyện thôi thì cũng chưa đủ, một người có thể nói: mỗi ngày tôi sẽ cầu nguyện xin Nước Chúa mau đến. Ở đây cũng như trong nhiều việc khác, cầu nguyện mà không có việc làm thì chỉ cho thấy một đức tin đang thoi thóp chờ chết mà thôi. Mong muốn của Đức Giêsu là mỗi người phải là thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo. Có người không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện, vì cuộc sống đã đặt họ trong sự bất lực và lời cầu nguyện của họ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người có khả năng ra đi. Nhưng đó không phải là con đường dành cho hầu hết mọi người vì chúng ta có thân thể tráng kiện và tâm trí minh mẫn. 

- “Phương pháp điều trị điếc rất khó khăn, phức tạp, nhiều trường hợp y học hiện nay bất lực. Do đó, việc xoa bóp, bấm huyệt, vỗ vào tai có thể chữa lành điếc là hoàn toàn không có cơ sở”. Đó là nhận định của những người có chuyên môn về căn bệnh câm điếc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này; chính vì thế, khoa học dù cho đã phát triển vượt bậc vẫn ngậm ngùi bó tay trong rất nhiều trường hợp. Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều người tự nhận mình có khả năng chữa được bệnh câm điếc dựa vào những cách thức lạ đời. Điều thú vị lại xuất phát từ những đồn đoán quanh việc chữa bệnh của “lương y” Võ Hoàng Yên. Người ta rỉ tai nhau về việc ông dùng bùa ngải Thiên Linh Cái để chữa bệnh, nhưng thực chất là mượn thế lực ma quái để dẫn dụ và lường gạt người khác, nhất là những người nghèo. Publilius Syrus từng nói: “Niềm an ủi của những người bất hạnh là có kẻ cùng khổ như mình”. Đức Giêsu thực sự trở thành nguồn an ủi cho những kẻ bất hạnh. Ngài không chỉ đem lại hạnh phúc cho người bị quỷ câm ám, nhưng còn với bất cứ những ai gặp cảnh khốn quẫn mà biết chạy đến với Ngài. Nếu như “lương y” Võ Hoàng Yên nại đến bùa chú để “móc túi” người khác mà chẳng thể chữa cho lành bệnh thì ngược lại, Đức Giêsu có thể đẩy lùi bệnh tật và tiễu trừ ma quỷ bằng quyền năng của chính Ngài. Nếu ai đó vì muốn được vinh thân phì gia mà chấp nhận lừa lọc niềm tin của người khác thì ngược lại, Đức Giêsu vì yêu mến người khổ đau bệnh tật mà chấp nhận mòn hao đến cả xác thân mình. Đó chẳng phải là bài học mà Thầy Giêsu đã nêu gương sáng và mời gọi chúng ta dõi bước theo Ngài sao? 

Viết Cường, O.P.

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1199,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4608,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Suy Gẫm - Mt 9,32-38; thứ Ba, tuần XIV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 9,32-38; thứ Ba, tuần XIV Thường niên
Góc Suy Gẫm - Mt 9,32-38; thứ Ba, tuần XIV Thường niên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgb74AYFUlD7LmzvpgQREPtV7su2aAQflmlYqN_ab6qUmDCLxq1z2FwbFIA6Z0Qm9Wp7X9UTK5ogqOqkzYZ1F9B1jj7RhxuZtJ-zx0isFM_D7qJab-_2hHeuRCEdpGdH8Ehpu4FZBns3fc/w735-h421/OP.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgb74AYFUlD7LmzvpgQREPtV7su2aAQflmlYqN_ab6qUmDCLxq1z2FwbFIA6Z0Qm9Wp7X9UTK5ogqOqkzYZ1F9B1jj7RhxuZtJ-zx0isFM_D7qJab-_2hHeuRCEdpGdH8Ehpu4FZBns3fc/s72-w735-c-h421/OP.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-932-38-thu-ba-tuan-xiv.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2021/07/goc-suy-gam-mt-932-38-thu-ba-tuan-xiv.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content