Một Đời Hiến Thân - Lâm Giang - Giải Khuyến Khích - Thể Loại Truyện Ngắn

"Thánh
lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an!”
Lời chúc
lành cuối lễ đánh thức giấc ngủ trộm của cha cố bên tòa giải tội. Cha tháo
kính, ló đầu nhìn ra bên ngoài, thấy không còn ai, cha mới đứng dậy trở về
phòng. Đã nhiều năm nay, sớm tối ngày hai lần, cha vẫn cứ đi đều đặn như vậy
trên con đường lót gạch tàu nối hành lang nhà thờ qua nhà xứ. Vừa xong Thánh lễ sáng, giáo dân ra về gần hết, bầu khí của giáo đường trở lại sự tĩnh lặng vốn có. Bây giờ
mới là lúc hừng đông, khoảnh khắc đẹp nhất trong
ngày. Một làn gió đủng đỉnh lướt qua hái mấy bông cau trắng thả rơi trên vai áo chùng thâm đã bạc
màu của cha già; sương đêm vẫn còn vương vấn quanh mấy tán
cây. Chân trời đằng đông rực lên thứ ánh sáng hồng hào, đặc quánh như màu lòng đỏ trứng gà. Cha vừa đi vừa
chăm chú ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, phóng tầm mắt bao trùm lên tất cả; rồi
lại xoáy sâu ánh nhìn vào từng chùm hoa còn e ấp sương khuya, tưởng chừng đang
còn ngái ngủ. Mấy chục năm ở đây, từng hòn sỏi trên sân, từng cành cây, ngọn cỏ
cha đều thân thuộc, dù có nhắm mắt, hình ảnh của chúng vẫn in rõ mồn một trong
tâm trí. Nhưng sáng nay tất cả cảnh vật ấy trở nên rất đặc biệt, cha già nhìn
chúng như sẽ không bao giờ được nhìn nữa.
Cha bước vào
phòng. Ngồi xuống. Từ tốn rót chén trà. Chợt có cơn gió nhẹ nhàng thoảng qua
mái đầu điểm hoa râm, gió làm vang lên tiếng lanh canh thanh nhã của chiếc
chuông gió đã xỉn màu treo bên ô cửa sổ. Ký ức về chiếc
chuông gió hơn ba mươi năm trước ùa về. Đó là món quà cô em gái mang đến, tự
tay treo lên cửa sổ với lời nhắn nhủ: anh hai ở một mình, chắc sẽ có những lúc
cảm thấy buồn, có chiếc chuông gió, thỉnh thoảng gió thổi, chuông rung, vui cửa vui nhà. Mà em thấy
con người ta cũng cần giữ miệng lưỡi mình như chuông gió. Chỉ nên nói những tiếng nhẹ nhàng, êm ái, dễ nghe, tiếng
khiến
lòng người tươi mát, khơi lên niềm hi vọng. Không ai ngờ đó là những câu nói cuối cùng vì cô
không may gặp tai nạn trên đường trở về nhà. Từ
ngày ấy, cha vẫn để chiếc chuông gió ở đó như lời nhắc nhớ về một thứ tình cảm thiêng
liêng ruột thịt dành cho em mình, không phai mờ nhưng luôn giấu kĩ ở một góc
khuất trong tim. Ít năm sau sự ra đi đột ngột của
con gái, ông bà cố cũng lần lượt nhắm mắt xuôi tay sau khi lãnh các phép cuối cùng do chính tay của con trai mình. Dường như mảng
hồi ức gia đình trong cha giờ chỉ còn vỏn vẹn thế. Bởi sau đó, cha dành tất cả
tâm trí để nhớ những công việc phải làm cho xứ đạo, nhớ tên từng con chiên của
mình, nhất là những con chiên lạc xa đàn, nhớ những mảnh đời đang vắt vẻo đâu
đó ngoài kia chờ bàn tay cha đến đỡ nâng.
Mấy chục năm
qua ngày nào cũng nghe tiếng chuông gió leng keng trước cửa sổ đã thành thói
quen, chuông gọi gió đến làm dịu mát bao bức bối mệt mỏi, nó gợi lên trong cha
những lời dạt dào ý nghĩa cho bài giảng sớm mai. Nó nhắc cha nói sao để người
nghe khỏi phiền lòng như lời nhắn nhủ cuối cùng của em gái. Nhưng hôm nay, sao tiếng chuông gió cứ làm cha thấy đau đáu trong lòng.
Có tiếng bước
chân ngoài cửa, chỉ cần nghe âm thanh cha cũng biết chắc là Nghiêm. Cha Nghiêm vừa
được bổ nhiệm về làm chánh xứ hai tháng nay, một linh mục trẻ tuổi, đức độ, và
tận tụy với công việc. Nghiêm bước vào phòng, lễ phép thưa:
-Thưa
cha cố, cha còn đồ đạc gì nữa không, để con chuyển giúp cha ạ?
-
Cảm ơn cha xứ, con chỉ có mấy cái túi thôi.
-
Vậy cha còn cần thêm thứ gì nữa không ạ?
-
Thôi thôi, con có đủ cả rồi, cảm ơn cha.
-
Hay cha để con gọi cho cha chiếc taxi, chứ ai lại để cha đi xe ba gác.
Cha
cố nhíu mày, xua xua bàn tay.
-
Cha cứ để con đi xe anh Bảy, xe nào cũng là xe cả.
Nói rồi, cha
cố thủng thẳng bước đến ngồi xuống trên bộ bàn ghế gỗ đặt ngay gần cửa sổ, từ tốn
rót trà. Đôi tay gầy lấm tấm những vết đồi mồi, không còn nhanh nhẹn nhưng cử chỉ
vẫn gọn gàng, chính xác. Chắc bởi vì cả mấy
chục năm trời ở đây, ngày nào cha cũng ngồi rót trà như vậy, thành thói quen. Hai
linh mục, một già một trẻ, ngồi đối diện nhau, cùng nhấp chén trà, cùng chìm
trong dòng suy nghĩ riêng tư. Cha xứ cảm thấy có cái gì xao xuyến trong lòng trước
sự ra đi của cha già. Chút thương thương cho cuộc đời người
thợ gặt miệt mài trên cánh đồng nay đến lúc chân mỏi gối chùn. Chỉ mới về xứ ít
lâu, Nghiêm chưa kịp có được tình cha con thân tình với bậc tiền bối. Nhưng
ngay từ những ngày đầu, Nghiêm đã học được nhiều điều từ cuộc sống của cha già.
Cha nói ít nhưng nói đầy đủ và chính xác, tất cả mọi việc lớn nhỏ trong xứ
Nghiêm đều được cha hướng dẫn bằng cách gọn gàng nhất, cung cấp thông tin chỉ vừa
đủ nhưng cần thiết và không sai chạy một li. Cha cũng thích nuôi chim chóc, trồng
cây cối nhưng tuyệt nhiên không xem bất cứ thứ gì là của riêng, tất cả đều là
tài sản chung của nhà xứ, cha vẫn nói mình chỉ là người coi sóc, giữ gìn. Điều
duy nhất làm Nghiêm thắc mắc chính là cách chi tiêu của cha già, cha quen giới
hạn đến mức tối thiểu các chi tiêu lớn nhỏ cho chính mình và của cả xứ, cha cũng
từ chối tất cả những quà cáp giáo dân dâng tặng. Đôi lúc sự tiết kiệm của cha
làm Nghiêm khó hiểu, thi thoảng cũng thấy có ít người nhỏ to phàn nàn rằng cha
già cổ hủ, ki bo. Một số khác lại nói cha già sống như thế nên cả đời chẳng xây
dựng được công trình nào cho giáo xứ, mấy chục năm trời nhà thờ vẫn chưa đủ khả
năng để cơi nới, nâng cấp, trong khi đó các xứ lân cận nay xây mai sửa. Còn với
cha già, việc chuyển về nhà hưu dưỡng của Giáo phận, Giáo xứ có cha xứ mới đều nằm
trong ý định của cha, mọi công việc đều đã được sắp xếp xong xuôi. Tưởng chừng
Cha sẽ an nhiên mà ra đi, vậy mà sao vẫn có một nỗi bâng khuâng, chếnh choáng
khó hiểu trong lòng.
Không gian
tĩnh lặng bị quấy nhiễu bởi tiếng lụp bụp của chiếc ba gác cũ kĩ. Chú Bảy nhanh
nhẹn xuống xe, vui vẻ chào hỏi hai cha rồi hăng hái xách đồ lên xe chở cha già
đi tĩnh tâm như lời cha nói mà không hề hay biết gì. Cha căn dặn Nghiêm phải
tuyệt đối giữ kín chuyện cha chuyển về nhà hưu dưỡng. Cha nói không thích lễ lạc
rườm rà, càng không thích nghe những bài diễn văn sướt mướt. Nghiêm có thuyết
phục thế nào thì cha già vẫn cũng cứ dùng cách cũ mà hiệu quả nhất: thủng thẳng
ngồi xuống rót tách trà rồi mới tiếp tục câu chuyện. Cha xứ đành phải chiều ý để
ngài ra đi trong âm thầm. Trước khi lên xe, cha rút trong túi áo ra một chiếc
phong bì, cẩn thận đặt vào lòng bàn tay Nghiêm, dặn phải mang về đọc thật kĩ. Chiếc
xe ba gác chuyển bánh, mang theo cha già ung dung ngồi trên đó. Mặt trời đang
phủ những tia nắng đầu tiên lên mái ngói đỏ của giáo đường. Trên cành chim chóc
vẫn líu lo cất tiếng hót gọi nhau. Chiếc chuông gió không ngừng vang lên những
khúc nhạc dịu dàng. Cha rời giáo xứ trong một ngày như thế, người ra đi hồn
nhiên, cảnh vật hồn nhiên, người ở lại cũng hồn nhiên vì chẳng ai hay biết gì.
Ít ngày sau,
giáo dân cũng phát hiện lí do vắng bóng cha già. Người ta xôn xao bàn tán với
nhau. Các cụ rủ rỉ nhắc nhau những câu chuyện về cha, mấy đứa trẻ con ngẩn ngơ
tìm cha cố hay cho chúng cái kẹo ngọt, đám thanh niên nhao nhác vì thiếu cha
già kiên nhẫn chờ họ nơi tòa giải tội. Nhưng người ta còn được dịp bàn tán với
nhau nhiều hơn, khi chỉ một tháng sau đó, cha xứ mới bắt đầu công việc khởi
công tôn tạo lại ngôi thánh đường. Giáo xứ nhộn nhịp hẳn lên, người người nói
nói cười cười rộn rã, tiếng xe tải đổ vật liệu làm huyên náo cả một góc trời. Người
ta hồ hởi, hăng hái với công trình chung, một niềm vui chưa từng có nơi giáo xứ
nhỏ bé thuộc vùng ngoại ô này. Giáo dân hết lời khen ngợi cha xứ mới giỏi
giang, bản lĩnh.
Buổi tối nọ,
ngồi uống trà một mình nơi gian phòng cũ của cha già, cha Nghiêm mở chiếc phong
bì cũ đọc đi đọc lại bức thư cha già gửi trước lúc đi.
“Kính
thưa cha xứ,
Tôi rất mừng
vì giáo xứ có được người chủ chăn mới trẻ trung, nhiệt tâm và đầy bản lĩnh như
cha. Vì nhiều lí do tôi đã ở lại chăm sóc xứ đạo trong rất nhiều năm. Nay tre
già măng mọc, tôi tin tưởng gửi lại sứ vụ Giáo hội trao cho cha. Tôi chỉ còn một
điều chưa thực hiện được là sửa sang lại nhà thờ cho khang trang, xứng đáng
hơn. Tôi gửi lại cha cuốn sổ tiết kiệm, nó là tất cả những gì tôi tích góp sau nhiều
năm để cha không phải đi vay mượn, nhờ vả ai cả, xin cha dùng tất cả cho việc
xây dựng. Nguyện xin Chúa chúc lành cho cha và công việc cha thực hiện.”
Lá thư vỏn vẹn
chỉ có mấy chữ nhưng đã làm vỡ ra trong tâm hồn linh mục trẻ nhiều điều. Cha Nghiêm
làm tất cả theo như ý định của vị tiền bối.
Gấp thư lại, Cha Nghiêm nhìn ra ô cửa sổ. Một làn gió ùa đến. Gió làm chiếc chuông ngân lên một
bản nhạc nhẹ nhàng giữa trời đêm thanh vắng. Cha Nghiêm nhắm mắt tưởng tưởng đời
mình tựa chiếc chuông gió, một thanh âm của Chúa: không ồn ào, hoành tráng
nhưng tinh tế, nhẹ nhàng mà làm lòng người dịu mát. Ở một ô cửa sổ khác, cha
già cũng nhìn ra bầu trời đêm, nơi có hàng vạn ngôi sao đang đua nhau nhấp
nháy. Cha cũng nghe có tiếng chuông gió văng vẳng bên tai. Ngoài vườn có chiếc
tàu cau khô rơi xuống đất sau bao ngày che chở cho buồng cau kết trái. Để rồi sớm
mai này người ta sẽ nhìn thấy buồng cau tươi non mơn mởn, đầy tràn sức sống
trong ánh nắng của buổi bình minh.
Lâm Giang
Tác giả: Maria Nguyễn Thị Hồng Lài
Học
viện Têrêsa Avila - Dòng Đa Minh Gò Vấp (Lạng Sơn)
Tác phẩm đạt giải Khuyến khích - thể loại
truyện ngắn
Cuộc thi Sáng tác Văn hóa – Nghệ thuật Đất
mới 2019 của Giáo phận Xuân Lộc
COMMENTS